Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
- Mới nhất
- Thời sự
- Góc nhìn
- Thế giới
- Video
- Podcasts
- Kinh doanh
- Bất động sản
- Khoa học
- Giải trí
- Thể thao
- Pháp luật
- Giáo dục
- Sức khỏe
- Đời sống
- Du lịch
- Số hóa
- Xe
- Ý kiến
- Tâm sự
- Thư giãn
Nằm sâu trong những ngõ nhỏ của Thủ đô là thế giới những cửa tiệm rất ít người biết và những nghề tưởng như đã mất tích từ hàng chục năm trước.
8h sáng, tiệm cắt tóc của anh Tô Hồng Phấn nằm sâu trong con ngõ trên phố Hàng Rươi, quận Hoàn Kiếm đã đông khách ngồi chờ. Để vào được tiệm, khách phải đi xuyên qua con ngõ nhỏ dài chục mét, chỉ đủ một người đi. Tiệm đủ không gian cho ba khách ngồi, những người còn lại đứng chờ ở mặt phố.
Anh Phấn, 59 tuổi, chủ tiệm, đã theo nghề này từ năm 16 tuổi. Sau khi đi bộ đội và xuất ngũ, anh hành nghề cắt tóc trên vỉa hè. Gần 10 năm trước, anh Phấn quyết định chuyển tiệm cắt trong vào nhà riêng bởi vỉa hè chật chội, gây khó khăn cho người đi bộ.
Từ ngày chuyển vào nhà, anh Phấn (người đứng, bên phải) nói lượng khách ổn định. Trung bình mỗi ngày phục vụ 30-40 khách, chưa kể lễ Tết, giá dao động 50.000-60.000 đồng.
"Tôi từng lo chuyển vào ngõ sâu sẽ vắng khách, nhưng may mắn mình đi đâu, khách theo đó. Quán không biển hiệu vẫn đông khách, một số người ở xa phải gọi điện đặt lịch để khỏi chờ lâu", anh Phấn nói.
Từng mở hiệu chụp ảnh ở mặt phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, nhưng từ những năm 2010 khi nhu cầu ít dần đi, bà Vũ Thuấn Hoa và chồng là Nguyễn Thăng Long, nay đều 72 tuổi, đã chuyển vào nhà trong ngõ sâu, cách chỗ cũ khoảng 100 m.
Nghĩ sẽ phải "gác máy" bởi đường đi vào nhà ngoằn ngoèo nhưng bà Hoa bất ngờ bởi vẫn đông khách quen vẫn tìm đến chụp ảnh.
"Sợ khách lạc bởi đường vào nhà lắm lối rẽ, tôi phải làm đến 5 cái biển chỉ dẫn kèm số điện thoại từ đầu ngõ. Khách không tìm được thì gọi tôi ra đón", bà Hoa nói.
Từ đó, căn phòng rộng chưa đến 5 m2 được vợ chồng bà Hoa biến thành studio chụp ảnh chỉ với một chiếc ghế ngồi và tấm phông xanh.
Theo thống kê, quận Hoàn Kiếm có hơn 1.000 con ngõ, ngách nhỏ, hầu hết đều rất hẹp, chỉ vừa đủ một người đi, quanh năm không có ánh nắng mặt trời. Những căn nhà trong ngõ thường có diện tích khoảng 15-20 m2.
Hiệu sửa máy ảnh cổ của anh Nguyễn Ngọc Long, nằm ẩn mình trong một con ngõ sâu hơn 10 m trên phố Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng.
Gia đình anh Long đã bốn đời hành nghề này. Không treo biển hiệu nhưng người chơi máy ảnh cơ cổ, máy kỹ thuật số vẫn tìm đến bởi ngày ấy ít thợ sửa, sau giới thiệu qua truyền miệng.
So với giai đoạn trước, khách đến tiệm sửa của anh Long nay có giảm nhưng vẫn đủ duy trì cuộc sống và giữ nghề. Người đàn ông 47 tuổi nói công việc ngày càng khó khăn nhưng không có ý định bỏ bởi gắn bó từ ngày học cấp hai. Bên cạnh đó, nhu cầu chơi máy ảnh cổ dần trở lại, nhiều khách liên hệ nhờ thay linh phụ kiện hoặc chế đồ để cứu máy nên anh vẫn duy trì.
"Còn người cần thì tôi còn sửa. Mà đây cũng là cái nghề gia truyền nên muốn nối nghiệp", anh Long nói.
45 năm nay, người dân trong ngõ Thanh Miến, phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, đã quen với hình ảnh bà Nguyễn Thị Hồng, 72 tuổi, mỗi ngày đều mang quần áo ra vá mạng, sang sợi trước cửa nhà. Nhiều khách nói bà Hồng là người cuối cùng ở Hà Nội còn giữ nghề này.
Người phụ nữ 72 tuổi kể mẹ chồng bắt đầu làm nghề này từ những năm 1954. Khi bà về làm dâu thì được truyền nghề và duy trì đến nay.
"Ngày ấy mọi người ít quần áo nên hễ rách lại đến tìm chỗ vá lại. Thời nay quần áo nhiều, nhưng toàn đồ đắt tiền, thủng một hai chỗ sẽ tìm cách mạng lại thay vì vứt", bà Hồng kể.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với cây kim, sợi chỉ nhưng bà Hồng chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề, dù thu nhập không cao. Một phần bà muốn giữ nghề truyền thống, phần khác coi việc hồi sinh những đồ cũ, hỏng là một sở thích.
Trên phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, cửa hàng sửa chữa phéc-mơ-tuya (khóa kéo) cũng là nhà ở của ông Đỗ Đức Độ nằm cuối con ngõ nhỏ từ hơn 50 năm.
Cụ ông 81 tuổi kể thời trẻ vẫn mang đồ nghề cùng chiếc ghế nhỏ ngồi đầu ngõ phục vụ người có nhu cầu. Nhưng nhiều năm nay ông lui vào trong nhà bởi người dân ít có nhu cầu. Phố Hàng Ngang, Hàng Đường trước kia đông thợ, nay chỉ còn hai, ba thợ giữ nghề.
Biết nhà sâu, ngõ tối, không có chỗ để xe, ông Độ treo tấm biển nhỏ ghi số điện thoại bên ngoài phố. Khách đến sửa phéc-mơ-tuya chỉ cần gọi trước để ông ra nhận đồ sửa.
"Chỉ còn người vẫn nhớ đến mình, tìm đến ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Ngang thì tôi vẫn còn làm đến khi sức khỏe không cho phép", ông Độ nói.
Xem tiếp...