SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Nhiễm trùng tai: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng ngừa

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Nhiễm trùng tai là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên, gây nên tình trạng sưng tấy, đau tai, chảy dịch và suy giảm thính lực. Bệnh phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

nhiễm trùng tai


Nhiễm trùng tai là gì?


Nhiễm trùng tai là một khái niệm chung chỉ tình trạng tai bị viêm nhiễm, dẫn đến sưng và đau. Dựa theo cấu trúc từ ngoài vào, nhiễm trùng tai có thể bao gồm nhiễm trùng tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa) là tình trạng phổ biến hơn cả, tiếp đến là viêm tai ngoài.

Tai giữa là khu vực phía sau màng nhĩ, bao gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và chuỗi xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) có tác dụng khuếch đại âm thanh. Người ta ước tính rằng cứ 5 trẻ thì có 4 trẻ sẽ bị nhiễm trùng tai giữa ít nhất một lần.

Tai ngoài bao gồm phần vành tai có thể nhìn thấy và ống tai dẫn đến màng nhĩ. Tai ngoài hoặc ống tai cũng có thể bị nhiễm trùng. Nguyên nhân thường do nước đọng lại trong ống tai, ví dụ khi đi bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân có hại sinh sôi. Một số trường hợp tai ngoài bị nhiễm trùng do thói quen sử dụng tăm bông sai cách.

Tai trong là nơi âm thanh được chuyển thành xung điện và gửi đến não.

Nhiễm trùng tai còn có thể chia thành nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính dựa vào khoảng thời gian mắc bệnh. Khi các triệu chứng kéo dài trên 12 tuần, sẽ được xếp vào mạn tính.

Nguyên nhân nhiễm trùng tai


Nguyên nhân của nhiễm trùng tai giữa có thể do virus hoặc vi khuẩn, đôi khi đồng nhiễm hoặc nhiễm khuẩn thứ phát. Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là Escherichia coli và Staphylococcus aureus. Ở trẻ lớn hơn và dưới 14 tuổi, vi khuẩn phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, và Haemophilus influenzae; các nguyên nhân ít phổ biến hơn là Liên cầu tan huyết beta nhóm A và S. aureus. Ở bệnh nhân trên 14 tuổi, S. pneumoniae, liên cầu tan huyết beta nhóm A, và S. aureus là phổ biến nhất, sau đó là là H. influenzae.

Nhiễm trùng tai ngoài thường do các vi khuẩn như Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Staphylococcus aureus, hoặc là Escherichia coli; Nấm ống tai thường gây ra bởi Aspergillus niger, Candida albicans,… Nhọt thường là do Staphylococcus aureus,…(1)

Một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Thay đổi áp suất ở tai đột ngột khi đi máy bay, lặn xuống biển;
  • Bơi ở hồ nước hoặc khu vực ô nhiễm;
  • Không vệ sinh tai sạch sẽ, khô ráo sau khi bơi, tắm;
  • Làm sạch tai quá mức có thể làm trầy xước các mô xung quanh;
  • Đang mắc một đợt cảm lạnh, hoặc viêm mũi họng.

Yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai bao gồm:

  • Độ tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (6 tháng – 2 tuổi) có nguy cơ nhiễm trùng tai cao hơn.
  • Thời tiết: Nhiễm trùng tai thường gặp nhất vào mùa thu, đông. Những người bị dị ứng thời tiết cũng có nguy cơ nhiễm trùng tai cao hơn khi lượng phấn hoa cao.
  • Người già, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính như xơ nang, hen suyễn,…
  • Dân tộc: Có một số nghiên cứu cho thấy trẻ em là người Mỹ bản địa, người gốc Tây Ban Nha bị nhiễm trùng tai nhiều hơn trẻ em thuộc các nhóm dân tộc khác.
  • Hở hàm ếch: Sự khác biệt về cấu trúc xương, cơ ở trẻ bị hở hàm ếch có thể khiến ống eustachian khó thoát dịch hơn.
  • Chất lượng không khí kém: Ô nhiễm không khí, tiếp xúc với khói thuốc là một trong các yếu tố nguy cơ bị nhiễm trùng tai

Trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn:

Hệ thống tai mũi họng thông nhau. Tai có một đường thông gọi là vòi eustachian xuống dưới vòm mũi họng. Trẻ nhỏ vòi ngắn, chưa hoàn thiện, nên dịch tiết viêm của VA có thể trào lên vùng tai dễ dàng khi trẻ nằm, xì mũi mạnh,… gây viêm tai giữa. Ngoài ra hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và trong quá trình đi học, sinh hoạt tập thể ở lớp, trẻ dễ bị nhiễm các bệnh như viêm mũi họng kèm theo.

Dấu hiệu nhiễm trùng tai


Các dấu hiệu nhiễm trùng tai còn phụ thuộc vào phần tai bị nhiễm trùng, nhìn chung có thể bao gồm:

  • Đau tai, ngứa tai, đặc biệt khi nằm
  • Sốt, đau đầu
  • Chảy dịch tai
  • Tai sưng đỏ
  • Ù tai, suy giảm thính lực
  • Cảm giác đầy tai, hoặc các âm thanh lạ trong tai
  • Chóng mặt, mất thăng bằng
  • Buồn nôn, nôn

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn có thể:

  • Tự kéo tai, véo tai của trẻ
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Các vết đỏ quanh tai
  • Bồn chồn, cáu kỉnh
  • Bỏ ăn, quấy khóc
  • Không phản ứng với các tiếng động yêu thích trước đây
tai bị nhiễm trùng
Trẻ em nhỏ thường bất giác tự kéo tai, đụng vào tai khi bị nhiễm trùng tai.

Chẩn đoán nhiễm trùng tai


Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai đều có thể chẩn đoán dựa trên bệnh sử, nội soi và các triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp khác bác sĩ có thể chỉ định thêm biện pháp chụp CT, phân tích mẫu bệnh phẩm (dịch tiết, dịch mủ), hoặc đo thính lực để đánh giá chức năng nghe,..

  • Biện pháp nội soi: Bác sĩ sử dụng ống nội soi chuyên dụng có gắn camera quan sát và truyền hình ảnh ra màn hình bên ngoài. Bác sĩ đưa ống nội soi trực tiếp vào tai, hình ảnh các khu vực nội soi sẽ được phóng to trên màn hình, giúp bác sĩ quan sát được đầy đủ và nhanh chóng các cấu trúc bị tổn thương.
chẩn đoán nhiễm trùng tai
Bệnh nhân được nội soi tai tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Giúp xác định nhiễm trùng có lan tới tai giữa hay chưa.
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu có thể biểu thị cơ thể có đang bị nhiễm trùng hay không.
  • Đo nhĩ lượng: Cho phép đo mức độ phản ứng của màng nhĩ với những thay đổi về áp suất không khí bên trong tai.
  • Đo phản xạ âm thanh: Đo lượng âm thanh phản xạ trở lại màng nhĩ để gián tiếp đánh giá sự ứ dịch trong tai. Bình thường màng nhĩ hấp thụ phần lớn âm thanh. Nếu càng có nhiều chất dịch ứ đọng trong tai giữa, âm thanh phản xạ lại càng nhiều.
  • Đo thính lực: Giúp kiểm tra khả năng nghe, đặc biệt khi bệnh nhân bị nhiễm trùng tai mạn tính.

Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, trẻ em và người lớn đều được nội soi cả tai, mũi, họng bằng hệ thống ống mềm và ống cứng nhỏ khi thăm khám, để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng một cách tổng thể và chính xác nhất. Đặc biệt ở trẻ em, có thể có các bệnh viêm họng, viêm mũi kèm theo, làm tăng nặng tình trạng nhiễm trùng tai.

Biến chứng nhiễm trùng tai


Hầu hết nhiễm trùng tai không gây ra biến chứng lâu dài, nhưng nếu nhiễm trùng mạn tính, tái đi tái lại có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.

  • Suy giảm thính lực: Tình trạng mất thính lực nhẹ khá phổ biến khi bị nhiễm trùng tai, nhưng đa phần sẽ hồi phục sau khi hết nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng tai xảy ra nhiều lần, gây ứ dịch tai giữa, sẽ dẫn đến tình trạng mất thính lực trầm trọng hơn. Nếu có một tổn thương vĩnh viễn ở màng nhĩ hoặc các cấu trúc tai giữa khác, có thể gây ra tình trạng mất thính lực vĩnh viễn.
  • Thủng màng nhĩ: Màng nhĩ sẽ phải chịu áp lực khi nhiễm trùng gây nên tình trạng ứ dịch ở tai, áp lực có thể khiến màng nhĩ bị thủng và suy giảm thính lực trầm trọng hơn.
  • Chậm nói, chậm phát triển: Thính giác bị suy giảm tạm thời hay vĩnh viễn, sẽ khiến người bệnh giảm khả năng sinh hoạt và làm việc. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, suy giảm thính lực có thể khiến trẻ chậm nói và cản trở khả năng hòa nhập cộng đồng.
  • Nhiễm trùng lan rộng: Nhiễm trùng tai nếu không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị có thể lan sang mô lân cận, gây nhiễm trùng xương chũm và hình thành các u nang chứa đầy mủ. Số ít trường hợp có thể lan sang các tổ chức nội sọ gây viêm màng não, viêm dây thần kinh,… đe dọa tính mạng.

Điều trị nhiễm trùng tai


Nhiễm trùng tai giữa thường tự khỏi trong vòng một tuần. Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen. Kháng sinh sẽ được chỉ định khi có các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nhiễm trùng tai ngoài thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhỏ tai, thuốc nhỏ cũng có thể chứa hoạt chất kháng viêm steroid. Bệnh nhân nên nằm nghiêng để tai bị đau hướng lên trên khi nhỏ thuốc, giữ nguyên tư thế trong vài phút để thuốc được lưu lại.

Trường hợp điều trị nội khoa (dùng thuốc) thất bại, các phẫu thuật can thiệp có thể được chỉ định: đặt ống thông nhĩ, phẫu thuật nội soi vá nhĩ,…

Phòng ngừa nhiễm trùng tai

phòng ngừa nhiễm trùng tai
Vệ sinh tai khô ráo sau khi bơi sẽ giúp phòng ngừa nhiễm trùng tai

Phòng ngừa nhiễm trùng tai tương tự như việc phòng ngừa cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp khác, cụ thể:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh khói bụi;
  • Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu sau sinh sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng.
  • Khi trẻ bú bình, để trẻ bú ở tư thế thẳng, tránh bú nằm;
  • Tiêm phòng đầy đủ;
  • Rửa tay trước khi ăn;
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Vệ sinh tai sạch sẽ, khô ráo sau khi bơi. Có thể sử dụng nút tai khi bơi;
  • Tuyệt đối không lấy ráy tai bằng tăm bông và chỉ dùng khăn lau nhẹ nhàng bên ngoài, xung quanh ống tai.

Các thắc mắc khi bị nhiễm trùng tai

1. Nhiễm trùng tai có nguy hiểm không?


Nhiễm trùng tai không nguy hiểm nhưng không được chủ quan, đặc biệt ở các nhóm đối tượng như trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền,…

2. Nhiễm trùng tai có tự hết không?


Nhiễm trùng tai có thể tự khỏi, quan trọng phải biết vệ sinh tai đúng cách, giữ tai khô sạch. Người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thuốc không kê đơn để hỗ trợ cải thiện triệu chứng.

3. Cách vệ sinh khi bị nhiễm trùng tai?


Vệ sinh tai đúng cách là một điều quan trọng đối với người bị nhiễm trùng tai. Dưới đây là các bước vệ sinh tai đúng cách:

  • Dùng gạc ẩm, khăn mềm thấm nước ấm, lau nhẹ nhàng vành tai ngoài. Sau đó dùng khăn mềm xoắn vòng nhẹ, lau dần về phía trong ống tai (tuyệt đối không ngoáy sâu vào bên trong), từ từ lau phần máu, mủ, dịch chảy ra.
  • Dùng một ống bơm (xi lanh) nhỏ có nước ấm hoặc nước muối sinh lý, nhỏ từ từ 3-4 giọt vào ống tai. Đợi khoảng 5-10 giây cho nước đủ thấm, sau đó nghiêng đầu để nước chảy ra. Người bệnh có thể lặp lại vài lần đến khi cảm thấy ống tai thông thoáng hơn.
  • Cuối cùng, lấy khăn ẩm, ấm lau nhẹ nhàng lại phần nước tồn đọng trong tai để tai được khô thoáng.
  • Trường hợp bệnh nhân có kèm tình trạng thủng màng nhĩ, nên tuân theo hướng dẫn vệ sinh của bác sĩ tai mũi họng.

Những lưu ý khác khi vệ sinh tai bao gồm:

  • Không đưa tăm bông, hay các vật sắc nhọn,… nhét sâu vào ống tai. Điều này sẽ khiến ráy tai, hay các dị vật bị đẩy vào sâu hơn, làm nhiễm trùng nặng hơn, tăng nguy cơ thủng màng nhĩ, chảy máu,…
  • Chỉ nên vệ sinh phần ngoài của ống tai bằng tăm bông hoặc khăn mềm.
  • Vệ sinh tai bằng nước ấm, dung dịch nước muối sinh lý hoặc các dung dịch có chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng oxy già hay các loại thuốc nhỏ tai không rõ nguồn gốc, việc đó có thể gây nấm và nhiễm trùng nặng hơn.
  • Tai mũi họng là một hệ thống thông nhau nên người bệnh cũng cần chú ý giữ gìn mũi, họng sạch sẽ, có thể súc họng và xịt rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Khi nào thì nên gặp bác sĩ?


Người bệnh nhiễm trùng tai nên đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng như:(2)

  • Sốt cao trên 38 độ C;
  • Đau tai dữ dội;
  • Có mủ, và dịch chảy ra từ tai;
  • Triệu chứng kéo dài hơn 2-3 ngày và nặng hơn;
  • Giảm thính lực.

Để đặt lịch khám, và điều trị nhiễm trùng tai và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Chần chừ điều trị nhiễm trùng tai hoặc để tình trạng nhiễm trùng tái diễn nhiều lần sẽ khiến việc điều trị trở nên tốn kém và mất thời gian hơn. Do đó, khi các triệu chứng của nhiễm trùng tai kéo dài vài ngày không khỏi, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Xem tiếp...
 
Top Bottom