SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Biểu hiện và nguyên nhân

BS Hà Nội

Fan Cứng
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp ở trẻ em và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Với khoảng 7,2% trẻ em trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc bệnh. Trong đó, tỷ lệ các bé trai mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao gấp đôi so với bé gái. Vậy rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì? Biểu hiện và nguyên nhân ra sao?

adhd


ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) là gì?


Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ em. Tình trạng này được chẩn đoán khi trẻ còn nhỏ và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ mắc ADHD có thể gặp khó khăn trong việc chú ý, kiểm soát hành vi bốc đồng hoặc hoạt động quá mức. [1]

ADHD ảnh hưởng và phổ biến như thế nào?


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, gần 11% trẻ em nước này từ 2 – 17 tuổi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý. Và có khoảng 7,2% trẻ em trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc phải rối loạn này. Trong đó, tỷ lệ các bé trai mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cao gấp đôi so với bé gái. [2]

Các loại ADHD phổ biến


Rối loạn tăng động giảm chú ý có 4 loại khác nhau, tùy từng biểu hiện mà bác sĩ sẽ đưa chẩn đoán cụ thể. Các loại ADHD phổ biến gồm [3]:

1. Thiếu chú ý (ADD) hoặc rối loạn thiếu tập trung


Với loại ADHD này, trẻ có biểu hiện mất tập trung mà không hiếu động thái quá, thiếu chú ý trong các hoạt động hàng ngày.

2. Tăng động, bốc đồng


Trẻ tăng động có biểu hiện bồn chồn, không thể ngồi yên, thừa năng lượng và cực kỳ nói nhiều. Tính bốc đồng biểu hiện qua việc ngắt lời người khác và không suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Đây là loại ít phổ biến và thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

3. Rối loạn kết hợp


Ở rối loạn dạng này, các triệu chứng thiếu chú ý và tăng động, bốc đồng xuất hiện đồng thời. Khoảng 70% trường hợp rối loạn tăng giảm chú ý thuộc loại này.

4. ADHD không xác định


Ở dạng này, những triệu chứng nghiêm trọng đến mức trẻ có biểu hiện rõ ràng về rối loạn chức năng nhưng không đáp ứng các tiêu chí chính thức để đánh giá, chẩn đoán ADHD thuộc vào loại thiếu chú ý, hiếu động, bốc đồng hoặc kết hợp. Trong trường hợp này, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ dựa trên ADHD không xác định làm chẩn đoán.

Triệu chứng ADHD thường gặp


Các dấu hiệu tăng động giảm chú ý (ADHD) thường biểu hiện trước 12 tuổi. Ở một số trẻ, tình trạng này có thể biểu hiện ngay khi con 3 tuổi. Các triệu chứng ADHD có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Mỗi loại ADHD sẽ có những triệu chứng khác nhau:

1. Thiếu chú ý


Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5), người thuộc dạng rối loạn này phải có ít nhất 6 trong 9 hành vi được thực hiện thường xuyên sau:

  • Không chú ý đến chi tiết hoặc mắc lỗi trong học tập hoặc công việc.
  • Thiếu tập trung khi tham gia các hoạt động.
  • Không lắng nghe người khác khi họ đang nói chuyện với mình.
  • Không làm theo hướng dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường, công việc nhà hoặc nhiệm vụ được giao (có thể thực hiện công việc nhưng nhanh chóng mất tập trung).
  • Gặp vấn đề trong tổ chức: không quản lý tốt thời gian, công việc lộn xộn, thiếu trách nhiệm,…
  • Né tránh hoặc không thích những công việc đòi hỏi phải vận dụng trí óc liên tục.
  • Thường xuyên làm mất những thứ cần thiết cho công việc hoặc cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như giấy tờ tùy thân, sách, chìa khóa, ví, điện thoại di động.
  • Dễ bị phân tâm.
  • Quên thực hiện các công việc hàng ngày.

2. Tăng động hoặc bốc đồng


Để chẩn đoán loại ADHD này, người bệnh phải có ít nhất 6 triệu chứng xảy ra thường xuyên sau đây:

  • Bồn chồn, hay vặn vẹo trên ghế.
  • Không thể ngồi yên (trong lớp học, nơi làm việc).
  • Chạy hoặc leo trèo ở nơi không phù hợp.
  • Không thể chơi hoặc thực hiện các hoạt động giải trí một cách yên tĩnh.
  • Nói quá nhiều.
  • Thốt ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc.
  • Gặp khó khăn khi chờ đến lượt của mình, chẳng hạn như khi đứng xếp hàng.
  • Làm gián đoạn hoạt động hoặc xâm phạm người khác.

ADHD dạng kết hợp nếu có những triệu chứng của thiếu chú ý và tăng động, bốc đồng. Theo DSM-5, người bệnh phải thể hiện ít nhất 12 trong tổng số hành vi (ít nhất 6 hành vi thiếu chú ý và 6 hành vi tăng động, bốc đồng).

Nguyên nhân rối loạn tăng động giảm chú ý


Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của ADHD nhưng các nỗ lực nghiên cứu vẫn tiếp tục. Các yếu tố có thể liên quan đến sự phát triển của ADHD bao gồm di truyền, môi trường hoặc các vấn đề về thần kinh.

rối loạn tăng động giảm chú ý
Tỷ lệ bé trai mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao gấp đôi so với bé gái. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định.

Nguy cơ và đối tượng rủi ro mắc ADHD


Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn tăng động giảm chú ý gồm [4]:

  • Người thân trong gia đình mắc ADHD hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
  • Chấn thương sọ não.
  • Tiếp xúc với chất độc khi mang thai, chẳng hạn như chì, chủ yếu được tìm thấy trong nước sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ.
  • Sử dụng rượu và thuốc lá khi mang thai.
  • Sinh non.
  • Cân nặng khi sinh thấp.

Biến chứng của ADHD là gì?


Rối loạn tăng động giảm chú ý không được phát hiện và điều trị có thể gây khó khăn cho cuộc sống người bệnh. Những biến chứng do ADHD gây ra gồm:

  • Tự ti: người bệnh cảm thấy tự ti về khả năng của mình, luôn so sánh bản thân với người khác theo cách tiêu cực. Kích động khi mắc lỗi. Chán nản và lo lắng về những việc mình làm.
  • Trầm cảm: một chứng rối loạn tâm trạng gây cảm giác buồn dai dẳng; mất hứng thú với những hoạt động yêu thích; thay đổi suy nghĩ; rối loạn giấc ngủ. Nếu không điều trị, trầm cảm sẽ trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể làm hại bản thân hoặc tự tử.
  • Rối loạn lo âu: một tình trạng sức khỏe tâm thần, trong đó người bệnh phản ứng với những tình huống bằng sự lo lắng, sợ hãi. Các triệu chứng gồm lo lắng, sợ hãi, đổ nhiều mồ hôi và nhịp tim nhanh.
  • Rối loạn ăn uống: một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phức tạp. Người mắc chứng rối loạn ăn uống có cái nhìn tiêu cực về thức ăn, cân nặng hoặc ngoại hình của họ. Các triệu chứng gồm chán ăn, cuồng ăn hoặc ăn uống vô độ.
  • Rối loạn giấc ngủ: các tình trạng tác động đến thời gian, chất lượng hoặc thời lượng giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Rối loạn phổ tự kỷ: tình trạng liên quan đến sự phát triển não bộ, ảnh hưởng đến cách một người nhận thức và giao tiếp với người khác.
  • Sử dụng chất kích thích: nguy cơ cao lạm dụng rượu, ma túy và các chất kích thích khác.
  • Thực hiện các hành vi nguy hiểm, bốc đồng.
  • Ảnh hưởng đến các tương tác xã hội.
  • Thành tích học tập kém.
  • Công việc không ổn định.

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý


Trẻ chỉ nên được chẩn đoán mắc bệnh tăng động giảm chú ý khi các triệu chứng biểu hiện trước 12 tuổi và liên tục gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình, trường học.

Không có xét nghiệm nào dùng trong chẩn đoán ADHD. Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ chẩn đoán bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Thăm khám lâm sàng nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác.
  • Thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình.
  • Đặt câu hỏi cho các thành viên trong gia đình, giáo viên hoặc người biết rõ về trẻ nhằm củng cố cho việc chẩn đoán.
  • Dựa trên những tiêu chí đánh giá ADHD từ Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.
  • Thang đánh giá ADHD giúp thu thập và kiểm tra các thông tin về trẻ.

Các triệu chứng của ADHD có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng việc chẩn đoán rất khó khăn. Bởi một số vấn đề về chậm phát triển ngôn ngữ có thể nhầm lẫn với ADHD. Vì vậy, trẻ nhỏ bị nghi ngờ mắc ADHD cần được đánh giá bởi chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

Một số bệnh hoặc phương pháp điều trị có thể gây các dấu hiệu và triệu chứng tương tự rối loạn tăng giảm chú ý, gồm:

  • Vấn đề về học tập hoặc ngôn ngữ.
  • Rối loạn tâm trạng: trầm cảm hoặc lo âu.
  • Rối loạn hành vi.
  • Gặp các vấn đề về thị giác hoặc thính giác.
  • Hội chứng tự kỷ.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc hành vi.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Chấn thương sọ não.
adhd là gì
Các triệu chứng ADHD có thể xuất hiện trước khi trẻ 12 tuổi và kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Phương pháp điều trị ADHD


Mục tiêu của điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là cải thiện các triệu chứng của trẻ. Với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, các chuyên gia khuyến nghị, sự can thiệp, hỗ trợ từ cha mẹ là phương pháp điều trị đầu tiên trước khi chuyển sang dùng thuốc.

Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp điều trị ADHD tốt nhất cho thanh thiếu niên và người lớn gồm sự kết hợp giữa liệu pháp hành vi và thuốc.

Phương pháp điều trị cụ thể cho chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được xác định dựa trên các yếu tố sau:

  • Độ tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh.
  • Mức độ các triệu chứng.
  • Khả năng dung nạp các loại thuốc hoặc liệu pháp.
  • Kỳ vọng cải thiện tình trạng bệnh.

1. Trị liệu hành vi


Mục tiêu của trị liệu hành vi là giúp con học hỏi và củng cố những hoạt động tích cực, loại bỏ hành vi không mong muốn hoặc đáng lo ngại. Các biện pháp gồm:

  • Trị liệu hành vi.
  • Đào tạo kỹ năng xã hội.
  • Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ.
  • Tâm lý trị liệu.
  • Liệu pháp gia đình.

2. Thuốc điều trị


Thuốc có thể giúp người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý kiểm soát các triệu chứng và hành vi tiêu cực. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số loại thuốc khác nhau để điều trị ADHD ở trẻ em từ 6 tuổi.

2.1 Thuốc kích thích


Thuốc kích thích là loại thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý được sử dụng rộng rãi nhất. Khoảng 70% – 80% trẻ em mắc ADHD biểu hiện ít triệu chứng hơn khi dùng các loại thuốc này.

Thuốc kích thích gồm 2 dạng: thuốc tác dụng ngắn và thuốc có tác dụng kéo dài. Liều lượng thay đổi tùy từng trường hợp. Có thể mất một thời gian để tìm ra liều lượng chính xác. Thậm chí, cần phải điều chỉnh liều dùng, thay đổi thuốc nếu có tác dụng phụ xảy ra.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng thuốc kích thích ADHD có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc rối loạn tâm thần.

  • Vấn đề tim mạch: thuốc kích thích có thể làm tăng huyết áp hoặc nhịp tim nhưng nguy cơ gây các tác dụng phụ nghiêm trọng vẫn chưa được chứng minh. Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ kiểm tra sức khỏe, tiền sử bệnh của trẻ và gia đình trước khi kê đơn, đồng thời theo dõi quá trình con sử dụng thuốc.
  • Vấn đề tâm thần: thuốc kích thích hiếm khi làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng loạn thần. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu con đột ngột có những hành vi tiêu cực hoặc nhìn, nghe thấy điều không có thật trong khi dùng thuốc.

2.2 Thuốc không kích thích​


Thuốc tác động chậm nhưng có thể kéo dài đến 24 giờ. Bác sĩ điều trị sẽ đề nghị bổ sung loại thuốc này nếu thuốc kích thích không có tác dụng.

2.3 Thuốc chống trầm cảm​


Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa phê duyệt thuốc chống trầm cảm trong điều trị ADHD. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn riêng lẻ hoặc kết hợp với 1 loại thuốc ADHD khác. Con bạn có thể phải thử các loại thuốc với liều lượng khác nhau trước khi tìm thấy phương pháp điều trị phù hợp.

3. Thiết bị eTNS


Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Hệ thống kích thích dây thần kinh bên ngoài Monarch (eTNS) dành cho trẻ từ 7 – 12 tuổi không dùng thuốc ADHD. Thiết bị này có kích thước bằng 1 chiếc điện thoại di động và được đeo vào ban đêm. Với các điện cực được gắn trên một miếng dán và đặt trên trán của con, thiết bị eTNS giúp gửi các xung động ở mức độ thấp đến phần não được cho là gây ra ADHD.

rối loạn tăng giảm chú ý
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể giúp trẻ hoặc người lớn mắc ADHD kiểm soát tốt các triệu chứng.

Phòng ngừa ADHD thế nào?


Rối loạn tăng động giảm chú ý không thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm, lên kế hoạch giáo dục và điều trị đúng cách có thể giúp trẻ hoặc người lớn mắc ADHD kiểm soát tốt các triệu chứng.

Nếu bạn đang mang thai, hãy tránh tiếp xúc các chất độc và chất kích thích, chẳng hạn như rượu, thuốc lá. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ mắc và mức độ phổ biến của ADHD. Với những trẻ được chẩn đoán mắc bệnh, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Hãy thể hiện tình cảm với con: trẻ cần được yêu thương và tôn trọng. Có thể biểu hiện tình cảm với con bằng những lời khen ngợi, nụ cười, một cái ôm,…
  • Cải thiện sự tự tin của con: mỗi trẻ đều có những tài năng và sở trường đặc biệt. Việc giúp con phát triển các bộ môn năng khiếu có thể giúp trẻ tự tin hơn trong học tập và giao tiếp.
  • Sử dụng những từ đơn giản và hình ảnh minh họa cụ thể khi đưa ra chỉ dẫn cho con.
  • Hướng dẫn con xác định các tình huống khó khăn xảy ra trong cuộc sống.
  • Sử dụng hình thức kỷ luật thích hợp: khen thưởng khi con có hoạt động tốt và răn đe với những hành vi tiêu cực.
  • Làm việc có tổ chức: hướng dẫn con xây dựng thời gian biểu cho việc học và hoạt động vui chơi; sắp xếp các đồ vật ngăn nắp, gọn gàng.
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày: trẻ mắc ADHD gặp khó khăn trong việc chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi. Do đó, phụ huynh nên tập cho con thích nghi và tránh thay đổi đột ngột các hoạt động.
  • Khuyến khích con tương tác với các tình huống xã hội.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: ăn uống cân bằng, đảm bảo cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho trẻ, hạn chế căng thẳng.
  • Tham gia các hoạt động thể chất theo độ tuổi: một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục giúp kiểm soát hành vi bốc đồng và các vấn đề khác ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
  • Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị thông minh.
  • Ngủ đủ giấc và đúng giờ.
  • Phụ huynh cần tìm hiểu về ADHD.
  • Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời theo dõi việc điều trị của trẻ.
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ để học hỏi kinh nghiệm từ những phụ huynh khác đã trải qua những vấn đề tương tự.

Các câu hỏi liên quan ADHD (tăng động giảm chú ý)

1. ADHD có di truyền không?


ADHD có xu hướng di truyền trong gia đình. Các nghiên cứu cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, bạn có nguy cơ cao nếu người thân trong gia đình từng mắc ADHD

2. ADHD kéo dài bao lâu?


ADHD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng. Với một số người, các triệu chứng ADHD vẫn ảnh hưởng và theo họ suốt đời.

3. ADHD có phải là một dạng tự kỷ?


ADHD không phải một dạng tự kỷ. Tuy nhiên, rối loạn phổ tự kỷ và ADHD đều có một số triệu chứng giống nhau và thuộc dạng rối loạn phát triển thần kinh. Ngoài ra, nếu trẻ mắc một trong những chứng rối loạn này, khả năng mắc chứng rối loạn kia có thể tăng lên.

Khoa Khám bệnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin tư vấn về khám chữa bệnh, chính sách với người bệnh, người nhà trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì? Biểu hiện và nguyên nhân ra sao. Tình trạng này được chẩn đoán ở trẻ nhỏ. Song, các triệu chứng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, gây khó khăn trong học tập, công việc, thói quen sinh hoạt và xây dựng mối quan hệ xã hội. Chủ động tìm hiểu, phát hiện và điều trị sớm có thể giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn này.

Xem tiếp...
 
Top Bottom