SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

Phổi là gì? Cấu tạo, chức năng và vị trí trong cơ thể người

Hai lá phổi trong cơ thể người là một cấu trúc thuộc cơ quan hô hấp nằm trong lồng ngực. Phổi cung cấp oxy cho cơ thể và loại bỏ khí Carbon Dioxide hay lọc độc tố trong máu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chịu nhiều tác động tiêu cực và mắc các bệnh lý nguy hiểm. Vậy cấu tạo phổi ra sao, nằm ở vị trí nào trong cơ thể?

Phổi là gì


Phổi là gì?​


Phổi là cơ quan hô hấp chính có chức năng cung cấp oxy cho cơ thể, loại bỏ Carbon Dioxide ra khỏi máu, chất thải chính của cơ thể con người. Phổi là trung tâm của hệ hô hấp bao gồm khí quản, cơ hoành, cơ thành ngực, mạch máu và các mô khác. Tất cả những bộ phận này cùng tham gia vào quá trình thở, trao đổi khí của cơ thể. (1)

Cấu tạo của phổi​


Ở người, phổi được bọc trong một túi màng mỏng (màng phổi). Phổi là cơ quan có kết cấu nhẹ, mềm, đàn hồi, xốp. Tại mặt trong của cơ quan này, khoảng ⅔ khoảng cách từ đáy đến đỉnh là rốn phổi – nơi tập trung mà phế quản, dây thần kinh, mạch bạch huyết, động mạch và tĩnh mạch phổi đi vào cơ quan này. Chúng tách biệt và được ngăn cách ở trung tâm bởi trung thất, nơi đặc biệt có tim, động mạch chủ và động mạch phổi. Mỗi phổi được tạo thành từ các thùy, ba thùy ở bên phải và chỉ có hai thùy ở bên trái do tim chiếm không gian. Bên trong mỗi thùy được chia thành hàng trăm tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy lại chứa một tiểu phế quản, lớp thành mỏng, các nhánh liên kết và các cụm phế nang.

Sau khi vào phổi, phế quản chính phân chia nhiều lần (hệ thống ống giống như cành cây). Đường kính phế quản giảm dần xuống dưới 1mm. Các nhánh có đường kính từ 3mm trở xuống được gọi là tiểu phế quản, nó dẫn đến những túi khí nhỏ (phế nang). Phế nang là nơi những phân tử khí oxy và Carbon Dioxide được trao đổi giữa cơ quan hô hấp và mao mạch. Ở phần cuối của tiểu phế quản là các phế nang, trong đó oxy sẽ được chuyển vào máu và thải ra Carbon Dioxide, mang lại sự sống cho toàn bộ tế bào và cơ thể con người. Bề mặt tổng thể của phế nang phổi đại diện cho sự sống.

Mỗi phổi được phân chia thành các thùy ngăn cách với nhau bằng một khe mô. Phổi bên phải có ba thùy chính, phổi trái có hai thùy. Bên trong mỗi thùy được chia thành hàng trăm tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy lại chứa một tiểu phế quản, lớp thành mỏng, các nhánh liên kết và các cụm phế nang.

Phổi là cơ quan xốp, nhẹ, đàn hồi, mềm
Phổi là cơ quan xốp, nhẹ, đàn hồi, mềm.

Phổi nằm ở vị trí nào?​


Vị trí của phổi nằm ở ngực, khoang ngực là không gian chứa phổi và những cơ quan khác. Mỗi người có hai lá phổi ở ngực, bao quanh bởi lồng xương sườn. Đồng thời, vị trí phổi nằm ở trên cơ hoành.

Chức năng của phổi​


Phổi cung cấp oxy cho cơ thể và loại bỏ những loại khí khác như Carbon Dioxide. Quá trình này diễn ra trong khoảng 12 – 20 lần/phút. Khi hít vào bằng mũi/miệng, không khí sẽ di chuyển xuống hầu họng (phía sau cổ họng), đi qua thanh quản rồi vào khí quản. (2)

Khí quản chia thành hai đường dẫn khí (ống phế quản). Một ống phế quản dẫn đến phổi phải, ống còn lại dẫn đến phổi trái. Đường thở cần thông thoáng khi hít vào, thở ra để giúp cơ quan này hoạt động tối ưu. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hoạt động của phổi, đường thở cần thông thoáng, không sưng (viêm), không có lượng chất nhầy bất thường.

Các ống phế quản dẫn đến các đường dẫn khí nhỏ hơn (phế quản), sau đó tiếp tục dẫn vào các tiểu phế quản. Các tiểu phế quản kết thúc tại các túi khí nhỏ (phế nang) – nơi oxy được truyền từ không khí hít vào đi đến máu. Máu sẽ rời khỏi cơ quan này, đi đến tim sau khi hấp thụ oxy. Từ đó, máu được bơm qua cơ thể để cung cấp oxy cho những tế bào của các cơ quan và mô. Khi các tế bào dùng oxy, chúng sẽ tạo ra Carbon Dioxide rồi chuyển nó vào máu. Dòng máu mang Carbon Dioxide trở lại cơ quan này. Carbon Dioxide sẽ bị loại bỏ khi thở ra.

Ngoài hoạt động hô hấp, phổi còn đảm nhận những chức năng khác. Thông qua cơ quan này, rượu, nước và những tác nhân dược lý có thể được hấp thụ, bài tiết. Thông thường, gần một nửa lít nước được thở ra mỗi ngày; các loại khí gây mê như Ether và Oxit Nitơ có thể được cơ quan này hấp thụ, loại bỏ. Phổi còn là cơ quan trao đổi chất, tham gia vào quá trình tổng hợp, lưu trữ, biến đổi, phân hủy nhiều chất, gồm các chất hoạt động bề mặt tại cơ quan này, Fibrin và những phân tử đa dạng về chức năng khác (như Prostaglandin, Angiotensin, Histamine).

Phổi có chức năng quan trọng trong cơ thể
Phổi có chức năng quan trọng trong cơ thể.

Xét nghiệm chức năng phổi thường gặp​


Bác sĩ có thể cho biết một số thông tin nhất định khi thăm khám. Cụ thể, bác sĩ có thể:

  • Nghe âm thanh trong phổi, bao gồm các âm thanh cho thấy cơ quan hô hấp này có vấn đề (như tiếng ran (Rales), thở rít, thở khò khè…).
  • Đếm số lần người bệnh hít thở.
  • Phát hiện thay đổi trong giọng nói của người bệnh khi nghe phổi.
  • Dùng máy đo nồng độ oxy trong mạch để đo nồng độ oxy có trong máu.

Ngoài thăm khám sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện những hình thức xét nghiệm, kỹ thuật khác để phục vụ cho việc chẩn đoán, có 3 dạng xét nghiệm để đánh giá bao gồm:

  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ biết được hình dáng phổi của người bệnh. Các bác sĩ hô hấp thường cần bổ sung các thăm dò trước bằng hình ảnh X quang. Chụp X quang ngực là phương pháp kiểm tra cơ bản và rất hữu ích cho các bệnh cấp tính (nhiễm trùng, phù phổi: tổn thương phổi do suy tim hay các bệnh lý mạch máu tuần hoàn). CT ngực chính xác và nhiều thông tin hơn, đặc biệt đối với các bệnh hô hấp mãn tính và chẩn đoán ung thư phổi.
    Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định PET CT để mô tả rõ hơn khối u phổi. Siêu âm lồng ngực đang được phát triển toàn diện trong ngành phổi vì cải tiến công nghệ của máy quét siêu âm cho phép thăm dò tốt hơn trước, bác sĩ hô hấp cũng có thể chỉ định trong một số trường hợp đánh giá dịch màng phổi hay những trường hợp đông đặc phổi nhưng có chống chỉ định với tia X.
  • Các xét nghiệm chức năng phổi giúp bác sĩ biết được hoạt động của cơ quan hô hấp này đang diễn ra như thế nào. Kiểm tra chức năng hô hấp hoặc EFR: đây là các phép đo hơi thở bằng phép đo phế dung kế hoặc phép đo thể tích (trong Cabin) giúp đo tốc độ dòng khí trong phế quản, thể tích phổi, khả năng truyền khí trong phổi (khuếch tán CO). Chuyên gia nhận xét: “Chính những cuộc kiểm tra này cho phép chẩn đoán bệnh hen suyễn, COPD, v.v. Chúng cũng giúp theo dõi bệnh nhân (sự thay đổi chức năng hô hấp theo thời gian) và điều chỉnh các phương pháp điều trị bằng đường hít (Corticosteroid, thuốc giãn phế quản).
    Các bác sĩ cũng đề nghị thực hiện các phép đo này trong quá trình kiểm tra gắng sức để giải thích tình trạng khó thở trong khi thức bằng các phép đo thể tích hoặc trong khi ngủ để tìm chứng ngưng thở (kiểm tra đa ký hô hấp hoặc đo đa ký giấc ngủ). Bác sĩ hô hấp cũng thường thực hiện các xét nghiệm da để khám phá dị ứng đường hô hấp thông qua đo chất chỉ điểm viêm, dị ứng đường hô hấp là khí Nitric Oxide. Hoặc đôi khi bác sĩ cũng có thể sử dụng test đi bộ gắng sức để đánh giá chức năng trao đổi khí.
  • Những kỹ thuật can thiệp – Nội soi phế quản: Việc kiểm tra này bao gồm bác sĩ đưa một camera vào cây phế quản và cho phép lấy mẫu từ bên trong phế quản. Điều này cho phép chẩn đoán nhiễm trùng hay lấy dị vật phế quản, đặc biệt nhiều trường hợp dị vật phế quản bỏ quên. Trên hết đây là một cuộc kiểm tra cần thiết để chẩn đoán ung thư phổi, bằng cách tiến hành sinh thiết khối u. Một số trường hợp thủ thuật này sẽ thực hiện dưới gây mê, ví dụ như trường hợp nội soi phế quản siêu âm (EBUS) để sinh thiết u hoặc hạch trung thất hay gắp dị vật phế quản sâu, bỏ quên. Các thủ thuật sinh thiết u xuyên thành ngực cũng được thực hiện dưới gây mê để người bệnh thoải mái hơn.

Một số bệnh lý thường gặp ở phổi​


Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp ở phổi:

1. Viêm phổi​


Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng tác động đến một hay cả hai phổi. Bệnh khiến các túi khí/phế nang của cơ quan này chứa đầy mủ hoặc chất lỏng. Virus, vi khuẩn hoặc nấm có thể gây bệnh viêm phổi. Các triệu chứng viêm phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm: tình trạng ho có/không có chất nhầy, ớn lạnh, sốt, khó thở hay suy hô hấp, thở co kéo đôi khi là tím tái. Mức độ nghiêm trọng của viêm phổi phụ thuộc vào các yếu tố như tổng trạng, độ tuổi và nguyên nhân gây nhiễm trùng ở người bệnh.

2. Lao phổi​


Lao phổi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, xảy ra khi vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis chủ yếu tấn công vào cơ quan hô hấp này. Bệnh lao phổi dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Người bệnh lao phổi có thể gặp các triệu chứng như: ho khan, ho khạc đờm (thường có màu trắng), ho ra đờm lẫn máu, khó thở…

Người bị lao phổi có thể gặp triệu chứng khó thở, ho khan…
Người bị lao phổi có thể gặp triệu chứng khó thở, ho khan…

3. Hen suyễn​


Hen suyễn (hen phế quản) là căn bệnh ảnh hưởng đến phổi. Đây là một bệnh viêm phế quản mãn tính, thường liên quan đến nền dị ứng. Các triệu chứng rất khác nhau (ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè). Việc điều trị dựa trên kháng viêm (Corticoides) dùng qua đường hít, giúp kiểm soát bệnh mà không có tác dụng phụ của Corticoides. Bên cạnh đó bác sĩ hô hấp sẽ điều trị co thắt phế quản bằng các thuốc giãn phế quản. Hen suyễn là bệnh mạn tính (bệnh không tự biến mất) nên cần được theo dõi liên tục. Hen suyễn có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị.

4. Giãn phế quản​


Giãn phế quản là bệnh lý trong đó đường thở (ống dẫn vào phổi) bị giãn rộng, tổn thương. Lúc này, đường hô hấp không thể làm sạch chất nhầy. Sau đó, vi khuẩn phát triển trong chất nhầy, gây viêm nhiều hơn, làm cơ quan này bị tổn thương. Lúc này, người bệnh ho nhiều hơn khi cơ thể phát huy cơ chế loại bỏ phần chất nhầy đã bị nhiễm trùng. Triệu chứng giãn phế quản bao gồm ho có nhiều mủ và chất nhầy, bị cảm lạnh lặp đi lặp lại, khó thở, thở khò khè…

5. Viêm phế quản​


Viêm phế quản là tình trạng đường hô hấp dẫn vào phổi bị viêm. Đường thở (phế quản và khí quản) bị kích thích, sưng lên, chứa đầy chất nhầy khiến người bệnh ho. Cơn ho có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần (đây là triệu chứng chính của bệnh viêm phế quản). Virus là tác nhân phổ biến hơn cả gây ra bệnh viêm phế quản cấp tính. Ngoài ra, khói và chất kích thích cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính.

Người bị viêm phế quản có thể trải qua những cơn ho kéo dài
Người bị viêm phế quản có thể trải qua những cơn ho kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

6. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)​


COPD là thuật ngữ chung cho một loạt các bệnh phổi tiến triển, bao gồm khí thũng và viêm phế quản mạn tính. COPD đặc trưng bởi viêm phế quản mạn, thứ phát là do tiếp xúc với các sản phẩm hô hấp độc hại, chủ yếu là khói thuốc lá. Bên cạnh đó, bệnh cũng thường kèm theo khí phế thũng (sự phá hủy phế nang do chất độc), tiến triển thành tình trạng suy hô hấp cần phải thở oxy tại nhà.

Tử vong thường xảy ra khi bị nhiễm trùng cấp tính (viêm phế quản cấp), càng nhiều đợt cấp càng tăng nguy cơ tử vong do giảm nhanh chức năng hô hấp. Điều trị chủ yếu dựa vào việc ngừng hút thuốc và điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít kéo dài để cải thiện tình trạng khó thở, ho và giảm nguy cơ đợt cấp. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tiến triển từ từ, khiến người bệnh khó thở theo thời gian. Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: ho có đờm trong thời gian dài, thở khò khè, khó thở sâu, khó thở khi thực hiện những hoạt động thường ngày hay khi tập thể dục nhẹ…

7. Ung thư phổi​


Ung thư phổi là bệnh lý xảy ra do sự phân chia tế bào trong phổi không kiểm soát. Ung thư phổi là tên của căn bệnh ung thư bắt đầu từ phổi – thường là tại đường thở (tiểu phế quản/phế quản) hoặc túi khí nhỏ (phế nang). Ung thư bắt đầu ở nơi khác di chuyển đến cơ quan hô hấp này được gọi tên theo nơi nó bắt đầu (có thể gọi là bệnh ung thư di căn đến cơ quan này). Nó liên quan đến việc hút thuốc nhưng đôi khi có thể liên quan đến việc tiếp xúc với amiăng trong nghề nghiệp.

Thật không may, chẩn đoán của nó thường muộn vì nó không có triệu chứng trong một thời gian dài. Thông thường khi khối u lớn hoặc di căn thì các triệu chứng giảm cân, mệt mỏi và chán ăn sẽ xuất hiện. Các phương pháp điều trị mới (liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu, hóa trị) đã giúp cải thiện việc quản lý những bệnh nhân này.

Đôi khi ung thư được phát hiện sớm hơn, thường là khi chụp CT ngực. Sau đó, nó thường xuất hiện dưới dạng một “nốt” phổi. Nhưng hãy cẩn thận, các nốt phổi có thể gặp trong nhiều bệnh về phổi: do đó không phải tất cả các nốt phổi đều là ung thư.

Do đó, ý kiến của bác sĩ hô hấp là rất cần thiết ở điểm này. Trong trường hợp ung thư giai đoạn sớm, nốt còn nhỏ, tiên lượng tốt nhờ phẫu thuật lồng ngực. Phương pháp chữa trị ung thư phổi bao gồm: phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, điều trị trúng đích, hóa trị, xạ trị…

Xơ hóa phổi: Đây là tình trạng phá hủy dần dần các mô liên kết, phế nang và mao mạch, nguyên nhân chưa rõ gọi là xơ phổi vô căn hoặc các nguyên nhân liên quan đến bệnh mô liên kết. Sự phát triển của bệnh là tăng nhu cầu oxy liên tục nhưng các phương pháp điều trị mới gần đây đã giúp cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị bệnh phổi phổ biến​


Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị phù hợp. Những phương pháp chữa trị bệnh phổi có thể bao gồm: (3)

  • Dùng thuốc (thuốc hít, thuốc uống, thuốc tiêm, dung dịch phun khí dung):
    • Steroid giúp làm giảm tình trạng sưng (viêm) ở đường thở.
    • Thuốc kháng sinh giúp chữa trị tình trạng nhiễm trùng.
    • Thuốc giãn phế quản để mở đường thở (thuốc có dạng tác dụng ngắn và dài).
    • Thuốc tiêu chất nhầy, giúp làm loãng chất nhầy, người bệnh ho chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.
    • Liệu pháp oxy giúp cải thiện mức oxy.
    • Hóa trị và/hoặc xạ trị.
    • Vaccine giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
  • Bài tập và thiết bị:
    • Chúm môi thở dốc.
    • Thở bằng cơ hoành.
    • Sử dụng thiết bị giúp thông thoáng và làm sạch chất nhầy trong đường thở.
  • Phẫu thuật:
    • Cắt thùy để loại bỏ một thùy phổi.
    • Cắt bỏ hai thùy của cơ quan hô hấp này.
    • Phẫu thuật nhằm loại bỏ các phần của phổi.
    • Chọc dịch lồng ngực giúp hút chất lỏng ra khỏi phổi.
    • Phẫu thuật lồng ngực.
    • Cắt bỏ một lá phổi.
    • Ghép phổi.
Các bệnh lý ở phổi có thể được chữa trị bằng thuốc
Các bệnh lý ở phổi có thể được chữa trị bằng thuốc.

Các bài tập cải thiện chức năng phổi​


Người bệnh nên luyện tập khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày cho đến khi thành thạo những bài tập thở dưới đây:

  • Thở cơ hoành tăng cường chức năng phổi: Thở cơ hoành còn được gọi là bài tập thở cơ bụng. Người bệnh có thể thở cơ hoành khi đang nghỉ ngơi để phát huy hiệu quả cải thiện chức năng phổi một cách tối ưu. Ở mỗi lần thực hiện, người bệnh có thể lặp lại các bước trong khoảng 3 – 5 phút. Bài tập thở cơ hoành đặc biệt có lợi với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), gồm các bước dưới đây:
    • Thả lỏng vai, nằm hoặc ngồi xuống một mặt phẳng.
    • Đặt một tay lên ngực và đặt tay còn lại lên bụng.
    • Hít vào trong 2 giây bằng mũi và cảm nhận không khí đang di chuyển vào bụng. Bụng của người bệnh lúc này phải giống như đang phình lên.
    • Mím chặt môi, thở ra từ từ.
  • Bài tập thở chu môi nhẹ: Hít thở thông qua cách chu môi nhẹ có thể làm chậm nhịp thở. Điều này giúp đường thở có thêm thời gian thư giãn để cơ quan này hoạt động thuận lợi, dễ dàng hơn. Từ đó, quá trình trao đổi oxy cũng được cải thiện. Bài tập thở chu môi khá dễ thực hiện, bao gồm các bước dưới đây:
    • Hít vào từ từ bằng mũi.
    • Chu nhẹ môi như sắp thổi nến rồi tiến hành thở ra thật chậm (thời gian thở ra có thể kéo dài gấp đôi thời gian hít vào).
    • Lặp lại động tác liên tục từ 3 – 5 phút.

Cách giữ cho phổi khỏe mạnh​


Mỗi người có thể chủ động thực hiện một số cách dưới đây để giúp cơ quan hô hấp này mạnh khỏe hơn, ngăn ngừa nguy cơ phổi bị tổn thương, bệnh tật:

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá thụ động) bằng cách không vào khu vực cho phép hút thuốc; yêu cầu thành viên trong gia đình không hút thuốc trong nhà hoặc ô tô.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Chế độ ăn uống thiếu khoa học và ít hoạt động có thể gây béo phì, thừa cân, tiềm ẩn nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nghiên cứu cho thấy việc giảm cân có thể làm giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ ở người béo phì.
  • Hoạt động thể chất. Việc làm này có thể hỗ trợ phổi và tim hoạt động hiệu quả hơn, góp phần làm giảm nguy cơ chấn thương hoặc mắc bệnh ở cơ quan này. Lưu ý, trước khi tập luyện, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có mức độ hoạt động thể chất phù hợp.
  • Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm bằng cách kiểm tra chỉ số chất lượng không khí trước khi ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông khi quá đông đúc.
  • Giảm ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách đảm bảo nơi sống và làm việc thông gió tốt, làm sạch thường xuyên nhằm ngăn ngừa sự tích tụ nấm mốc, bụi, chất gây dị ứng; hạn chế đốt nhiên liệu rắn như gỗ để nấu ăn, sưởi ấm.
  • Mỗi người cần đề phòng bệnh viêm phổi và bệnh cúm theo mùa. Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm phổi.
  • Truy tìm khí radon. Radon là loại khí không mùi, không vị, không màu hình thành tự nhiên. Loại khí này có thể xâm nhập vào các tòa nhà thông qua những vết nứt trên tường, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư phổi. Trường hợp radon trong nhà ở mức nguy hiểm, bạn hãy thực hiện các bước làm giảm khí radon theo khuyến nghị.
  • Dùng thiết bị bảo hộ. Nếu làm việc trong lĩnh vực có nguy cơ tiếp xúc với silic, bụi, khói hóa chất, chất gây dị ứng, môi trường ô nhiễm không khí… bạn cần có dụng cụ bảo hộ.
Hãy bỏ hút thuốc lá để bảo vệ phổi
Hãy bỏ hút thuốc lá để bảo vệ phổi.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Phổi là cơ quan hô hấp có vai trò quan trọng, mọi bất thường xảy ra ở phổi đều có thể tác động lớn đến sức khỏe. Vì vậy, ngay khi gặp triệu chứng nghi do bệnh lý ở phổi, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín thăm khám để kịp thời điều trị, phòng biến chứng.

Xem tiếp...
 
Top Bottom