Lê Hoài Thương
Tích Cực
Thứ ba, 26/3/2024, 11:47 (GMT+7)
Lào CaiDi tích dinh thự Hoàng A Tưởng đang được sơn màu mới, bị nhiều du khách chê xấu, còn nhà chức trách lý giải đây là "màu gần nhất so với bản gốc".
Dinh thự Hoàng A Tưởng tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà được xây dựng năm 1914-1921, rộng hơn 10.000 m2, gồm 36 phòng, thiết kế hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Đây là nơi ở, nơi làm việc của cha con Hoàng Yến Tchao, Hoàng A Tưởng, người cai trị vùng biên ải thời kỳ trước năm 1945.
Công trình được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999, trở thành điểm thu hút du khách hàng đầu ở tỉnh Lào Cai cùng với thị xã Sa Pa. Giới kiến trúc đánh giá dinh thự có kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp tinh tế giữa hai lối kiến trúc Á - Âu, thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông - Tây.
Từ cuối năm 2023, dinh thự bắt đầu được trùng tu, tôn tạo theo quyết định của tỉnh Lào Cai với kinh phí gần 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Hiện công nhân bắt đầu sơn bên ngoài các tòa nhà. Màu sơn chủ đạo vàng nhạt, trắng và hồng phấn.
Công nhân đang tiến hành sơn bên ngoài dinh thự. Ảnh: Huy Trung
Ủng hộ việc trùng tu, ngăn cho công trình không bị xuống cấp, tuy nhiên nhiều du khách chê sơn mới, cho rằng màu vàng quá nhạt, không tương thích với các mảng tường còn giữ màu trong tòa nhà.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hải cũng đánh giá sơn mới không hợp lý vì làm mất vẻ rêu phong, cổ kính vốn là biểu tượng của du lịch Bắc Hà và cũng là điểm hấp dẫn đối với du khách. "Trường hợp các hạng mục xuống cấp, buộc phải trùng tu thì nên tìm màu cũ tương tự để sơn thay vì màu mới như hiện nay", ông Hải nói.
Không đồng tình với quan điểm trên, một du khách cho biết năm 2009 đã đến dinh thự Hoàng A Tưởng, khi đó mới được sơn lại, màu sắc tươi mới như vừa xây xong. Sau 15 năm, dinh thự lại rêu mốc, màu sơn phai nhạt. "Đừng quá khắt khe với việc trùng tu. Công trình đã 103 tuổi, không được tu sửa sẽ thành phế tích. Qua thời gian, rêu sẽ lại mọc thôi", người này nói.
Lý giải việc chọn màu sơn hiện tại, sáng 26/3, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai - chủ đầu tư dự án, cho biết do không có ảnh màu gốc của di tích nên Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn dựa trên tư liệu sưu tầm, đối chiếu với các công trình kiến trúc tương đồng cùng thời kỳ và ý kiến chuyên gia, người dân để lựa chọn màu sơn gần nhất với di tích gốc.
Phần cổng chính dinh tự Hoàng A Tưởng trước khi trùng tu. Ảnh: Hoàng Phương
Sau lần trùng tu năm 2007, nhiều hạng mục của dinh thự đã xuống cấp. "Việc trùng tu lần này là để di tích trở thành điểm đến đặc sắc, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương", ông Thắng nói.
Các yếu tố cần bảo tồn nguyên trạng là những khối nhà được xây dựng từ năm 1914, kiến trúc, hoa văn của công trình. Những yếu tố có thể thay đổi là một số hạng mục phụ trợ như hàng rào, nhà bán vé tham quan, khu vực vệ sinh...
Từ nguyên tắc trên, nhà chức trách sẽ tu bổ, tôn tạo hạ tầng ngoài nhà gồm hệ thống sân vườn, cây xanh, cổng chính, cổng phụ, chiếu sáng; tu bổ nhà chính gồm mái, tường, trần, sàn, nền, sân, cửa, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước; tôn tạo nhà thờ họ Hoàng, đường hầm và xây mới nhà vệ sinh.
Đồ họa dinh Hoàng A Tưởng sau khi trùng tu. Ảnh: Sở Du lịch Lào Cai
Ông Thắng cho biết Sở đã chọn các cá nhân, tổ chức tham mưu có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần kiến trúc Mỹ thuật và Công nghệ Thăng Long, chủ nhiệm dự án là kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, chủ trì thiết kế là kiến trúc sư Trần Xuân Vũ.
Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng tỉnh Lào Cai là tư vấn giám sát. Đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần xây dựng tỉnh Lào Cai và Công ty TNHH MTV Trường Sơn - doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm, từng tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Trung Đô, đền Bảo Hà.
Gia Chính
Xem tiếp...