Phạm Phương Liên
Fan Cứng
Chủ nhật, 24/3/2024, 00:00 (GMT+7)
Trung Quốc nới lỏng chính sách visa, hỗ trợ thanh toán trên nền tảng di động để hút khách du lịch nhằm phục hồi kinh tế, nhưng một số rào cản vẫn còn.
John Chetwynd, du khách Mỹ 28 tuổi, đến Trung Quốc vào tháng 7/2023, đã phải trả khoản phí kép và "phí quốc tế" khi thực hiện các giao dịch qua Alipay. 10 ngày còn lại của chuyến đi, nam du khách phải nhờ người khác thanh toán rồi đưa họ tiền mặt. Nhiều cửa hàng thanh toán không nhận tiền mặt là điểm trừ trong chuyến du lịch Trung Quốc của John.
Adrien Grosclaude, du khách Pháp 22 tuổi, đã không thể kích hoạt bất kỳ ứng dụng thanh toán di động nào khi mua áo khoác ở Thâm Quyến. Sau khi được gợi ý, John phải chạy ra quầy ATM bên ngoài rút tiền khiến việc trả tiền mất hơn một tiếng. Vì căng thẳng trong quá trình trả tiền, Adrien bỏ quên thẻ tín dụng ở quầy dịch vụ. Sau đó, anh phải mượn ứng dụng thanh toán của người bạn Trung Quốc để chi trả trong chuyến du lịch.
Sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc kín khách dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Bloomberg
James Chin, giáo sư tại Đại học Tasmania, cho biết vấn đề thanh toán và thị thực tại Trung Quốc vẫn là điểm yếu. Chin cho rằng ngành du lịch Trung Quốc "sẽ không thay đổi cho đến khi những rào cản trên được mở nút thắt hoàn toàn".
Để khắc phục, từ khi mở cửa lại biên giới đầu năm 2023, chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các rào cản trên.
Học viện Du lịch Trung Quốc hồi giữa tháng 3 cho biết lượng khách quốc tế năm nay "có hy vọng phục hồi bằng 50%" so với năm 2019. Lượng khách quốc tế từ châu Âu và Đông Nam Á vào cuối năm 2023 và dịp năm mới tăng gấp đôi 2019, khi Trung Quốc nới lỏng hoặc miễn thị thực mới cho các thị trường này.
Marc Guyon, du khách Pháp, đang hưởng chính sách miễn thị thực của Trung Quốc, nói trước đây thường chọn đi nghỉ ở Thái Lan, Philippines vì không cần xin thị thực. "Hiện giờ tình thế đã khác", Marc nói về quyết định đến Trung Quốc.
Với những du khách đến từ các quốc gia không được miễn visa, Trung Quốc cũng hỗ trợ bằng cách rút ngắn các mẫu đơn xin thị thực, giảm phí và các cuộc hẹn xin visa tại sứ quán được đặt dễ dàng hơn hoặc chuyển sang hình thức đăng ký online cho thuận tiện.
Nhà tư vấn thương mại người Mỹ Douglas Barry cho biết Bắc Kinh đã "cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà" khi xin visa nhưng động thái đó chưa đủ để kích thích người Mỹ đi du lịch đến Trung Quốc. Công dân Mỹ hay các nước phát triển khác như Nhật Bản, Anh, Cananda vẫn mất 185 USD phí visa và đi lại nhiều lần tới cơ quan lãnh sự.
Tân Hoa Xã cho biết ngành du lịch đang "đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển" vì Trung Quốc cần giảm tình trạng thất nghiệp, giải quyết khủng hoảng nhà ở và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh mở lại các đường bay để kết nối thế giới như trước dịch. Theo số liệu từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc gia, các chuyến bay thẳng tới các quốc gia khác đạt mức gần 4.800 chuyến mỗi tuần tính đến tháng 12/2023, tăng gần 10 lần so với 500 chuyến đầu năm ngoái.
Nền tảng du lịch Trung Quốc Fliggy cho biết chính sách miễn thị thực giúp các chuyến bay quốc tế tăng cao và sự cạnh tranh của các hãng hàng không giúp vé máy bay được điều tiết, hợp lý.
Zoey Wang, Giám đốc xếp hạng cơ sở hạ tầng toàn cầu của Fitch Ratings, cho biết cuối năm 2023, khách châu Âu ngày càng quan tâm đến du lịch Trung Quốc và các nước được hưởng lợi từ chính sách miễn visa.
Đầu tháng 3, Hội đồng Nhà nước cam kết hỗ trợ chính sách giúp thanh toán di động đơn giản hơn, khiến các tổ chức thanh toán thẻ ngân hàng Trung Quốc lần lượt phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hai nền tảng thanh toán chủ yếu ở Trung Quốc là Alipay và WeChat Pay đã thực hiện các bước giúp khách quốc tế thanh toán hàng hóa, dịch vụ dễ dàng hơn. Alipay nâng giới hạn giao dịch mỗi lần lên 5.000 USD, gấp 5 lần mức tối đa trước đó.
Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú toàn quốc "nâng cao mức độ quốc tế hóa" bằng cách chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng quốc tế, cải thiện quản lý các kênh đặt phòng xuyên quốc gia.
Steven Zhao, CEO công ty du lịch China Highlights trụ sở ở Thâm Quyến, cho biết các sân bay Bắc Kinh và Thượng Hải bán thẻ điện thoại cho phép thanh toán điện tử nhưng phải mất "thời gian dài" để cài đặt. Ông cho biết thêm, một số du khách nước ngoài mua thẻ eSIM trước chuyến đi.
Một số khách du lịch không thể truy cập Gmail, Facebook hay Instagram - những ứng dụng phổ biến ở nước ngoài nhưng bị cấm ở Trung Quốc. Zhao nói nhiều khách quốc tế đã biết cách "lách" khi mua sim quốc tế từ trước để có thể vào các nền tảng xã hội này khi đến Trung Quốc. Nhưng Zhao nhận định đây là những rắc rối lớn cần khắc phục vì nó là trở ngại đối với ngành du lịch trong việc hút những khách tiềm năng.
Tuy vậy, những du khách như Chetwynd, Mỹ và Adrien Grosclaude, Pháp vẫn thấy chuyến đi đến Trung Quốc là "đáng giá" và nói "sẽ quay lại Trung Quốc". Các di tích tôn giáo như tượng Phật ở Phật Sơn đã để lại cho nam du khách Pháp "những ấn tượng tốt đẹp đầu tiên" về văn hóa Trung Quốc.
Một số rắc rối không ngăn cản Adrien quay lại Trung Quốc nhưng anh cũng thừa nhận nếu đi du lịch một mình không có người dân địa phương đi cùng, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn. "Tôi mong Trung Quốc nới lỏng các quy định với khách quốc tế", Adrien nói.
Anh Minh (Theo SCMP)
Xem tiếp...