SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Suy tim độ 4: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và chăm sóc

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Suy tim độ 4 là giai đoạn cuối của bệnh suy tim. Các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm bớt triệu chứng, hạn chế nhập viện và thực hiện các thủ thuật, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Suy tim độ 4


Suy tim độ 4 là gì?​


Suy tim xảy ra khi tim không còn đủ khả năng để bơm đủ máu cho các nhu cầu bình thường của cơ thể. Suy tim độ 4 là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất, người bệnh thường không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị từng có hiệu quả trước đó và có thể đã gần đến giai đoạn cuối đời.

Suy tim giai đoạn cuối rơi vào giai đoạn D theo phân loại ABCD của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ/Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA), phân theo chức năng của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) là suy tim độ 4. (1)

Suy tim độ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể chất lẫn tinh thần người bệnh
Suy tim độ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể chất lẫn tinh thần người bệnh

Ở giai đoạn này, bệnh đặc trưng bởi bệnh tim cấu trúc tiến triển và các triệu chứng suy tim đã rõ rệt khi gắng sức tối thiểu hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi mặc dù đã được điều trị nội khoa tối đa theo hướng dẫn hiện hành. Các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, khó chịu, hồi hộp, khó thở với bất kỳ hoạt động thể chất nào, dù là rất nhẹ. Khi đó, cần thực hiện mọi nỗ lực để xác định và điều chỉnh các nguyên nhân có thể đảo ngược làm tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên nhân dẫn tới suy tim độ 4​


Suy tim có thể xảy ra đột ngột hoặc tiến triển dần dần trong thời gian dài. Suy tim độ 4 là hậu quả của suy tim từ độ 1, chuyển sang độ 2, 3 và dần nặng sang độ 4.

Các nguyên nhân gây suy tim độ 4 bao gồm:

  • Nguyên nhân nền: Mắc bệnh lý mạch vành; huyết áp cao; bệnh van tim; bệnh lý cơ tim; bệnh tim bẩm sinh; bệnh rối loạn nhịp tim; viêm cơ tim do thuốc, độc chất, tia xạ, virus,…
  • Yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng: Ăn nhiều muối; rối loạn nhịp tim như cơn rung nhĩ kịch phát; nhiễm khuẩn; thiếu máu; lạm dụng rượu, bia; uống thêm các thuốc giảm đau nhức; không tuân thủ điều trị; có thai.

Triệu chứng suy tim độ 4​


Vào giai đoạn 4 của bệnh suy tim, người bệnh gần như mất đi khả năng vận động thể lực, thường phải nằm tại giường, các triệu chứng suy tim độ 4 cũng trở nên trầm trọng hơn và dai dẳng, cụ thể như:

1. Ảnh hưởng tới giấc ngủ​


Bệnh nhân bị suy tim ở mức độ 4 không chỉ bị ảnh hưởng thể chất mà còn tác động đến cả tinh thần. Phần lớn người bệnh thường dễ mệt, ho, khó thở, lo âu khiến chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, càng khiến cho thể trạng người bệnh yếu hơn.

Trong suy tim độ 4, người bệnh thường bị ho hoặc khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm làm cho người bệnh không thể nằm xuống để ngủ được hoặc bị đánh thức khi đang ngủ.

Các triệu chứng của suy tim độ 4 làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân
Các triệu chứng của suy tim độ 4 làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân

2. Khó thở​


Triệu chứng này xuất hiện ngay khi người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhất, hoặc thậm chí là lúc đang nghỉ ngơi. Hụt hơi, khó thở cũng thường xảy ra khi người bệnh nằm, hoặc khi đang ngủ đột ngột lên cơn khó thở phải thức giấc, ngồi dậy hoặc đi tới lui, mở cửa phòng do cảm thấy ngộp, không đủ không khí thở, khiến nhiều bệnh nhân suy tim độ 4 phải nhập viện vào đêm khuya.

3. Ho dai dẳng​


Hoạt động của tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến lượng máu lưu thông giảm, dễ bị ứ đọng máu. Nếu máu ứ đọng lại ở phổi có thể gây ra ho dai dẳng, ho kèm theo đờm trắng hoặc có lẫn bọt hồng.

4. Phù​


Khi tim bơm máu không được tốt như bình thường, đặc biệt là suy tim độ 4 thì khả năng bơm máu giảm đáng kể, khiến máu bị ứ đọng lại các cơ quan, thường thấy rõ nhất là ở tay, chân hoặc bụng. Biểu hiện phù mềm, ấn lõm và tăng cân bất thường.

5. Tim đập nhanh​


Khả năng bơm máu của tim kém đi khiến các mô và cơ quan không nhận đủ lượng máu cần cho hoạt động bình thường. Do đó, tim buộc phải đập nhanh hơn để tăng số lần co bóp tống máu đi khắp cơ thể.

6. Mệt mỏi​


Khi suy tim chuyển sang độ 4, các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày của người bệnh bị ảnh hưởng. Chỉ cần vận động nhẹ cũng đã gây ra triệu chứng mệt mỏi, thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi, vẫn cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực.

7. Chán ăn​


Hệ tiêu hóa không nhận đủ lượng máu cần thiết cho các hoạt động bình thường và do ứ máu ở ruột gây phù nề niêm mạc ruột làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa như ăn đầy hơi, chậm tiêu, kém hấp thu. Do đó, người bệnh suy tim độ 4 thường xuyên cảm thấy ăn uống không ngon miệng, đầy bụng, buồn nôn,…

8. Cảm giác lo lắng​


Sức khỏe người bệnh ngày càng suy giảm khi suy tim chuyển sang độ 4. Điều này càng khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng lo lắng, thậm chí bị trầm cảm.

9. Hay quên​


Tim hoạt động kém hiệu quả khiến lưu lượng máu lượng máu lên não giảm, kết hợp với sự thay đổi nồng độ natri trong máu gây suy giảm trí nhớ, hay quên, mất phương hướng,…

Suy tim độ 4 có nguy hiểm không?​


Bệnh nhân suy tim độ 4 có tỷ lệ tử vong trong vòng một năm khoảng 50% và cần có các biện pháp can thiệp điều trị đặc biệt. Người bệnh gặp các triệu chứng nghiêm trọng và dai dẳng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày, phải thường xuyên nhập viện. (2)

Đồng thời, bệnh nhân không dung nạp với các liệu pháp điều trị suy tim tiêu chuẩn và cần được chăm sóc suốt đời. Bệnh nhân suy tim độ 4 có nguy thể gặp một số biến chứng đe dọa đến tính mạng như suy gan, suy thận, phù phổi, rối loạn nhịp tim, hở van tim nặng,…

Bệnh nhân suy tim độ 4 cần nhập viện điều trị và theo dõi kỹ lưỡng
Bệnh nhân suy tim độ 4 cần nhập viện điều trị và theo dõi kỹ lưỡng

Biến chứng của suy tim độ 4​


Trong bệnh suy tim độ 4, lưu lượng máu đến các cơ quan không đủ, dẫn đến các biến chứng thường gặp như:

  • Suy gan: Do máu bị ứ lại tại gan, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan, lâu dần gây to gan, xơ gan tim, cuối cùng là dẫn đến suy gan.
  • Suy thận: Lượng máu đến thận bị suy giảm đáng kể khiến khả năng lọc máu và đào thải các chất dư thừa của thận bị suy giảm, gây tổn thương thận và dẫn đến suy thận.
  • Cục máu đông: Bệnh nhân dễ bị hình thành cục máu đông khi bị suy tim độ 4. Các biến chứng nguy hiểm khi hình thành huyết khối như: cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, gây biến chứng nhồi máu cơ tim, hoại tử chi, đột quỵ, nhồi máu thận, viêm ruột hoại tử…
  • Phù phổi cấp: Dịch bị tích tụ trong các phế nang phổi, làm giảm trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, làm giảm oxy máu dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Do đó, nếu bệnh nhân suy tim độ 4 có các triệu chứng nghi ngờ phù phổi cấp, cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu nhanh nhất.
  • Rối loạn nhịp tim: Khả năng bơm của tim ở bệnh nhân suy tim độ 4 suy giảm rõ rệt, khiến các mô và cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng máu cần thiết. Khi đó, tim phải hoạt động nhiều hơn, đập nhanh hơn để tăng số lần co bóp tống máu, gây ra triệu chứng rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, người bệnh dễ bị rung nhĩ, làm tăng nguy cơ nhồi máu não; hoặc rối loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất hoặc rung thất gây đột tử.
  • Ảnh hưởng van tim: Các bất thường ở van tim như hẹp van tim, hở van tim làm tăng nguy cơ và mức độ suy tim. Ngược lại, suy tim khiến cho các bất thường ở van tim càng trở nên trầm trọng hơn.
Bệnh nhân suy tim độ 4 thường xuyên bị rối loạn nhịp tim
Bệnh nhân suy tim độ 4 thường xuyên bị rối loạn nhịp tim

Phương pháp chẩn đoán suy tim độ 4​


Bệnh nhân suy tim độ 4 có các triệu chứng rõ rệt, có thể không thực hiện được những hoạt động trong sinh hoạt thường ngày, phải nằm viện để theo dõi. Việc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp bác sĩ đánh giá được mức độ nặng của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Đồng thời, giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.

Một số phương pháp được áp dụng chẩn đoán suy tim độ 4 bao gồm: Đo điện tâm đồ ECG, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim qua thành ngực, đo Holter điện tâm đồ 24 giờ, chụp động mạch vành, MSCT động mạch vành, MRI tim, xét nghiệm máu tổng quát.

Điều trị suy tim độ 4​


Do suy tim độ 4, bệnh nhân hầu như không còn đáp ứng với những phương pháp điều trị trước đó dù từng có hiệu quả. Do đó, ở mức độ này, chủ yếu giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng, hạn chế nhập viện, và giúp kéo dài thời gian sống còn của người bệnh.

Điều trị suy tim độ 4 hay suy tim kháng trị cần phối hợp điều trị thuốc, phẫu thuật, đặt dụng cụ hỗ trợ tim và chế độ điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

1. Điều trị thuốc​


Mặc dù suy tim độ 4 không thể chữa khỏi hoàn toàn được bằng thuốc, nhưng bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng cho người bệnh bao gồm: thuốc hạ huyết áp, thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần,…

Các thuốc điều trị suy tim mới hiện nay được chứng minh giảm nhập viện và kéo dài đời sống người bệnh gồm ARNI hoặc ức chế men chuyển, thuốc kháng aldosterone, chẹn bêta, thuốc ức chế thụ thể SGLT-2.

2. Điều trị bằng phẫu thuật​


Một số phương pháp được áp dụng như: cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim, thay tim nhân tạo toàn bộ.

3. Điều trị giảm nhẹ​


Đối với bệnh nhân suy tim độ 4, điều quan trọng là cần đảm bảo tính liên tục của việc chăm sóc y tế giữa nội trú và ngoại trú. Điều trị chăm sóc giảm nhẹ bao gồm: hỗ trợ tâm lý xã hội, tiêm tĩnh mạch thường xuyên hoặc liên tục thuốc lợi tiểu, oxy, truyền liên tục các thuốc tăng co bóp cơ tim, thuốc chống lo âu, thuốc ngủ. Đồng thời, hỗ trợ nâng đỡ cảm xúc cho cả bệnh nhân và người nhà, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và thân nhân.

Phòng khám suy tim Trung tâm Tim mạch Tâm Anh

Tại Bệnh viện Tâm Anh, Trung tâm Tim mạch thành lập đơn vị điều trị, chăm sóc chuyên sâu cho bệnh nhân suy tim, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng (giai đoạn 3 và 4) gồm có bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, chuyên viên tâm lý nhằm hỗ trợ tư vấn, giáo dục cho bệnh nhân và người nhà cách chăm sóc, theo dõi bệnh, phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển biến xấu của bệnh để được xử trí sớm kịp thời tại nhà, cải thiện chất lượng sống và giảm nhập viện cấp cứu.

Biện pháp chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân suy tim độ 4​


Cùng với các phương pháp điều trị của bác sĩ, biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân suy tim độ 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh nhân suy tim độ 4 cần được chăm sóc tốt về mặt điều trị y tế lẫn tinh thần
Bệnh nhân suy tim độ 4 cần được chăm sóc tốt về mặt điều trị y tế lẫn tinh thần

1. Theo dõi các triệu chứng​


Suy tim độ 4 là giai đoạn bệnh suy tim nặng, người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng, thường xuyên. Tất cả các triệu chứng, biểu hiện, thay đổi bất thường của bệnh nhân cần được ghi lại để theo dõi. Trường hợp người bệnh được chăm sóc tại nhà, nếu nhận thấy có triệu chứng khó thở, tăng cân, phù lên nhanh chóng cần thống báo ngay với bác sĩ.

2. Thực đơn cho bệnh nhân suy tim độ 4​


Người thân cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy tim độ 4:

  • Nên bổ sung trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo, thịt nạc, sữa ít béo, dầu thực vật;
  • Tránh thức ăn nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn hoặc tinh chế;
  • Cho bệnh nhân uống lượng nước vừa phải, khoảng 30ml/kg trọng lượng cơ thể (bệnh nhân suy tim nặng trung bình <1.5 lít/ngày, bao gồm cả lượng nước canh, sữa và nước uống thuốc)
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no;
  • Bỏ hoàn toàn thuốc lá, rượu, bia, cà phê, nước ngọt.

3. Chế độ tập luyện phù hợp​


Bệnh nhân suy tim độ 4 rất khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể hoạt động nhẹ nhàng, đi bộ chậm, dưỡng sinh,… để giúp cải thiện lưu thông máu tốt hơn. Tránh các bài tập mạnh, đòi hỏi gắng sức và nên nghỉ ngơi khi thấy khó thở, mệt.

4. Cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân suy tim độ 4​


Các triệu chứng của suy tim độ 4 như mệt, khó thở, lo âu làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Do đó, bên cạnh giúp tinh thần người bệnh thoải mái, nên chú ý đến các yếu tố tác động đến giấc ngủ, tạo không gian tốt cho người bệnh dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Câu hỏi thường gặp về suy tim cấp độ 4​

1. Suy tim độ 4 có thể chữa khỏi được không?​


Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi suy tim độ 4, nhưng có thể điều trị tích cực, giúp người bệnh cải thiện được các triệu chứng, giảm thiểu mệt mỏi và tăng chất lượng và thời gian sống.

2. Tuổi thọ người suy tim độ 4​


Thời gian sống còn trung bình của bệnh nhân được chẩn đoán suy tim độ 4 là 6-12 tháng. Trong vòng 6 tháng, người có 30% trường hợp có thể phải nhập viện nếu không được chăm sóc và theo dõi tích cực. (3)

Hiện nay, Trung tâm Tim mạch,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người tin tưởng lựa chọn đến thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, lồng ngực, trong đó có bệnh lý suy tim.

Ngoài ra, Trung tâm Tim mạch còn có đơn vị điều trị suy tim chuyên sâu cho những bệnh nhân suy tim từ nhẹ đến nặng (suy tim độ 3, 4) phối hợp thăm khám tại bệnh viện và tư vấn qua điện thoại định kỳ, giúp người bệnh và thân nhân hiểu về bệnh suy tim, cách chăm sóc và theo dõi bệnh. Trung tâm có đầy đủ các thuốc điều trị suy tim phối hợp điều trị phẫu thuật, đặt máy tái đồng bộ tim, máy phá rung cấy được… kết hợp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân giai đoạn tiến triển.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Suy tim độ 4 là giai đoạn bệnh nặng, tiên lượng sống còn thấp. Do đó cần có phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống cũng như kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Xem tiếp...
 
Top Bottom