Vũ Quỳnh Anh
Fan Cứng
Thứ ba, 26/3/2024, 00:07 (GMT+7)
Thực khách ví sứa đỏ ăn sống, kết hợp với tía tô, giống món sashimi của người Nhật nhưng mang đậm bản sắc ẩm thực Hà thành.
Đĩa sứa đỏ ăn kèm đậu phụ nướng, dừa tươi, rau tía tô và mắm tôm. Ảnh: Nguyên Chi
Với người Hà Nội, món ngon thôi chưa đủ, còn phải ăn đúng mùa mới cảm nhận được hết hương vị của món ăn. Nếu như tháng 9-10 âm lịch là mùa của chả rươi béo ngậy, tháng Hai âm lịch lại là mùa của sứa đỏ. Thứ đặc sản truyền thống này vốn dĩ không bắt nguồn từ Hà Nội nhưng qua bàn tay tài hoa của các đầu bếp Hà thành xưa, món ăn đã được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác, tạo thành một món ngon nhất định phải thử trong thời khắc giao mùa.
Sứa đỏ thường được lấy từ vùng Hải Phòng, Nam Định nhưng ở đây, người dân chấm với bỗng. Trong khi đó, sứa đỏ phiên bản Hà Nội lại ăn kèm đậu phụ nướng, dừa tươi, rau sống và chấm với mắm tôm, hương vị khác hẳn so với bản gốc. Sứa cũng không có màu trắng trong nguyên thủy mà luôn có màu đỏ sẫm hoặc cam bắt mắt, do được ngâm với phần rễ và vỏ cây sú vẹt cho giòn sật. Sau đó, để khử mùi, người ta lại ngâm sứa với vài lát quất. Từng tảng sứa to bản, dày cộp, màu sắc hấp dẫn được ngâm trong những thau nước lớn, chờ phục vụ cho khách.
Cách chế biến sứa đỏ gần như không có gì đặc biệt, chỉ quan trọng khâu chọn sứa và ngâm, cũng không được chế biến kiểu "ăn chín uống sôi". Do đó, món ăn được giới trẻ đặt cho tên gọi "sashimi của người Hà Nội", khi ăn cũng kết hợp với tía tô, gần giống cách ăn sashimi ở Nhật Bản.
Món sứa đỏ còn được giới trẻ gọi là sashimi của người Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi
Cũng giống các món gỏi, sứa đỏ được "lắm người thương kẻ ghét". Những ai không ăn được thường mô tả hương vị giống với "thạch rau câu chấm mắm tôm", chống chỉ định với người bụng dạ yếu. Nhưng với những ai đã trót mê sứa đỏ đều bị "nghiện", năm nào ra Tết cũng phải lùng ăn bằng được, nếu lỡ hẹn sẽ phải đợi tới mùa sứa năm sau.
Sứa đỏ khi ăn cũng cần nhiều topping đi kèm như đậu phụ nghệ vàng ươm, nướng thơm, không bị ngấy mỡ, vài lát dừa tươi thái mỏng. Rau ăn kèm là tía tô, kinh giới nhưng phải là những lá to bản mới có thể gói được bên trong một miếng sứa đỏ au cùng "phụ kiện". Trước khi ăn, người ta luôn vắt thêm quất, vài lát ớt và đánh bông bát mắm tôm. Vị tươi mát của sứa, quyện với vị bùi của đậu, vị beo béo của dừa tươi, thơm thơm của lá tía tô, chấm với mắm tôm đặc trưng, hợp đến kỳ lạ.
Quán sứa đỏ thường không có cửa hiệu đàng hoàng vì mỗi năm chỉ bán có mấy tuần. Thông thường, bà chủ sẽ ngồi sau một thau sứa đỏ thật lớn, tay thoăn thoắt cắt sứa. Những người phụ việc cũng luôn tay luôn chân cắt đậu, xếp dừa, rau sống, mắm tôm đưa cho khách. Trước đây, chủ quán sứa đều sử dụng que tre vót mỏng để cắt sứa, dùng dao inox hay sắt có thể khiến sứa bị chảy nước, không ngon. Nhiều người thích ngồi quanh bà chủ, vừa tỉ tê trò chuyện, vừa để xin thêm phần chân sứa giòn sật.
Quán sứa đỏ đông khách phố Hòe Nhai. Ảnh: Nguyên Chi
Ở Hà Nội không nhiều nơi bán món này. Ngoài những địa chỉ quá quen thuộc như phố Hàng Chiếu, Đường Thành, quán nhỏ ở dốc Hòe Nhai những ngày này cũng bận rộn, đông đúc hơn thường lệ. Quán bán chả rươi vào dịp cuối năm và bán sứa đỏ sau Tết. Khách ăn ngồi hết trên vỉa hè, phía trước căn nhà cổ với mảng tường vàng rêu phong, đặc trưng ở Hà Nội, tận hưởng những ngày nắng mưa thất thường lúc giao mùa.
Quán có nhiều nhân viên, chủ yếu là thành viên lớn tuổi trong một gia đình nhưng phục vụ khá nhanh nhẹn, nhiệt tình, khách không phải chờ đợi lâu. Quán được nhiều Tiktoker tới quay video review nên đông khách hơn những năm trước. Sứa đỏ là món ăn chơi, thích hợp trong buổi chiều thảnh thơi, không vội vàng vì cách ăn cầu kỳ, mất thời gian. Giá một phần khoảng 30.000-40.000 đồng một người, ở mức trung bình so với một món ăn vặt trong khu phố cổ.
Cách ăn sứa đỏ của người Hà Nội. Video: Nguyên Chi
Nguyên Chi
Xem tiếp...