THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
331K

Những sự thật thú vị về mồ hôi

Phương Nga

Tích Cực
Có rất nhiều điều thú vị và kỳ lạ mà chúng ta còn chưa biết hết về mồ hôi và mùi cơ thể, chẳng hạn như thành phần của mồ hôi, ảnh hưởng của di truyền đến mồ hôi hay những sự thay đổi về mồ hôi theo chế độ ăn uống. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về 17 sự thật thú vị về mồ hôi.

1. Mồ hôi là cách để cơ thể hạ nhiệt​


Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, các tuyến mồ hôi sẽ bắt đầu tiết ra mồ hôi như một cách để kiểm soát thân nhiệt. Adele Haimovic - một bác sĩ da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ giải thích: “Khi bay hơi, mồ hôi giúp hạ nhiệt độ trên bề mặt da và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.”

2. Mồ hôi chủ yếu là nước​


Thành phần của mồ hôi phụ thuộc vào loại tuyến mồ hôi. Có nhiều loại tuyến mồ hôi khác nhau trong cơ thể con người nhưng nhìn chung, chỉ có hai loại chính là tuyến mồ hôi eccrine (eccrine sweat gland) và tuyến mồ hôi apocrine (apocrine sweat gland):

Tuyến eccrine: Tuyến eccrine tiết ra mồ hôi lỏng như nước mà chúng ta vẫn thường thấy khi trời nắng nóng hay vận động mạnh. Phần lớn mồ hôi trên cơ thể là do các tuyến này tiết ra. Tuy nhiên, mồ hôi của tuyến eccrine không hoàn toàn là nước mà có chứa một lượng nhỏ muối, protein, urê và amoniac. Các tuyến mồ hôi này chủ yếu tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trán và nách nhưng ngoài ra còn nằm rải rác ở những khu vực khác của cơ thể.

Tuyến apocrine: Các tuyến mồ hôi này chủ yếu nằm ở vùng nách, bẹn và vú, tiết ra chất nhờn và kể từ tuổi dậy thì, chất nhờn do tuyến apocrine tiết ra trở nên đặc hơn. Chất nhờn này là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể. Vì tuyến mồ hôi apocrine nằm gần các nang lông nên những khu vực có nhiều lông như nách là những vị trí dễ có mùi cơ thể.

3. Mồ hôi không có mùi​


Bản thân mồ hôi không hề có mùi. Vậy tại sao một số người lại có mùi cơ thể khi đổ mồ hôi? Nguyên nhân là do vi khuẩn trên da phân hủy mồ hôi, đặc biệt là chất nhờn của tuyến mồ hôi apocrine và tạo thành các axit béo có mùi. Mùi cơ thể chủ yếu đến từ vùng dưới cánh tay (đó là lý do tại sao mọi người thường dùng chất khử mùi ở vị trí này).

Bác sĩ Haimovic cho biết: “Chất nhờn của tuyến apocrine không có mùi nhưng khi bị vi khuẩn sống trên da phân hủy, chất nhờn có thể tạo ra mùi hôi.”

4. Hoạt động của hai tuyến mồ hôi được kích hoạt bởi nhiều yếu tố​


Ngoài nhiệt độ tăng cao còn có rất nhiều lý do khác khiến cơ thể chúng ta đổ mồ hôi. Sự đổ mồ hôi khi tập thể dục hay khi thân nhiệt tăng (đổ mồ hôi từ tuyến eccrine) được kiểm soát bởi hệ thần kinh. Khi phát hiện nhiệt độ cơ thể có sự thay đổi, hệ thần kinh sẽ kích hoạt các tuyến mồ hôi eccrine hoạt động.

Sự đổ mồ hôi do thay đổi cảm xúc lại xuất phát từ các tuyến apocrine và hơi khác so với đổ mồ hôi từ tuyến eccrine. Adam Friedman - phó giáo sư khoa da liễu tại Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe George Washington - giải thích: “Mồ hôi do tuyến apocrine tạo ra không nhằm mục đích điều hòa thân nhiệt mà là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để đối phó với một thách thức sắp xảy ra.”

Đó là một phần trong phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight response) hay còn gọi là phản ứng căng thẳng cấp tính. Đa số mọi người đều đổ mồ hôi khi bị căng thẳng. Hiện tượng này là do do cơ thể gửi tín hiệu báo cho các tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động.

5. Ăn cay có thể kích thích tuyến mồ hôi​


Bác sĩ Haimovic nói: “Thực phẩm cay có chứa capsaicin - một hợp chất đánh lừa não bộ nghĩ rằng nhiệt độ cơ thể đang tăng cao. Điều này kích hoạt sự tiết mồ hôi. Đồ ăn cay không phải là yếu tố duy nhất gây đổ mồ hôi liên quan đến ăn uống.

Dị ứng và không dung nạp thực phẩm cũng có thể gây đổ mồ hôi. Ngoài ra, một số người còn bị đổ mồ hôi khi ăn nhiều thịt. Lý do là bởi khi ăn nhiều thịt cùng một lúc, quá trình trao đổi chất tiêu tốn quá nhiều năng lượng và điều này khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên.

6. Uống rượu bia khiến cơ thể nghĩ rằng bạn đang tập thể dục​


Một yếu tố khác có thể gây đổ mồ hôi là uống một lượng rượu bia lớn. Bác sĩ Haimovic giải thích rằng uống rượu bia cũng có thể làm tăng nhịp tim và làm giãn mạch máu giống như khi chúng ta hoạt động thể chất. Những phản ứng này khiến cho cơ thể nghĩ rằng chúng ta đang tập thể dục và cần tiết mồ hôi để hạ nhiệt.

7. Các loại thực phẩm như tỏi, hành tây hoặc bắp cải có thể làm tăng mùi cơ thể​


Không chỉ kích thích sự tiết mồ hôi, một số loại thực phẩm còn ảnh hưởng đến mùi cơ thể khi đổ mồ hôi. Bác sĩ Haimovic giải thích: “Khi các sản phẩm phụ của một số loại thực phẩm được tiết ra, chúng sẽ tương tác với vi khuẩn trên da và gây ra mùi khó chịu. Hàm lượng lưu huỳnh cao trong các loại thực phẩm như tỏi và hành tây có thể gây ra điều này.

Chế độ ăn có nhiều rau họ Cải như bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng, cải xoăn hay cải chíp cũng có thể làm thay đổi mùi cơ thể do hàm lượng lưu huỳnh trong những loại rau này.

8. Ăn thịt đỏ có thể gây mùi cơ thể​


Mặc dù một số loại rau có thể khiến cho mồ hôi có mùi khó chịu nhưng theo một nghiên cứu vào năm 2006, mùi cơ thể của những người ăn thịt kém hấp dẫn hơn so với người ăn chay. (1) Trong nghiên cứu này, 30 phụ nữ đã ngửi và đánh giá miếng lót thấm mồ hôi nách của nam giới sau 2 tuần sử dụng. Những phụ nữ này cho biết rằng miếng lót của những người ăn chay có mùi dễ chịu hơn so với những người ăn thịt đỏ.

9. Nam giới và phụ nữ có lượng mồ hôi tương đương nhau​


Trước đây, các nhà nghiên cứu luôn kết luận rằng nam giới đổ mồ hôi nhiều hơn phụ nữ. Ví dụ như một nghiên cứu vào năm 2010 đã chỉ ra rằng phụ nữ phải vận động nhiều hơn để ra cùng một lượng mồ hôi như nam giới. (2) Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vào năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ đổ mồ hôi hoàn toàn không liên quan gì đến giới tính mà thay vào đó là phụ thuộc vào kích thước cơ thể. (3)

10. Mùi cơ thể có thể tăng khi gần đến tuổi 50​


Chúng ta biết rằng mùi cơ thể thường trở nên rõ rệt hơn sau tuổi dậy thì do đây là thời điểm mà các tuyến mồ hôi apocrine bắt đầu hoạt động. Nhưng khi nồng độ hormone dao động, mùi cơ thể sẽ lại thay đổi. Sau khi tìm hiểu mối liên hệ giữa mùi cơ thể và quá trình lão hóa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số mùi cơ thể chỉ có ở những người từ 40 tuổi trở lên.

11. Chất chống mồ hôi ngăn sự tiết mồ hôi, còn chất khử mùi “che đi” mùi cơ thể​


Nhiều người vẫn nghĩ rằng chất khử mùi và chất chống mồ hôi là một nhưng thực ra, đó là hai sản phẩm khác nhau với cơ chế hoạt động riêng biệt. Chất khử mùi chỉ đơn giản là che đi mùi cơ thể trong khi chất chống mồ hôi có tác dụng bít các lỗ chân lông trên da để ngăn mồ hôi từ tuyến mồ hôi chảy lên bề mặt da. Một thành phần hoạt tính có trong nhiều sản phẩm chất chống mồ hôi là nhôm.

Chất chống mồ hôi có gây ung thư không? Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc liệu thành phần nhôm trong chất chống mồ hôi có gây ung thư vú hay không. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về mối liên hệ này, nhưng Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) cho biết chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định chất chống mồ hôi chứa nhôm gây ung thư vú. (4)

12. Vết ố vàng trên áo trắng là do phản ứng hóa học​


Bản thân mồ hôi không có màu. Vậy tại sao một số người lại có các vết ố vàng trên áo ở những khu vực ra nhiều mồ hôi như dưới cánh tay hay trên ga trải giường? Điều này là do phản ứng hóa học giữa mồ hôi và chất chống mồ hôi hoặc quần áo. Bác sĩ Haimovic cho biết: “Nhôm - một thành phần hoạt tính trong nhiều chất chống mồ hôi – có thể trộn lẫn với muối trong mồ hôi và tạo nên vết ố vàng.”

13. Một số người không có mùi cơ thể nhờ gen di truyền​


Đó là gen ABCC11. Những người mang gen này không có mùi cơ thể ở vùng dưới cánh tay. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rằng chỉ có 2% phụ nữ Anh được khảo sát mang gen ABCC11. Điều thú vị là trong số những người không có mùi cơ thể, có đến 78% cho biết họ vẫn sử dụng chất khử mùi gần như hàng ngày.

Gen ABCC11 phổ biến hơn ở người Đông Á trong khi người da đen và da trắng không có gen này.

14. Mồ hôi có thể trở nên mặn hơn nếu ăn ít natri​


Một số người có mồ hôi mặn hơn bình thường. Một số dấu hiệu của mồ hôi mặn là mắt bị cay xè khi mồ hôi chảy vào, cảm giác xót hay rát ở vết thương hở mỗi khi ra mồ hôi hay mồ hôi chảy vào miệng có vị mặn. Điều này có thể là do chế độ ăn uống có lượng natri thấp và uống nhiều nước.

Nên bổ sung lượng natri bị mất sau khi tập luyện cường độ cao bằng cách uống nước uống thể thao, nước ép cà chua hoặc ăn dưa muối chua.

15. Di truyền có ảnh hưởng đến lượng mồ hôi​


Lượng mồ hôi mà tuyến mồ hôi tiết ra phụ thuộc vào di truyền. Tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) là tình trạng mà cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn mức sinh lý bình thường. Theo phó giáo sư Friedman, những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi đổ mồ hôi nhiều hơn khoảng 4 lần so với lượng cần thiết để làm mát cơ thể. Theo một đánh giá tài liệu vào năm 2016, gần 5% người Mỹ bị tăng tiết mồ hôi và một số trường hợp trong đó là do di truyền.

Trái ngược với tăng tiết mồ hôi là chứng giảm tiết mồ hôi (hypohidrosis) – tình trạng mà cơ thể ra quá ít mồ hôi. Mặc dù giảm tiết mồ hôi cũng có thể là do yếu tố di truyền nhưng ngoài ra còn có các nguyên nhân khác, chẳng hạn như sử dụng thuốc điều trị tổn thương thần kinh và mất nước.

Một dạng rối loạn tiết mồ hôi khác cũng do di truyền là hội chứng mùi cá (trimethylaminuria). Ở những người mắc chứng rối loạn này, mồ hôi có mùi tanh như cá hay thậm chí có mùi trứng thối.

16. Ở những người thuận tay trái, nách trái có mùi nhiều hơn nách phải​


Một nghiên cứu vào năm 2009 đã tìm hiểu xem liệu mùi ở hai bên nách có giống nhau hay không. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng một cánh tay nhiều hơn sẽ khiến cho hai bên nách có mức độ mùi cơ thể khác nhau. Nghiên cứu đã mời 49 phụ nữ ngửi miếng lót thấm mồ hôi của nam giới sau 24 giờ sử dụng. Kết quả cho thấy ở những người thuận tay phải, hai bên nách có mùi tương đương nhau nhưng ở những người thuận tay trái, mùi ở nách trái mạnh hơn so với nách phải.

17. Mồ hôi có thể phát ra mùi hương lan tỏa niềm vui​


Theo một nghiên cứu vào năm 2015, mồ hôi có thể tiết ra “mùi hương của niềm vui” và khi những người khác ngửi thấy, mùi hương này sẽ khơi dậy cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong họ. (5)

Như vậy là khi một người cảm thấy vui, họ có thể lan tỏa cảm xúc tích cực này cho những người xung quanh và giống như nụ cười, mồ hôi cũng có tính lan truyền.


Xem tiếp...
 
Top Bottom