Suy buồng trứng là gì?
Suy buồng trứng là tình trạng chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất trứng. Khi buồng trứng ngừng hoạt động, người phụ nữ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản. Suy buồng trứng khiến việc sản xuất các hormone như estrogen và progesterone bị ngừng lại. Đây là những hormone có vai trò quan trọng đối với nữ giới, góp phần phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự thụ thai.
Suy buồng trứng là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm đời sống tình dục và cản trở khả năng sinh sản ở nữ giới. Theo bác sĩ Huỳnh Kha ”Thông thường phụ nữ bước vào độ tuổi sau 40 mới có những dấu hiệu về suy buồng trứng. Tuy nhiên những thống kê gần đây cho thấy có không ít trường hợp phụ nữ ở độ tuổi 30 thậm chí là 20 đã có dấu hiệu suy buồng trứng. Những trường hợp như vậy thường được gọi là
suy buồng trứng sớm.” (
1)
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào được đánh giá có thể hồi phục hoạt động bình thường của buồng trứng, việc điều trị chỉ có thể điều trị triệu chứng của bệnh. Nếu chị em có những dấu hiệu cảnh báo suy buồng trứng cần đến những cơ sở y tế có chuyên khoa Sản hoặc chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản để được bác sĩ thăm khám và đưa ra những phương án điều trị hiệu quả, phù hợp với tình trạng của bản thân.
Biểu hiện suy giảm buồng trứng
Dấu hiệu của suy giảm buồng trứng thường là
kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh ngắn hơn,
rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài hoặc
kinh nguyệt bị trễ, lượng máu kinh ít hơn, màu sắc kinh nguyệt có sự thay đổi. Bên cạnh đó suy giảm buồng trứng cũng có những dấu hiệu tương tự
thời kỳ mãn kinh như: (
2)
- Hay mất ngủ giữa đêm, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn;
- Giảm nhu cầu và ham muốn tình dục, một số chị em có xu hướng né tránh chuyện giường chiếu;
- Da có dấu hiệu nhăn, bớt đàn hồi, ngực nhão và xệ, tóc dễ gãy rụng;
- Giảm sút về trí nhớ;
- Âm đạo khô, không tiết đủ chất nhờn để bôi trơn khi quan hệ, dễ bị đau rát khi giao hợp;
Bên cạnh đó, tình trạng suy buồng trứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiết ra các hormone sinh dục như estrogen dẫn đến một số vấn đề đối với sức khỏe như tăng cảm giác lo âu, mắc các bệnh lý về tuyến giáp, xương khớp, tim mạch…
Đau bụng dưới, đau khi hành kinh, đau vùng tiểu khung có thể là dấu hiệu của suy buồng trứng.
Nguyên nhân gây suy giảm chức năng buồng trứng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng, các vấn đề này có thể đến từ tuổi tác, bệnh lý, di truyền….
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ càng suy giảm cho đến khi họ bước vào thời kỳ mãn kinh. Độ tuổi càng cao quá trình sụt giảm này diễn ra càng mạnh mẽ.
- Thay đổi nhiễm sắc thể: là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy buồng trứng. Bệnh nhân mắc một số rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể như mắc hội chứng Turner hay hội chứng Fragile X đều có nguy cơ bị suy buồng trứng sớm hơn so với người bình thường.
- Hóa trị, xạ trị là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng suy buồng trứng. Liệu pháp này trong điều trị ung thư thường gây tổn thương đến vật liệu di truyền trong tế bào.
- Bệnh tự miễn: bệnh tự miễn xảy ra khi các tế bào của hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể để chống lại mô buồng trứng và gây hại và làm hỏng các nang trứng.
- Nguyên nhân không xác định: một số trường hợp suy buồng trứng không tìm ra được nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm, và phương pháp để chẩn đoán nguyên nhân.
- Giảm cân quá mức cũng là một trong những nguyên nhân gây suy buồng trứng, việc giảm cân quá mức sẽ khiến rối loạn chức năng thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết của các hormone trong cơ thể có thể gây nên tình trạng suy buồng trứng.
- Căng thẳng kéo dài: nếu tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người phụ nữ. Điều này cũng ảnh hưởng xấu lên việc sản xuất và điều tiết hormone trong cơ thể, làm gián đoạn và suy giảm chức năng buồng trứng.
- Phẫu thuật hay tác động đến buồng trứng đều làm tổn thương các mô buồng trứng, điều này gây giảm số lượng trứng trên buồng trứng và có thể dẫn đến suy buồng trứng.
Người bệnh điều trị hóa trị ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng.
Suy buồng trứng có nguy hiểm không?
Suy buồng trứng được xem là nỗi ám ảnh của chị em, tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sinh lý của người phụ nữ. Phụ nữ bị suy buồng trứng còn tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý toàn thân bao gồm tim mạch, loãng xương, rối loạn lipid… (
3)
Trong một số trường hợp, phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng vẫn có thể sinh con tự nhiên, tuy nhiên tỷ lệ này không cao. Nhiều phụ nữ suy buồng trứng lựa chọn sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh trước khi buồng trứng cạn kiệt dần. Bên cạnh đó, với những phụ nữ độc thân hoặc người chưa có ý định sinh con ở thời điểm hiện tại gặp tình trạng suy buồng trứng có thể cân nhắc đến phương pháp trữ đông trứng để giúp bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Theo bác sĩ Huỳnh Kha “Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào có thể đảo ngược quá trình suy giảm của buồng trứng và cải thiện số lượng trứng trên buồng trứng. Phụ nữ lớn tuổi đối mặt với việc chất lượng và số lượng trứng sẽ giảm dần và buồng trứng sẽ ngừng hoạt động khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Vì vậy nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu suy buồng trứng hoặc muốn kiểm tra
chỉ số dự trữ buồng trứng, chị em nên đến thăm khám ở những chuyên khoa có bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ hỗ trợ sinh sản để được kiểm tra và có những chỉ định phù hợp đối với nguyện vọng và sức khỏe của mình.”
Phương pháp chẩn đoán
Hiện nay, chẩn đoán có thể thực hiện bằng hai
xét nghiệm suy buồng trứng quan trọng là xét nghiệm kiểm tra FSH và xét nghiệm Estradiol. Bên cạnh đó, để giúp chẩn đoán thêm các nguyên nhân gây tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm để kiểm tra nhiễm sắc thể.
1. Xét nghiệm kiểm tra nồng độ FSH
FSH được biết đến là một hormone được sản xuất từ thùy trước của tuyến yên trong não bộ. Ở nữ giới, hormone này có vai trò giúp kích thích phát triển noãn bào và đây cũng là một phần của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Xét nghiệm FSH sẽ cho biết tình trạng các nang trứng ở trong buồng trứng cũng như có những báo hiệu để biết về thời gian rụng trứng. Đặt biệt ở giai đoạn hoàng thể thì hormone này giúp kích thích sản xuất ra progesterone và điều tiết quá trình sinh sản lượng FSH.
2 .Xét nghiệm Estradiol
Estradiol được biết đến là một dạng của hormone estrogen và được sản xuất bởi buồng trứng, vú và tuyến thượng thận. Trong chu kỳ kinh nguyệt, khi FSH kích thích các nang noãn chưa trưởng thành phát triển thì khi các nang noãn này phát triển sẽ tiết ra estradiol, theo đó vùng dưới đồi và tuyến yên sẽ bị tác động và giải phóng ra hormone GnRH và LH để thúc đẩy sự rụng trứng.
Trường hợp phụ nữ bị suy buồng trứng sẽ bị giảm đáp ứng hoặc không đáp ứng với kích thích của FSH vì vậy estradiol sẽ không được tiết ra. Kiểm tra xét nghiệm estradiol với phụ nữ có biểu hiện suy buồng trứng sẽ có nồng độ hormone estradiol ở trong máu thấp hơn bình thường.
3. Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể
Bên cạnh hai xét nghiệm trên thì bác sĩ có thể chỉ định người phụ nữ thực hiện thêm các xét nghiệm về NST để kiểm tra các nguyên nhân gây nên tình trạng suy buồng trứng.
Khách hàng điều trị tại IVFTA được tiến hành lấy máu ngay tại trung tâm.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị suy buồng trứng phụ thuộc vào lứa tuổi, mong muốn có con trong tương lai của người phụ nữ. Đối với phụ nữ lớn tuổi, việc suy giảm buồng trứng diễn tiến như một quá trình tự nhiên của lão hóa. Tuy nhiên người phụ nữ cần nên thăm khám để bác sĩ tư vấn và có phác đồ điều trị những ảnh hưởng của suy buồng trứng với cơ thể. (
4)
Đối với trường hợp phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng, điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người nữ cũng như đời sống sinh hoạt vợ chồng và chức năng sinh sản. Phụ nữ bị suy buồng trứng đối mặt với việc suy giảm khả năng sinh sản do số lượng trên buồng trứng ngày càng cạn kiệt, thậm chí trứng không sản sinh và phóng noãn để thụ tinh vì vậy dẫn đến nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
Trường hợp phụ nữ ở độ tuổi dưới 40 và có các dấu hiệu cảnh báo suy buồng trứng như rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa, ít, bốc hỏa, nóng đầu, hay cáu gắt, mất ngủ… đừng trì hoãn việc thăm khám mà đến ngay các bệnh viện có chuyên khoa Sản khoa hoặc Hỗ trợ sinh sản để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
Việc điều trị suy buồng trứng hiện nay sẽ điều trị hạn chế các biến chứng của bệnh. Với chị em có nhu cầu điều trị để sớm có con, hoặc mong muốn bảo tồn được khả năng sinh sản trong tương lai có thể liên hệ các bác sĩ hỗ trợ sinh sản để được tư vấn điều trị.
Trường hợp chị em bị suy buồng trứng khi điều trị hỗ trợ sinh sản có thể cần gom trứng 1-2 chu kỳ để thu được số lượng trứng mong muốn. Tuy nhiên, mỗi người bệnh sẽ có những đáp ứng về thuốc kích thích buồng trứng khác nhau nên việc điều trị sẽ được cá thể hóa để mang lại lợi ích tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, có một số phương pháp được áp dụng để bảo tồn khả năng sinh sản của người phụ nữ như trữ lạnh mô buồng trứng, trữ đông phôi hoặc trữ đông noãn… Hiện nay với sự phát triển của y học, các kỹ thuật đông lạnh mô, phôi và giao tử đã được hoàn thiện để đảm bảo tỷ lệ sử dụng được sau rã của các mẫu lưu trữ ở mức cao.
Trường hợp chị em bị suy buồng trứng không có nhu cầu mang thai có thể điều trị bằng các phương pháp như sử dụng liệu pháp hormone hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
Trữ lạnh phôi, noãn là phương pháp hiện đại giúp bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Cách phòng ngừa suy giảm chức năng buồng trứng
Việc phòng ngừa suy buồng trứng là mối quan tâm thường trực của nhiều chị em. Tình trạng suy buồng trứng không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa việc buồng trứng suy giảm vì vậy chị em nên quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, khi có những triệu chứng cảnh báo suy buồng trứng như kinh. Bên cạnh đó một số thay đổi về lối sống cũng có tác động tích cực đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ như:
- Luôn tích cực, lạc quan, hạn chế việc quá căng thẳng, mệt mỏi trong một thời gian dài;
- Chế độ dinh dưỡng với đủ nhóm chất, ăn nhiều trái cây, rau củ, hạn chế các đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Chị em nên bổ sung thêm vitamin, canxi, các khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề ở hệ thống sinh sản.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp có thể hồi phục chức năng của buồng trứng, vì vậy việc thăm khám kịp thời sẽ giúp phụ nữ suy buồng trứng sớm chủ động trong phương án điều trị trong tương lai.
IVF Tâm Anh quy tụ đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, tay nghề cao cùng với trang thiết bị tối tân có thể thực hiện thành công cao với nhiều kỹ thuật hiện đại giúp vợ chồng hiếm muộn hoàn thành giấc mơ làm cha mẹ.
️Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh hiện đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ IVF thành công. Điều trị hiệu quả các bệnh lý vô sinh nam nữ như phụ nữ bị buồng trứng đa nang, người có
dự trữ buồng trứng thấp, lớn tuổi đi kèm nhiều bệnh lý, mong con nhiều năm, thất bại chuyển phôi nhiều lần, được chỉ định xin trứng, xin tinh trùng, mang thai hộ ở các trung tâm trước đó…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Suy buồng trứng là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có thể cướp đi thiên chức làm mẹ của nhiều phụ nữ. Việc phát hiện sớm và có những biện pháp điều trị sẽ giúp chị em cải thiện chất thượng cuộc sống, bảo tồn khả năng làm mẹ. Vì vậy nếu có những dấu hiệu cảnh báo suy buồng trứng, chị em nên đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám.