SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
333K

Viêm phế quản: Nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu và điều trị

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc của ống phế quản bị viêm. Là một bệnh lý phổ biến, có thể khỏi trong khoảng 1 tuần hoặc gây nên biến chứng nghiêm trọng nếu như không được điều trị kịp thời.

viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính không gây nguy hiểm nhưng viêm phế quản mãn tính gây khá nhiều khó chịu và có biến chứng ảnh hưởng sức khỏe

Viêm phế quản là gì?​


Viêm phế quản là bệnh lý xảy ra tại đường hô hấp dưới. Bệnh hình thành và phát triển khi niêm mạc ống phế quản tồn tại trong phổi có dấu hiệu bị viêm nhiễm. Bệnh có hai thể gồm thể mãn tính và thể cấp tính. Bệnh viêm phế quản có tiếng anh là bronchitis, thể mãn tính là chronic và thể cấp tính là acute.

Có hai loại viêm phế quản bao gồm:

  • Viêm phế quản cấp tính: các triệu chứng kéo dài trong một vài tuần, nhưng nó thường không gây ra bất cứ vấn đề nguy hiểm nào.
  • Viêm phế quản mãn tính: là tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể do tái phát hoặc điều trị không khỏi hẳn. Viêm phế quản mãn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Nguyên nhân gây viêm phế quản​


Các tác nhân gây viêm phế quản cấp tính và mãn tính có thể khác nhau.

# Viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính được hình thành do nhiễm trùng, thông thường là do virus. Mặc dù vi khuẩn và nấm cũng có thể gây nên viêm phế quản nhưng nguyên nhân này hiếm gặp hơn. Dù bạn bị nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn, cơ thể sẽ kích hoạt khả năng chống lại vi trùng khiến ống phế quản sưng lên, tạo ra nhiều chất nhầy hơn.

# Viêm phế quản mãn tính

Hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại khói độc hại từ môi trường hoặc nơi làm việc là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên viêm phế quản mãn tính. Do các yếu tố gây bệnh đi qua phế quản thường xuyên, nó gây nên phản ứng viêm kéo dài. Dẫn đến sự hiện diện dai dẳng của chất nhầy, tế bào viêm.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản​


Có một số yếu tố góp phần gây ra viêm phế quản mãn tính và cấp tính. Cụ thể bao gồm:

  • Hệ thống miễn dịch yếu, điều này thường xảy ra ở người lớn tuổi, những người đang mắc bệnh khác, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người bị cảm lạnh cũng làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản do cơ thể đang “bận rộn” chống lại mầm bệnh cảm lạnh.
  • Hút thuốc thường xuyên hoặc sống chung với người hút thuốc.
  • Những cơn ợ nóng do trào ngược dạ dày lặp đi lặp lại có thể kích thích cổ họng và khiến bạn dễ bị viêm phế quản.
  • Làm việc trong môi trường nhiều khói hóa học, bụi như khai thác than, trang trại động vật,…
  • Sống hoặc đi du lịch ở nơi có chất lượng không khí kém, ô nhiễm.
  • Tiếp xúc với người bị viêm phế quản có thể bị lây lan vi khuẩn, virus, đặc biệt là qua đường hô hấp

Triệu chứng viêm phế quản​


Viêm phế quản cấp tính và mãn tính có nhiều triệu chứng giống nhau, bao gồm:

  • Ho khan
  • Ho có đờm
  • Tắc nghẽn xoang
  • Khó thở
  • Khò khè
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Đau nhức cơ thể
  • Khó chịu ở ngực do ho

Với viêm phế quản cấp tính, các triệu chứng điển hình bắt đầu bằng sổ mũi, đau họng, ho khan, sốt nhẹ. Sau đó phát triển thành ho khan sau khoảng ba đến bốn ngày. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính kéo dài từ ba đến mười ngày. Tuy nhiên ho có thể kéo dài trong vài tuần, ngay cả sau khi sự nhiễm trùng được điều trị và biến mất.

Trong khi đó, viêm phế quản mãn tính được đặc trưng bởi triệu chứng ho khan kéo dài ít nhất ba tháng trong hai năm liên tiếp. Đây không phải là bệnh có thể chữa khỏi được nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc. Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh viêm phế quản mãn tính còn gặp phải các biểu hiện như:

  • Tức ngực hoặc đau ngực
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân, sưng chân (liên quan đến biến chứng tim do viêm phế quản gây nên)
triệu chứng viêm phế quản
Ho khan, có đờm là triệu chứng thường gặp của viêm phế quản

Triệu chứng ít gặp​

  • Hôi miệng xảy ra khi nghẹt mũi buộc bạn phải thở bằng miệng, điều này cho phép vi khuẩn phát triển trên lưỡi và màng nhầy, từ đó tạo ra mùi khó chịu.
  • Ho ra máu thường là do triệu chứng ho dai dẳng gây chấn thương, chảy máu ở phế quản hoặc trong cổ họng. Điều này có thể làm bạn ho ra đờm có máu.
  • Thể chất yếu: cả viêm phế quản cấp tính và mãn tính đều có thể khiến bạn khó thở, thậm chí cả khả năng tập thể dục, đi bộ đường dài. Nếu bị viêm phế quản cấp tính, triệu chứng này có thể được cải thiện sau khi bệnh khỏi một vài ngày. Nhưng nếu bạn bị viêm phế quản mãn tính, có thể bạn cần đến vật lý trị liệu đề cải thiện sức chịu đựng.
  • Khó ngủ: ho kéo dài và nghẹt mũi có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Biến chứng do viêm phế quản​


Mặc dù rất hiếm nhưng viêm phế quản có thể gây nên một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp có thể xảy ra nếu bạn bị viêm phế quản.
  • Phổi có nhiều khả năng bị nhiễm trùng dẫn đến viêm phổi khi bị viêm phế quản.
  • Viêm phổi hít hình thành do viêm phế quản khiến bạn ho trong khi ăn làm nghẹn thức ăn, thức ăn có thể đi xuống đường ống sai vào phổi thay vì dạ dày. Viêm phổi hít là một bệnh nhiễm trùng dai dẳng gây tổn hại sức khỏe và mất nhiều tháng để hồi phục.
  • Khó thở kéo dài do viêm phế quản gây thêm căng thẳng cho tim dẫn đến bệnh tim hoặc làm suy tim trầm trọng.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?​


Hãy thăm khám với bác sĩ nếu bạn:

  • Bị viêm phế quản cấp tính nhưng các triệu chứng không thuyên giảm hoặc khá hơn
  • Cơn ho kéo dài hơn bốn đến sáu tuần
  • Các triệu chứng đã được cải thiện sau khi điều trị nhưng lại tái phát và tồi tệ hơn trước
  • Người bệnh cảm thấy không thể thở được
  • Nôn ra máu hoặc có máu trong đờm
  • Sưng, phồng ở tay chân có thể là dấu hiệu nghiêm trọng về hô hấp hoặc tim mạch.

Chẩn đoán viêm phế quản​


Trong vài ngày đầu của bệnh, việc chẩn đoán có thể khó phân biệt với dấu hiệu của các bệnh cảm lạnh thông thường. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể sử dụng ống nghe để lắng nghe phổi bạn khi thở.

Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau:

  • X-quang ngực: giúp xác định xem bạn có bị viêm phổi hay không hay do một tình trạng nào khác có thể dẫn đến ho. Điều này cũng đặc biệt quan trọng nếu bạn đã hoặc đang hút thuốc.
  • Xét nghiệm đờm: để xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn trong đờm.
  • Kiểm tra chức năng phổi: người bệnh sẽ thổi vào một thiết bị gọi là phế dung kế để đo phổi của bạn có thể giữ được bao nhiêu không khí và bạn có thể lấy không khí ra khỏi phổi nhanh như thế nào. Xét nghiệm này giúp kiểm tra dấu hiệu hen suyễn hoặc khí phế thũng.
  • CT ngực: được dùng để đánh giá trực quan về phổi, giúp xác định viêm phế quản và loại trừ các tình trạng khác chẳng hạn như nhiễm trùng phổi, tắc nghẽn phổi hay ung thư phổi.

Điều trị viêm phế quản​

1. Biện pháp không cần kê đơn​


Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn giảm một số triệu chứng của viêm phế quản cấp tính và mãn tính. Bao gồm:

  • Thuốc thông mũi: ví dụ như Sudafed (pseudoephedrine) và Afrin (oxymetazoline) có công dụng làm lỏng và hút chất nhầy khỏi xoang nên bạn sẽ dễ thở hơn.
  • Thuốc giảm đau và giảm sốt: chẳng hạn như acetaminophen và ibuprofen có thể giúp giảm đau ngực và đau nhức khi ho.
  • Thuốc hạ sốt: có tác dụng làm giảm cơn sốt và giảm đau nhẹ
  • Thuốc ức chế ho: có lợi ích nếu bạn bị ho khan hoặc ho kéo dài do viêm phế quản mãn tính.

2. Thuốc theo đơn​


Các phương pháp điều trị viêm phế quản theo toa bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: được sử dụng trong trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn. Thuốc sẽ được xác định phụ thuộc vào loại vi khuẩn mà bạn mắc phải. Tuy nhiên, đa số các trường hợp nhiễm bệnh là do virus, nghĩa là nó không được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Thuốc giãn phế quản: ví dụ như Proventil (albuterol) giúp các cơ xung quanh phế quản giãn ra, trở nên rộng hơn. Thuốc giúp loại bỏ được dịch tiết phế quản, giảm co thắt phế quản và giảm tắc nghẽn đường thở. Nhờ đó, triệu chứng thở khò khè và tức ngực có thể được cải thiện tạm thời.
  • Steroid đường uống: có công dụng để điều trị viêm phế quản mãn tính khi các triệu chứng đã trở nên tồi tệ hơn.
  • Thuốc ức chế Phosphodiesterase -4 (PDE4): làm giảm tình trạng viêm phế quản mãn tính.
điều trị viêm phế quản
Chẩn đoán với bác sĩ chuyên môn để được điều trị kịp thời

3. Biện pháp khắc phục tại nhà​


Điều chỉnh lối sống và thực hiện biện pháp khắc phục tại nhà có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh. Do đó, người bệnh viêm phế quản nên:

  • Tránh khói: cả viêm phế quản cấp tính và mãn tính đều có thể trầm trọng hơn do khói thuốc lá, khói bụi, khói từ nhà máy, thậm chí khói từ vỉ nướng. Tốt nhất hãy tránh các loại khói này để ngăn ngừa phản ứng viêm gia tăng ở phế quản.
  • Máy tạo độ ẩm: công dụng của máy tạo độ ẩm là bổ sung thêm độ ẩm không khí, giúp làm giảm khó chịu và dễ thở hơn.
  • Nghỉ ngơi: người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi do đó nên được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
  • Uống nhiều nước: giúp làm loãng chất nhầy trong ngực và cổ họng, đặc biệt bạn nên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Uống nước chanh và mật ong ấm: Mật ong có vị ngọt, chứa nhiều vitamin có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, cải thiện tình trạng đau rát ở cổ họng và nâng cao sức khỏe. Chanh có thành phần chính là vitamin. Chính vì thế, việc chanh vào quá trình điều trị viêm phế quản sẽ giúp người bệnh giảm ho, loãng đờm, kháng viêm, cải thiện sức đề kháng, ức chế và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Để pha nước chanh và mật ong ấm, người bệnh cần hòa tan 10ml nước cốt chanh và 20ml mật ong nguyên chất trong 250ml nước ấm. Uống mỗi ngày 2 lần để giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
  • Uống trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc như trà gừng, trà hoa cúc, trà bạc hà… đều có khả năng kháng viêm và giảm ho hiệu quả. Ngoài ra việc uống trà thảo mộc mỗi ngày còn giúp người bệnh làm loãng đờm, cải thiện tình trạng khó thở và tránh gây tắc nghẽn đường hô hấp. Để thực hiện, người bệnh cần hãm gừng tươi thái mỏng, hoa cúc hoặc lá bạc hà cùng với 300ml nước sôi trong 20 phút. Uống 2 lần mỗi ngày. Uống khi trà còn ấm nóng.
  • Sử dụng tinh bột nghệ: Các hoạt chất được tìm thấy trong nghệ có khả năng long đờm nhầy, kháng viêm, bảo vệ niêm mạc và đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương. Vì thế, để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm phế quản, người bệnh có thể hòa tan tinh bột nghệ cùng với nước ấm để uống mỗi ngày. Hoặc hòa tan một muỗng tinh bột nghệ cùng với 500ml sữa ấm. Uống một lần mỗi ngày. Áp dụng cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
  • Uống trà cam thảo: Theo kết quả nghiên cứu, hoạt chất axit glycyrrhizic được tìm thấy trong cam thảo có khả năng ức chế hoạt động và tiêu diệt một số loại virus, vi khuẩn gây bệnh tại đường hô hấp. Ngoài ra việc đưa loại thảo dược này vào quá trình điều trị còn giúp bệnh nhân cải thiện tốt tình trạng viêm, sưng, giảm ho, long đờm, chống viêm và chống dị ứng. Để kiểm soát bệnh viêm phế quản, bạn chỉ cần hòa tan bột cam thảo cùng với nước ấm để uống mỗi ngày. Hoặc hãm cam thảo cùng với 300ml nước sôi để uống.
  • Dùng tinh dầu bạch đàn: Tinh dầu bạch đàn được chứng minh là có khả năng kháng khuẩn, loại bỏ các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Đồng thời làm giảm nhanh triệu chứng ho khan, ho có đờm và khó thở. Người bệnh hãy sử dụng một thau nước sôi chứa tinh dầu bạch đàn để tiến hành xông hơi vùng mũi họng mỗi ngày một lần. Bệnh sẽ được cải thiện sau một thời gian áp dụng.
Dùng tinh dầu bạch đàn
Dùng tinh dầu bạch đàn điều trị bệnh viêm phế quản cho người lớn và trẻ nhỏ

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng dành cho người bị viêm phế quản​


Để làm giảm triệu chứng và phòng ngừa bệnh viêm phế quản phát triển theo chiều hướng xấu, người bệnh cần xây dựng thói quen sinh hoạt phù hợp kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.

Chế độ sinh hoạt phù hợp​

  • Sử dụng thuốc điều trị đúng với hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
  • Không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Mang khẩu trang khi tiếp xúc với các chất kích thích, không khí ô nhiễm. Cụ thể như khói bụi, nấm mốc, chất tẩy rửa gia dụng, sơn có hơi mạnh, lông chó mèo, phấn hoa…
  • Đặt một máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ và trong phòng làm việc. Bởi việc tiếp xúc với không khí ẩm và ấm áp có thể giúp người bệnh làm loãng chất nhờn ở đường hô hấp, cải thiện cơn ho, nghẹt mũi và sổ mũi. Tuy nhiên máy làm ẩm cần được vệ sinh và làm sạch theo định kỳ để phòng ngừa sự tích tụ và phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc trong ngăn chứa nước.
  • Trong trường hợp có dấu hiệu bị đau và sốt, người bệnh nên sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn với liều lượng đúng với hướng dẫn của bác sĩ. Acetaminophen và ibuprofen là hai loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này.
  • Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc mùa đông kéo dài, người bệnh nên giữ ấm vùng cổ họng và cơ thể bằng cách sử dụng khẩu trang, khăn choàng cổ, áo khoác, quần dài, tất… trong nhà hoặc khi đi ra ngoài. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng khó thở và ho trầm trọng. Ngoài ra bạn có thể giữ ấm vùng cổ họng và giảm ho bằng cách uống nước ấm hoặc uống trà gừng pha mật ong ấm.
  • Hãy thử mím môi sao cho chỉ chừa một khoảng nhỏ ở miệng và thở đều. Trong trường hợp bị viêm phế quản mạn tính, người bệnh có thể thở khò khè và thở quá nhanh. Nếu thở mím môi, bệnh nhân có thể làm chậm hơi thở và có cảm giác tốt hơn. Trong khi mím môi, bạn nên hít thở thật sâu, sau đó từ từ và nhẹ nhàng thở qua đường miệng. Việc lặp đi lặp lại kỹ thuật này sẽ giúp áp suất không khí trong đường thở và hệ thống hô hấp tăng cao.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
  • Đánh răng 2 lần mỗi ngày, vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn. Ngoài ra bạn nên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng, súc họng và nhỏ mũi.
  • Vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Đặc biệt bạn nên rửa tay trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa tình trạng lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Từ đó giúp kiểm soát và ngăn ngừa bệnh viêm phế quản phát triển theo chiều hướng xấu.
  • Điều trị bệnh lý nguyên nhân gồm viêm tai mũi họng, viêm amidan, viêm phổi…

Chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh​

  • Uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày để làm loãng lượng dịch nhầy trong đường hô hấp. Đồng thời giúp giảm ho, giảm viêm và phòng ngừa bệnh tiến triển.
  • Hạn chế thêm vào thực đơn ăn uống các loại thực phẩm cay nóng, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm mặn, thức ăn đóng hộp và chứa nhiều chất bảo quản.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa bằng cách bổ sung vào chế độ ăn uống các loại rau xanh, củ quả và trái cây tươi. Đặc biệt người bị viêm phế quản năng thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, chanh,táo, dâu tây… để nâng cao sức khỏe tổng thể, kháng viêm, tái tạo thành niêm mạc phế quản. Đồng thời nâng cao sức đề kháng và bảo vệ hô hấp khỏi sự tác động của vi khuẩn, virus và nhiều tác nhân gây hại khác.
  • Tăng cường bổ sung protein từ trứng, thịt gà, đậu hũ, đậu phộng, thịt lợn… để nâng cao sức đề kháng, giảm viêm và phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân gây hại.
  • Không quên thêm cá vào chế độ ăn uống mỗi ngày. Điển hình như cá ngừ, cá hồi, cá trích… Bởi thành phần chính của những loại cá này gồm omega-3, vitamin A, vitamin E,canxi cùng nhiều khoáng chất khác. Đây đều là những dưỡng chất có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, sức đề kháng và sức khỏe tổng thể. Đồng thời chống viêm và làm giảm những triệu chứng khó chịu của bệnh viêm phế quản.
  • Bổ sung lợi khuẩn từ men vi sinh để cải thiện sức khỏe cho hệ tiêu hóa, phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp. Men vi sinh thường có trong những chế phẩm làm từ sữa, sữa chua…
  • Người bị viêm phế quản nên thường xuyên ăn súp để làm lành nhanh những tổn thương tại niêm mạc thanh quản, giảm đau rát cổ họng do ho nhiều.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin
Người bị viêm phế quản nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, chất chống oxy hóa, protein, omega-3…

Phòng ngừa viêm phế quản​


Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Tránh khói thuốc lá, khói bụi,…
  • Viêm phế quản cấp tính có thể do cảm cúm hoặc một loại virus nào đó gây ra. Vì vậy tiêm vắc-xin cúm hàng năm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh
  • Hãy rửa tay thường xuyên và tập thói quen sử dụng sản phẩm khử trùng có chứa cồn
  • Nếu bạn đang làm công việc, sinh sống, du lịch đến nơi nhiều với khói, bụi thì hãy luôn đeo khẩu trang để bảo vệ hệ hô hấp.

Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh viêm phế quản, nếu có bất cứ thắc mắc nào hãy hỏi ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt là trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, Thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị, hãy luôn tìm kiếm lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa.

Xem tiếp...
 
Top Bottom