SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
61
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
506K

Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Viêm dạ dày cấp là gì?​


Viêm dạ dày cấp là tình trạng viêm xảy ra đột ngột ở niêm mạc dạ dày, có thể do chấn thương, vi khuẩn, virus, căng thẳng hoặc tiêu thụ các chất kích thích như rượu, thuốc chống viêm không steroid, steroid hoặc thức ăn chua cay. Tình trạng này gây đau dữ dội nhưng chỉ xảy ra thành những đợt ngắn, khác với viêm dạ dày mạn tính thường phát triển chậm hơn và kéo dài hơn.

Viêm dạ dày mạn tính thường có triệu chứng là các cơn đau âm ỉ còn cơn đau do viêm dạ dày cấp lại dữ dội, quặn thắt.

Viêm dạ dày là một vấn đề khác với viêm dạ dày ruột. Viêm dạ dày chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và gây triệu chứng buồn nôn hoặc nôn mửa trong khi viêm dạ dày ruột ảnh hưởng đến cả dạ dày và ruột. Các triệu chứng viêm dạ dày ruột có cả buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính đã giảm trong những năm gần đây nhưng viêm dạ dày cấp vẫn còn rất phổ biến.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp​


Viêm dạ dày cấp xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc suy yếu. Điều này khiến axit tiêu hóa dễ dàng làm tổn hại dạ dày. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm hỏng niêm mạc dạ dày và gây viêm dạ dày cấp, gồm có:

  • Các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và corticoid
  • Nhiễm vi khuẩn, phổ biến nhất là vi khuẩn H. pylori
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu

Trong đó, thuốc chống viêm không steroid và corticoid (hay còn gọi là corticosteroid) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày cấp.

H. pylori là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng dạ dày và thường là nguyên nhân của loét dạ dày. Người bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori thường có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, đầy hơi và đau bụng.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây viêm dạ dày cấp:

  • Nhiễm virus
  • Căng thẳng quá mức
  • Bệnh tự miễn (hệ miễn dịch tấn công niêm mạc dạ dày)
  • Các bệnh tiêu hóa như bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột)
  • Trào ngược dịch mật
  • Sử dụng cocaine
  • Ăn phải các chất độc dần dần phá hủy dạ dày
  • Phẫu thuật
  • Suy thận
  • Căng thẳng
  • Đang phải dùng máy thở hoặc mặt nạ phòng độc

Ai có nguy cơ bị viêm dạ dày cấp?​


Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày cấp:

  • Đang dùng thuốc chống viêm không steroid
  • Dùng corticoid
  • Uống nhiều rượu
  • Mới trải qua một ca đại phẫu
  • Suy thận
  • Suy gan
  • Suy hô hấp

Các triệu chứng của viêm dạ dày cấp​


Viêm dạ dày cấp có các triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau và thường gặp nhất là:

  • Ăn không ngon miệng
  • Khó tiêu
  • Phân đen
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Nôn ra máu
  • Đau ở vùng bụng trên hay vùng thượng vị
  • Có cảm giác đầy trướng ở bụng trên sau khi ăn

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Do đó, nếu các triệu chứng trên tiếp diễn trong một tuần trở lên thì nên đi khám càng sớm càng tốt còn nếu nôn ra máu thì cần đi khám ngay lập tức.

Các bệnh lý và vấn đề cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm dạ dày cấp:

  • Loét dạ dày, thường đi kèm với viêm dạ dày
  • Bệnh Crohn - một tình trạng viêm ruột mạn tính và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa
  • Sỏi mật hoặc bệnh túi mật
  • Ngộ độc thực phẩm, cũng có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy

Chẩn đoán viêm dạ dày cấp?​


Viêm dạ dày cấp được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng để đưa ra chẩn đoán ban đầu. Sau đó sẽ cần tiến hành các phương pháp dưới đây để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Xét nghiệm máu, hơi thở hoặc nước bọt để phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori
  • Xét nghiệm phân để kiểm tra xem có lẫn máu hay không
  • Nội soi dạ dày – thực quản – tá tràng hay nội soi đường tiêu hóa trên nhằm đánh giá lớp niêm mạc dạ dày
  • Sinh thiết dạ dày - đây là thủ thuật lấy một phần nhỏ mô từ dạ dày để phân tích
  • Chụp X-quang để phát hiện các vấn đề về cấu trúc của các cơ quan trong hệ tiêu hóa

Điều trị viêm dạ dày cấp​


Trong một số trường hợp, viêm dạ dày cấp tự khỏi mà không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần duy trì một chế độ ăn nhẹ (gồm có các loại thực phẩm mềm, ít xơ, ít chất béo, ít axit, dễ nhai nuốt và dễ tiêu hóa) để phục hồi nhanh hơn. Nên ăn các loại súp, canh, cháo nếu liên tục bị nôn và có thể thêm các loại thịt nạc ví dụ như ức gà nếu không thấy có vấn đề gì.

Tuy nhiên, đa phần các trường hợp viêm dạ dày cấp đều cần phải điều trị. Thời gian điều trị và phục hồi sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm dạ dày và mức độ nghiêm trọng. Nếu nguyên nhân là nhiễm vi khuẩn H. pylori thì sẽ cần dùng một hoặc hai đợt kháng sinh, thường kéo dài trong hai tuần.

Một số phương pháp điều trị viêm dạ dày cấp:

Dùng thuốc​


Thuốc trị viêm dạ dày có cả loại kê đơn và không kê đơn. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kết hợp các loại thuốc như:

  • Thuốc kháng axit để trung hòa axit dạ dày. Các loại thuốc này có thể được dùng trong thời gian dài và dùng thường xuyên, có thể cách 30 phút uống một lần nếu cần thiết.
  • Thuốc kháng histamine H2 như famotidine (Pepcid) và cimetidine (Tagamet): có công dụng giảm sản sinh axit dạ dày. Uống trong vòng 10 đến 60 phút trước bữa ăn.
  • Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole (Prilosec) và esomeprazole (Nexium) giúp ức chế sự sản sinh axit dạ dày. Chỉ nên uống một lần mỗi ngày và không dùng quá 14 ngày liên tục.

Thuốc kháng sinh chỉ cần thiết khi bị nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như H. pylori. Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm dạ dày do nhiễm H.pylori gồm có amoxicillin, tetracycline (không nên sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi) và clarithromycin.

Có thể dùng kết hợp thuốc kháng sinh với thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng axit hoặc thuốc đối kháng histamine H2. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 10 ngày đến 4 tuần.

Có thể bạn sẽ cần tạm ngừng sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticoid và theo dõi xem các triệu chứng có thuyên giảm hay không. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Thay đổi thói quen​


Một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày cũng có thể làm giảm các triệu chứng viêm dạ dày cấp:

  • Hạn chế hoặc không uống rượu
  • Tránh thức ăn cay, đồ chiên và đồ chua
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ, thường xuyên trong ngày
  • Giảm stress
  • Tránh các loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chẳng hạn như NSAID hoặc aspirin

Phương pháp điều trị thay thế​


Ngoài các loại thuốc kể trên, một số loại thảo dược cũng có công dụng cải thiện tình trạng của hệ tiêu hóa và thậm chí còn có thể tiêu diệt vi khuẩn H. pylori. Một số loại thảo dược được sử dụng để điều trị viêm dạ dày gồm có:

  • Cây du trơn (slippery elm)
  • Một dược (myrrh)
  • Berberine
  • Cam thảo (licorice)
  • Cây chàm bụi (wild indigo)
  • Đinh hương (clove)

Nếu có ý định dùng thảo dược để điều trị bệnh thì vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước vì một số loại thảo dược có thể gây ra các vấn đề không mong muốn như dị ứng và tương tác với các loại thuốc khác.

Viêm dạ dày cấp có chữa khỏi được không?​


Triển vọng điều trị khi bị viêm dạ dày cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nhưng nhìn chung thì đây là bệnh thường được điều trị khỏi khá nhanh. Ví dụ, khi nhiễm H. pylori thì đa phần người bệnh chỉ cần dùng một hoặc hai đợt kháng sinh, có nghĩa là chỉ mất một đến hai tuần.

Tuy nhiên, đôi khi, các phương pháp điều trị không hiệu quả và bệnh có thể tiến triển thành viêm dạ dày mạn tính. Viêm dạ dày mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày.

Ngăn ngừa viêm dạ dày cấp​


Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng một số cách đơn giản:

  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là trước bữa ăn để làm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn H. pylori
  • Nấu chín kỹ thực phẩm
  • Hạn chế hoặc tốt nhất là không uống rượu
  • Tránh dùng thuốc kháng viêm không steroid hoặc không sử dụng quá thường xuyên. Nên uống thuốc khi no và uống nhiều nước để tránh các tác dụng phụ.

Xem tiếp...
 
Top Bottom