Phương Nga
Tích Cực
Tái tạo bề mặt da bằng laser là gì?
Tái tạo bề mặt da bằng laser là một quy trình không phẫu thuật được thực hiện ở ngay tại phòng khám, trong đó tia laser sẽ làm nóng tới các lớp da bên dưới, tạo ra những tổn thương vi mô và kích hoạt phản ứng chữa lành của cơ thể. Khi da tái tạo, tông màu da và kết cấu bề mặt da cũng sẽ cải thiện. Phương pháp này thường được áp dụng để xử lý các đường nhăn nhỏ và nếp nhăn, tàn nhang, sẹo lõm do mụn, tình trạng da nhăn nheo (như tờ giấy nhún), da xỉn màu và đổi màu. Ngoài ra phương pháp này cũng giúp làm săn chắc làn da bị chảy xệ ở mức độ nhẹ.
Cơ chế hoạt động của phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser?
Không phải tất cả các phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser đều có cơ chế hoạt động giống nhau, và có hai cơ chế hoạt động chính đó là: xâm lấn và không xâm lấn.
- Các phương pháp điều trị bằng laser xâm lấn bao gồm laser CO2 và laser Erbium, sẽ loại bỏ lớp bề mặt da đồng thời làm nóng các phân tử nước ở lớp da sâu hơn bên dưới để kích hoạt phản ứng chữa lành. Cơ chế loại bỏ lớp bề mặt da này sẽ để lại cho bạn làn da đỏ và thô ráp và cần ít nhất 1 tuần nghỉ dưỡng để da lành lại.
- Các phương pháp điều trị bằng laser không xâm lấn như Clear + Brilliant sẽ giữ lại phần bể mặt da còn nguyên vẹn, chỉ làm nóng lớp da bên dưới. Do đó cần rất ít hoặc không cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị.
So sánh laser xâm lấn với không xâm lấn: loại nào phù hợp với bạn?
Trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ giới thiệu cơ chế hoạt động của phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser, và khi bệnh nhân đã hiểu rõ cũng như thấy mình phù hợp với phương pháp này, bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ cho họ sự khác biệt giữa các loại laser xâm lấn và không xâm lấn. Laser xâm lấn mặc dù mang lại kết quả ấn tượng hơn chỉ trong một lần điều trị nhưng lại đòi hỏi thời gian nghỉ dưỡng nhiều. Trong khi đó, loại laser không xâm lấn cũng mang lại kết quả tuyệt vời và không cần thời gian nghỉ dưỡng nhưng lại phải thực hiện nhiều phiên điều trị.
Cả hai đều mang lại kết quả tốt cho hầu hết mọi người nhưng tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn mang lại cải thiện rõ rệt hơn cho tình trạng nếp nhăn sâu, tổn thương nặng do ánh nắng mặt trởi hoặc da chảy xệ. Các bác sĩ thường thực hiện kỹ thuật này kết hợp với một quy trình phẫu thuật thẩm mỹ, như căng da mặt, vì cơ thể sẽ lành thương tốt hơn sau khi thực hiện đồng thời cả quy trình phẫu thuật và chiếu laser bổ sung, với thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn và chỉ cần hồi phục một lần duy nhất.
Lời khuyên cho bạn: các tia laser phân tách hoạt động với cơ chế phân tách năng lượng laser thành hàng ngàn chùm tia cực nhỏ nhắm vào một phần da (20 – 40% da), có thể vừa là loại laser xâm lấn vừa là loại không xâm lấn. Mục đích của việc phân tách năng lượng laser ra là để giảm thiểu tổn thương cho da và giảm thời gian hồi phục. Laser phân tách xâm lấn sẽ vẫn để lại làn da đỏ và thô ráp sau điều trị nhưng thời gian lành thương thường ngắn hơn so với laser CO2 xâm lấn truyền thống (xâm lấn hoàn toàn). Fraxel - công nghệ laser phân tách phổ biến nhất hiện này – là loại không xâm lấn.
Ưu và nhược điểm của phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn
Ưu điểm
- Thông thường bạn chỉ cần một phiên điều trị đã thấy được cải thiện ấn tượng
- Có thể giúp giảm nguy cơ ung thư da ở vùng điều trị
Nhược điểm
- Có thể cần 5 đến 7 ngày nghỉ dưỡng sau điều trị
- Nếu bạn dễ bị nổi mụn, thì việc tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn có thể khiến bạn bị bùng phát mụn – vì loại thuốc mỡ dưỡng ẩm mà bạn cần bôi sau điều trị có thể gây tích tụ vi khuẩn và dầu thừa.
Ưu và nhược điểm của phương pháp tái tạo da bằng laser không xâm lấn
Ưu điểm
- Thời gian nghỉ dưỡng ngắn. Da bạn có thể bị hồng hoặc sưng nhẹ trong vài ngày đến vài tuần sau điều trị (tùy vào cường độ laser được thiết lập trong phiên điều trị) nhưng bạn có thể ngay lập tức trở lại các hoạt động bình thường
- Theo nhiều bác sĩ, một liệu trình từ 3 đến 6 lần điều trị bằng laser không xâm lấn, mỗi lần cách nhau 1 tháng sẽ mang lại kết quả ở mức rất tốt đến tuyệt vời trong thời gian dài.
Nhược điểm
- Bạn sẽ phải kiên trì điều trị hết một liệu trình mới thấy được kết quả rõ rệt
- Giống như phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn, kỹ thuật này có thể làm bùng phát virut herpes. Tuy nhiên bác sĩ sẽ kê một loại thuốc chống virut nếu bạn có nguy cơ này.
Quá trình tái tạo bề mặt da bằng laser diễn ra như nào?
Chi tiết quy trình điều trị sẽ phụ thuộc vào việc bạn chọn tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn hay không xâm lấn.
Với kỹ thuật tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn
Trước buổi điều trị, bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn một loại thuốc chống virut (nếu bạn dễ bị bệnh lở miệng) và một loại thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Một số bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân bôi retinoid tại chỗ khoảng 1 tháng trước khi điều trị để giúp thúc đẩy quá trình thay mới tế bào. Hầu hết các bác sĩ đều yêu cầu bệnh nhân tránh nắng trong vòng 2 đến 4 tuần trước khi điều trị và khoảng 1 tháng sau đó vì tắm nắng có thể dẫn đến các vấn đề về sắc tố da.
Tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn thường được thực hiện ở ngay tại phòng khám bác sĩ hoặc ở phòng phẫu thuật. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để làm tê da và có thể được cho uống thuốc an thần. Sau đó bác sĩ sẽ dùng tia laser xâm lấn loại bỏ lớp ngoài cùng của da đồng thời làm nóng các lớp da sâu hơn bên dưới. Cơ chế này sẽ kích hoạt phản ứng chữa lành của da, thúc đẩy sản sinh collagen và làm các sợi collagen hiện tại co lại, giúp làm săn chắc và mịn mượt da từ bên trong.
Quy trình này mất khoảng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ tùy vào diện tích vùng điều trị. Sau đó bác sĩ sẽ bôi một loại thuốc mỡ đặc và thường băng lại. Bạn sẽ cần xắp xếp ai đó đưa mình về nhà.
Với kỹ thuật tái tạo bề mặt da bằng laser không xâm lấn
Đầu tiên bác sĩ sẽ bôi thuốc tê lên mặt và bạn sẽ phải đợi chừng 1 tiếng đồng hồ để thuốc phát huy hiệu quả. Một khi da đã tê đi, bác sĩ thường sẽ bôi thêm một lớp gel gốc nước lên để bảo vệ da, sau đó bắt đầu lướt tia laser khắp vùng điều trị, làm nóng các sợi collagen ở các lớp da sâu bên dưới nhằm kích thích quá trình sản sinh collagen mới cũng như thắt chặt các sợi collagen hiện có. Một phiên điều trị có thể mất từ 15 phút đến 2 giờ tùy vào tia cường độ của tia laser và diện tích vùng điều trị.
Quá trình hồi phục sau tái tạo bề mặt da bằng laser
Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật tái tạo bề mặt da bằng laser mà bạn nhận được.
Hồi phục sau tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn
Bạn nên nghỉ làm khoảng 1 tuần để da lành lại. Ngay sau khi điều trị da trông giống như bị cháy nắng nặng, có thể sẽ thô ráp, sưng, ngứa và bị phồng rộp. Thậm chí da còn có thể bị rỉ nước trong vài ngày, sau đó dần đóng vảy và bong tróc. Cố gắng không gãi hoặc chọc làm tổn thương da vì như vậy có thể gây hình thành sẹo.
Trong vài ngày đầu tiên bạn cũng cần đặc biệt chăm chỉ vệ sinh làm sạch da vài lần một ngày bằng nước muối hoặc dung dịch Vinegar, sau đó bôi kem dưỡng ẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo bác sĩ Tâm, việc giữ da luôn được dưỡng ẩm và “bôi trơn” sẽ thúc đẩy quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn. Vaseline và Aquaphor là hai trong số những loại thuốc bôi phổ biến nhất với rất ít các vấn đề liên quan đến gây phản ứng hoặc nhạy cảm. Trong trường hợp được đánh giá là có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bình thường thì thấm da bằng dung dịch vinegar cũng rất có lợi.
Sưng nề một chút vào thời điểm này cũng là điều hoàn toàn bình thường. Ngủ kê cao đầu và chườm đá có thể sẽ giúp giảm sưng. Nếu tình trạng sưng tấy nặng hơn bác sĩ có thể sẽ kê steroid để giảm viêm.
Sau 10 đến 14 ngày hầu như da đã bong tróc hết, lúc này bạn có thể bắt đầu dùng các sản phẩm trang điểm không chứa dầu để che đi tình trạng đỏ da. Da bạn có thể sẽ bị hồng trong vài tháng, nhất là nếu bình thường bạn có nước da trắng sáng. Hãy bôi kem chống nắng phổ rộng (độ SPF từ 30 trở lên) mỗi ngày để bảo vệ làn da mới của mình. Nhiều người thường chọn thực hiện tái tạo bề mặt da bằng laser vào mùa thu hoặc mùa đông khi tia UV có cường độ thấp hơn và có ít nguy cơ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngoài ý muốn hơn.
Hồi phục sau tái tạo bề mặt da bằng laser không xâm lấn
Thời gian nghỉ dưỡng của bạn sẽ không nhiều và cũng không cần nghỉ việc ngày sau sau khi tái tạo da bằng laser không xâm lấn. Da sẽ hơi đỏ hoặc sưng sau vài giờ hoặc vài ngày nhưng uống ibuprofen, bôi kem dưỡng ẩm và chườm đá sẽ giúp da hết đỏ và sưng.
Bao lâu thì thấy được kết quả sau khi tái tạo bề mặt da bằng laser?
Khi da bong tróc hết và đã bớt đỏ một phần bạn sẽ thấy được kết quả tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn, thường thì sau khoảng 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên, kết quả đầy đủ có thể mất từ 3 đến 6 tháng mới thấy được, cần có khoảng thời gian dài này để tất cả collagen mới được tái tạo.
Kết quả tái tạo bằng laser không xâm lấn sẽ xuất hiện sau vài tháng vì thế bệnh nhân ban đầu sẽ có cảm giác cải thiện không được rõ rệt như ở laser xâm lấn. Nhưng một khi đã hoàn tất một liệu trình các phiên điều trị, chắc chắn sẽ thấy màu da và bề mặt da khác biệt đáng kể và da sẽ tiếp tục cải thiện trong vài tháng nữa.
Hầu hết các khách hàng đã thực hiện đều nói rằng tái tạo bề mặt da bằng laser (cả xâm lấn và không xâm lấn) đều rất hiệu quả, họ thấy giảm sẹo, vết nhăn nhỏ, nếp nhăn, da đều màu, mềm mịn, căng và săn chắc hơn.
Kết quả tái tạo bề mặt da bằng laser kéo dài bao lâu?
Kết quả từ cả phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser xâm lấn và không xâm lấn đều giữ được vài năm mặc dù không gì có thể ngăn chặn tác động của thời gian. Các bệnh nhân điều trị bằng laser xâm lấn vẫn thấy da cải thiện đáng kể thậm chí sau khi thực hiện cả 10 năm, trong khi đó những bệnh nhân điều trị bằng laser không xâm lấn thường cần thực hiện một quy trình lặp lại sau 1 đến 2 năm.
Trong cả hai trường hợp trên, việc chăm chỉ chống nắng mỗi ngày là điều rất cần thiết để duy trì kết quả. Các bác sĩ cũng đề nghị kết hợp tái tạo bề mặt da bằng laser với các quy trình điều trị IPL (ánh sáng xung cường độ cao) để kiểm soát tình trạng da tổn thương do ánh nắng mặt trời cũng như các đốm nâu và đỏ trên da.
Rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn từ quy trình tái tạo bề mặt da bằng laser?
Mặc dù khi được thực hiện bởi một bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có đầy đủ bằng cấp các quy trình tái tạo bề mặt da bằng laser được coi là an toàn, nhưng cũng có một số rất ít những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề trong quá trình lành thương, nhất là với các thủ thuật laser xâm lấn.
Ngoài ra, bệnh nhân có nước da sẫm màu cũng có nguy cơ bị tăng sắc tố (tăng nám, sạm da) sau khi điều trị với laser xâm lấn. Hãy yêu cầu bác sĩ chỉ ra những rủi ro này và lên kế hoạch để giảm thiểu chúng.
Chi phí tái tạo da bằng laser là bao nhiêu?
Chi phí sẽ phụ thuộc vào loại laser mà bác sĩ sử dụng, số phiên điều trị bạn cần, diện tích vùng điều trị cũng như kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ và địa điểm thực hiện.
Lời khuyên từ bác sĩ Tâm: trước khi xác định mức giá, đầu tiên cùng với sự giúp đỡ của bác sĩ bệnh nhân nên xác định xem loại laser nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho vấn đề của mình. Bác sĩ cũng nên cung cấp một vài loại laser cho bạn lựa chọn và so sánh chúng với nhau. Sau đó bạn cũng nên xác định xem mình có thể nghỉ dưỡng được trong bao lâu, qua đó dễ dàng chọn loại laser phù hợp nhất.
Các phương pháp thay thế tái tạo bề mặt da bằng laser?
Ngoài laser bạn cũng nên cân nhắc những phương pháp trẻ hóa da không phẫu thuật dưới đây nếu mục tiêu chính của bạn là cải thiện màu da và kết cấu bề mặt da.
- Mài da nông sẽ làm bong tróc các tế bào da chết bằng tay bằng cách sử dụng các vi hạt kim cương hoặc tinh thể
- Lột da hóa học cũng có một loạt ưu điểm, loại bỏ các lớp da để lộ làn da tươi mới bên dưới.
- Lăn kim tạo ra những lỗ thủng nhỏ ở lớp trên cùng của da (lớp biểu bì) bằng những đầu kim siêu nhỏ, qua đó tạo ra những tổn thương vi mô kích thích phản ứng chữa lành của da và thúc đẩy sản sinh collagen, elastin trong da.
Xem tiếp...