Phương Nga
Tích Cực
Phần lớn thời gian chúng ta chạy theo nhu cầu của người khác
Bạn có nhận thấy, hầu hết thời gian trong ngày bạn sống vì người khác? Bạn thường ưu tiên cho nhu cầu của người khác hơn chính bản thân mình. Nếu bạn là dân công sở điển hình, một ngày công ty mua của bạn 8 tiếng, bạn sẽ bán năng lực, sức lao động và thời gian của mình để đổi lấy tiền lương. Buổi chiều tan làm, nếu là người đã có gia đình, bạn sẽ tất bật đón con, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, làm những công việc lặt vặt không lương để phục vụ gia đình. Nếu bạn nhận thêm job ngoài để có thêm thu nhập thì lại tiếp tục cặm cụi tới khuya. Đến khi xong việc cũng mệt rã rời, lên giường là chìm vào giấc ngủ để có sức cho ngày hôm sau với những vòng lặp không khác gì hôm trước.
Vậy thì đâu là thời gian bạn dành cho bản thân mình?
Có bao giờ bạn buộc phải dừng lại vì một lý do bất đắc dĩ? Có thể là một trận ốm đến bất ngờ khiến bạn không thể quăng mình vào cái guồng quay như mọi ngày được nữa. Khi ấy, liệu bạn có dành thời gian để nghỉ ngơi, bình phục không, hay bạn sẽ cảm thấy bất lực, bất mãn và tiêu cực khi bản thân không còn năng suất?
Tôi từng là một người đối xử rất tệ với bản thân, một kiểu “toxic productivity” điển hình. Một ngày thành công đối với tôi là tập trung hoàn thành công việc, diệt sạch các task trong to-do list. Tối về lại tiếp tục ngồi học hành, phát triển bản thân. Có những sở thích giải trí lành mạnh như xem phim, đọc sách, làm đồ thủ công. Cuộc sống của tôi không có chỗ cho những trò tiêu khiển vô bổ vì tôi muốn mỗi phút giây trôi qua đều làm những thứ “có giá trị”. Vì thế, nếu ngày nào đó không theo lịch trình như trên, tôi sẽ cảm thấy tồi tệ, thấy bản thân thất bại.
Khi ốm, tôi cảm thấy rất sốt ruột vì mình không thể năng suất và tích cực. Tôi cũng có nhiều lần cố gắng dừng lại, sống chậm, quay vào bên trong để chữa lành những tổn thương của bản thân. Nhưng đến khi lành lại thì nhịp sống gấp gáp, bận rộn lại lôi tuột tôi đi từ lúc nào. Và tôi sẽ lại chỉ dừng lại nghỉ ngơi khi thân tâm đều mệt mỏi rã rời. Những dấu hiệu đau ốm trên cơ thể như một lời nhắc nhở, đã đến lúc mình cần dừng lại, sống khác đi, không thể cứ tiếp tục thế này được.
Hiểu mối quan hệ giữa thân, tâm, trí để sống đời an lạc
Đã có lúc tôi cảm thấy rất mệt với chính bản thân mình. Tôi từng nghĩ rằng tại sao người khác không gặp phải những vấn đề giống như tôi? Họ chỉ cần tập trung vào mục tiêu, thẳng băng tiến tới thành công. Họ không có những vấn đề cần phải chữa lành, vì thế họ không phải mệt mỏi và mất thời gian cho những vấn đề của bản thân.
Sau này tôi mới biết ai cũng có những khó khăn, những nỗi khổ tâm riêng, chỉ có điều họ có bộc lộ ra hay không mà thôi. Khi thấy một người nào đó đang gặp phải một vấn đề tương tự mà tôi từng trải qua, tôi mới hiểu giá trị của những lúc mình dành thời gian cho bản thân. Tôi đã chăm sóc cho bản thân, đã vượt qua khó khăn và đã mạnh mẽ hơn rồi.
Chỉ tập trung vào công việc, sống tích cực và không phiền muộn vì những vấn đề của bản thân ư? Hình như tôi đang kỳ vọng mình trở thành một con robot. Trong khi con người lại là một cỗ máy tinh vi với những tư duy, cảm xúc phức tạp. Bất cứ khi nào mình dành thời gian cho bản thân thì điều đó hoàn toàn xứng đáng. Đó chính là sự đầu tư vào chính bản thân mình để nhận về một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, cân bằng.
Chúng ta thường chỉ chăm chăm duy trì mối quan hệ tốt đẹp ở bên ngoài mà dễ bỏ quên bản thân mình lắm. Trong bản thân mỗi người lại có mối quan hệ chặt chẽ giữa ba thể thân - tâm - trí. Chỉ khi mối quan hệ giữa ba thể này hòa hợp chúng ta mới có được một cuộc sống an lạc. Bất cứ dấu hiệu nào về thể chất như bị đau ở đâu đó trên cơ thể đều là tín hiệu cho thấy chúng ta đang bị mất cân bằng, tâm trí đang bất ổn.
Một cuộc sống tích cực không chỉ dừng lại ở những lời khuyên máy móc như tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, tập trung vào những việc mình làm. Ai cũng biết những điều đó nhưng họ vẫn không hạnh phúc. Không phải ai cũng đủ tinh tế để cảm nhận hạnh phúc ngay dưới chân mình.
Trong cuốn Tâm hơn thuốc - Minh chứng khoa học về sự tự chữa lành, bác sĩ Lissa Rankin đã đưa ra những dẫn chứng về sự hồi phục thần kỳ của những bệnh nhân mắc bệnh nan y và đánh giá cao sức mạnh của tâm trí trong điều trị. Rankin chỉ đang khẳng định những điều đã được các trường phái triết học, tôn giáo và y học cổ nói đến từ hàng nghìn năm trước, nhưng bằng những nghiên cứu thực nghiệm dưới góc nhìn khoa học.
Trong cuộc sống, bạn cũng có thể tự quan sát chính mình và nhận ra một số hiện tượng. Chẳng hạn như có những ngày bạn đi ngủ rất muộn, sáng hôm sau lại dậy sớm, cả đêm chỉ ngủ khoảng 5 tiếng nhưng hôm sau vẫn tỉnh táo, không bị mệt mỏi, lờ đờ. Lại có những ngày dù đã ngủ đến 7, 8 tiếng nhưng cả ngày vật lờ đời, buồn ngủ. Khi ấy, lời khuyên ngày ngủ đủ 6 - 8 tiếng có lẽ là chưa đủ, mà một giấc ngủ sâu, chất lượng quan trọng hơn thời lượng. Một tâm trí minh mẫn cũng giúp bạn có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Bạn có lẽ cũng đã từng trải nghiệm cảm giác bị hạ gục bởi một nỗi buồn, một cú sốc. Bạn đổ bệnh không phải vì thời tiết nắng mưa, nóng lạnh thất thường mà do bị suy sụp tinh thần và vì thế nên bệnh càng dai dẳng lâu khỏi.
Như vậy, mối quan hệ với chính bản thân mình, cụ thể là sự cân bằng thân, tâm, trí cũng quan trọng không kém bất kỳ mối quan hệ xã hội nào, nó thậm chí còn là mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người.
Chúng ta ai cũng có nhiều sự ưu tiên, từ công việc đến gia đình, nhưng hãy dành sự yêu thương xứng đáng cho bản thân mình trước. Bởi chỉ khi một người đã dành sự yêu thương đủ cho bản thân thì mới có thể đem yêu thương đến cho người khác. Bằng không, họ sẽ chỉ mải nghĩ về cái chân đau của mình mà thôi.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Xem tiếp...