Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
Thứ năm, 28/3/2024, 12:07 (GMT+7)
Đến 2030, nhu cầu nước ở Việt Nam tăng 32% so với hiện nay, nên cần gần 9 tỷ USD đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước sạch và cấp thoát nước.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nêu khi dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), tại hội thảo Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào khủng hoảng khí hậu và nguồn nước, nằm trong Tuần lễ nước quốc tế Singapore, sáng 28/3.
Hiện, Việt Nam có 750 nhà máy xử lý nước sạch với tổng công suất hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch hơn 92%, trong khi trung bình cả nước là 17,5%.
Lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, khoảng 80 dự án xử lý nước thải, công suất hơn 2 triệu m3/ngày đêm đang được triển khai. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải mới đạt 60% và 17%. Cùng đó, vấn đề ngập lụt đô thị, nhất là tại Hà Nội, TP HCM là cấp bách, nhưng lại thiếu giải pháp căn cơ, lâu dài.
"Việc đầu tư hạ tầng cấp thoát nước chưa đạt yêu cầu. Để 100% người dân được dùng nước sạch chúng ta sẽ phải đầu tư lớn", ông Điệp nói, và dẫn báo cáo của WB cho biết số tiền này khoảng 9 tỷ USD đến 2030. Đây là con số thách thức trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư hạn chế.
Ông Điệp nói tại hội thảo, sáng 28/3. Ảnh: Gia Chính
Cùng quan điểm trên, GS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng con số gần 9 tỷ USD chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu.
Ông cho hay, thực tế nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam cần tới 30 tỷ USD để hoàn thiện các hạ tầng cấp thoát nước, gồm các dự án nước sạch, xử lý nước thải dân sinh và công nghiệp.
Vì thế, chuyên gia này kiến nghị nhà chức trách cần đánh giá đúng giá trị của nước để đưa ra khung chính sách phù hợp, và cần tư nhân hóa, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng lĩnh vực này.
Nhà máy nước sạch sông Hồng, Hoài Đức, tháng 3/2023. Ảnh: Phạm Chiểu
Bà Halla Maher Qaddumi, chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước (WB), cho biết với mức độ gia tăng đe dọa từ nguồn nước, Việt Nam có thể mất 6% GDP mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2035. Trong đó, riêng ô nhiễm nguồn nước có thể làm giảm 3,5% GDP.
Để giải quyết vấn đề của ngành nước hiện tại, đại diện WB cho rằng, thu hút đầu tư từ khối tư nhân để cập nhật, xây dựng hệ thống hạ tầng mới thay cho hệ thống cũ, lạc hậu đang hiện hữu là vấn đề cần thiết. Bà gợi ý, để thu hút nguồn lực tư nhân, Chính phủ cần chính sách tài chính mạnh mẽ, khung pháp lý và cải cách thể chế.
Ở điểm này, ông Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho rằng các ngành chức năng cần điều chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng cởi mở, và đổi mới kỹ thuật để thu hút đầu tư vào hạ tầng cấp thoát nước.
Gia Chính
Xem tiếp...