Phạm Phương Liên
Fan Cứng
Thứ bảy, 24/2/2024, 17:14 (GMT+7)
Nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng ngày nay, việc đăng thơ trên báo hay in sách dễ dàng, khiến nhà nhà người người lao vào làm thơ.
Tác giả phát biểu trong tọa đàm Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ, thuộc khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, sáng 24/2 ở Hà Nội.
Nhà thơ Đặng Huy Giang so sánh giữa việc xuất bản thơ trước kia và ngày nay. Theo ông, có một thời, thơ đăng báo rất khó, cả nước chỉ có Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ. Còn những tờ báo không chuyên về văn nghệ, mỗi tuần (thường vào chủ nhật) mới đăng một bài. Để đăng chùm thơ từ hai bài trở lên trên các báo, tạp chí kể trên là rất khó. Và số người được in chùm thơ cũng không nhiều. Người nào được giới thiệu năm, bảy bài một lúc đã được coi là nổi tiếng.
Các nhà xuất bản liên quan văn chương xưa thường chỉ ra khoảng 20 đầu sách một năm. Một tác giả in riêng thơ không dễ, thường phải ghép với người khác. Với người làm thơ trẻ thời ấy, được in một, hai bài trong các tuyển tập là điều may mắn.
Ông nhận định đó là thời văn chương còn thiêng liêng, có vị thế, được nhiều người yêu thích, có độc giả. Đặng Huy Giang nói về tình hình hiện nay: "Việc đăng thơ quá dễ. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản được sách. Sinh thời, nhà thơ Quang Huy từng nói: 'Có một cái đáng chống nhất thì lại không chống. Đó là chống chất lượng nghệ thuật yếu kém'. Còn việc tự xuất bản thơ qua facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ".
Nhà thơ Đặng Huy Giang. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam
Do sản phẩm tràn lan, đến người viết còn không đọc của nhau. Đặng Huy Giang cho rằng đây là dấu hiệu đáng báo động. Ngoài ra, việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách đối với người viết. "Nên nhớ: Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như họ thực sự có tài", ông nói.
Đặng Huy Giang, 69 tuổi, quê Hà Nội. Ông vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ từ năm 1973. Xuất ngũ, ông làm báo mảng văn hóa, văn nghệ. Ngoài làm thơ, ông còn viết phê bình văn học. Ông là ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải A cuộc thi thơ 1998-2000 của tuần báo Văn nghệ. Đặng Huy Giang từng xuất bản một số tập thơ như Hai bàn tay sao, Trên mặt đất, Qua cửa, Đời sống, Trật tự không trật tự.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương (phải) chủ trì tọa đàm "Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ".
Các diễn giả trong tọa đàm phân tích phong cách, quan điểm nghệ thuật của nhiều tên tuổi lớn trong nền thi ca, để minh chứng về nhà thơ có bản lĩnh. Đặng Huy Giang khâm phục Trần Dần bởi ông luôn theo đuổi quan điểm nghệ thuật, cách nghĩ, lối viết của mình đến cùng. Chế Lan Viên thể hiện bản lĩnh qua việc "đào sâu, xoáy mạnh" về một hiện tượng có thật trong làng thơ. Ông chê những nhà thơ không dám là mình, đánh mất ngòi bút. Chế Lan Viên viết:
"Những nhà thơ tuổi hổ
Lại nghĩ mình phận mèo
Đã liếm cá trong đĩa
Lại còn kêu meo meo"
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói đến giọng thơ của Lưu Quang Vũ những năm 1970. Theo ông Nguyên, càng về cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Lưu Quang Vũ càng sắc nhọn, đau đớn, day dứt, trăn trở những nghĩ suy số kiếp nhân dân, thân phận đất nước. Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân được ông thể hiện trong Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sông Hồng, Năm 1954, Khâm Thiên, Hồ sơ mùa hạ 1972.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, bản lĩnh giúp mỗi cây viết xác định con đường, cá tính riêng, không lẫn vào ai. Anh lấy ví dụ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi xuất bản Ngôi nhà tuổi 17 năm 1990, bị nhận xét làm khó người đọc, gây khó hiểu và xa rời ngôn ngữ, văn hóa Việt. Nhưng chính ông sau này lại là người bắt rễ sâu với văn hóa làng và biết cách dị biệt hóa để những hình tượng từ đó trở nên hấp dẫn, bí ẩn.
Hà Thu
Xem tiếp...