THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
332K

Ta còn lại gì sau những mùa xuân qua?

Phương Nga

Tích Cực
logo.png
- Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, vòng lặp tuần hoàn của thời gian nhưng “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Vậy thì ta còn lại gì sau những mùa xuân qua?

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua”​


“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”

(Vội vàng, Xuân Diệu)

Mới hôm nào còn háo hức chờ Tết đến mà chẳng hiểu sao những ngày đầu xuân năm mới trôi nhanh quá vậy. Vừa đón xuân chưa được bao lâu đã đến ngày khai xuân với học hành, công việc. Nhiều người tiếc nuối “còn mùng là còn Tết”. Tết có lẽ là dịp duy nhất trong năm mà người ta nhớ lịch Âm hơn lịch Dương.

Ta còn lại gì sau những mùa xuân qua?


Nhiều người kỳ vọng rằng mùa xuân hay Tết phải gắn với sự vui vẻ, rộn ràng, hạnh phúc. Trong khi cảm nhận về hạnh phúc của mỗi người lại khác nhau. Đối với người trưởng thành, Tết hạnh phúc chỉ đơn giản là được về với gia đình, sáng ngủ thả phanh mà không cần đặt báo thức, không phải căng mắt, căng não ra chạy deadline. Vậy nên, dù cả cái Tết chỉ có nằm ườn, hết ăn lại ngủ thì đó vẫn là một dạng hạnh phúc.

Đến một thời điểm nào đó, người ta chẳng còn háo hức mỗi dịp Tết đến xuân về nữa. Bởi mỗi tuổi lại đuổi xuân đi, chẳng thấy gì chỉ thấy già. Khi chúng ta được đổi vai, không phải là những người nhận lì xì nữa mà phải đi lì xì cho người khác, đó là khi chúng ta biết mình không còn trẻ.

Mỗi lần nhìn hoa đào nở tôi lại nhớ đến câu Kiều:

“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Rồi lại bâng khuâng nhớ đến “những người muôn năm cũ”, chạnh lòng buồn trước sự đổi thay của thời gian. Tết năm nay là cái Tết đầu tiên tôi không còn cả ông bà hai bên nội ngoại. Vài năm trước, năm nào tôi cũng đi chúc Tết ông bà rồi giận dỗi mỗi khi ông bà giục chuyện chồng con. Năm nào tôi cũng selfie với bà nội vài tấm ảnh, rồi nhận ra sự đổi thay của hai bà cháu, bà già đi sau mỗi mùa xuân và tôi cũng vậy. Năm nay ông, bà chẳng còn giục tôi lấy chồng nữa, tôi chẳng có ai để mà dỗi hờn, vì ông bà không còn nữa rồi.

Ta còn lại gì sau những mùa xuân qua?


“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết”​


Chúng ta đang sống, đồng thời cũng đang chết đi từng ngày. Một nửa cốc nước, có người nói nó đầy một nửa, có người lại thấy nó đã vơi một nửa. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, vòng lặp tuần hoàn của thời gian nhưng “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Vậy thì ta còn lại gì sau những mùa xuân qua? Là số tuổi ngày một cộng thêm? Là sự chia ly và mất mát? Là những mộng ước vẫn chưa thành?

Con người hầu như ai cũng từng sợ già, sợ chết, người xưa còn luyện đủ bí thuật để trường sinh bất lão. Nếu họ thật sự có thể trường sinh bất lão, liệu họ có sống một cuộc đời trường kỳ hạnh phúc, khi những người, những thứ từng gắn bó với họ đều lần lượt rời đi. Con người thấy sợ có lẽ vì họ không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước, liệu mình có kịp làm những điều mình muốn trước khi chết hay không.

Tôi bây giờ đang học cách bình thản chấp nhận sự vô thường của cuộc đời. Nhắc đến “vô thường”, người ta hay nghĩ đến khía cạnh bi quan, tiêu cực, nhưng trên đời có cái gì là không thay đổi đâu. Xuân tới rồi xuân qua, xuân còn non rồi xuân sẽ già. Tre già măng mọc. Cũng vì có vô thường nên mới có ta xuất hiện ở trên đời. Vạn vật không tránh khỏi quy luật sinh, trụ, dị, diệt, con người cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Ta cũng chỉ là một con người nhỏ bé, vô thường ở cõi trần gian, đến rồi lại đi.

Ta còn lại gì sau những mùa xuân qua?


Đừng sợ mỗi tuổi đuổi xuân đi, vì thêm một tuổi nghĩa là thêm một cơ hội được sống, được trải nghiệm và học hỏi. Có những người phải đi thẳng từ “sinh” sang “tử” mà còn chưa được qua giai đoạn “bệnh” và “lão”. Họ chẳng còn cơ hội đếm thêm một mùa xuân nào nữa. Hôm trước tôi xem được một bộ ảnh rất ấn tượng về các cụ 70, 80 tuổi rồi nhưng vẫn rất lạc quan. Tuổi già thì có gì vui? Có cụ thì bảo “thoải mái yêu đương, không sợ bố mẹ ngăn cản”, có cụ thì “thích làm gì thì làm, không ai chỉ đạo được mình”, có cụ thì phấn khởi vì “không phải đi làm, không sợ sếp la”. Các cụ ở tuổi ấy vẫn tích cực, lạc quan như vậy mà chúng mình mới có tí tuổi đầu đã than già, than “cột sống bất ổn”.

Có chia ly nào mà không hụt hẫng, có mất mát nào mà chẳng đau thương. Lúc người ấy còn hiện hữu bên ta, ta đâu biết ngày mà họ sẽ rời xa mình. Không ai và không một điều gì có thể đồng hành cùng mình suốt đời, suốt kiếp. Những gì đang hiện hữu quanh ta đến một lúc nào đó cũng hóa thinh không. Sự hữu hạn của mỗi kiếp đời nhắc nhở ta biết trân trọng nhau hơn, bởi vì đâu ai biết phải cần bao nhiêu duyên phận mới có thể gặp nhau.

Năm qua, cuộc đời đã cho tôi bài học về buông bỏ và chấp nhận. Chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, buông xuống nỗi sợ hãi và những chấp niệm trong quá khứ. Con người cứ phải qua biến cố mới chịu đổi thay, qua khổ đau mới chịu khôn lớn. Kết thúc cũng chính là điểm bắt đầu.

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.”

(Cáo tật thị chúng, Mãn Giác Thiền Sư)

Hoàng Nguyên



Xem tiếp...
 
Top Bottom