Phạm Phương Liên
Fan Cứng
Thứ hai, 19/2/2024, 00:09 (GMT+7)
Chùa Trà Phương lưu giữ hai bảo vật quốc gia là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Chùa Trà Phương tên chữ là Thiên Phúc tự, tên nôm là chùa Bà Đanh, khởi dựng từ thời nhà Lý tại thôn Trà Phương nay thuộc huyện Kiến Thụy và được trùng tu tôn tạo quy mô vào thời nhà Mạc (thế kỷ 16).
Theo hồ sơ di sản của Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng, năm 1592, nhà Mạc bị vua Lê - chúa Trịnh đánh bại, chùa Trà Phương cùng nhiều công trình kiến trúc trên vùng đất Dương Kinh (Hải Phòng ngày nay) bị tàn phá. Đến cuối thời Nguyễn (năm 1943), chùa được xây dựng, trùng tu nên mang đậm phong cách của thời kỳ này. Đến năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Trà Phương mặt chính quay hướng Tây Nam, gồm tòa điện phật, tòa thờ các vị sư tổ, nhà khách, nhà bia, sân vườn và cổng.
Chùa Trà Phương có lịch sử hơn 1.000 năm, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, tôn giáo. Ảnh Lê Tân
Ngoài hệ thống tượng Phật cổ có từ thờ nhà Mạc, chùa còn lưu giữ được tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Đây những hiện vật độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung bằng đá vôi, cao 63 cm, ngang vai rộng 37 cm, ngang gối rộng 55 cm, được tạc giống một phật tử nhưng vẫn đeo đai ngọc, giữa ngực áo bổ tử chạm rồng, biểu tượng dành cho một vị hoàng đế. Bảo vật mang giá trị trên nhiều lĩnh vực về điêu khắc, lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung mang nhiều giá trị điêu khắc, lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật. Ảnh: Lê Tân
Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đặt cạnh tượng Thái tổ trong chùa, làm bằng đá, cao 75 cm, rộng 55 cm, dày 17 cm, cùng niên đại với tượng nhà vua. Hình tượng Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được tạc sâu vào một khối đá, với thế ngồi thiền trong một ô khám hình lá bồ đề, gương mặt phúc hậu, lông mày lá liễu, mặt phượng, mũi thấp, để tóc bối, bổ ngôi và sơn đen. Bà mặc một chiếc áo dài, bên trong là yếm, cổ đeo vòng.
Phù điêu được tạc tỉ mỉ, cân đối và tự nhiên hơn tượng vua Mạc Đăng Dung. Phía trên ô khám hình lá bồ đề có mặt trời màu đỏ, bên trong có hình hoa cúc 16 cánh. Hai bên ô khám có chạm hình hoa. Trong hoa bên phải có chữ vương, hoa bên trái là chữ nguyệt, hàm ý Thái hậu chỉ dưới vua và là mặt Trăng bên cạnh mặt Trời.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hai bảo vật quốc gia được lưu giữ trong chùa. Ảnh: Lê Tân
Trong hồ sơ di sản ghi chép, bà Vũ Thị Ngọc Toàn đã cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa tại vị trí hiện nay. Để ghi nhớ công ơn Vua Mạc Thái Tổ và Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, nhân dân đã tạc tượng hai người rồi thờ ở tiền đường chùa Trà Phương.
Trải qua mười thế kỷ tồn tại, chùa hiện xuống cấp nghiêm trọng nên được chính quyền địa phương và nhà chùa đang tiến hành trùng tu, xây dựng lại theo kiến trúc của một ngôi chùa cổ thời Lý. Dự kiến hoàn thành trùng tu vào năm 2030.
Hàng năm, chùa Trà Phương sẽ tổ chức ngày kỷ niệm các Tổ truyền đạo vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch. Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20 km, đường đi khá dễ dàng. Đây cũng là địa chỉ gần khu du lịch Đồ Sơn (cách 17 km), Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (6 km), thích hợp cho những chuyến du xuân, chiêm bái đầu năm.
Lê Tân
Xem tiếp...