Tìm hiểu về mãn kinh và mãn kinh sớm
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp bình thường ở phụ nữ, đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn của kinh nguyệt và phản ánh sự suy giảm chức năng dự trữ của buồng trứng. Bước vào thời kỳ mãn kinh, buồng trứng sẽ ngừng hoạt động, ngừng sản xuất nội tiết tố, vì thế phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản. (
1)
Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự chấm dứt kinh nguyệt và suy giảm dự trữ buồng trứng ở phụ nữ
Mỗi người phụ nữ sẽ bắt đầu thời kỳ mãn kinh khác nhau, trung bình rơi vào khoảng 45-55 tuổi. Thế nhưng, hiện nay nhiều trường hợp phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh sớm trước 45 tuổi (early menopause) hoặc mãn kinh quá sớm trước 40 tuổi (premature menopause). Một số trường hợp mãn kinh sớm khó có thể xác định nguyên nhân cụ thể, nhưng đôi khi có thể xuất phát từ những yếu tố sau:
1. Di truyền
Nguyên nhân gây mãn kinh sớm đầu tiên phải kể đến là yếu tố di truyền. Nếu gia đình có mẹ, dì hoặc chị em gái ruột bị mãn kinh sớm, khả năng chị em sẽ gặp điều tương tự.
2. Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể
Một số khiếm khuyết hoặc rối loạn nhiễm sắc thể cũng có thể dẫn đến tình huống mãn kinh sớm. Chẳng hạn như nữ giới mắc phải hội chứng Turner (hội chứng đơn nhiễm sắc thể X) sẽ bị rối loạn chức năng buồng trứng, điều này dẫn đến thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm hơn bình thường.
3. Hút thuốc lá
Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có thói quen hút thuốc lá thường xuyên có khả năng khởi phát thời kỳ mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc từ 1 đến 2 năm. Ngoài ra, các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ hút thuốc lá cũng sẽ nặng nề hơn. (
2)
Thói quen hút thuốc lá thường xuyên có thể khiến phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường
4. Bệnh tự miễn
Mãn kinh sớm có thể là kết cục của các bệnh tự miễn như bệnh tuyến giáp, cường giáp, thấp khớp, Addison… Đây là tình huống hệ miễn dịch nhầm lẫn một phần trong cơ thể, chẳng hạn như buồng trứng là kẻ xâm lấn nên bắt đầu tấn công bộ phận này. Kết quả, buồng trứng bị tác động có thể ngừng hoạt động khiến chị em bắt đầu thời kỳ mãn kinh ngay lập tức.
5. Phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng và tử cung
Những trường hợp phẫu thuật cắt tử cung nhưng bảo tồn buồng trứng sẽ không gây ra mãn kinh. Mặc dù không còn kinh nguyệt, nhưng buồng trứng vẫn còn hoạt động, tạo ra noãn và sản sinh các loại hormone sinh sản quan trọng là Estrogen và Progesterone.
Tuy nhiên, nếu phụ nữ trải qua phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hai bên buồng trứng và toàn bộ tử cung, thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu ngay lập tức. Kinh nguyệt sẽ dừng lại và xuất hiện các triệu chứng của mãn kinh.
6. Hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư
Các phương pháp điều trị ung thư này có thể khởi phát thời kỳ mãn kinh và gây nên các triệu chứng như
bốc hỏa, nóng bừng trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài sau khi kết thúc điều trị.
Mãn kinh sớm có nguy hiểm không?
Bác sĩ Công cho biết, phụ nữ bị mãn kinh sớm sẽ nhận thấy
chu kỳ kinh nguyệt không đều, thưa dần và biến mất hẳn. Quá trình chuyển đổi sang thời kỳ mãn kinh buồng trứng sẽ tạo ít Estrogen, dẫn đến sự suy giảm Estrogen trong cơ thể, gây
khô âm đạo. Cơ thể xuất hiện hàng loạt các triệu chứng như bốc hỏa, nóng đột ngột ở vùng ngực, cổ và mặt, dễ cáu kỉnh, khó chịu…
Mãn kinh sớm đồng nghĩa với suy buồng trứng sớm sẽ khiến chị em đối diện với nhiều vấn đề như xuất hiện nếp nhăn, thâm nám, sạm da, đau đầu, mất ngủ, khó tập trung, dễ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, loãng xương, không còn khả năng sinh sản… Ngoài ra, đây cũng chính là thủ phạm khiến chị em mất hứng thú trong chuyện chăn gối, lâu dài ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân vợ chồng.
Mãn kinh sớm nên uống thuốc gì?
Trước những kết cục kể trên, nhiều chị em lo lắng bị mãn kinh sớm nên uống thuốc gì để cải thiện triệu chứng, tránh biến chứng nguy hiểm? Bác sĩ Công chia sẻ, thời kỳ mãn kinh không cần can thiệp điều trị y tế, thay vào đó áp dụng những phương pháp giúp quản lý, giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh, cũng như ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra khi tuổi tác lớn dần.
Các giải pháp cải thiện triệu chứng mãn kinh có thể kể đến: (
3)
1. Liệu pháp hormone thay thế (HRT)
Liệu pháp Estrogen là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để cải thiện triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Phụ thuộc vào tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình, các yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ khuyến nghị liều dùng Estrogen thấp nhất, khung sử dụng ngắn nhất để giảm nhẹ các triệu chứng. Estrogen cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương ở thời kỳ mãn kinh.
Việc sử dụng liệu pháp hormone khá hữu ích đối với phụ nữ mãn kinh, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bệnh tim mạch hoặc ung thư vú. Vì vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc, cũng như tư vấn đầy đủ những lợi ích và rủi ro có thể gặp phải, xem xét liệu pháp hormone có thực sự an toàn với phụ nữ hay không.
Liệu pháp bổ sung Estrogen giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tuổi mãn kinh
2. Estrogen tại chỗ (âm đạo)
Estrogen dạng kem bôi, thuốc đặt hoặc vòng âm đạo có tác dụng phóng thích một lượng nhỏ Estrogen vào các mô âm đạo, nhờ đó cải thiện hiệu quả triệu chứng khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra còn giúp việc quan hệ vợ chồng được dễ dàng hơn, giảm đau đớn và cải thiện một vài triệu chứng tiết niệu.
3. Thuốc chống trầm cảm liều thấp
Một số loại thuốc chống trầm cảm có liên quan đến nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) có thể làm giảm cơn bốc hỏa ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Thông thường, nhóm thuốc này được chỉ định cho những phụ nữ không thể đáp ứng với liệu pháp Estrogen vì lý do sức khỏe, hoặc dành cho những phụ nữ đang điều trị vấn đề rối loạn cảm xúc.
4. Thuốc Gabapentin
Gabapentin là thuốc giảm đau thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh động kinh nhưng cũng có tác dụng nhanh trong cải thiện cơn bốc hỏa và cáu gắt vô cớ ở phụ nữ. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng kém đối với người có triệu chứng mất ngủ, chán nản, khó tập trung và trí nhớ kém.
5. Thuốc Paroxetin
Đây là thuốc chống trầm cảm thế hệ mới, có tác dụng tốt trên phụ nữ bị rối loạn trầm cảm nói chung và rối loạn thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh nói riêng. Thuốc giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng lo âu, đau đầu, chóng mặt, cơn bốc hỏa, ngủ kém…
6. Thuốc điều trị hoặc ngăn ngừa loãng xương
Một số trường hợp bác sĩ sẽ tư vấn phụ nữ mãn kinh sử dụng thuốc điều trị loãng xương và giảm thiểu nguy cơ loãng xương khi tuổi tác lớn dần. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm vitamin D để giúp xương chắc khỏe.
“Nhìn chung, mãn kinh sớm uống thuốc gì sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn, cân nhắc lợi ích và nguy cơ để đưa ra hướng dẫn phù hợp. Chị em tuyệt đối không được sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm như ung thư vú, xuất huyết, đột quỵ… do dùng thuốc sai cách”, bác sĩ Công nhắn nhủ. (
4)
Phụ nữ bị mãn kinh sớm không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ để tránh những rủi ro sức khỏe không mong muốn
Thay đổi lối sống và các biện pháp điều trị tại nhà
Bên cạnh việc tìm hiểu mãn kinh sớm nên uống thuốc gì, chế độ ăn uống khoa học kết hợp lối sống lành mạnh sẽ tác động không nhỏ đến sức khỏe chị em khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và thích ứng tốt với quá trình sinh lý tất yếu này, chị em nên bổ sung thêm những dưỡng chất sau đây vào thực đơn hàng ngày:
- Canxi và vitamin D có nhiều trong trứng, sữa, phô mai, các loại đậu, ngũ cốc, rau xanh… giúp phòng ngừa loãng xương.
- Omega-3 và omega-6 trong cá hồi, cá thu, hạt óc chó… ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, bệnh tim mạch và thần kinh, ngăn ngừa bệnh đông máu.
- Chất xơ từ các loại rau củ quả xanh và trái cây tươi giúp chữa táo bón – một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mãn kinh do rối loạn nội tiết tố.
- Thực phẩm giàu phytoestrogen như hạt lanh, đậu, nành, hạt nho, mè… để cải thiện triệu chứng bốc hỏa.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như dâu tây, việt quất, quả mâm xôi, cải xoăn… ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa như da nhăn nheo, kém tập trung, suy giảm trí nhớ…
Trong lối sống sinh hoạt hàng ngày, chị em cần ghi nhớ những điều sau:
- Mặc quần áo thoải mái, chất liệu thoáng mát, duy trì nhiệt độ nhà cửa mát mẻ… để làm dịu những cơn nóng bừng khắp cơ thể.
- Sử dụng thuốc bôi trơn âm đạo gốc nước để cải thiện triệu chứng khô âm đạo.
- Quan hệ tình dục thường xuyên và đều đặn là các giúp tăng lưu lượng máu đến tươi mô âm đạo, cải thiện triệu chứng khô âm đạo và đau rát khi giao hợp.
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Tránh xa caffeine, đồ uống có cồn và thuốc lá.
- Tập luyện thể dục điều độ và vừa sức, nên áp dụng các bài tập Kegel để tăng cường sức khỏe nhóm cơ sàn chậu, ngăn ngừa các bệnh lý phổ biến ở phụ nữ mãn kinh như sa tạng chậu, rối loạn tiểu tiện, tiểu không kiểm soát…
Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện như Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, khoa Cơ xương khớp… hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị và quản lý thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ một cách toàn diện nhất, bảo vệ sức khỏe, khả năng sinh sản và chất lượng sống của người phụ nữ.