MUA BÁN

Chuyên đề: Kinh nghiệm pháp lý, mua bán, sang nhượng nhà đất, Kinh nghiệm thiết kế thi công, trang trí, Kinh nghiệm chọn sản phẩm giá tốt, Kinh nghiệm về ô tô, xe máy, xe điện, Kinh nghiệm ăn uống, khu nghỉ dưỡng, Kinh nghiệm bảo quản, chế biến món ăn

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
KINH DOANH - MUA BÁN
Tổng thành viên
85
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
22K
Tổng lượt xem
563K

Nhiều bệnh nhân ở miền Tây vẫn mòn mỏi chờ máu

Lê Hoài Thương

Tích Cực
Nhiều bệnh viện ở miền Tây vẫn thiếu máu do tình trạng cấp máu nhỏ giọt, một sản phụ đã tử vong do không có máu truyền lúc cấp cứu.

Anh Nguyễn Văn Quý, 27 tuổi, bị bệnh trĩ hơn một tháng trước, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Sau ba lần nhập viện, Quý vẫn chưa thể phẫu thuật do chưa được truyền đủ máu.

"Vẫn chưa biết ngày nào được mổ", Quý cho biết khi đang dùng cơm trưa ở hành lang bệnh viện, hôm 25/3. Gia đình đơn chiếc, bệnh nhân tự chăm sóc khi nằm viện, trong khi cha mẹ thay phiên quản lý cơ sở kinh doanh ở nhà.

Tuần trước, một sản phụ 32 tuổi có nhóm máu hiếm (A Rh-), sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Tháp Mười, đã tử vong do băng huyết sau sinh, thiếu máu truyền lúc cấp cứu. Kíp trực liên hệ nhiều bệnh viện trong khu vực tìm nguồn máu nhưng bất thành.

Tủ dự trữ máu của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp ngày 22/3. Ảnh: Ngọc Tài


Tủ dự trữ máu của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp ngày 22/3. Ảnh: Ngọc Tài


Thiếu máu trong điều trị cũng gây nên tình trạng căng thẳng cho các bác sĩ. "Máu ưu tiên dùng khi cấp cứu. Các trường hợp bệnh có thể trì hoãn thì đưa vào danh sách chờ hoặc khuyến khích bệnh nhân chuyển viện nếu sức khỏe cho phép", Bác sĩ Lê Văn Bé Ba, Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho biết.

Ngày 22/3, tủ dự trữ máu của nơi này chỉ còn một đơn vị máu nhóm A, hai AB và hơn chục đơn vị nhóm O, B. Trong đó cả ba túi máu nhóm A, AB đều đã có bệnh nhân mãn tính "xếp hàng" chờ nhận.

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Liên, Trưởng khoa huyết học - truyền máu, cho biết tình trạng khan hiếm máu từ sau dịch, đặc biệt căng thẳng trong năm 2023. Theo bà Liên, "hiện có đỡ hơn trước song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu, do Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ, chỉ cấp nhỏ giọt".

Đơn cử, hôm 21/3, bệnh viện dự trù xin cấp 110 đơn vị song chỉ được cấp 18, một số ngày khác chỉ được cấp vài đơn vị.

"Mỗi ngày đều phải mua máu, có ngày đi hai ba lần. Nhiều bệnh nhân cấp cứu nhưng máu cần truyền vẫn trên đường về. Cả kíp trực lẫn khoa truyền máu đều rất nóng ruột", bác sĩ Liên cho biết và nói thêm tình thế này buộc các bác sĩ phải thảo luận kỹ, ưu tiên cấp cứu, bệnh nặng hoặc thuyết phục bệnh nhân chuyển viện.

 Người dân cung cấp


Người dân xếp hàng chờ hiến máu tại Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc, để cứu sản phụ đang nguy kịch do mất máu. Ảnh: Người dân cung cấp


Các bệnh viện tại An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng đều chung tình cảnh phải sang Cần Thơ 2-3 lần mỗi ngày để lấy máu dùng cho cấp cứu, không được dự trữ theo tuần như trước. Bác sĩ Lâm Võ Hùng, Giám đốc Bệnh viện Trung tâm An Giang, cho biết hằng ngày đều phải cử nhân viên đi mua máu song chỉ được cấp nhỏ giọt, thường dưới 10 đơn vị.

"Số này chỉ dùng trong cấp cứu, riêng các bệnh mãn tính cần truyền máu đều phải chuyển viện. Các bệnh nhân có máu hiếm buộc phải chuyển viện 100%", bác sĩ Hùng chia sẻ, nói thêm các bác sĩ đều lo lắng vì thiếu nguồn máu trong điều trị cho bệnh nhân.

Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng do thiếu máu cấp cứu, điều trị đã "chữa cháy" bằng cách vận động cán bộ, nhân viên các đơn vị hiến máu. "Mỗi ngày cần 50-60 đơn vị máu nhưng Bệnh viện Huyết học Truyền Máu Cần Thơ không đáp ứng đủ", bác sĩ Đặng Minh Hiền, Giám đốc bệnh viện nói và cho biết hiến máu tại chỗ "không phải giải pháp lâu dài", chỉ là tình thế tạm thời.

Mặc dù nhiều bệnh viện phản ánh tình trạng máu cấp "nhỏ giọt" song ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ - nơi phân tuyến cung cấp máu cho 74 bệnh viện ở miền Tây, khẳng định nguồn máu cấp cho các bệnh viện vẫn tạm ổn, từ chối cung cấp thêm thông tin.

7 tháng trước, các bệnh viện ở miền Tây gặp tình trạng khan hiếm máu tương tự. Khi đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho biết các gói thầu mua sắm bị kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu vật tư, không thể điều chế, xét nghiệm, sàng lọc và cung cấp máu cho các bệnh viện. Đơn vị này buộc phải "chữa cháy" bằng các gói mua sắm dưới 100 triệu (không phải đấu thầu) nhưng số lượng không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thời điểm đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã điều phối gần 65.000 đơn vị máu từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương... hỗ trợ Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP Cần Thơ cung cấp cho khu vực. Tuy nhiên đến ngày 30/10/2023, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ vẫn chưa có đủ để tiếp nhận và cung cấp máu. Đây là nguyên nhân chính khiến khu vực này lại tái diễn tình trạng thiếu máu.

"Nếu tình trạng thiếu máu cứ kéo dài tại địa phương, cần xem xét các hình thức kỷ luật đối với những trường hợp không làm hết trách nhiệm trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm", lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói, chiều 31/10/2023, đồng thời đề nghị Sở Y tế Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và uy tín chung của ngành.

Ngọc Tài - Huy Phong

Xem tiếp...
 
Top Bottom