Phương Nga
Tích Cực
Tác hại của suy nghĩ nhiều có thể nghiêm trọng hơn bạn nghĩ
Dần dần biến bạn thành người dễ lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng hơn
Ngày này, áp lực cuộc sống càng cao, các mối quan hệ xã hội càng rộng và phức tạp hơn khiến chúng ta dễ căng thẳng, lâu ngày dẫn đến thói quen suy nghĩ nhiều, tệ hơn là luôn suy nghĩ tiêu cực.
Tác hại của suy nghĩ nhiều là khiến cảm xúc của bạn không thể yên tĩnh và ổn định. Bạn có xu hướng cáu gắt, kích động, phản kháng cực đoan dù chỉ là vấn đề rất nhỏ. Tình trạng này gây trở ngại cho sự giao tiếp, ảnh hưởng xấu đến sự gắn kết lâu dài với người khác.
Càng suy nghĩ, bạn càng có cảm giác hoài nghi về khả năng và giá trị của mình. Cái vòng lẩn quẩn này dẫn đến đấu tranh nội tâm không ngừng, khó khăn trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, bạn càng trở nên lo lắng, căng thẳng nặng nề hơn.
Dễ sinh ra các bệnh về thần kinh
Người nhạy cảm và hay suy nghĩ cũng thường thiếu cảm giác an toàn. Khi bạn không có khả năng kiểm soát những tư tưởng của mình, bạn dễ hành động theo cảm tính, khiến các mối quan hệ bị kéo xa và bạn luôn phủ nhận bản thân.
Tình trạng này kéo dài có thể gây ra các vấn đề về tâm lý, thần kinh. Điển hình như trầm cảm, hoang tưởng, suy nghĩ lệch lạc, thậm chí là đa nhân cách hay tâm thần phân liệt…
Ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ
Khi bạn suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng của não bộ. Thói quen này khiến bạn kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Hệ quả là buổi tối bạn vẫn không ngừng loay hoay với đủ loại suy nghĩ, cảm xúc, làm ảnh hưởng giấc ngủ cần thiết. Mất ngủ cũng dễ gây bệnh tật.
Hiệu suất làm việc bị suy giảm
Thông minh và sáng tạo khác với suy nghĩ nhiều một cách lung tung. Tác hại của suy nghĩ nhiều còn làm trở ngại bạn đưa ra quyết định đúng đắn, khả thi trong công việc lẫn cuộc sống. Bạn dễ chần chừ, thiếu tự tin vì hoài nghi bản thân và người xung quanh.
Bí quyết giúp bạn kiểm soát suy nghĩ một cách thông minh và hiệu quả
Di chuyển sự chú ý
Nếu bạn nhận ra mình luôn nghĩ những điều không thực tế hoặc khó chịu với mớ hỗn độn trong đầu, hãy thử chuyển sự chú ý sang một việc tích cực hơn. Khi cơ thể cần vận động hoặc não bộ tập trung một vấn đề, những suy nghĩ tiêu cực sẽ được thay thế bằng niềm vui và lạc quan.
Ví dụ bạn đang đau đầu vì nghĩ mình yếu kém trong công việc? Hãy làm một số thứ bạn thích và sở trường như nấu ăn, làm vườn, khiêu vũ, hát… Khi đạt “thành tựu nhỏ”, bạn sẽ có tự tin và cảm hứng hơn để xử lý công việc chính.
Đừng nghiêm trọng hóa những tiêu cực
Trong cuộc sống, ai cũng phải gặp khó khăn và những chuyện không như ý. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là hãy đối mặt với chúng bằng tâm hồn cởi mở, lạc quan. Bạn có thể nhận biết suy nghĩ tiêu cực trong đầu, nhưng đừng suy diễn chúng ra thành nghiêm trọng hơn.
Đối mặt với thất bại một cách khôn ngoan
Thất bại không có nghĩa là bạn bất tài hay kém may mắn. Vì vậy, để kiểm soát cảm xúc tốt, bạn cần học cách thừa nhận, đánh giá thất bại, cho phép mình nghỉ ngơi, và tiếp tục phấn đấu lại lần sau.
Đối xử với mọi thứ bằng một trái tim “bình thường”
Chúng ta dễ thay đổi cảm xúc hỉ nộ ái ố một cách bản năng mà thiếu sự kiểm soát thông minh. Buồn quá dễ gây trầm cảm nhưng cũng có câu “hăng quá hóa dở”. Đây là lý do bạn cần sống với một trái tim “bình thường”, nghĩa là không để cảm xúc nào diễn biến quá mức.
Biết rõ tiêu chuẩn của chính mình
Nếu bạn sống không có mục tiêu, tiêu chuẩn về các khía cạnh trong cuộc sống, bạn dễ “đứng núi này trông núi nọ” và mất kiểm soát cảm xúc khi liên tục so sánh, ganh tỵ với người khác.
Bạn cần biết mình muốn gì và điều gì phù hợp với mình. Từ đó đặt ra cái đích để phấn đấu, tránh thói quen “ôm đồm” quá nhiều mà không chuyên tâm vào việc gì. Sống và làm việc thiếu quy tắc sẽ khiến bạn khó thành công và ngày càng tiêu cực hơn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác hại của suy nghĩ nhiều, cũng như tích cực cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc của mình.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)
Xem tiếp...