SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Lưỡi là gì? Nằm ở đâu, cấu tạo, chức năng và cách chăm sóc

Ngọc Khuê

Tích Cực
Với bốn chức năng quan trọng bắt đầu bằng chữ N: nói, nếm, nhai và nuốt, lưỡi được ví như một công cụ đa năng nằm trong miệng, hiểu về cấu tạo của lưỡi và các bệnh lý về lưỡi sẽ giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả những vấn đề sức khỏe liên quan đến bộ phận này.

lưỡi


Lưỡi là gì?


Lưỡi người là một khối cơ trong khoang miệng, thuộc hệ tiêu hóa, được bao phủ bởi một lớp niêm mạc màu hồng, ẩm. Lưỡi là bộ phận chính giúp chúng ta cảm nhận vị giác và là cơ quan không thể thiếu của bộ máy phát âm. Nhờ khả năng chuyển động linh hoạt, lưỡi giúp đón nhận, định vị thức ăn khi đưa vào miệng, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa.

1. Lưỡi nằm ở đâu?


Lưỡi nằm trong khoang miệng, trên sàn miệng và trước khẩu hầu, được chính các cơ của nó gắn với xương hàm dưới, nằm dưới khẩu cái mềm và trước thành hầu.

2. Lưỡi khỏe mạnh có màu gì?


Thông thường, lưỡi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt. Sắc độ của lưỡi đôi khi có sự khác biệt nhỏ giữa các sắc tộc khác nhau, chẳng hạn lưỡi người dân châu Phi, châu Á và Địa Trung Hải có thể có chút sắc tố màu tím hoặc nâu.

Cấu tạo của lưỡi


Lưỡi có cấu tạo chính từ các sợi cơ. Các cơ bên trong và bên ngoài giúp lưỡi hoạt động như một “máy thủy tĩnh”. Các cơ bên trong giúp lưỡi thay đổi hình dạng, các cơ bên ngoài cho phép lưỡi di chuyển theo các hướng khác nhau. Khi co, các cơ lưỡi làm nâng, hạ lưỡi, đẩy lưỡi ra trước hoặc kéo lưỡi ra sau. Nhờ đó ta có thể dễ dàng uốn lưỡi hoặc vươn đến bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng.

Trong cấu tạo của lưỡi, cuống lưỡi bám chắc vào sàn miệng, trong khi phần còn lại từ thân đến đầu lưỡi có thể cử động tự do. Mặt dưới của lưỡi nối với sàn miệng bằng dải mô gọi là dây hãm. Khi miệng ngậm lại, lưỡi gần như lấp đầy toàn bộ khoang miệng. Các cơ và dây chằng nối lưỡi với xương móng (hoặc xương lưỡi) ở phần trên của cổ họng và với thanh quản, giúp giữ cho lưỡi “treo” trong cổ họng. Sâu hơn, một số cơ thậm chí còn kết nối lưỡi với đáy hộp sọ.

Các phần chính của lưỡi:

  • Rễ lưỡi: Được gắn vào xương hàm dưới và xương móng; ở giữa các xương này, nó tiếp xúc ở dưới với các cơ cằm-móng và hàm – móng. Rễ lưỡi không thể cử động tự do vì dính chặt vào sàn miệng và không thể nhìn thấy từ bên ngoài miệng.
  • Đầu và hai bên lưỡi: Đây là những bộ phận có thể cử động được của lưỡi, linh hoạt và có thể thực hiện các chuyển động phức tạp.
  • Mặt lưng lưỡi (hay mặt trên lưỡi:): Có nhiều tế bào cảm giác cho vị giác và xúc giác của chúng ta. Mặt trên lưỡi được được rãnh tận (terminal sulcus) chia thành hai phần: phần trước rãnh (presulcal part) – chiếm khoảng 2/3 chiều dài lưỡi và là phần được phủ bằng một niêm mạc có nhiều nhú lưỡi (lingual papillae); phần sau rãnh (postsulcal part) được phủ bằng một niêm mạc có nhiều nang bạch huyết tập trung lại thành hạnh nhân lưỡi (lingual tonsil).

Một số thành phần khác của lưỡi


Rãnh tận có hình chữ V với hai nhánh chạy về phía trước và bên từ một chỗ lõm sâu trên đường giữa gọi là lỗ tịt của lưỡi (foramen caecum of tongue).

Ở mỗi bờ lưỡi, ngay trước cung khẩu cái lưỡi có 4 – 5 nếp thẳng đứng gọi là các nhú dạng lá. Niêm mạc phần trước rãnh của lưng lưỡi có một rãnh giữa chạy dọc và có nhiều nhú lưỡi. Đó là một hàng các nhú dạng đài nằm trước rãnh tận, các nhú dạng nấm và các nhú dạng chỉ.

Mặt dưới lưỡi nhẵn láng, liên tiếp với nền miệng và được nối với nền miệng bởi một nếp niêm mạc trên đường giữa gọi là thắng lưỡi (frenulum of tongue). Ở mỗi bên thắng lưỡi có một nếp niêm mạc chạy về đỉnh lưỡi gọi là nếp tua (fimbriated fold).

cấu trúc lưỡi
Nhú lưỡi chứa các chồi vị giác nhỏ giúp cảm nhận vị thức ăn

Nụ nếm: Bề mặt trên của lưỡi có các chồi nhỏ và các nụ nếm, từ khi sinh ra con người có khoảng 10000 nụ nếm rải rác ở đầu lưỡi, 2 bên lưỡi và sau lưỡi. Tuổi thọ của một nụ nếm vào khoảng 10 ngày, hàng tuần sẽ có những nụ nếm bị tiêu huỷ và thay mới. Càng lớn tuổi khả năng thay thế của nụ nếm cũng sẽ giảm đi, nghiên cứu cho thấy ở người cao tuổi chỉ còn khoảng 5000 nụ nếm.

Các mạch của lưỡi: gồm động mạch, tĩnh mạch và hệ bạch huyết

  • Động mạch gồm các nhánh lưng lưỡi và động mạch lưỡi sâu, cấp máu cho lưỡi và sàn miệng.
  • Tĩnh mạch lưỡi có nhiệm vụ dẫn lưu máu tĩnh mạch của lưỡi và đổ về tĩnh mạch cảnh trong.
  • Bạch huyết đổ vào các hạch dưới cằm, dưới hàm và các hạch cổ sâu.

Thần kinh lưỡi (lingual nerve): nhánh của thần kinh hàm dưới, chi phối cảm giác chung cho vùng trước rãnh tận. Thần kinh lưỡi chạy ra trước và xuống dưới ở giữa ngành hàm dưới và cơ chân bướm trong. Tới dưới niêm mạc miệng, nó vòng quanh ống tuyến dưới hàm từ ngoài vào trong và tận cùng ở 2/3 trước của lưỡi. Thần kinh lưỡi mang các sợi cảm giác chung cho 2/3 trước lưỡi. Đi trong thần kinh lưỡi còn có và các sợi vị giác và các sợi đối giao cảm trước hạch của thừng nhĩ. Các sợi tự chủ của thừng nhĩ rời khỏi thần kinh lưỡi qua đường thần kinh dưới lưỡi để đi tới hạch dưới hàm.

Thừng nhĩ đóng vai trò chi phối cảm giác vị giác cho vùng trước rãnh, trừ các nhú dạng đài

Các nhánh lưỡi của thần kinh thiệt hầu chịu trách nhiệm về cảm giác chung và cảm giác vị giác ở phần sau rãnh tận và các nhú dạng đài.

Chức năng của lưỡi

1. Nhai


Được xem như một “bàn tay” bên trong miệng, một trong những chức năng của lưỡi là giúp định vị thức ăn, đưa thức ăn từ bên này sang bên kia hoặc giữ một bên để răng có thể nhai, nhưng đồng thời lưỡi cũng giữ được khoảng cách an toàn không bị răng cắn trúng.

2. Nuốt

chức năng của lưỡi
Lưỡi tham gia vào tất cả các quá trình nếm, nhai, nuốt

Chuyển động của lưỡi giúp xoa bóp các tuyến nước bọt nhỏ ngay bên dưới và ép nước bọt ra ngoài. Enzym trong nước bọt thúc đẩy quá trình tiêu hóa trước thức ăn, đồng thời thông qua chuyển động của lưỡi, thức ăn được tạo thành khối mềm và đẩy ra thành sau họng để viên thức ăn có thể lướt xuống thực quản dễ dàng hơn. Nhờ vậy thức ăn không lạc vào đường thở.

3. Nếm


Bề mặt trên của lưỡi có các chồi nhỏ và các nụ nếm. Trong các nụ là tế bào vị giác. Các chất có trong thức ăn, nước uống sẽ kích thế các tế bào này và chúng sẽ truyền cảm giác nếm theo dây thần kinh lên não để nhận diện hương vị món ăn. Lưỡi có thể phân biệt được 5 vị khác nhau: ngọt, chua, đắng, mặn và vị umami.

4. Nói


Ngoài hỗ trợ hoạt động nhai, nuốt và nếm thức ăn, con người cũng sử dụng khả năng cử động của lưỡi để nói. Để những âm thanh từ cổ họng biến thành chữ cái và từ ngữ có thể hiểu được cần có sự phối hợp giữa lưỡi, môi và răng. Lưỡi cực kỳ linh hoạt và nhanh nhẹn, nó có thể tạo ra hơn 90 từ mỗi phút bằng việc sử dụng hơn 20 chuyển động khác nhau. Dưới góc độ ngữ âm học, lưỡi rất cần thiết để phát âm các phụ âm “t”, “d”, “l” hoặc “r”. Khi phát âm chữ “k”, lưỡi hơi thu hẹp về phía sau, còn khi phát âm “s”, đầu lưỡi sẽ di chuyển về phía sau. Nếu đầu lưỡi ở giữa hai hàm răng, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng nói ngọng.(1)

5. Cảm nhận


Đầu lưỡi rất nhạy cảm, sự nhạy cảm này giúp kiểm tra các đặc tính cơ học của thực phẩm khi đưa vào miệng, chúng ta sẽ cảm nhận những viên đá nhỏ, mảnh xương cá có cảm giác lớn hơn nhiều so với thực tế. Tác dụng phóng đại này của lưỡi bảo vệ chúng ta trước vật thể lạ trong miệng. Mặt khác, lưỡi linh hoạt và luồn được đến mọi ngóc ngách trong miệng, kẽ răng, sự nhạy cảm khiến lưỡi có phản xạ tự tìm kiếm thức ăn còn sót lại, nhờ đó giúp làm sạch răng miệng.

6. Phòng vệ


Tất cả các tế bào bảo vệ của lưỡi được gọi chung là amidan đáy lưỡi (tonsilla lingualis). Các tế bào này có mặt ở phía sau miệng gốc lưỡi và là một phần của vòng amidan bạch huyết. Cùng với amidan vòm miệng và vòm họng, amidan đáy lưỡi làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, chống lại vi trùng có thể xâm nhập qua miệng.

Lưỡi thường dễ bị vấn đề gì?

1. Tê lưỡi


Tê lưỡi là cảm giác châm chích ở lưỡi, ngứa ran, gây khó chịu. Tê lưỡi có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây nên như: dị ứng với thực phẩm hoặc hoá chất, rối loạn tự miễn như xơ cứng bì, đa xơ cứng (MS), hội chứng Raynaud gây co thắt mạch, tổn thương dây thần kinh, thiếu một số loại vitamin và khoáng chất…

2. Khó di chuyển lưỡi

bệnh lý ở lưỡi
Dính thắng lưỡi bẩm sinh là nguyên nhân gây khó di chuyển lưỡi ở trẻ nhỏ

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khó di chuyển lưỡi như: Loạn trương lực cơ lưỡi, bệnh Parkinson, cứng lưỡi, dính thắng lưỡi… Khó di chuyển lưỡi ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng của lưỡi, gây khó nói, khó nuốt. Dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ nếu không can thiệp sớm sẽ kéo theo chậm phát triển ngôn ngữ, thể chất.

3. Thay đổi về khẩu vị


Một trong những chức năng của lưỡi là cảm nhận vị giác, sư thay đổi về khẩu vị, mất vị giác có liên quan đến nhiều yếu tố như bệnh lý tai mũi họng, bệnh đường hô hấp, một số loại thuốc điều trị. Ngoài ra sự thoái hóa của các gai vị giác do hút thuốc lá hoặc tuổi tác cũng là nguyên nhân khiến khả năng cảm nhận mùi vị của lưỡi giảm dần theo thời gian.

4. Lưỡi to


Tật lưỡi lưỡi to (macroglossia) hay phì đại lưỡi là hiện tượng lưỡi phình to bất thường, có liên quan đến một số chấn thương hoặc viêm nhiễm, một số bệnh nhân covid cũng từng được ghi nhận xuất hiện tình trạng lưỡi to.

5. Lưỡi đau, sần sùi


Lưỡi bị đau có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề về lưỡi, trong đó có viêm lưỡi, nhiệt miệng, bạch sản, ung thư lưỡi, đôi khi việc thiếu nước cũng có thể khiến lưỡi bị khô, đau và sần sùi.

6. Viêm teo lưỡi


Viêm teo lưỡi (viêm lưỡi Hunter) còn được gọi là lưỡi trơn vì đặc trưng của bệnh lý này là bề ngoài lưỡi trở nên nhẵn bóng với nền đỏ hoặc hồng. Sự thật, việc lưỡi “mịn màng” bất thường là do sự teo đi của các nhú dạng sợi. Mất một phần hoặc toàn bộ nhú dạng nấm và dạng sợi ở mặt sau của lưỡi. Có nhiều yếu tố gây viêm teo lưỡi bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng, riboflavin, niacin, pyridoxine, vitamin B12 (thiếu máu ác tính), axit folic, sắt (thiếu máu do thiếu sắt và hội chứng Plummer-Vinson), suy dinh dưỡng protein-calo, nhiễm trùng, lạm dụng rượu, bệnh đường tiêu hóa và phản ứng thuốc…

7. Hội chứng bỏng miệng/nóng rát lưỡi


Tình trạng bỏng rát, đau nhói hoặc tê lưỡi, vòm họng, môi hoặc các bề mặt niêm mạc khác của miệng có thể liên quan đến hội chứng bỏng rát miệng. Triệu chứng đau có thể có thể xảy ra hàng ngày. Hội chứng bỏng miệng được cho là do vấn đề thần kinh trung ương và ngoại biên về cảm giác đau và vị giác.

8. Vết loét lạnh


Loét lạnh thường được biết đến là tình trạng phòng rộp, bong tróc môi và xung quanh miệng do Virus herpes simplex type 1 (HSV-1) gây ra. Dù không phổ biến, song đôi khi vết loét lạnh cũng xuất hiện trên lưỡi, vết loét thường tự hết sau vài tuần. Bệnh có thể lây qua hôn hoặc tiếp xúc với vật dụng của người bệnh.

9. Loét nhiệt miệng


Loét trên lưỡi do nhiệt miệng là sự xuất hiện của các vết loét tròn, màu trắng sữa trên niêm mạc, gây đau rát khi người bệnh ăn uống. Nhiệt miệng, nhiệt lưỡi thường có thể tự hết sau 7-10 ngày. Nguyên nhân gây nên loét nhiệt miệng thường do các tổn thương ở lưỡi miệng như bị xương đâm, rách niêm mạc lưỡi, miệng. Thiếu chất, vệ sinh răng miệng kém cũng là những yếu tố gây nhiệt miệng.

10. Bệnh tưa miệng


Bệnh tưa miệng do một loại nấm có tên Candida albicans phát triển trên bề mặt miệng và lưỡi gây nên. Bệnh tưa miệng có thể xảy ra ở hầu hết mọi người và thường gặp ở trẻ nhỏ, người dùng steroid hoặc có hệ miễn dịch bị suy giảm. Tưa miệng thường bắt đầu với những chấm trắng nhỏ trên đầu lưỡi, sau đó xuất hiện trên mặt lưỡi và niêm mạc má, vòm miệng, tạo thành mảng màu trắng sữa khó bóc.

11. Bệnh bạch sản miệng


Bệnh bạch sản là tình trạng xuất hiện các mảng màu trắng hoặc xám trên lưỡi, má trong, nướu của người bệnh. Các mảng này thường không đau nhưng cũng khó loại bỏ kể cả khi bị chà xát mạnh. Bạch sản thường không nguy hiểm, tuy nhiên lại là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư miệng.

12. Lưỡi có lông


Lưỡi có lông hay lưỡi lông đen là một hội chứng vô hại, hình thành từ sự tích tụ quá mức của tế bào chết trên mặt lưỡi. Dấu hiệu thường gặp là lưỡi chuyển sang màu nâu, đen hoặc vàng sẫm, bề mặt lưỡi trông như có lông nhỏ. Bệnh lành tính, tuy nhiên gây mất thẩm mỹ và khiến hơi thở có mùi. Cạo lưỡi và vệ sinh răng miệng sạch sẽ là cách phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

13. Ung thư miệng


Ung thư miệng là tên gọi chung cho các u ác tính hình thành bên trong miệng. Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư miệng. Các vị trí phổ biến nhất của ung thư miệng là má, môi, thành bên lưỡi, sàn miệng, và miệng hầu. Nhiễm HPV, cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng, chủ yếu là ở amidan và nền lưỡi. Ung thư miệng có thể biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau nhưng chủ yếu là các tổn thương loạn sản (các vùng màu trắng, đỏ, hoặc trắng đỏ hỗn hợp khó loại bỏ).

14. Viêm miệng Herpes


Virus Herpes là một loại virus gây bệnh trên da và ảnh hưởng đến thần kinh, thường có 2 dạng là virus Herpes miệng và virus Herpes sinh dục. Virus Herpes miệng thường gây bỏng rộp xung quanh miệng, môi. Khiến miệng ngứa ran, nóng rát, đau và bỏng đỏ; hình thành các mụn nước, khi vỡ ra sẽ tạo thành những vết loét nông.

15. Thay đổi màu sắc lưỡi


Màu sắc của lưỡi có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau, trong một số trường hợp thức ăn có thể làm thay đổi màu sắc của lưỡi, tuy nhiên đó chỉ là tình trạng tạm thời. Nếu lưỡi bạn có sự thay đổi màu sắc không phải do thức ăn, kèm theo một số triệu chứng bất thường khác hãy đến thăm khám chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các bệnh lý nếu có.

  • Lưỡi trắng

Những mảng trắng dày hoặc vết loét trắng trên lưỡi có thể là dấu hiệu của sự phát triển quá mức của nấm men trong miệng (tưa miệng). Trong trường hợp mảng trắng khó vệ sinh, không đau, có thể là dấu hiệu của bạch sản.(2)

  • Lưỡi vàng

Lưỡi có màu vàng thường do sự phát triển quá mức của vi khuẩn nếu vệ sinh răng miệng kém. Hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến bề mặt lưỡi có màu vàng. Trong một số trường hợp, lưỡi vàng có thể là triệu chứng bệnh lý tiềm ẩn về gan mật.

  • Lưỡi đỏ hoặc tím

Lưỡi đỏ hoặc tím có thể xuất phát từ nguyên nhân viêm lưỡi, thiếu hụt vitamin hoặc bệnh ban đỏ. Trường hợp lưỡi có màu đỏ tươi có thể cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B12 hoặc bị nhiễm khuẩn Streptococcus ở cổ họng, kèm theo phát ban đỏ trên cơ thể. Nếu những mảng màu đỏ không đau và di chuyển từ nơi này sang nơi khác trên lưỡi, tạo thành các vết loang lổ, ngoằn ngoèo, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy lưỡi đang bị “viêm lưỡi bản đồ”.

  • Lưỡi đen

Lưỡi màu nâu hoặc đen báo hiệu tình trạng gọi là “lưỡi lông đen” do vi khuẩn, thức ăn và các mảnh vụn khác tích tụ trên các nhú dạng sợi của lưỡi. Các yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến bao gồm dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng histamin, hút thuốc, khô miệng, uống quá nhiều cà phê hoặc trà đen hoặc không vệ sinh kỹ răng miệng.

Cách làm sạch lưỡi?


Chăm sóc răng miệng và lưỡi thường xuyên giúp loại bỏ mảng bám và giảm các loại vi khuẩn có hại hình thành trên bề mặt lưỡi, ngăn ngừa chứng hôi miệng. Khi đánh răng bạn có thể dùng bàn chải chà nhẹ trên mặt lưỡi hoặc cũng có thể dùng dụng cụ vệ sinh riêng cho lưỡi, sau đó súc miệng bằng nước sạch. Nên uống đủ nước theo khuyến cáo phù hợp với thể trạng cơ thể, uống đủ nước cũng có tác dụng làm sạch nhanh khoang miệng và giữ lưỡi không bị khô.

Làm sao để lưỡi khỏe mạnh?


Để lưỡi luôn khỏe mạnh cần vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và đúng cách. Nên đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày. Hạn chế hút thuốc lá và dùng các loại thức uống có chất kích thích như cà phê, trà. Ăn uống đủ chất và cân bằng. Nếu lưỡi đau, sưng, nổi mụn, loét bất thường, cần đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám điều trị sớm.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị các bệnh về lưỡi và bệnh lý tai – mũi – họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:

Lưỡi là cơ quan quan trọng của vị giác, hơn thế nhờ vào khả chuyển động phức tạp và linh hoạt, lưỡi tham gia vào nhiều hoạt động của hệ tiêu hoá và phát âm. Những bất thường ở lưỡi có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau mà cơ thể đang gặp phải. Chăm sóc và quan sát sự thay đổi của lưỡi là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe tai mũi họng nói riêng và cơ thể khoẻ mạnh nói chung.

Xem tiếp...
 
Top Bottom