Phạm Phương Liên
Fan Cứng
- Mới nhất
- Thời sự
- Góc nhìn
- Thế giới
- Video
- Podcasts
- Kinh doanh
- Bất động sản
- Khoa học
- Giải trí
- Thể thao
- Pháp luật
- Giáo dục
- Sức khỏe
- Đời sống
- Du lịch
- Số hóa
- Xe
- Ý kiến
- Tâm sự
- Thư giãn
Hà NộiTruyện ''Tam quốc'' với nhân vật kinh điển như Tào Tháo, Quan Vân Trường được thể hiện trong tranh Hàng Trống, do Phan Ngọc Khuê sưu tầm.
Bộ tranh Tam Quốc 1 khắc họa cuộc đại chiến ở Xích Bích (xem từ dưới lên trên). Đây là trận thủy chiến lớn nhất ở Tam Quốc năm 220, khi Đông Ngô và Tây Thục dùng hỏa công đánh quân Tào Tháo. Kết quả, Tào Tháo bại trận, cùng quân chạy vào rừng nhưng gặp Quan Vân Trường mai phục, phải quỳ gối xin ông tha mạng, cho mở đường chạy thoát.
Tác phẩm thuộc triển lãm Tranh truyện Hàng Trống của nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, diễn ra từ ngày 18 đến 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Khu trưng bày gồm 40 bức tranh của mười bộ truyện cổ như Chiến quốc, Tam quốc, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ, Bát tiên, cho thấy kỹ thuật in khắc gỗ, pha màu trong dòng tranh Hàng Trống của người Hà Nội xưa.
Truyện tiếp theo trong bộ Tam Quốc 1.
Các tác phẩm được nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê sưu tầm từ vài chục năm trước, đồng thời tu bổ, bồi tranh, lên khung. Ông cho biết những bức họa này có thể được hoàn thành từ thế kỷ 19 đến trước những năm 1945.
Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam, ra đời vào khoảng thế kỷ 16, giao thoa các giá trị của Phật giáo và Nho giáo. Dòng tranh này có nhiều chủ đề như thiên nhiên, cảnh sinh hoạt nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu và để trưng bày mỗi dịp Tết đến, gửi mong cầu một năm tốt đẹp.
Trong hình là bộ tranh Hán Sở tranh hùng. Ở phần trên của tác phẩm, Hàn Tín lâm cảnh khó khăn và đói khát, phải đi câu cá để bán kiếm ăn. Ông được bà cụ nghèo, nhân từ cho bát cơm, khiến ông mãi nhớ ơn. Trong phần dưới tranh, Bãi Công chiếm được cung điện nhà Tần, muốn hưởng lạc thú nhưng được các tướng khuyên không nên quên mục đích lớn.
Cũng trong bộ Hán Sở tranh hùng, Hàn Tín tìm gặp bà cụ nghèo đã giúp ông thuở hàn vi, tặng 1.000 lạng vàng để trả ơn cụ (từ trên xuống). Cảnh dưới kể khi tướng Hạng Vũ chạy trốn vì thua trận ở Ô Giang, quân Hán thưởng cho ai giết được Hạng Vũ sẽ nhận 1.000 lạng vàng và phong chức tước. Cuối cùng, ông gọi một người làm nông đến rồi tự sát, cho nông phu lấy đầu dâng quân Hán để nhận thưởng.
Theo ông Phan Ngọc Khuê, một bức tranh truyện Hàng Trống được làm công phu, tỉ mỉ từ vẽ tới khắc rồi mới đến bước in. Do tác động của chiến tranh, đời sống thay đổi, dòng tranh này gần như không được in từ năm 1954.
Trong bộ tranh Chiến quốc, từ trên xuống là cảnh nước Sở có nội loạn, bầy tôi giết vua rồi tự lập ngôi cao nhất. Quân dân phải mời Đằng Điệu Công (vua nước Đằng) đến giúp giết kẻ làm phản, lấy lại bình yên cho nước Sở.
Ở cảnh trên của bộ Chiêu quân 1, vua Hán viếng mộ Chiêu Quân, gặp bố mẹ và em gái nàng là Trại Chiêu Quân cũng ở đó. Từ dưới lên tả cảnh vua Hán đón Trại Chiêu Quân vào cung, lập làm Hoàng phi thay chị.
Bộ tranh Nhị Độ Mai. Trong phần giải thích ý nghĩa, Nhị Độ Mai là hoa mai nở hai lần. Ngoài ra, Mai còn là họ của nhân vật chính trong truyện. Vì bị gian thần hại, gia đình họ Mai phải ly tán, song nhờ sự đấu tranh của những người yêu chính nghĩa, các thành viên lại được đoàn tụ, giống như mai nở hoa sau cơn bão tố.
Không gian triển lãm Tranh truyện Hàng Trống.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Phan Ngọc Khuê trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ. Theo nhà nghiên cứu, đây là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội, thể hiện tinh thần tác giả là ca ngợi những nhân cách đẹp của con người mà xã hội thời nào cũng cần bồi đắp.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, 87 tuổi, là tác giả của nhiều công trình như Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam, Tranh đạo giáo ở Bắc Việt Nam, Tranh dân gian Kim Hoàng. Năm 2013, ông đoạt hai giải nhất của Hội và Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với công trình Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội.
Phương Linh
Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Xem tiếp...