BS An Giang
Fan Cứng
Hệ bạch huyết là gì?
Tất cả chúng ta đều có một hệ thống hoạt động liên tục và im lặng trong cơ thể để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, đó chính là hệ bạch huyết. Nếu không có hệ thống này, cơ thể chúng ta sẽ sưng phồng lên như những quả bóng bay, phù nề và tắc nghẽn. Hệ bạch huyết bao gồm một mạng lưới các cơ quan và mô giúp cơ thể thải chất độc ra, loại bỏ đi những chất dư thừa cặn bã được tạo ra từ tất cả các cơ quan, hệ thống khác trong cơ thể. Tuy nhiên chức năng chính của nó là mang bạch huyết – một chất lỏng không màu có chứa các tế bào bạch cầu quan trọng để chống lại nhiễm trùng, đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Hệ bạch huyết có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống bệnh tật cũng như liên tục hỗ trợ cho các cơ quan trong cơ thể. Vai trò của nó quan trọng đến mức thậm chí những cơn đau nhức nhẹ, hay cảm giác người yếu ớt, mệt mỏi, thiếu năng lượng hay dễ bị cảm lạnh và cúm cũng có thể là do nguyên nhân từ hệ thống này, có thể nó đang hoạt động ì ạch, chậm chạm và hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Vậy khi nó làm việc chậm chạp thì massage lưu dẫn hệ bạch huyết chính là một trong những phương pháp trị liệu tuyệt vời để khôi phục lại sức mạnh cho hệ thống này.
Vai trò của hệ bạch huyết
Dịch bạch huyết hay còn gọi là nước trong, là chất dịch chảy qua các mạch bạch huyết, tất cả các mạch bạch huyết lại dẫn đến các hạch bạch huyết, tất cả điều này tạo nên hệ bạch huyết. Các hạch bạch huyết có thể nhỏ như đầu đinh hoặc to như một trái oliu. Có khoảng 400 – 700 hạch bạch huyết trên người chúng ta, rải rác chủ yếu ở cổ, xung quanh xương đòn, nách và háng. Chức năng chính của hạch bạch huyết là lọc dịch bạch huyết, chính vì thế chúng được coi như những bộ lọc trong hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết đảm nhận 3 vai trò chính:
- Đưa chất dịch từ các mô trở về tim
- Giúp đưa các phân tử lớn như hormon và lipid đi vào máu
- Giúp giám sát hệ miễn dịch, giúp không cho sự nhiễm khuẩn phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Hàng ngày, cơ thể chúng ta có khoảng 20 lít chất dịch thải ra ngoài mao mạch. Trong đó 17 lít được tái hấp thu và trở lại các mao mạch, 3 lít chất dịch nằm lại trong các mô và chúng phải tìm đường quay lại vòng tuần hoàn máu. Các mạch bạch huyết lúc này sẽ thu thập dịch dư thừa ở mô và đưa chúng trở về máu. Việc thu thập này là rất cần thiết vì dịch dư thừa quá nhiều sẽ gây tình trạng sưng hoặc phù nề. Ngoài ra các mạch bạch huyết cũng thu thập cả các tế bào chết, chất thải, vi khuẩn, vi rút, các chất vô cơ, nước và chất béo. Vai trò của hệ thống bạch huyết là rất quan trọng, nên nếu hệ thống này trở nên chậm chạp hoặc bị tổn thương thì hiện tượng phù nề sẽ xảy ra. Loại phù này được gọi là phù bạch huyết. Trong trường hợp này massage dẫn lưu bạch huyết sẽ giúp các mạch bạch huyết tăng tốc vận chuyển các chất và dịch quay lại vòng tuần hoàn máu, giúp giảm tình trạng phù nề.
Vậy massage hệ bạch huyết là gì?
Massage hệ bạch huyết còn được gọi là massage bạch huyết bằng tay, là một kỹ thuật được được phát triển ở Đức để điều trị tình trạng phù bạch huyết, sự tích tụ chất lỏng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật, ví dụ như cắt bỏ tuyến vú để loại bỏ ung thư vú, hay căng da bụng, hút mỡ, nâng ngực… Phù bạch huyết cũng có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc phát triển vào độ tuổi dậy thì hoặc ở tuổi trưởng thành. Loại này được gọi là phù bạch huyết nguyên phát, có thể ảnh hưởng đến 4 chi và/hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Massage dẫn lưu bạch huyết áp dụng cho những trường hợp nào?
Massage dẫn lưu hệ bạch huyết từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật, bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ, giúp giảm ứ đọng dịch, tránh phù bạch huyết, qua đó giúp cơ thể tăng sức đề kháng, và nhanh lành vết thương. Về mặt y tế, MLD không được khuyến cáo thực hiện ở những tình trạng không phải là phù bạch huyết, nhưng một số nhà trị liệu vẫn cung cấp quy tình này trong trường hợp bệnh nhân mệt mỏi, trầm cảm hay lo lắng với mục đích để thư giãn tinh thần, thải độc tố cơ thể.
Có tới 25% bệnh nhân ung thư vú được phẫu thuật trong đó cắt bỏ cả các hạch bạch huyết ở vùng nách, cuối cùng bị phù bạch huyết. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể nếu các hạch bạch huyết được cắt bỏ đi trong quá trình phẫu thuật ví dụ như ung thư hắc tố, đại tràng, tuyến tiền liệt hoặc bàng quang, hoặc bị tổn thương do xạ trị, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Các triệu chứng bao gồm sưng và đau gần vị trí của các hạch bạch huyết bị loại bỏ hoặc bị hư hỏng. Phù bạch huyết cũng có thể xảy ra ngay sau khi xạ trị hoặc phẫu thuật hoặc sau đó vài tuần, vài tháng và thậm chí là nhiều năm sau đó.
Với các quy trình phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực bằng túi độn, MLD cũng góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau đặt túi độn, giúp kích thích hệ bạch huyết và dòng chảy dịch bạch huyết, qua đó dịch tích tụ do các thao tác trong phẫu thuật và các chất độc như silicone từ túi độn có thể được lọc và xử lý bởi hệ thống bạch huyết. Hay với hút mỡ, nhiều bệnh nhân sau khi thực hiện quy trình này sẽ thấy xuất hiện u cục, điều này là do viêm cũng như do chấn thương do hút mô mỡ. Các dụng cụ phẫu thuật trong quá trình thực hiện đã tạo ra những kênh và đường hầm dẫn đến tích tụ mỡ và dịch bạch huyết. Để ngăn chặn sưng nề và khó chịu, mạch bạch huyết cần được massage thoát dịch. Và những trường hợp này bệnh nhân thường được bác sĩ khuyến cáo thực hiện MLD bởi các nhà trị liệu, sau đó bệnh nhân có thể tự thực hiện thao tác tại nhà.
Hiệu quả của massage dẫn lưu bạch huyết
- Thải độc tố: dịch bạch huyết đưa độc tố tới hạch bạch huyết, sau đó hạch bạch huyết giống như bộ lọc giúp tăng tốc quá trình thanh lọc tự nhiên của cơ thể để giải độc tố, loại bỏ chất thải trao đổi chất, nước dư thừa, độc tố, vi khuẩn, các phân tử protein lớn và các chất lạ từ mô.
- Giảm ứ đọng dịch: tắc nghẽn dịch gây sưng phù có thể xảy ra ở nhiều khu vực như mắt cá chân, chân và cánh tay là hậu quả của một hệ bạch huyết hoạt động chậm chạp, ì ạch hoặc có thể sưng sau phẫu thuật/ sau khi có vết thương/ bị sốt hoặc do mang thai... Lưu dẫn hệ bạch huyết kích thích khả năng dẫn dòng của mạch bạch huyết nhằm lưu thông dịch và giảm bớt sự tích tụ
- Tăng khả năng miễn dịch: Hệ bạch huyết hoạt động nhằm tiêu diệt vi khuẩn và vi rút xâm nhập, do đó sẽ giúp tăng cường dòng bạch huyết, trực tiếp cải thiện hệ miễn dịch giúp bạn ít bị cảm lạnh và mắc bệnh.
- Giúp giảm sưng tấy, bầm tím, đau, nhạy cảm cũng như các biến chứng bất thường sau phẫu thuật, giúp cơ thể mau lành thương, đồng thời giúp giảm thiểu hình thành sẹo, cũng như cục cứng.
Quy trình massage dẫn lưu bạch huyết
Các thao tác massage dẫn lưu hệ bạch huyết (MLD) sử dụng một lực rất nhẹ trên các mạch bạch huyết nằm ngay dưới bề mặt da. Nhà trị liệu sẽ nhẹ nhàng xoa, vuốt, chạm, kéo da và miết nhẹ nhàng ở vùng da bệnh nhân để giúp cải thiện lưu dẫn mạch bạch huyết ở vùng bị ảnh hưởng. Nhà trị liệu sẽ cố gắng đẩy dòng dẫn lưu đến vùng mạch bạch huyết không bị ảnh hưởng. Quy trình thực hiện rất nhẹ nhàng, không gây đau đớn và cũng không gây kích thích. Vì các mạch bạch huyết này nhỏ và mảnh, một lực tác động mạnh có thể làm dừng dòng chảy tức thì, do vậy cần sử dụng một lực rất nhẹ nhàng. Một vài kỹ thuật viên mường tượng quá trình này như là đẩy các dòng chảy bạch huyết đi theo hướng đã định, trong khi một số khác lại xem nó như là định hướng dòng chảy bạch huyết bằng việc kéo nhẹ nhàng lớp da phía trên dòng chảy bạch huyết. Dù bằng cách nào đi nữa thì MLD là một kỹ thuật quan trọng trong việc dẫn dòng chảy bạch huyết ra khỏi khu vực bị tắc nghẽn và quay trở lại vòng tuần hoàn trong trung tâm cơ thể.
Hướng và thứ tự các thao tác MLD cũng quan trọng không kém các nhịp massage nhẹ nhàng. Đầu tiên kỹ thuật viên sẽ tác động một lực nhẹ vào những khu vực tập trung nhiều hạch bạch huyết trên cơ thể như cổ, nách và háng để chúng sẵn sàng tiếp nhận các dịch bạch huyết. Sau đó bắt đầu từ khu vực các hạch, thực hiện những thao tác chậm rãi và nhịp nhàng để đẩy dịch. Sau đó tiếp tục đẩy, massage đến tới các vùng xa hơn, nhưng luôn hướng các dòng chảy bạch huyết về phía các hạch đã được mở.
Đối với kỹ thuật viên, mỗi khách hàng sẽ có một liệu trình điều trị riêng biệt. Tùy vào tình trạng và vị trí các vết mổ, mức độ và vị trí của bất kỳ vùng cứng, tình trạng da, số lượng và vị trí các hạch bạch huyết được mở, mà mà nhà trị liệu có thể chọn đường đi hiệu quả nhất để hướng các dịch bạch huyết đến những đã được tác động mở và sẵn sàng tiếp nhận dịch. Mỗi bệnh nhân sẽ có một bài massage khác nhau và không có bài MLD nào có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người. Dưới đây là thông tin chi tiết kỹ thuật massage.
Kỹ thuật massage
Bước 1 - Chạm nhẹ da
Vì mạch bạch huyết nằm ngay dưới da nên nếu ấn quá mạnh bạn có thể ấn vào sâu hơn những mạch này. Nhấn xuống đủ để ngón tay không bị trượt trên da nhưng cũng phải đảm bảo bạn không thể cảm nhận được bất cứ thứ gì dưới da. Có thể bạn sẽ nghĩ quy trình thực hiện là quá nhẹ nhàng, đặc biệt với những người đã quen với việc massage mô sâu.
Bước 2 – kéo căng da thay vì di chuyển dọc theo da.
Massage hệ bạch huyết cần phải có các thao tác để kích thích nhẹ nhàng mạch bạch huyết, những mạch mà có tính đàn hồi và dính vào bên dưới da. Do đó bạn cần kéo căng nhẹ nhàng để xoa bóp chúng
Bước 3 – Massage hướng theo dòng chảy bạch huyết bình thường.
Hướng căng da của bạn rất quan trọng. Bạn cần phải căng da theo hướng dòng chảy tự nhiên để kích thích dòng chảy tự nhiên này. Nếu bạn kéo căng da sai hướng, thì sẽ không đạt hiệu quả gì. Các dòng bạch huyết thường chảy về phía thân và tim của bạn.
Bước 4 – sử dụng tốc độ massage chậm, nhịp nhàng và chính xác.
Khi massage mạch bạch huyết, nhịp ấn, kéo da nên thật chậm rãi và nhẹ nhàng vì tốc độ dòng chảy bình thường cũng chậm, vì vậy cố gắng dành khoảng 3 giây cho mỗi lần miết/kéo căng da, sau đó thả ra, chờ vài giây rồi lại bắt đầu lại.
Massage dẫn lưu bạch huyết sau phẫu thuật thẩm mỹ
Tất cả các quy trình phẫu thuật thẩm mỹ đều gây sưng ở một mức độ nào đó vì đó là một phần của quá trình chữa lành vết thương tự nhiên. Một số quy trình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ và căng da bụng, sẽ phá vỡ các dòng chảy tự nhiên của hệ thống bạch huyết do thao tác ở vị trí phẫu thuật. Hay các khu vực khác trên cơ thể như mũi sau khi nâng mũi, cũng bị sưng nề có thể kéo dài 1 thời gian, thậm chí lên đến 1 năm. Các thủ tục thẩm mỹ khác tác động lên khuôn mặt có thể cũng gây sưng hàng tháng. Tuy nhiên vì các vùng mô bị gián đoạn rộng nên các ca phẫu thuật căng da bụng và hút mỡ thường là những quy trình dẫn đến sưng bạch huyết lớn nhất. Các bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân phẫu thuật nên thực hiện MLD mỗi ngày 1 lần nếu có thể trong tuần đầu, tuần thứ 2 thực hiện 2 ngày một lần, sau đó có thể lên lịch duy trì thực hiện tiếp tùy theo tình trạng cũng như điều kiện của mình. Sau phẫu thuật hầu hết mọi người đều có thể bắt đầu làm MLD sau 24 giờ, nhưng người ta thường sẽ chờ cho đến khi thật thoải mái rồi mới làm.
MLD chống chỉ định cho những trường hợp nào?
Đối với hầu hết mọi người massage dẫn lưu hệ bạch huyết đều khá an toàn, vì với xoa bóp chạm nhẹ như thế, nguy cơ gây tổn thương mô là rất nhỏ. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp chống chỉ định và với những trường hợp này, việc gia tăng lưu lượng bạch huyết sẽ gây bất lợi. Những trường hợp viêm cấp tính, có khối u ác tính, huyết khối và các vấn đề nghiêm trọng về tim đều chống chỉ định, không được thực hiện MLD.
Viêm cấp tính do vi khuẩn, virut, chất độc hay dị ứng là các yếu tố chống chỉ định với MLD. Như bạn đã biết, trong những trường hợp này mô sẽ bị nóng, đỏ và đau với tình trạng xung huyết đi kèm sốt, nên nếu massage sẽ làm đẩy những chất này vào các kênh bạch huyết trước khi cơ thể có cơ hội loại bỏ chúng qua quá trình thực bào (quá trình một tế bào nuốt và tiêu hóa các vi khuẩn và các hạt lạ khác). Do đó nếu bạn thực hiện MLD bạn có thể bị lây lan chất độc hại ra khắp cơ thể. Vì vậy hãy đợi một vài ngày cho cơ thể có cơ hội làm sạch những khu vực này.
Bị các khối u ác tính cũng không được thực hiện MLD là do tăng nguy cơ lây lan, khuếch tán tế bào ung thư. Bệnh nhân cần chờ cho đến khi bệnh lý ác tính được điều trị rồi mới thực hiện
Huyết khối và viêm tĩnh mạch cũng là hai tình trạng có thể dẫn đến cục máu đông trôi tự do. Thông thường người mắc những tình trạng này sẽ cần nhập viện để dùng thuốc làm loãng máu và cũng chống chỉ định với MLD
Các tình trạng nghiêm trọng về tim mạch. Nếu tim không hoạt động khỏe mạnh hay bệnh nhân bị suy tim thì không nên massage hệ bạch huyết vì có thể làm dòng chảy của hệ bạch huyết hoạt động quá nhanh và khiến tim càng trở nên suy yếu.
Xem tiếp...