THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
90
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
394K

Người Việt ở Moscow: "Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố"

Buổi sinh nhật không bao giờ quên​


Buổi sáng âm u bao trùm khắp thành phố Moscow sau đêm tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall khiến hơn 130 người chết, hơn 150 người bị thương. Những màn hình quảng cáo chuyển sang hình ảnh ngọn nến đang cháy cùng dòng chữ "Chúng tôi tưởng niệm ngày 22/3/2024".

"Thật kinh khủng! 22 năm sống tại Moscow, đây là điều tồi tệ nhất mà tôi phải trải qua. Vụ tấn công đẫm máu diễn ra nhanh, mạnh và dã man", chị Lê Thị Phương Chung (42 tuổi) nghẹn ngào.

Ngày 22/3, con gái chị Chung bước sang tuổi 12. Đứa trẻ nói với mẹ "không bao giờ quên sinh nhật tròn giáp" của mình sau cơn chạy loạn. Tối hôm đó, bé gái mang bánh sinh nhật đến lớp học nhảy ở Quảng trường Đỏ. Trung tâm bất ngờ thông báo đóng cửa, mọi người bỏ chạy tán loạn.

Cùng lúc cách đó 20km, 4 tay súng xông vào nhà hát Crocus, xả súng điên cuồng vào mọi chỗ. Đêm biểu diễn âm nhạc mang tên Không sợ điều gì bỗng chốc trở thành đêm kinh hoàng, những người trong khán phòng hơn 6.000 chỗ ngồi sợ hãi dưới mưa đạn.

Đám đông hỗn loạn trong hội trường đổ xô tìm lối thoát hiểm khi tiếng súng liên tục vang lên cùng những tiếng la hét. Những kẻ tấn công đi quanh khán phòng, nổ súng vào khán giả.

Theo các điều tra viên Nga, những kẻ khủng bố đã tẩm xăng vào màn hình sân khấu và ghế ngồi rồi châm lửa đốt, khiến đám cháy bùng lên dữ dội, bao trùm nhà hát khi mọi người vẫn mắc kẹt bên trong. Phần lớn mái của nhà hát sập xuống, chôn vùi nhiều nạn nhân bên dưới.

 Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố - 1

Nhà hát Crocus City Hall chìm trong biển lửa, tối 22/3 (Ảnh: Reuters).


Nhận điện thoại của con gái, chị Chung "tim đập, chân run", sau đó bình tĩnh hướng dẫn con thoát nạn an toàn.

"Các trung tâm vội vàng sơ tán người dân. Mọi người đổ ra đường rất đông, các phương tiện công cộng chật kín. Khi đón được con, tôi mới thở phào nhẹ nhõm", người mẹ nhớ lại.

Về đến nhà cách hiện trường 11km, cả gia đình chị Chung theo dõi tin tức qua ti vi đến 3 giờ sáng. Trong hai ngày cuối tuần, mọi hoạt động đều tạm dừng, học sinh được nghỉ học.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quốc tang ngày 24/3 để tưởng niệm các nạn nhân. Đây là thảm kịch khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm qua.

 Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố - 2

Màn hình quảng cáo tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố (Ảnh: AFP).


Thời điểm xảy ra khủng bố, anh Hồ Sĩ Bằng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Moscow, đang ở phòng tập tại một trung tâm cách hiện trường 10km. Lúc này, loa trung tâm vang lên, thông báo người dân sơ tán khỏi tòa nhà.

"Ban đầu nghe tin, tôi chỉ nghĩ như mấy vụ máy bay không người lái tấn công. Nhưng sau khi vào các trang thông tin và mạng xã hội chính thống của Nga, tôi bàng hoàng, không tin là sự thật", anh Bằng nói.

Người đàn ông vội đến chỗ vợ đang làm việc ở tầng dưới của trung tâm. Họ tháo chạy ra bên ngoài, thấy một vài nghệ sĩ đường phố chưa hay biết gì vẫn đang chơi đàn và ca hát. Cảnh sát bắt đầu tiếp cận người dân, yêu cầu sơ tán khẩn cấp.

Hai vợ chồng người Việt đến một siêu thị tổng hợp bán đồ thực phẩm, thấy người dân vẫn mua bán bình thường. Một lúc sau, cảnh sát đặc nhiệm đi vào siêu thị cảnh báo an toàn.

Nghe lời vợ thúc giục, anh Bằng xuống bến tàu điện ngầm, đi qua 4 bến tàu về nhà. Đứa con trai 8 tuổi sau buổi học thêm cũng tự đi tàu trở về.

"Nhiều người hỏi thăm tình hình gia đình, cô giáo và nhóm phụ huynh lớp con trai cũng liên tục nhắn tin, tôi đều đã thông báo an toàn", anh Bằng nhớ lại.

25 năm sống ở Nga, trải qua nhiều sự kiện, người đàn ông Việt cho hay dần học được sự điềm tĩnh, lạc quan của người Nga trong mọi tình huống, không quá lo lắng mà tìm cách xử lý.

Sau khi bình tĩnh, anh xác định hiện trường khủng bố cách nhà hàng Việt Nam của hai vợ chồng khoảng 10 phút lái xe. May mắn tối 22/3, họ không đến quán. Sau khi vụ khủng bố xảy ra, nơi đây được cảnh sát mặc thường phục canh gác.

(Cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ một siêu thị. Sau khi rời siêu thị này, vợ chồng anh Bằng đi tàu điện ngầm về nhà) (Ảnh: Hồ Sĩ Bằng).

"Kinh khủng đến mức ám ảnh"​


Trên tàu hỏa từ Saint Petersburg về Moscow tối 22/3, anh Lương Văn Dương (40 tuổi) cho biết chỉ ít giờ sau vụ khủng bố, tại trung tâm thương mại gần nhà ga mà gia đình anh vừa xuất phát cũng có báo động sơ tán.

Ảnh hưởng từ vụ xả súng, nhiều phương tiện công cộng tại Nga bị tạm dừng. Chuyến tàu hỏa về Moscow của gia đình anh Dương cũng bị hoãn, chờ phía cơ quan chức năng điều phối. Họ về đến nhà gần 6h ngày 23/2, cách nhà hát Crocus 43km.

"Chúng tôi bàng hoàng, cầu nguyện mọi bình an đến mọi người", anh Dương nói.

Theo anh, sự kiện khủng bố này đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống người dân, nhiều dự định vào cuối tuần buộc thay đổi hoặc hủy bỏ. Họ đều chung tâm trạng từ hoang mang, lo sợ đến phẫn nộ trước hành động tàn độc của nhóm khủng bố.

Trong ngày quốc tang 24/3, tất cả hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao đều tạm hoãn. Các trung tâm thương mại, khu buôn bán vắng vẻ hơn ngày thường dù là cuối tuần. Tình hình an ninh được siết chặt, chính quyền cắt cử thêm nhiều nhân viên an ninh, cảnh sát, đặc nhiệm kiểm tra kỹ các lối vào ra.

 Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố - 5

Người dân tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ tấn công khủng bố (Ảnh: Reuters).


Chị Minh Hải (46 tuổi, tiểu thương tại chợ Sadovod) cho biết hiện trường khủng bố cách những khu chợ tập trung đông người Việt Nam sinh sống và làm việc khoảng 20km.

Không chỉ cuộc sống, công việc kinh doanh của chị và một số tiểu thương bị ảnh hưởng. Chính phủ khuyến cáo người dân không tập trung nơi đông người, không nên ra đường nếu không có việc gì cần thiết, nên khu chợ trở nên vắng vẻ.

"Tôi đã bị sốc tâm lý, không tin nổi ngay giữa trung tâm thủ đô Moscow lại xảy ra khủng bố. Sau đó là cảm giác đau đớn và căm phẫn, thương xót những nạn nhân là người dân hiền lành", chị Hải cho hay.

10 năm sống tại Nga, từng nghe đến nhiều vụ tấn công khủng bố nhỏ lẻ, song lần này với chị Hải là cảm giác "kinh khủng đến mức ám ảnh".

Xếp hàng dưới mưa rét chờ hiến máu​


Bất chấp mưa rét 3 độ C, chị Chung và chồng hòa vào dòng người xếp hàng, chờ đến lượt hiến máu. Bệnh viện nằm ngay dưới chân tòa nhà chị sinh sống, từ 5 giờ sáng đã có người đến hiến máu, công an bảo vệ an ninh khắp đường phố. Sau gần 2 tiếng, chị Chung mới đến lượt.

"Dù trời mưa lạnh, mọi người không hề chen lấn, mà xếp hàng nghiêm túc chờ đến lượt. Mọi người mong muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ, chia sẻ mất mát cùng chính quyền và các nạn nhân", chị Chung nói.

 Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố - 6

Người dân xếp hàng dưới mưa rét hiến máu cứu các nạn nhân vụ khủng bố (Ảnh: Phương Chung).


Trong khi đó, chị Minh Hải bày tỏ mong muốn hiến máu nhưng không đủ cân nặng. Tại Nga, một số điều kiện hiến máu khá nghiêm ngặt như có quốc tịch Nga, cân nặng trên 50kg, không mắc các bệnh truyền nhiễm, không uống rượu bia khi lấy máu trước hai ngày, không hút thuốc trước hai tiếng…

Anh Dương cũng có dự định hiến máu, được một số người bạn Việt Nam kể lại rất đông người dân bao gồm cả người Nga và các quốc tịch khác, xếp hàng từ 7 giờ sáng tại các điểm tiếp nhận.

"Hàng đoàn người xếp hàng dài hàng trăm mét và không chắc có đến lượt tôi trong ngày hôm nay hay phải hôm sau", anh Dương nói.

Hãng tin nhà nước Tass dẫn lời Bộ Y tế Nga cho biết hơn 600 người đã hiến máu một giờ đồng hồ sau khi các điểm thu thập máu được mở ra vào lúc 8h30 ngày 23/3 (giờ địa phương). Đến nay, hơn 4.000 người đã đến các điểm tiếp nhận ở thủ đô Moscow để hiến máu.

 Tôi bị sốc tâm lý, ám ảnh vì vụ khủng bố - 7

Người dân bật khóc tại khu vực tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng (Ảnh: Reuters).


Không thể hiến máu, chị Hải chọn gửi tiền đến quỹ chính thức ủng hộ các nạn nhân của ngân hàng Sberbank - hệ thống ngân hàng lớn nhất ở Nga.

"Tôi chỉ biết hỗ trợ một phần kinh tế nhỏ bé như hạt cát. Nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Nga cũng đã ủng hộ", chị Hải nói.

Trên trang cá nhân, anh Bằng kêu gọi và hướng dẫn mọi người ủng hộ các nạn nhân thiệt mạng và bị thương. Anh không nhận chuyển hộ, mà chỉ dẫn cách chuyển tiền vào Hội chữ thập đỏ hoặc ngân hàng Sberbank.

Các nhân viên tại chuỗi nhà hàng Việt Nam của vợ chồng anh Bằng cũng thống nhất ủng hộ một ngày lương, nhằm góp phần hỗ trợ các nạn nhân và Chính phủ Nga trong bối cảnh tang thương.

"Trong hoàn cảnh này, một đồng cũng rất ấm lòng", anh Bằng nói, bày tỏ mong muốn đặt hoa viếng tại khu tưởng niệm dựng tạm bên ngoài nhà hát Crocus City Hall.

"Chỉ mong yên bình để làm việc và học hành, cuộc sống sớm trở lại bình thường", chị Chung nói, như thay lời những người Việt tại Nga lúc này.


Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết chưa ghi nhận công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố hôm 22/3.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Đại sứ quán đã khuyến cáo cộng đồng hạn chế có mặt tại những khu vực đông người, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin.

Khi gặp tình trạng khẩn cấp, người Việt tại Nga liên hệ ngay theo đường dây nóng bảo hộ công dân của đại sứ quán Việt Nam tại Nga: +79166821617; hoặc Tổng đài bảo hộ công dân tại Việt Nam: +84981848484.

Xem tiếp...
 
Top Bottom