Phương Nga
Tích Cực
Trong mối quan hệ, mâu thuẫn và cãi nhau là điều không thể tránh khỏi. Nhưng để giữ gìn mối quan hệ, cần phải biết cách xử lý tình huống một cách khôn ngoan và hiệu quả.
Vậy làm thế nào là không ngoan trong trường hợp này, vừa có thể nói lên quan điểm của bản thân mà không làm tổn thương đối phương? Câu trả lời nằm ở phần dưới.
Tạm thời dừng lại cuộc cãi vã
Trong lúc mất bình tĩnh, nếu cả hai cứ cố gân cổ nói lý lẽ thì sẽ rất khó để phân thắng bại. Việc nên làm lúc này là tạm lánh sang phòng khác hoặc đi ra ngoài. Điều đó sẽ giúp cả hai có thời gian và không gian để suy nghĩ về hành động, lời nói, việc làm của mình.
Không đổ lỗi
Trò đổ lỗi cho những thiếu sót hoặc bất hạnh của bạn cho người khác chỉ chứng tỏ bạn chưa đủ trưởng thành và có trách nhiệm với cuộc đời mình.
Ví dụ nếu bạn thức dậy trễ vì người ấy quên đánh thức bạn, vậy là lỗi của ai? Những gì xảy ra xung quanh bạn đều do bạn chịu trách nhiệm. Giả sử không có người ấy thì bạn đổ lỗi cho ai?
Không xúc phạm, nặng lời
Trong lúc cãi vã, nhiều người dễ dàng không kiểm soát được lời nói, buông những câu tiêu cực, nặng nề về nhau.
Đôi khi thực tâm bạn không có ý xấu, chủ yếu là muốn chọc tức đối phương bằng mọi cách.
Thế nhưng, thực tế thì mỗi lần bạn buông lời xúc phạm đối phương một chút, thì tình cảm họ dành cho bạn cũng vơi đi ít nhiều. Đến một ngày, người ấy bỏ đi không nói một lời cũng chính vì những lời nói khó nghe lúc nóng giận của bạn mà ra.
Tìm xem nguyên nhân khiến bạn cãi nhau
Dù ai đúng ai sai thì cả hai cũng nên bình tâm xem nguyên nhân khiến mâu thuẫn xảy ra là ở đâu. Sau khi tìm ra nguyên nhân, cả hai nên giải quyết dứt điểm. Đồng thời tuyệt đối không mang những lỗi lầm lúc trước ra nói cũng như đừng bao giờ để nó lại rồi tích tụ thành những nguyên nhân “chiến” cho những lần sau.
Bạn không phải lúc nào cũng đúng
Một trong những cách hòa giải mâu thuẫn hiệu quả nhất là bỏ qua suy nghĩ “tôi lúc nào cũng đúng”. Mặc dù bạn có thể chín chắn, thành công trong công việc nhưng cũng sẽ có một lúc nào đó bạn không kiểm soát được bản thân và mắc sai lầm. Do đó, bạn không thể lúc nào cũng bắt đối phương phải nghe theo ý kiến của mình.
Hãy cảm ơn
Lúc mâu thuẫn, cãi nhau mặc dù rất khó chịu, thế nhưng sau khi mâu thuẫn đã được giải quyết, bạn đừng quên cảm ơn đối phương vì đã chịu khó nói chuyện một cách cởi mở và chân thành với mình.
Nhiều người cho rằng những mối quan hệ thân thiết thì không cần như vậy. Thế nhưng trong mọi trường hợp đều nên lịch sự và nhẹ nhàng. Chính vì vậy, việc cảm ơn và xin lỗi bạn đời là bình thường, không có gì phải ngại ngùng cả.
Hành động khiến đối phương cảm nhận được sự hối lỗi và chân thành
Nếu bạn sai, đừng ngần ngại xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm nữa. Hãy có gắng thực hiện lời hứa cho mình, nó sẽ khiến cho cả hai tránh được những lần cãi vã sau. Luôn nhắc nhở bản thân bình tĩnh để không bao giờ phải khẩu chiến với người thân của mình khiến cho cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi.
Có rất nhiều cách hòa giải mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là bản thân bạn cần phải giữ bình tĩnh, tránh việc quá nổi nóng hay nói lời tiêu cực với đối phương vì điều này có thể khiến mọi chuyện đi xa hơn. Thậm chí gây đổ vỡ một mối quan hệ vốn dĩ tốt đẹp.
Bình Yên (Tổng hợp/ Theo Verywellmind)
Ảnh: Sưu tầm
Xem tiếp...