SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Xét nghiệm định lượng protein niệu là gì? Khi nào cần thực hiện?

Ngọc Khuê

Tích Cực
Có thể bạn chưa biết, chỉ số protein trong nước tiểu phản ánh trực tiếp tình trạng sức khỏe của chính mình. Khi chỉ số protein tăng cao chính là khi cơ thể phát ra những tín hiệu đáng cảnh báo về sức khỏe. Việc xét nghiệm định lượng protein niệu có thể giúp bạn phát hiện và điều trị một số bệnh nguy hiểm. Vậy xét nghiệm định lượng protein là gì? Khi nào cần thực hiện?

định lượng protein niệu


Định lượng protein niệu là gì?


Định lượng protein niệu là tình trạng tăng nồng độ protein trong nước tiểu nên còn được gọi là albumin niệu. Protein niệu là thuật ngữ chỉ sự hiện diện của các phân tử protein trong nước tiểu. Do đó, protein niệu không phải bệnh mà là triệu chứng của một số tình trạng ảnh hưởng đến thận.

Trong hệ bài tiết cơ thể người, thận đóng vai trò điều phối chính các hoạt động bài tiết của cơ thể. Khi thận khỏe, bộ phận này được xem là “cỗ máy” có nhiệm vụ lọc, đào thải các chất cặn bã, nước thừa, độc tố từ máu ra ngoài cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu. Trong quá trình sản xuất nước tiểu, thận còn giúp kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào, điều hoàn thể tích máu.

Thận có cơ chế tái hấp thụ protein nên protein niệu có trong nước tiểu ở mức không quá 0,2 gram/24 giờ (mức cho phép). Nếu lượng protein trong nước tiểu vượt quá mức đó, có thể là dấu hiệu cảnh báo thận đang gặp vấn đề. Đây cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của tổn thương thận. (1)

Protein niệu là thuật ngữ để chỉ sự hiện diện của các phân tử protein trong nước tiểu
Protein niệu là thuật ngữ để chỉ sự hiện diện của các phân tử protein trong nước tiểu

Vì sao cần xét nghiệm protein niệu?


Trong trường hợp bình thường, nước tiểu của bạn sẽ không xuất hiện các phân tử protein hoặc chúng xuất hiện với số lượng rất ít. Chính vì vậy, khi nồng độ protein trong nước tiểu tăng quá mức bình thường, đó là biểu hiện tiềm ẩn về sức khỏe hoặc các chức năng thận.

Việc xét nghiệm protein niệu đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe của chính bạn. Chỉ số protein niệu có thể là dấu hiệu cảnh báo về các tình trạng sức khỏe khác nhau như:

  • Các bệnh do thận: Protein niệu là một trong những cơ sở chẩn đoán quan trọng với các bệnh do thận như bệnh thận mạn tính (CKD), tổn thương thận cấp tính (AKI), viêm cầu thận và bệnh thận do tiểu đường. Theo dõi nồng độ protein trong nước tiểu có thể giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng và tiến triển của những bệnh này.
  • Bệnh đái tháo đường (tiểu đường): Nồng độ protein cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận do biến chứng đái tháo đường, còn được gọi là bệnh thận do tiểu đường. Theo dõi thường xuyên protein niệu ở những người mắc bệnh tiểu đường rất quan trọng để phát hiện sớm và kiểm soát các biến chứng về thận.
  • Tăng huyết áp (huyết áp cao): mức chênh lệch nồng độ protein niệu kéo dài có thể là biểu hiện của tổn thương thận do tăng huyết áp. Theo dõi nồng độ protein có thể giúp đánh giá tác động của tăng huyết áp với sức khỏe của thận.
  • Các bệnh tự miễn ảnh hưởng lên thận: bệnh tự miễn chẳng hạn như viêm thận lupus, có thể dẫn đến hiện tượng protein niệu. Kiểm tra thường xuyên protein niệu là cần thiết để theo dõi hoạt động và tiến triển của các rối loạn này.

Việc xét nghiệm protein niệu định kỳ, có thể đánh giá tình trạng hoạt động cũng như mức độ tổn thương thận, xác định nguyên nhân cơ bản, từ đó có hướng điều trị và cải thiện tình trạng mất cân bằng định lượng protein niệu. Ngoài ra, protein niệu có thể giúp xác định những người có nguy cơ cao phát triển các biến chứng liên quan đến thận, cho phép can thiệp và quản lý sớm để ngăn tổn thương nặng thêm.

Việc kiểm tra định lượng protein niệu là một xét nghiệm cần thiết, giúp chẩn đoán một số bệnh liên quan đến hệ bài tiết, đặc biệt ở thận. Quá trình xét nghiệm protein niệu sẽ được thực hiện và giải thích, đánh giá kết quả bởi các bác sĩ chuyên về Tiết niệu – Thận học, từ đó có cái nhìn tổng thể về sức khỏe và tiền sử bệnh của bệnh nhân. (2)

Định lượng protein niệu giúp phát hiện các bệnh về thận, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn miễn dịch
Định lượng protein niệu giúp phát hiện các bệnh về thận, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn miễn dịch

Khi nào cần xét nghiệm protein nước tiểu?


Bạn có thể hoàn toàn chủ động trong việc xét nghiệm định lượng protein trong nước tiểu tại các cơ sở y tế uy tín. Hoặc bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm protein niệu khi nghi ngờ bạn đang gặp các vấn đề về thận, như:

  • Bác sĩ cần kiểm tra tình trạng protein niệu của người mắc bệnh thận và đánh giá độ nặng của protein niệu từ đó biết được tiến triển của bệnh và việc đáp ứng điều trị.
  • Tần suất đi tiểu của người bệnh nhiều so với mức bình thường trong một ngày.
  • Người bệnh bị phù toàn thân
  • Người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh hệ thống có tổn thương thận…
  • Trong trường hợp bạn dùng một số loại thuốc điều trị bệnh, tác dụng phụ của thuốc cũng ảnh hưởng đến chức năng thận, dẫn đến hiện tượng protein niệu như: NSAIDs, thuốc lợi tiểu, kháng vi trùng, hóa trị…

Trong một số trường hợp, xét nghiệm định lượng protein niệu còn được dùng để sàng lọc bệnh thận ở một số người là đối tượng nguy cơ như:

  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…)
  • Người có tiền sử gia định có thân nhân mắc bệnh thận.
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi).
  • Người thừa cân, béo phì.

Xét nghiệm định lượng protein được chỉ định trong trường hợp xét nghiệm nước tiểu bằng que nhúng phát hiện có nhiều protein (≥ 1+) hoặc có sự xuất hiện của các phân tử protein dai dẳng trong nước tiểu, theo dõi tiến triển hoặc kết quả điều trị bệnh tổn thương thận, bệnh khác có triệu chứng thoát protein ra nước tiểu. Khi thực hiện xét nghiệm này, cần lưu ý kết quả chỉ thực sự đúng nếu như toàn bộ lượng nước tiểu được thu thập trong 24 giờ.

Các phương pháp xét nghiệm protein niệu thường dùng

  • Bán định lượng: Đây được xem là phương pháp đơn giản nhất để định lượng protein niệu, bạn dùng que thử nước tiểu chuyên dụng, có gắn các chất phản ứng cho vào mẫu thử. Nếu có các phân tử protein trong nước tiểu, que thử sẽ đổi màu.
  • Định lượng: Người bệnh sẽ được các nhân viên y tế hướng dẫn lấy mẫu nước tiểu trong 24h để mang đi xét nghiệm. Đây được đánh giá là phương pháp xét nghiệm protein niệu chính xác nhất khi có thể định lượng chính xác hàm lượng protein có trong nước tiểu trong vòng 24h, từ đó các bác sĩ có thể chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp với từng người bệnh.
  • Điện di: Thực hiện phương pháp điện di giúp xác định hàm lượng các loại protein có trong nước tiểu và giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, xác định vị trí tổn thương, đánh giá tình trạng hoạt động, chức năng thận và đề xuất phác đồ điều trị phù hợp.
Que nhúng dùng trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Que nhúng dùng trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

Quy trình xét nghiệm định lượng protein niệu

1. Trước khi thực hiện


Để đảm bảo độ chính xác của kết quả xét nghiệm, trước khi tiến hành quy trình xét nghiệm protein niệu, bạn cần lưu ý một số điều như sau:

Cung cấp thông tin về thuốc và chế phẩm đang sử dụng: Để đảm bảo độ chính xác của kết quả xét nghiệm, bác sĩ cần biết về tất cả các loại thuốc hoặc chế phẩm bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng.

Vì một số nhóm thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hàm lượng protein trong nước tiểu, cho nên bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi liều lượng hoặc ngưng dùng các loại thuốc này trong một khoảng thời gian nhất định trước khi làm xét nghiệm protein niệu. Các nhóm thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ protein niệu bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh như cephalosporin, aminoglycoside và penicillin.
  • Thuốc kháng nấm như amphotericin-B và griseofulvin (Gris-PEG).
  • Lithium.
  • Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid NSAIDs (aspirin, ibuprofen…).
  • Thuốc dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp như penicillamine (Cuprimine).
  • Salicylates dùng để điều trị viêm khớp.

Đảm bảo cơ thể chứa đủ nước: Trước khi lấy mẫu nước tiểu, cần đảm bảo cơ thể chứa đủ nước. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu, mà còn giúp hạn chế rủi ro mất nước phát sinh. Tình trạng mất nước có thể làm thay đổi tạm thời nồng độ protein niệu và làm sai lệch kết quả định lượng protein niệu.

Không tập thể dục trước xét nghiệm: Nên ngưng tập thể dục hoặc rèn luyện thể chất trước khi làm xét nghiệm protein niệu.

2. Trong khi thực hiện


Quá trình xét nghiệm định lượng protein niệu bao gồm 2 phương pháp chính: xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên và xét nghiệm nước tiểu 24 giờ.

2.1 Xét nghiệm nước tiểu một lần ngẫu nhiên

  • Bước 1: Điều dưỡng sẽ cung cấp cho bạn một hộp hoặc ống đựng vô trùng có nắp.
  • Bước 2: Vệ sinh bộ phận sinh dục và khu vực xung quanh trước khi lấy mẫu nước tiểu để đảm bảo vệ sinh cho mẫu thử, tránh gây nhiễu kết quả.
  • Bước 3: Đi tiểu bỏ một ít nước tiểu đầu dòng, cho nước tiểu giữa dòng vào ống đựng nước tiểu được cung cấp. Lưu ý không để ống đựng chạm vào cơ thể để tránh nhiễm trùng mẫu. Lấy khoảng 60ml nước tiểu để làm mẫu.
  • Bước 4: Sau khi thu thập đủ lượng mẫu cần thiết, bạn có thể tiếp tục đi tiểu bình thường. Đậy kín và đưa lại ống đựng cho bác sĩ trong thời gian quy định (khoảng 60 phút). Nếu không kịp gửi mẫu đến bác sĩ trong khoảng thời gian này, bạn nên trữ mẫu trong tủ lạnh.

2.2 Xét nghiệm nước tiểu 24h

  • Bước 1: Nhân viên xét nghiệm sẽ chuẩn bị cho bạn một bình lớn vô trùng có nắp để đựng mẫu nước tiểu.
  • Bước 2: Buổi sáng ngày thu thập mẫu, bạn đi tiểu lần đầu trong ngày và bỏ. Bắt đầu thu thập mẫu nước tiểu từ lần đi tiểu thứ hai trở đi trong ngày. Lưu trữ mẫu theo hướng dẫn của nhân viên xét nghiệm.
  • Bước 3: Sau khi kết thúc thời gian 24 giờ tính từ lần đi tiểu đầu tiên (lần không lấy mẫu), đậy kín bình đựng và gửi lại mẫu cho nhân viên xét nghiệm theo hướng dẫn bạn đã nhận được trước đó.

Sau khi thu thập mẫu, các ống đựng nước tiểu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích định lượng protein niệu. Quá trình này giúp bác sĩ đánh giá sự hiện diện và mức độ của protein trong nước tiểu, từ đó đưa ra đánh giá và chẩn đoán về sức khỏe của bệnh nhân.

3. Sau khi thực hiện


Mẫu nước tiểu của bạn được chuyển đến phòng xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng protein. Trong trường hợp kết quả cho thấy mức độ protein cao hoặc không bình thường, các chuyên gia có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm định lượng protein niệu một lần nữa để xác nhận kết quả trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể được bác sĩ đề xuất thực hiện thêm các xét nghiệm khác hoặc chuyển đến khám các chuyên khoa khác.

Lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm định lượng protein niệu
Lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm định lượng protein niệu

Kết quả xét nghiệm định lượng protein niệu có ý nghĩa gì?

1. Âm tính


Âm tính là kết quả định lượng protein niệu được nhiều người mong đợi. Kết quả xét nghiệm là âm tính, chứng tỏ rằng hàm lượng protein trong nước tiểu có nồng độ thấp hoặc không có (tại thời điểm làm xét nghiệm).

2. Dương tính​


Nếu mẫu xét nghiệm dương tính, chứng tỏ trong nước tiểu có hàm lượng protein cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, protein tìm thấy trong mẫu nước tiểu xét nghiệm ngẫu nhiên có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:

  • Nhiễm trùng.
  • Có thể do tác dụng phụ của thuốc.
  • Tập thể dục thể thao quá sức.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ hành kinh.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.

Trong trường hợp này, các chuyên gia hoặc bác sĩ sẽ sắp xếp cho bạn một buổi xét nghiệm vào thời gian khác để có kết quả chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, nếu sau 3 lần xét nghiệm định lượng protein niệu lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên đều cho kết quả dương tính với chỉ số protein niệu cao, trong khi bạn không có biểu hiện khác thường trong suốt quá trình tiến hành xét nghiệm thì bác sĩ vẫn sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm bổ sung khác. Xét nghiệm lần này bao gồm cả xét nghiệm nước tiểu 24h nhằm kiểm tra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của bạn.

Những câu hỏi thường gặp​

1. Định lượng protein niệu có nguy hiểm không?


Tăng protein niệu có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nhưng nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tăng hàm lượng protein niệu. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đánh giá và xác định tình trạng sức khỏe của mình.

2. Xét nghiệm protein niệu có chính xác không?


Kết quả xét nghiệm protein niệu không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về mức độ tăng protein niệu, tốt nhất bạn tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đánh giá và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bạn.

3. Yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm protein niệu?


Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm protein niệu, bao gồm mức độ uống nước trước khi lấy mẫu, tình trạng sức khỏe tổng quát, hoạt động thể chất, tác động từ thuốc và một số yếu tố khác.

Định lượng protein niệu có thể giúp phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các bệnh nguy hiểm có liên quan đến thận. Kết quả xét nghiệm protein niệu sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị, giúp bạn có thể theo dõi sức khỏe một cách tốt nhất. Hy vọng bài viết này mang đến cho bạn những thông tin hữu ích!

Xem tiếp...
 
Top Bottom