SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Lọc máu là gì? 3 phương pháp lọc máu phổ biến hiện nay

Ngọc Khuê

Tích Cực
Lọc máu lần đầu tiên được áp dụng thành công vào năm 1940 và trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho suy thận từ năm 1970. Kể từ đó, hàng triệu người bệnh được điều trị bằng phương pháp này. Lọc máu có thể thực hiện tại bệnh viện, trung tâm lọc máu hoặc tại nhà. Vậy lọc máu là gì? Có những phương pháp lọc máu nào? Bài viết sau đây của bác sĩ CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận – Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể các vấn đề trên.

lọc máu


Lọc máu là gì?


Lọc máu là phương pháp điều trị giúp cơ thể loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa và các chất thải ra khỏi máu khi thận gặp vấn đề. Ở người khỏe mạnh, thận có khả năng lọc từ 120-150 lít máu mỗi ngày. Trường hợp thận gặp những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng, không thể lọc máu hiệu quả như trước, dẫn đến tình trạng tích tụ chất thải trong máu. Vấn đề này rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh hôn mê, ngưng tim và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thời điểm nào cần thực hiện lọc máu?​


Những thời điểm sau đây cần thực hiện lọc máu: (1)

  • Tổn thương thận cấp tính (AKI): khi suy thận đột ngột hoặc tổn thương thận xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. AKI thường được điều trị trong bệnh viện bằng dịch truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần lọc máu cho đến khi thận trở lại bình thường.
  • Suy thận mạn tính: khi chức năng thận chỉ còn 10%-15%, độ lọc cầu thận (eGFR) dưới 15ml/phút/1,73m² da, lúc này thận không thể duy trì sự sống và cần can thiệp y tế ngay. Tình trạng này được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD). Với suy thận mạn, lọc máu chỉ thực hiện được một số công việc của thận lúc bình thường và không phải cách chữa bệnh thận lâu dài. Khi mắc phải ESKD, người bệnh phải lọc máu trong suốt quãng đời còn lại hoặc cho đến khi ghép thận mới.

Các phương pháp lọc máu phổ biến hiện nay​

1. Chạy thận nhân tạo

1.1 Lọc máu ngắt quãng (chạy thận nhân tạo ngắt quãng)


Lọc máu ngắt quãng (chạy thận nhân tạo ngắt quãng) là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng máy nhằm điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc). Lúc này, thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng.

Khi bắt đầu điều trị bằng phương pháp lọc máu ngắt quãng, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên lọc máu sẽ đặt 2 cây kim vào cánh tay của người bệnh đã được tạo cầu nối thông động tĩnh mạch. Các kim được gắn với ống mềm đi từ máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua màng lọc và đưa máu trở lại cơ thể người bệnh.

Trong quá trình này, máy lọc máu sẽ kiểm tra huyết áp, đồng thời kiểm soát tốc độ chảy của máu qua màng lọc cũng như số chất lỏng được đào thải khỏi cơ thể.

Màng lọc có 2 khoang, 1 khoang máu và 1 khoang dịch lọc. Chúng được ngăn cách với nhau bởi 1 lớp màng bán thấm. Màng bán thấm có tác dụng giữ lại protein, các tế bào máu và những chất quan trọng khác và loại bỏ các chất thải như ure, creatinine, kali và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu.

máy chạy thận nhận tạo ngắt quãng
Máy chạy thận nhân tạo ngắt quãng theo tiêu chuẩn công nghệ Đức tại Đơn vị Thận nhân tạo, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

1.2 Lọc máu liên tục


Lọc máu liên tục bao gồm nhiều phương thức như siêu lọc tĩnh mạch liên tục, thẩm tách máu liên tục, siêu lọc kết hợp thẩm tách máu liên tục.

Lọc máu liên tục là kỹ thuật lọc máu cho phép đào thải liên tục (24/24) nước và các chất hòa tan có trọng lượng phân tử dưới 50.000 daltons ra khỏi máu của người bệnh, đặc biệt với thể tích dịch thay thế lớn (>35ml/kg/giờ) thông qua cơ chế khuếch tán – thẩm tách, siêu lọc – đối lưu và hấp phụ màng. Từ đó giúp đào thải tốt các chất hòa tan có trọng lượng phân tử nhỏ (BUN, creatinin…) đến trung bình và lớn (cytokin, các chất trung gian viêm…).

1.3 Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc)


Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc, là phương pháp tận dụng chính màng bụng của người bệnh như 1 màng lọc thay thế cho thận đã mất một phần hoặc toàn bộ chức năng. Phương pháp này giúp lọc nước điện giải, những chất chuyển hóa khỏi cơ thể, cân bằng nội môi.

Có 3 phương pháp lọc màng bụng:

  • Lọc màng bụng cấp cứu.
  • Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD).
  • Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP).

Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp lọc máu


Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp lọc máu bao gồm:

1. Chỉ định

1.1 Lọc màng bụng

  • Bác sĩ chỉ định lọc màng bụng khi suy thận mạn, suy thận cấp và không áp dụng được những những kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
  • Người bệnh không thể tạo đường vào mạch máu để lọc máu ngắt quãng.
  • Tình trạng tim mạch không ổn định, có nguy cơ xuất hiện tai biến khi lọc máu ngắt quãng.

1.2 Chạy thận nhân tạo

a. Lọc máu ngắt quãng (chạy thận nhân tạo ngắt quãng)


Bác sĩ chỉ định lọc máu ngắt quãng dựa trên sức khỏe tổng quát của người bệnh, chức năng thận, các dấu hiệu và triệu chứng cũng như chất lượng cuộc sống. Người bệnh cũng có quyền quyết định việc có lọc máu ngắt quãng hay không. (2)

Thông thường, lọc máu ngắt quãng áp dụng cho người bị suy thận mạn mạn giai đoạn cuối, lúc này mức lọc cầu thận đã giảm xuống rất thấp (<15ml/phút/1,73m²) hoặc suy thận cấp do ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, sưng phù hoặc mệt mỏi. Chỉ số eGFR được tính bằng cách sử dụng kết quả xét nghiệm creatinin máu, giới tính, tuổi tác và các yếu tố khác. Giá trị thường thay đổi theo độ tuổi, cân nặng, giới tính…

Các chỉ số chức năng thận giúp người bệnh lập kế hoạch điều trị, bao gồm cả thời điểm bắt đầu lọc máu ngắt quãng.

b. Lọc máu liên tục


Lọc máu liên tục được áp dụng khi tình trạng nghiêm trọng và được sử dụng rộng rãi trong hồi sức tích cực (ICU). Cụ thể:

  • Bất ổn về huyết động.
  • Tăng áp lực nội sọ (sự gia tăng áp lực xung quanh não của người bệnh).
  • Thể tích quá tải nghiêm trọng (lọc máu liên tục có khả năng loại bỏ >200-300ml/h).
  • Thở máy.
  • Tốc độ tái tổng hợp protein cao.
  • Nguy cơ cao bị rối loạn độ thẩm thấu máu (ví dụ: tăng urê máu nặng do biểu hiện chậm của suy thận).
máy lọc máu liên tục
Máy lọc máu liên tục được áp dụng trong hồi sức tích cực (ICU) tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

2. Chống chỉ định

2.1 Lọc màng bụng

  • Khoang màng bụng bị nhiễm trùng, cơ hoành không kín để dịch tràn lên khoang ngực, dính màng bụng nhiều, thoát vị bẹn rộng hay do khả năng thanh lọc của màng bụng.
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát phổi khi lọc máu bằng phương pháp này.
  • Người bệnh không thể tự thực hiện trong trường hợp không có người hỗ trợ.
  • Người bệnh mắc bệnh đại tràng mạn tính, rối loạn tâm thần, viêm ruột, vừa trải qua những phẫu thuật khác tại ổ bụng.
  • Người bệnh bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

2.2 Chạy thận nhân tạo

  • Người bệnh suy tim.
  • Người bị rối loạn đông máu.
cơ chế lọc màng bụng
Cơ chế lọc màng bụng

Lợi ích của lọc máu


Lọc máu là phương pháp điều trị hiệu quả, loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu. Tuy nhiên, phương pháp này không thay thế hoàn toàn chức năng của thận, vì vậy lọc máu không được xem là phương pháp chữa bệnh thận hoặc suy thận.

Tất cả các phương pháp lọc máu đều có hiệu quả như nhau, nhưng bác sĩ cần dựa vào tình trạng và mong muốn của người bệnh để chỉ định phương pháp và địa điểm thực hiện (bệnh viện hay tại nhà) phù hợp.

Rủi ro biến chứng có thể gặp


Cả 3 hình thức lọc máu đều có thể mang lại những rủi ro nhất định. (3)

1. Rủi ro khi chạy thận nhân tạo

1.1 Rủi ro khi lọc máu ngắt quãng


Các rủi ro liên quan đến lọc máu ngắt quãng bao gồm:

  • Huyết áp thấp.
  • Thiếu máu.
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Khó ngủ.
  • Ngứa.
  • Tăng kali máu.
  • Viêm màng ngoài tim, viêm màng quanh tim.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Nhịp tim không đều.
  • Ngừng tim đột ngột.

1.2 Rủi ro khi lọc máu liên tục


Các rủi ro liên quan đến lọc máu liên tục bao gồm:

  • Nhiễm trùng.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Hạ huyết áp.
  • Rối loạn điện giải.
  • Chảy máu.
  • Phục hồi thận chậm
  • Xương suy yếu.
  • Sốc phản vệ.

Những người trải qua lọc máu dài hạn cũng có nguy cơ mắc các tình trạng y tế khác, bao gồm cả bệnh amyloidosis (bệnh thoái hóa tinh bột).

2. Rủi ro khi lọc màng bụng


Lọc màng bụng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong hoặc xung quanh vị trí ống thông, chẳng hạn như viêm phúc mạc. Các rủi ro khác bao gồm:

  • Suy yếu cơ bụng.
  • Lượng đường trong máu cao do dextrose (đường đơn 6 carbon) trong dịch lọc.
  • Tăng cân do dextrose và chất lỏng dư thừa.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Sốt.
  • Đau dạ dày.

Có nên lọc máu không?


Nên lọc máu vì phương pháp này loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu. Phương pháp này được áp dụng cho người bệnh gặp các vấn đề về thận cũng như các tình trạng nghiêm trọng khác.

Cơ chế hoạt động quy trình lọc máu


Lọc máu thực hiện một số nhiệm vụ của thận lúc bình thường, chẳng hạn như:

  • Loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa trong cơ thể, ngăn sự tích tụ trong cơ thể.
  • Giữ mức độ ổn định của khoáng chất trong máu, chẳng hạn như kali, natri, canxi và bicarbonate.
  • Giúp điều chỉnh huyết áp.
lọc máu loại bỏ các chất thải
Lọc máu loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu.

Những lưu ý cần biết trước và sau khi lọc máu


Lọc máu giúp loại bỏ chất thải, độc tố và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo thời gian, người bệnh bắt đầu cảm thấy sự cải thiện về khả năng vận động và tính linh hoạt của cơ thể, nhiều năng lượng hơn và có thể theo kịp các hoạt động thường ngày. Một số lưu ý quan trọng để tối đa hiệu quả điều trị như:

1. Trước khi thực hiện

  • Ăn uống hợp lý và kiểm soát chất lỏng của cơ thể: bởi vì lọc máu hoạt động để cân bằng hóa học và loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể, điều quan trọng là hạn chế natri và quản lý lượng chất lỏng nạp vào cơ thể.
  • Uống thuốc theo chỉ định: nói chuyện với dược sĩ để đảm bảo rằng tất cả các loại thuốc có hiệu quả và phù hợp với người bệnh.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng: tránh nhiễm trùng dưới bất kỳ hình thức nào, rửa tay đúng cách.
  • Liên hệ với người thân để nhận sự chăm sóc kịp thời trong quá trình lọc máu.

2. Sau khi thực hiện


Sau khi lọc máu, có một số điều quan trọng cần lưu ý bao gồm:

2.1 Kiểm soát chất lỏng ra vào cơ thể


Người bệnh nên chú ý đến lượng chất lỏng ra vào cơ thể. Lọc máu giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa, nhưng điều quan trọng là duy trì sự cân bằng và hạn chế uống chất lỏng.

2.2 Chế độ ăn kiêng


Tuân thủ chế độ ăn uống do bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, bao gồm việc hạn chế lượng đạm, chất béo, kali, phốt pho và natri. Thực phẩm giàu kali cần tránh bao gồm chuối, cam, khoai tây… Đặc biệt lưu ý với thức ăn mặn để kiểm soát nồng độ natri.

2.3 Quản lý thuốc


Dùng thuốc theo chỉ định, một số loại thuốc có thể cần điều chỉnh sau khi lọc máu.

2.4 Chăm sóc vị trí tiếp cận mạch máu (để chạy thận nhân tạo)


Nếu người bệnh đang chạy thận nhân tạo, hãy chăm sóc vị trí tiếp cận mạch máu (thường ở cánh tay). Giữ vị trí đó luôn sạch sẽ và tránh chấn thương. Ngoài ra, người bệnh cũng cần theo dõi và điều trị kịp thời mọi dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc đông máu.

2.5 Mức độ mệt mỏi


Nghỉ ngơi khi cần thiết, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để duy trì mức năng lượng.

2.6 Theo dõi huyết áp


Thường xuyên kiểm tra huyết áp, lọc máu ngắt quãng có thể ảnh hưởng đến huyết áp.

2.7 Nhận thức về triệu chứng


Lưu ý các triệu chứng thường gặp liên quan đến lọc máu, chẳng hạn như huyết áp thấp, chuột rút, buồn nôn hoặc đau đầu.

bác sĩ điều chỉnh chỉ số lọc máu cho bệnh nhân
Bác sĩ CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang điều chỉnh các thông số lọc máu cho người bệnh.

Một số câu hỏi liên quan

1. Lọc máu có đau không?


Lọc máu thường không gây đau. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào cách lọc máu. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi kim được chích vào cầu nối động tĩnh mạch.

Một số trường hợp có thể tụt huyết áp dẫn đến buồn nôn, ói mửa, nhức đầu hoặc chuột rút. Nếu người bệnh được chăm sóc theo chế độ ăn uống dành riêng cho người chạy thận và hạn chế chất lỏng thì có thể tránh được các tác dụng phụ này.

2. Lọc máu mất bao lâu?


Thời gian lọc máu còn tùy thuộc vào phương pháp và địa điểm thực hiện. Người bệnh có thể lọc máu tại một đơn vị lọc máu, bệnh viện hay tại nhà (thẩm phân phúc mạc). Bác sĩ sẽ quyết định cách lọc máu và địa điểm nào tốt nhất cho người bệnh dựa trên tình trạng sức khỏe và mong muốn của người bệnh.

Thời gian trung bình của việc lọc máu, cụ thể như sau:

2.1 Lọc máu ngắt quãng


Mỗi lần chạy thận nhân tạo mất từ 3-4 giờ, phổ biến nhất là 4 giờ nếu người bệnh lọc máu với tần suất 3 lần/tuần.

2.2 Lọc màng bụng:


Lọc màng bụng cấp: đưa 1 ống thông tạm thời vào khoang bụng của người bệnh. Mỗi lần đưa 2 lít dịch lọc vào khoang màng bụng của người bệnh. Sau 2 giờ, dịch được tháo ra, đưa tiếp 2 lít dịch lọc mới và thực hiện liên tục cho tới khi người bệnh hết rối loạn điện giải.

Lọc màng bụng liên tục ngoại trú: thông thường 1 người lớn sẽ dùng 2-3 lít (trẻ em, 30-40 ml/kg) dịch lọc cho 4-5 lần/ngày. Dịch lọc được ngâm trong ổ bụng trong 4 giờ vào ban ngày và 8-12 giờ vào ban đêm.

Lọc màng bụng liên tục chu kỳ: sử dụng thời gian ngâm dài ban ngày (12-15 giờ) và 3-6 lần trao đổi ban đêm với 1 chu kỳ tự động.

2.3 Lọc máu liên tục


Thời gian lọc máu cho một quả lọc dao động từ 8-24 giờ.

3. Lọc máu có nguy hiểm không?


Lọc máu không nguy hiểm nếu người bệnh thực hiện tại các Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa uy tín, uống thuốc đúng giờ, đúng liều và thực hiện tốt các chỉ định của bác sĩ trước và sau khi lọc máu.

4. Người bình thường có nên lọc máu không?


Người bình thường có nên lọc máu không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của người đó và mục đích lọc máu. Trong nhiều trường hợp, người bình thường không cần lọc máu, vì hệ thống thận trong cơ thể đã có khả năng làm việc hiệu quả để loại bỏ các chất độc tố và chất thải khỏi máu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, lọc máu có thể được xem xét nếu người bình thường mắc phải các bệnh về thận như suy thận, suy thận mạn tính, suy giảm chức năng thận, quá trình lọc máu giúp cải thiện sức khỏe chung và giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh thận.

Ngoài ra, người bình thường có thể có nhu cầu lọc máu trong một số tình huống đặc biệt như:

  • Hệ thống miễn dịch bị suy giảm: nếu người bị suy giảm chức năng miễn dịch do bệnh hoặc do điều trị, lọc máu được sử dụng để loại bỏ các chất gây viêm, tạp chất hoặc các chất lạ trong trường hợp ngộ độc, tăng Triglycerid nặng, các tự kháng thể quá cao đe dọa tính mạng…
  • Bản thân người bình thường muốn thực hiện quy trình lọc máu như một phương pháp tăng cường sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để quyết định liệu lọc máu có phù hợp với người bình thường hay không, nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe cụ thể.
  • Trường hợp khẩn cấp: trong một số trường hợp cấp cứu, lọc máu có thể được sử dụng để loại bỏ các chất độc hoặc cân bằng nước, điện giải và kiềm toan trong máu.

5. Lọc máu có được hưởng bảo hiểm y tế?


Dịch vụ lọc máu liên tục thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Quỹ BHYT thanh toán chi phí của 01 lần sử dụng dịch vụ lọc máu bao gồm mức giá dịch vụ Lọc máu liên tục được quy định tại tại Thông tư số Thông tư 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế.

6. Lọc máu có đắt không?


Chi phí lọc máu được quyết định bởi nhiều yếu tố như:

  • Chi phí vật liệu, dụng cụ, thiết bị dùng cho lọc máu;
  • Tần suất lọc bao nhiêu lần 1 tuần;
  • Cơ sở y tế thực hiện chạy thận;
  • Người bệnh có sử dụng bảo hiểm y tế không,…

Theo Bộ Y tế quy định, chi phí cho mỗi lần chạy thận nhân tạo gồm 11 khoản: màng lọc, dây lọc máu, dịch sát khuẩn màng lọc,… Trong số này, bảo hiểm y tế chi trả cho 7 khoản nhưng không vượt quá 556.000 đồng (đối với bệnh viện hạng 1). Mức chi trả bảo hiểm còn phụ thuộc vào việc người bệnh được thanh toán chi phí theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100% và chạy thận ở bệnh viện nào.

Hiện có 2 dạng chạy thận là lọc máu liên tục (khi mắc bệnh cấp tính) và lọc máu ngắt quãng. Người bệnh lọc máu liên tục lần đầu cần phải đặt catheter riêng với chi phí khoảng 1.000.000 đồng. Số tiền chạy thận chu kỳ phụ thuộc vào vật tư tiêu hao với mức trung bình khoảng 700.000-1.000.000 đồng/lần. Do vậy, ngay cả khi bảo hiểm y tế chi trả 100%, người bệnh còn phải đóng thêm khoảng 150.000-450.000 đồng/ lần lọc máu. Một số bệnh viện quy định phải chi trả thêm phụ phí đi kèm như: điện, nước… ở mức khoảng 20.000-30.000 đồng.

Riêng lọc màng bụng, theo Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế, chi phí lọc màng bụng được BHYT chi trả và có chi phí như sau: lọc màng bụng chu kỳ (CAPD): 558.000 đồng, lọc màng bụng liên tục 24 giờ bằng máy (thẩm phân phúc mạc): 956.000 đồng.

Tuy nhiên, các mức chi phí trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh nên đến trực tiếp các Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa để được báo giá chính xác.

7. Lọc máu ở bệnh viện nào tốt?


Đơn vị Thận nhân tạo, BVĐK Tâm Anh TP.HCM được đầu tư hệ thống lọc máu theo tiêu chuẩn công nghệ Đức với nhiều ưu điểm nổi bật:

  • Sử dụng quả lọc, dịch lọc, máy lọc của Đức.
  • Hệ thống xử lý nước RO tân tiến, nhập khẩu từ Đức, thiết kế phù hợp cấu trúc, địa chất, hạ tầng, nước, khí hậu và thời tiết Việt Nam.
  • Tăng cường độ an toàn và chất lượng lọc máu.
  • Đo lường và kiểm soát liều thẩm tách liên tục.
  • Tạo dòng dịch lọc siêu tinh khiết, an toàn hơn cho người bệnh.

Bài viết đã cung cấp thông tin liên quan lọc máu cũng như các phương pháp lọc máu phổ biến hiện nay. Người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ để lựa chọn phương pháp lọc máu phù hợp và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để quá trình điều trị diễn ra an toàn và thuận lợi.

Xem tiếp...
 
Top Bottom