SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Tắc động mạch phổi sau 3 năm uống thuốc ngừa thai

Ngọc Khuê

Tích Cực
Chị Ánh uống thuốc ngừa thai hơn 3 năm, đột nhiên ngất xỉu, cấp cứu phát hiện huyết khối lấp đầy các nhánh động mạch phổi gây tắc mạch đe dọa tính mạng.

Thuyên tắc phổi vì thuốc tránh thai


BS.CKI Lê Văn Tuyến, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân Ánh (51 tuổi, ngụ Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng khó thở, đau nặng ngực, nhịp tim nhanh (125 lần/phút). Trước đó, chị đang ở nhà thì đột nhiên ngất xỉu khoảng 5 phút không rõ lý do nên gia đình đưa chị vượt chặng đường gần 200 cây số đến bệnh viện Tâm Anh cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm máu, siêu âm và chụp CT cho thấy huyết khối (cục máu đông) lấp đầy nhánh thân chung mạch vành và động mạch phổi hai bên. Khai thác bệnh sử ghi nhận chị Ánh uống thuốc tránh thai (cả loại hàng ngày và khẩn cấp) hơn 3 năm nay. Bác sĩ Tuyến cho biết, đây là yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông trôi lên động mạch phổi gây thuyên tắc phổi. Nếu không xử lý ngay, huyết khối cản trở lưu thông máu lên phổi, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Tuyến, tình trạng thuyên tắc phổi có 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân được can thiệp tích cực ngay bằng phương pháp truyền thuốc tiêu sợi huyết (làm tiêu huyết khối nhanh nhưng bên cạnh đó là nguy cơ chảy máu). Chị Ánh được xếp vào nhóm thuyên tắc phổi mức độ trung bình đến nặng. Trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát triệu chứng, bác sĩ sử dụng thuốc chống đông để làm tiêu huyết khối. Tuy nhiên, chị Ánh đáp ứng chậm với phác đồ điều trị này, diễn tiến nặng lên phải thở oxy, đau ngực kéo dài, ngay cả việc ăn uống cũng khó khăn. Các bác sĩ hội chẩn khẩn để quyết định phương pháp điều trị tích cực hơn.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Trên phim chụp CT, những cục máu đông lấp đầy các nhánh mạch máu phổi, hai nhánh chính hai bên gần như tắc hoàn toàn. Trong tình thế này, bắt buộc phải can thiệp hút huyết khối để phòng tránh biến chứng suy tim, suy hô hấp… dẫn đến tử vong”.

Đầu tiên, bác sĩ đưa catheter chuyên dụng đến động mạch phổi để trực tiếp hút huyết khối, tái lập lưu thông máu, cung cấp oxy cho cơ thể. Tiếp đó, ống Infusion catheter được đưa vào, giúp truyền thuốc tiêu sợi huyết tại chỗ nhằm giải quyết các cục máu đông còn sót lại. Thời gian thực hiện cùng lúc hai thủ thuật phức tạp chỉ trong vòng 60 phút.

Bác sĩ Long thông tin, việc can thiệp hút huyết khối động mạch phổi qua catheter và đặt ống Infusion catheter truyền tiêu sợi huyết là kỹ thuật hiện đại, được áp dụng tại một số ít bệnh viện lớn gần đây. Ống này có kích thước rất nhỏ và có nhiều lỗ bên, giúp thuốc ngấm trực tiếp tại động mạch phổi. So với phương pháp thông thường là truyền thuốc tiêu sợi huyết qua tĩnh mạch ngoại biên, kỹ thuật đặt ống Infusion catheter sử dụng lượng thuốc thấp hơn rất nhiều (15mg) so với phương pháp truyền thống (100 mg), cho hiệu quả cao hơn, giảm tối đa nguy cơ chảy máu.

Chỉ 2 giờ sau can thiệp, chị Ánh có thể tự thở, huyết áp từ 90/60mmHg tăng lên 110-120/80mmHg như người bình thường, nhịp tim từ 125 lần/phút về mức 80-90 lần/phút, triệu chứng nặng ngực, khó thở được cải thiện rõ rệt. Ngày hôm sau, chị đã có thể vận động nhẹ nhàng tại giường, ăn ngon miệng và được xuất viện sau 3 ngày nằm viện.

BS Lê Văn Tuyến và ekip hút huyết khối
BS.CKI Lê Văn Tuyến (ngoài cùng) và ekip thực hiện thủ thuật hút huyết khối trong động mạch phổi cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Tuyến cho biết, thuyên tắc phổi là bệnh lý nguy hiểm, chỉ tình trạng cục máu đông làm tắc nghẽn và cắt đứt lưu lượng máu qua động mạch phổi. Các cục máu đông thường xuất phát từ các tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Mặc dù ai cũng có khả năng phát triển các cục máu đông dẫn đến thuyên tắc phổi, nhưng một số yếu tố nguy cơ cao, bao gồm tiền sử gia đình bị cục máu đông, bản thân mắc bệnh tim mạch hoặc một số loại ung thư (ung thư não, buồng trứng, tuyến tụy, đại tràng, dạ dày, phổi và thận), từng trải qua phẫu thuật, nằm một chỗ trong thời gian dài, đứng/ngồi quá lâu, ít vận động… Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai, người hút thuốc lá lâu năm, người thừa cân – béo phì cũng tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Lý giải về trường hợp bệnh nhân Ánh, bác sĩ Tuyến nhấn mạnh, các nghiên cứu đã chứng minh estrogen trong thuốc ngừa thai cũng như các loại thuốc bổ sung nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ đông máu, đặc biệt ở những người thừa cân hoặc người có tiền sử huyết khối. Do đó, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa định kỳ để được tư vấn sử dụng thuốc ngừa thai phù hợp, tránh nguy cơ phát triển huyết khối dẫn tới tắc nghẽn mạch máu đe dọa tính mạng.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Xem tiếp...
 
Top Bottom