Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
Tiền Giang "trên bến dưới thuyền" - Trung tâm kết nối liên vùng
Ngày 24.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, cho biết Tiền Giang đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Duyên hải phía đông ĐBSCL. Tiền Giang nằm trải dài hơn 120 km trên bờ bắc sông Tiền, cách TP.HCM khoảng 70 km và cách TP.Cần Thơ khoảng 100 km; tiếp giáp TP.HCM và các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
BẮC BÌNH
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có các trục giao thông quan trọng như: QL1, QL50, QL60, QL30, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và trong tương lai có tuyến đường sắt TP.HCM - Trung Lương. Về đường thủy, Tiền Giang có hơn 1.000 km, trong đó có 6 tuyến đường thủy nội địa quốc gia chiều dài hơn 213 km với hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo.
Các điều kiện trên đã tạo cho tỉnh Tiền Giang vị thế là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TP.HCM, nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Tiền Giang còn có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau và ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao trên sông, có bờ biển dài 32 km, các di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống, khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười... Tiền Giang được mệnh danh là "vương quốc trái cây" của cả nước với tổng diện tích hơn 100.000 ha.
Theo ông Danh, thực hiện quy hoạch tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ, Tiền Giang xác định đến năm 2030 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi "trên bến dưới thuyền", có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang phát biểu tại hội nghị
BẮC BÌNH
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác lập quy hoạch của tỉnh Tiền Giang được tổ chức bài bản, khoa học, sát thực tế với các mục tiêu đề ra trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi, Tiền Giang có rất nhiều lợi thế về mặt địa lý, lịch sử văn hóa và nguồn lao động dồi dao, đồng thời có lợi thế rất rõ về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên trong kết nối liên vùng.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đang đối mặt với nhiều thách thức là nạn sụt lún đất, xâm nhập mặn, nước biển dâng, kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và nguồn lao động tuy dồi dào (trên 1 triệu dân trong độ tuổi lao động trong tổng số gần 1,8 triệu dân) nhưng vẫn còn thiếu lao động có chất lượng cao…
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới cần các biện pháp có hiệu quả để huy động mọi nguồn lực hợp pháp để đầu tư vào kết cấu hạ tầng công nghiệp, xã hội và giao thông để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, tiên quyết là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát huy tối đa tiềm năng để tạo kết nối, liên kết với các tỉnh, thành trong vùng, trong khu vực và quốc tế. Mạnh dạn đột quá vào các ngành kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sẻ chia… trên tinh thần đoàn kết trong Đảng bộ, nhân dân.
"3 trung tâm, 1 dải và 4 hành lang kinh tế"
Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết thực hiện Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang sẽ phát triển theo kế hoạch "3 trung tâm, 1 dải và 4 hành lang".
Ba trung tâm là trung tâm đô thị chính gồm trung tâm TP.Mỹ Tho - Châu Thành - Chợ Gạo là trung tâm hành chính, kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, điều phối chế biến nông sản phục vụ cho tỉnh và vùng, trong nhóm đô thị vệ tinh cửa ngõ vùng TP.HCM; Trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông -Tân Phú Đông phát triển đô thị biển, nghỉ dưỡng, du lịch, công nghệ số với trung tâm là đô thị Gò Công Đông; Trung tâm sinh thái công nghiệp Tân Phước phát triển công nghiệp, đô thị thành hệ sinh thái đô thị - công nghiệp.
Một dải là dải ven sông Tiền được quy hoạch mới thành một trục đô thị ven sông, gồm nhiều điểm đô thị nhỏ, chủ yếu phát triển du lịch; tạo kết nối với các cù lao sông và giao thông đối ngoại để tăng sức hấp dẫn du khách.
Hơn 600 đại biểu tham dự hội nghị
BẮC BÌNH
Bốn hành lang kinh tế là theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phát triển các KCN, các trung tâm kinh tế, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics của tỉnh và vùng ĐBSCL; Hành lang kinh tế dọc theo tuyến QL1, QL50B (quy hoạch) phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và đô thị; Hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến QL50 tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như cảng, năng lượng, logistics, du lịch, đô thị; Hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với ĐBSCL tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch.
Trao quyết định đầu tư cho 14 dự án với gần 17.000 tỉ đồng
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án tỉnh đã thu hút được với tổng vốn 16.719 tỉ đồng và trao chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư 39.185 tỉ đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang giới thiệu danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực phát triển đô thị, khu dân cư là 13 dự án; Thương mại, dịch vụ, du lịch gồm 7 dự án; Công nghiệp gồm 12 dự án; Lĩnh vực kết cấu hạ tầng giáo dục - y tế - văn hóa - thể thao - môi trường gồm 5 dự án và lĩnh vực nông nghiệp là 3 dự án.
Xem tiếp...