THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
331K

Tiêm botox xóa nếp cau mày (nếp nhăn giữa hai đầu lông mày)

Phương Nga

Tích Cực
Botox hay các chất điều biến thần kinh khi được tiêm chính xác vào các cơ gây ra nếp nhăn giữa hai đầu lông mày sẽ khiến những nhóm cơ này bị suy yếu, giảm hoạt động, qua đó giảm đáng kể tình trạng nếp nhăn da bên trên.


Nếp cau mày là những nếp nhăn dọc và/hoặc ngang nằm giữa hai đầu lông mày, xuất hiện do các hoạt động cau mày, nhíu mày, nheo mắt hoặc khi biểu cảm sự giận dữ. Vì những nếp nhăn này hình thành từ các chuyển động bình thường trên khuôn mặt nên chúng có thể có ở ngay cả những người trẻ tuổi. Ở những người trẻ tuổi thường nếp cau mày chỉ là các nếp nhăn động, chỉ xuất hiện khi có hoạt động co cơ, nhưng ở những người lớn tuổi, với các chuyển động cơ lặp đi lặp lại, nếp cau mày có thể xuất hiện ở đó mọi lúc, và được coi là nếp nhăn tĩnh. Trong cả hai trường hợp, botox đều là giải pháp vô cùng hữu ích trong việc loại bỏ hoàn toàn hoặc giảm bớt những đường nhăn này.

Các nhóm cơ gây ra nếp cau mày​

hình t2
Vị trí các nhóm cơ

Có 2 nhóm cơ chính tham gia vào các hoạt động cau mày, nhíu mày…và hình thành nên các nếp cau mày ở giữa hai đầu lông mày bao gồm bao gồm: cơ cau màycơ tháp mũi (hay còn gọi là cơ mảnh khảnh). Cơ cau mày là hai khối cơ chạy ngang theo chiều dài của hai bên lông mày và thể co/nhíu hai bên lông mày lại với nhau. Khi hai khối cơ này co lại chúng sẽ tạo nên các nếp nhăn dọc ở vùng gian mày hay còn gọi là nếp nhăn 11. Cơ tháp mũi đúng như tên gọi, có hình kim tự tháp, nằm ở giữa hai đầu lông mày và khi co lại sẽ tạo ra nếp nhăn ngang.

Bệnh nhân có nếp cau mày có thể có hai loại, nếp nhăn động hoặc nếp nhăn tĩnh, hoặc cả hai. Nếp nhăn động là những nếp chỉ xuất hiện khi có hoạt động co cơ, hay biểu cảm khuôn mặt, và thường xuất hiện ở người trẻ tuổi. Đây cũng chính là loại nếp nhăn mà botox hay các chất điều biến thần kinh nhắm tới. Nếp nhăn tĩnh là những nếp xuất hiện ngay cả khi không có chuyển động cơ, nghĩa là những nếp nhăn này đã hằn sâu ở đó do hoạt động cơ lặp đi lặp lại trong thời gian dài và ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên cũng như các yếu tố bên ngoài. Với nếp nhăn tĩnh, botox mặc dù không thể loại bỏ ngay lập tức, nhưng cũng có tác dụng làm mềm, làm mờ sau nhiều lần tiêm, giúp ngăn chặn những nếp này hằn sâu hơn và làm chậm quá trình hình thành nếp nhăn tĩnh. Trong những trường hợp nếp nhăn tĩnh hằn quá sâu thì bệnh nhân có thể cần kết hợp dùng cả botox và filler để giúp làm đầy chúng.

Cơ chế hoạt động của botox với cơ cau mày​


Botox hay các chất điều biến thần kinh khác như Dysport, Xeomin đều là sản phẩm độc tố thần kinh botulinium loại A đã được FDA phê duyệt để điều trị nếp nhăn giữa hai bên lông mày cũng như các nếp nhăn ở vị trí khác như trán, đuôi mắt, cổ …Khi được tiêm vào các nhóm cơ mục tiêu, các độc tố thần kinh này sẽ hoạt động bằng cách chặn tín hiệu truyền từ dây thần kinh đến các cơ, tạm thời làm thư giãn, suy yếu cơ, khiến cơ không thể co được nữa, điều này giúp giảm thiểu đáng kể các nếp nhăn.

Các vấn đề cần lưu ý khi tiêm botox xóa nếp cau mày​


Khi tiêm botox để xóa nếp cau mày, chúng ta sẽ tiêm và nhắm trực tiếp vào các khối cơ gây nên loại nếp nhăn này, tức là cơ cau mày và cơ tháp mũi. Tuy nhiên ở vùng này có rất nhiều các khối cơ đan xen và nằm gần nhau. Cụ thể là hai nhóm cơ hạ lông mày xuống và nâng lông mày lên. Nhóm cơ hạ lông mày xuống bao gồm cơ cau mày và cơ vòng mi, còn nhóm cơ nâng lông mày lên là cơ trán. Những khối cơ này hoạt động ngược chiều nhau. Vì thế chỉ cần vị trí tiêm không chuẩn hoặc tiêm quá nhiều vào cơ nâng mày thì có thể khiến lông mày bị sụp xuống kéo theo sụp mí và nhiều vấn đề liên quan khác. Ngược lại nếu tiêm quá nhiều vào cơ hạ lông mày thì có thể khiến chân mày bị hếch lên tạo diện mạo ngạc nhiên hoặc nham hiểm.

Vì thế có một vài lưu ý quan trọng khi thực hiện tiêm đó là: bác sĩ không được tiêm vào cơ trán, và với phần đuôi phía ngoài của cơ cau mày cần thực hiện kỹ thuật tiêm nông. Vì nếu tiêm sâu ở vị trí này sẽ có rất nhiều cấu trúc mà botox có thể đi qua như lỗ trên hốc mắt… Ngoài ra, vì cơ địa mỗi người chuyển hóa mỗi khác, nên để đảm bảo trong lần đầu tiêm, tốt nhất nên giảm liều. Bạn hoàn toàn có thể tiêm bổ sung sau đó 1 – 2 tuần nếu thấy kết quả chưa tối ưu và qua đó hoàn toàn có thể dự đoán liều lượng tiêm phù hợp cho những lần sau. Tiêm ít thì có thể tiêm bổ sung, nhưng nếu lỡ tiêm nhiều, bạn sẽ phải mất vài tuần để chờ các tác dụng phụ biến mất.

Quy trình tiêm botox xóa nếp cau mày​

hình kỹ thuật tiêm
Các vị trí tiêm

2


Đánh dấu vị trí tiêm: tùy độ mạnh cơ của mỗi người mà các bác sĩ có thể đánh dấu vị trí tiêm ở 5, 6 hoặc 7 điểm tiêm (như hình trên). Trong quá trình đánh dấu, ngoài việc yêu cầu bệnh nhân cau mày lại và sờ nắn để xác định vị trí cơ thì một số bác sĩ có thể dung các thiết bị soi mạch máu dưới da như Accuvein để nhìn rõ mạch máu và tránh chúng ra, giúp giảm nguy cơ bầm tím sau tiêm.

Liều lượng: Liều lượng trung bình để tiêm xóa nếp cau mày thường từ 10 – 20 đơn vị botox tùy theo tình trạng mỗi người. Cụ thể, với Botox và Xeomin ở vị trí cơ tháp mũi khoảng 2 đơn vị, trong khi đó Dysport cần 5 đơn vị. Với vị trí cơ cau mày, mỗi điểm sẽ cần từ 2 – 4 đơn vị botox hoặc xeomin, và 5-10 đơn vị Dysport.

Sát trùng và gây tê: sau khi đánh dấu và xác định được liều lượng tiêm. Bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng vùng điều trị và chườm đá hoặc bôi kem gây tê tại chỗ.

Tiến hành tiêm: để tiêm chính xác, hầu hết các bác sĩ đều dùng tay véo nhẹ vào từng điểm tiêm và dùng mũi kim đầu nhỏ để tiêm nhẹ nhàng với độ sâu thích hợp. Khi rút mũi tiêm ra bác sĩ sẽ dùng ngón tay ấn giữ nhẹ vào vị trí vừa tiêm, đồng thời chườm mát để giảm nguy cơ bầm tím.

Hồi phục và lưu ý sau tiêm​


Tùy vào từng loại độc tố sử dụng mà sau khoảng 3 – 4 ngày bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy được hiệu quả và sau 2 tuần sẽ thấy hiệu quả tối đa. Vì botox khi tiêm vào có thể dịch chuyển, khuếch tán đến 1cm, nên trong ít nhất 4 giờ đầu bệnh nhân cần lưu ý tuyệt đối không chà xát, matxa vùng điều trị, không cúi đầu, hoạt động mạnh, tập thể dục, xông hơi hay thực hiện các phương pháp điều trị, chăm sóc da mặt khác....để tránh botox di chuyển đến các cơ lân cận. Thường thì sau khoảng vài giờ botox sẽ được cơ hấp thụ, do đó bệnh nhân có thể trở lại với các hoạt động cũng như thói quen sinh hoạt bình thường.

Botox sẽ cho kết quả trung bình từ 3 4 tháng, do đó nếu muốn tiếp tục duy trì kết quả sau khoảng thời gian này bệnh nhân sẽ cần tiêm lặp lại. Sau một vài lần tiêm lặp lại, cơ bị suy yếu hơn và khoảng cách giữa các lần tiêm có thể sẽ dài hơn, liều lượng ở mỗi lần tiêm lặp lại sau đó có thể cũng cần ít hơn so với những lần ban đầu.

Một số hình ảnh bệnh nhân trước và sau tiêm botox xóa nếp cau mày

12


hot girl cau may kho tinh vu ha da thay doi hoan toan net mat sau khi tiem botox cau may tai dr hoang tuan


gal577db50d56a23


3


Các vấn đề có thể gặp phải sau khi tiêm botox xóa nếp cau mày​


Sau khi thực hiện thủ thuật các vị trí tiêm có thể hơi bị sưng, đỏ hoặc bầm tím…tất cả những hiện tượng này đều bình thường và sẽ biến mất sau vài giờ. Để tránh bầm tím bệnh nhân nên lưu ý tránh dùng aspirin, ibuprofen, vitamin E hay dầu cá/omega 3 ít nhất 1 tuần trước khi tiêm. Đôi khi chính các mũi tiêm có thể khiến bệnh nhân bị đau nhức đầu hoặc nặng đầu… tuy nhiên đây chỉ là do căng thẳng và cũng sẽ sớm tự hết. Có những trường hợp do bác sĩ tiêm quá sâu, chạm vào màng xương thì tình trạng đau đầu có thể kéo dài lâu hơn, nhưng cuối cùng cũng sẽ tự hết. (Đọc thêm: Đau đầu sau tiêm botox thẩm mỹ)

Sau một vài ngày bạn sẽ bắt đầu thấy vùng cơ được điều trị yếu hơn, giãn ra và không còn hoạt động nhiều nữa. Tuy nhiên cũng đừng bất ngờ khi thấy sau đó bạn vẫn có thể cau mày. Vì mục tiêu của tiêm botox hay các chất độc thần kinh là để làm suy yếu, giảm hoạt động của cơ qua đó giảm nếp nhăn chứ không phải khiến cơ tê liệt hoàn toàn. Bạn sẽ vẫn cần cơ duy trì khả năng hoạt động một chút để đảm bảo có được biểu cảm tự nhiên chứ không phải diện mạo cứng đơ, mất tự nhiên. Cho dù thế nào thì sau tiêm khoảng 2 tuần bạn vẫn nên trở lại đánh giá để kiểm tra xem kết quả đã tối ưu chưa, nếu cơ vẫn còn hoạt động mạnh mẽ, nếp nhăn chưa giảm nhiều thì bác sĩ có thể tiêm bổ sung thêm 1 vài đơn vị.

Ngoài các vấn đề tạm thời ở trên thì trong trường hợp kỹ thuật tiêm không tốt, hoặc liều lượng tiêm quá cao, hoặc bệnh nhân tác động ngay sau khi tiêm khiến botox bị dịch chuyển thì có thể gặp phải các vấn đề như:

  • Sụp lông mày
  • Sụp mí
  • Lông mày bị vểnh lên
  • Xuất hiện thêm nếp nhăn ở vị trí khác, hoặc khiến các nếp nhăn ở vị trí khác trở nên rõ hơn.

Biến chứng sụp lông mày​


Vấn đề này có thể xảy ra nếu tiêm sai vị trí, bác sĩ tiêm quá cao vào cơ trán – là nhóm cơ nâng lông mày, khi cơ trán bị xệ sẽ không thể nâng lông mày lên và khiến nó bị sụp. Hoặc cũng có thể do bác sĩ tiêm quá nhiều vào vùng gian mày giữa hai đầu lông mày, hoặc tiêm quá thấp, quá sát lông mày. Trong trường hợp này tùy tình trạng mà bệnh nhân có thể được tiêm thêm một vài đơn vị botox vào một số vị trí phù hợp để giúp nâng chân mày lên, trong trường hợp không thể thì bệnh nhân chỉ có 1 cách duy nhất là chờ botox hết tác dụng và lông mày sẽ trở về vị trí bình thường. Thường thì chỉ sau một vài tuần.

(Đọc thêm chi tiết tại: Chân mày bị sa sụp, hạ thấp, không cân đối sau tiêm Botox)

Biến chứng sụp mí​


Vấn đề này có thể xảy ra do các nguyên nhân liên quan đến sụp lông mày ở trên. Tức là khi lông mày bị sụp xuống sẽ khiến mô dồn xuống và kéo theo sụp mí. Trường hợp này thường xảy ra ở những người có vùng da giữa lông mày và mí mắt vốn đã lỏng lẻo từ trước. Hoặc sụp mí sau tiêm botox xóa nếp cau mày cũng có thể xảy ra do: botox được tiêm quá gần cơ nâng mi trên hoặc bác sĩ tiêm quá nông, quá nhiều vào cơ cau mày và cơ mảnh khảnh, khiến nó khuếch tán đến cơ nâng mi trên gây sụp mí. Trong trường hợp này ngoài việc chờ đợi botox hết tác dụng thì bệnh nhân có thể tạm thời nhỏ thuốc Apraclonidine (hay còn gọi là Iopidine) để nâng mí lên khoảng 2mm, giúp mở to mắt hơn.

(Đọc thêm chi tiết tại: Sụp mí do tiêm Botox)

Biến chứng lông mày bị vểnh lên​


Sau khi tiêm botox xóa nếp cau mày, phần đầu hoặc phần đuôi của lông mày có thể bị vểnh lên khi ở trạng thái bình thường hoặc khi nhướng mày. Nguyên nhân là do tiêm không đều, tiêm quá nhiều botox vào vị trí đầu hoặc đuôi của cơ cau mày – là cơ hạ lông mày, vì vậy sau đó lông mày mới bị vểnh lên. Cộng với việc cơ trán – cơ nâng lông mày, không được điều trị nên vẫn hoạt động, và có khi còn hoạt động quá mức đề bù vào phần cơ cau mày bị suy yếu. Điều này càng khiến lông mày bị vểnh lên nhiều hơn. Để khắc phục bệnh nhân có thể được tiêm một vài unit botox vào phần cơ trán phía trên vị trí lông mày bị vểnh để làm suy yếu cơ trán, và hạ thấp phần lông mày đó xuống.

Xuất hiện thêm nếp nhăn ở vị trí khác, hoặc khiến các nếp nhăn ở vị trí khác trở nên rõ hơn​


Ở một số người khi cau mày họ cũng co cả cơ mũi. Do đó sau khi tiêm quá nhiều vào các nhóm cơ cau mày làm nhóm cơ này tê liệt, có thể khiến cơ mũi hoạt động quá mức để bù vào, chính điều này gây xuất hiện các nếp nhăn trên mũi, hay còn gọi là nếp nhăn thỏ, hoặc khiến những nếp nhăn đã có sẵn ở trên mũi trở nên hằn sâu rõ nét hơn. Để khắc phục có thể tiêm thêm botox vào chính nhóm cơ mũi, để giảm hoạt động của nhóm cơ này.

Tất cả những vấn đề này mặc dù có thể được điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng hầu hết đều phải chờ botox hết tác dụng mới trở lại bình thường được. Do đó, ngay từ đầu bệnh nhân cần lựa chọn bác sĩ cũng như cơ sở tiêm uy tín để tránh những vấn đề đáng tiếc này.

Xem tiếp...
 
Top Bottom