THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
89
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
333K

Không phải cứ ‘hoàn toàn ổn’ mới thật sự là ổn: Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!

Phương Nga

Tích Cực
logo.png
- Những cuốn sách self-help, những video quảng cáo đều đang thuyết phục chúng ta rằng niềm vui mới là cảm xúc giá trị nhất. Còn nỗi buồn được nhìn nhận như một cảm xúc đáng bỏ đi, đáng “chống lại”, cần phải “tìm mọi cách vượt qua”. Liệu đây có phải là điều đúng đắn?

Niềm vui thì đáng quý còn nỗi buồn thì đáng… bỏ đi?


Đạt giải Oscar vào năm 2016, Inside Out được coi là một bộ phim hoạt hình kinh điển của thời đại. Inside Out chứa đựng cốt truyện cảm động và sâu sắc, không chỉ là một bộ phim thuần tuý cho trẻ em mà còn mang đến những bài học đắt giá cho cả người lớn.

Câu chuyện xoay quanh Riley và trung tâm đầu não điều khiển cảm xúc bên trong cô bé. Trong đó, Joy (“Niềm vui”) giữ cương vị là người đầu tàu, những cảm xúc khác như: Sadness - “Nỗi buồn”, “Nỗi sợ”, “Giận dữ”, “Chán ghét” đều là trợ lý của Joy trong quá trình giúp Riley cảm thấy hạnh phúc.

Trong khi thực hiện những nhiệm vụ, Sadness được giao cho việc phải đứng yên trong một vòng tròn để không làm ảnh hưởng tới cảm xúc của cô bé Riley. Đến mức, những thành viên còn lại trong nhóm phải tự hỏi: “Tớ chẳng biết nhiệm vụ của Sadness là gì?”. Không chỉ đối với nhân vật trong phim, đây có lẽ cũng là băn khoăn của rất nhiều người lớn. Nếu mà cuộc sống chỉ toàn “Niềm vui”, liệu rằng chúng ta sẽ hạnh phúc hơn?

Đương nhiên chẳng ai muốn buồn thương và đau khổ. Nhưng Inside Out đã cho người xem được nhìn ra giá trị của mọi cảm xúc. Đó là khi cả Joy và Sadness cùng đi lạc và chật vật tìm đường quay trở về, Joy mới hiểu ra rằng, những niềm vui cố tạo sẽ không thể che giấu đi nỗi buồn mà chỉ khiến khoảng trống trong chúng ta chẳng thể lấp đầy. Và nhờ có sự xuất hiện của nỗi buồn, con người mới có thể chia sẻ, được giúp đỡ, được yêu thương. Nhờ có nỗi buồn, sự xuất hiện của niềm vui mới thật sự thăng hoa và ý nghĩa.

 Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!


Né tránh cảm xúc thật và những hệ luỵ tinh thần


Trong thời đại của truyền thông, chúng ta liên tục bắt gặp những bài viết về “thái độ tích cực” mọi lúc mọi nơi. Những cuốn sách self-help, những video quảng cáo đều thuyết phục chúng ta rằng niềm vui mới là cảm xúc giá trị nhất. Còn nỗi buồn được nhìn nhận như một cảm xúc đáng bỏ đi, đáng “chống lại”, cần phải “tìm mọi cách vượt qua”.

Dĩ nhiên, vui vẻ lạc quan là một điều tốt. Nhưng trấn an bất an, buồn bã bằng sự lạc quan gồng ép sẽ có thể khiến sức khoẻ tinh thần của chúng ta càng thêm tồi tệ. Trong trường hợp này, đó chính là sự tích cực độc hại. Chúng ta chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, có trái tim biết rung cảm với những biến động xung quanh, đâu phải máy móc để chỉ vui 24/7?

Sự tích cực không đúng lúc và né tránh cảm xúc có thể trở thành “độc dược” khi nó kìm nén những cảm xúc thật bên trong mỗi chúng ta. Hãy nhìn cách nó ảnh hưởng lên tâm trí và cơ thể của bạn:

1. Suy kiệt về tinh thần​


Kìm nén cảm xúc có thể liên quan đến việc kìm nén một ký ức nào đó đã từng khiến bạn khó chịu. Nhưng càng cố quên đi một kỷ niệm, tâm trí bạn càng phải làm việc “cật lực” hơn dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức.

2. Những vấn đề về dạ dày​


Theo nghiên cứu từ ĐH Harvard, căng thẳng xuất phát từ việc kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến tiêu hóa chậm, đầy hơi, nôn mửa và viêm loét dạ dày.

3. Đau đầu​


Để đối phó với những căng thẳng do ức chế cảm xúc, các cơ ở trán và chân mày của bạn phải căng lên, dẫn tới việc giảm lưu lượng máu lên não, gây đau cả đầu hoặc nửa đầu.

4. Cảm xúc tiêu cực càng tăng lên mạnh mẽ​


Theo một nghiên cứu từ ĐH Texas, khi bạn không thừa nhận và đối diện với cảm xúc của mình, bạn đang cho phép những cảm xúc này trở nên mạnh mẽ hơn. Bởi theo như nhà tâm lý học lâm sàng Victoria Tarratt: “Sự bộc phát cảm xúc là cách cơ thể bạn giải phóng cảm xúc bị dồn nén và giảm tâm trạng đau buồn”.

5. Tăng cân​


Đôi khi, chúng ta ăn uống “vô tội vạ” chỉ để cảm thấy khá hơn trong thời gian căng thẳng. Nếu như bạn liên tục căng thẳng vì né tránh cảm xúc thật, sự căng thẳng, bực dọc sẽ bao trùm khiến bạn khó lòng nguôi ngoai. Đồ ăn có thể là biện pháp hỗ trợ tạm thời cho triệu chứng stress, nhưng khi bạn ăn quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ tăng cân không kiểm soát.

6. Tước đi cơ hội trải nghiệm cảm xúc của bản thân​


Khi bạn cố né tránh nỗi buồn và sự tức giận, bạn đang giới hạn phạm vi cảm xúc mà bản thân có thể trải nghiệm. Sự tích cực và tiêu cực cũng giống như 2 mặt của một đồng xu, tích cực sẽ không còn là tích cực nếu thiếu đi tiêu cực và ngược lại. Nếu không cho mình được phép buồn bã, bạn không thể cảm nhận trọn vẹn sự thăng hoa mà niềm vui mang lại.

 Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!


7. Tăng nguy cơ ung thư​


Vào năm 2013, một nghiên cứu của trường Y tế Công cộng Harvard và ĐH Rochester đã báo cáo rằng những người kìm nén cảm xúc có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 70% so với những người khác. Chắc hẳn, đây là một lý do tuyệt vời để bạn bắt đầu nhìn nhận và đối diện với cảm xúc của chính mình.

8. Giảm tuổi thọ​


Cũng theo nghiên cứu tương tự của trường Y tế Công cộng Harvard, ức chế cảm xúc làm tăng hơn 30% khả năng tử vong sớm ở con người. Không ai muốn cảm thấy buồn bã, tức giận, nhưng việc né tránh cảm xúc của bạn có thể khiến mọi thứ thêm tồi tệ. Một khi bạn thừa nhận cảm xúc mình đang có, từ từ chấp nhận sự tổn thương ẩn sâu bên trong mình, bạn sẽ có một cuộc sống ít căng thẳng và nhẹ nhàng hơn.

Thay vì nhìn nhận nỗi buồn như bệnh dịch, hãy thử coi đó là một trải nghiệm cảm xúc thông thường trong rất nhiều cảm xúc mà mỗi người đều phải trải qua trong cuộc sống. Nỗi buồn đang phải chịu khá nhiều “tai tiếng” sai lầm bởi vì chúng ta đã vô tình bỏ qua rất nhiều lợi ích mà nỗi buồn mang lại. Theo ScieneAleart và Heathline, sự xuất hiện của nỗi buồn đem tới 6 lợi ích không thể xem nhẹ:

1. Cải thiện trí nhớ​


Một số nghiên cứu cho thấy, khi có tâm trạng buồn, con người thường có khả năng ghi nhớ tốt hơn về các chi tiết mình quan sát được. Ngược lại, khi một người cảm thấy vui vẻ, trí nhớ của họ kém chính xác hơn là khi buồn.

2. Cải thiện khả năng phán đoán​


Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, tâm trạng buồn khiến con người giảm sự tự tin và tăng sự hoài nghi mỗi khi đánh giá một sự việc. Đáng ngạc nhiên là, khi buồn người ta có khả năng phát hiện chính xác hơn những lời nói dối. Người có tâm trạng buồn cũng ít có xu hướng dựa theo khuôn mẫu đơn giản để giải quyết vấn đề. Ví dụ, những thẩm phán thường nhìn nhận sự việc một cách chính xác, có khả năng xử lý các chi tiết nhỏ hiệu quả hơn khi đang buồn.

3. Tiếp thêm động lực​


Khi được yêu cầu một thử thách khó về tinh thần, người có tâm trạng buồn sẽ cố gắng và nhẫn nại hơn những người đang vui vẻ. Hạnh phúc báo hiệu cho chúng ta rằng mình đang an toàn và chỉ phải nỗ lực một chút. Còn nỗi buồn như một tín hiệu báo động kích hoạt nhiều nỗ lực và động lực để đương đầu với thử thách.

4. Cải thiện giao tiếp​


Việc để tâm tới những chi tiết nhỏ mỗi khi đang buồn cũng giúp con người cải thiện khả năng giao tiếp. Họ truyền đạt thông tin và thuyết phục người khác tốt hơn.

5. Công bằng hơn​


Các thí nghiệm của nhiều nhà khoa học đã phát hiện rằng: tâm trạng không tốt khiến con người để tâm tới chuẩn mực xã hội nhiều hơn. Họ cũng ít ích kỉ hơn, công bằng hơn trong cách đối xử với người khác.

6. Nỗi buồn và tác dụng của khóc dưới góc nhìn y học​


Khi buồn, con người ta thường dễ yếu đuối và có thể khóc. Một điều khá bất ngờ là việc khó có tác dụng rất tốt với sức khoẻ. Cụ thể, khi khóc, não bộ sản xuất ra endorphin, một loại hormone rất tốt trong việc cải thiện tâm trạng và thăng hoa cảm xúc. Khóc không làm người ta hạnh phúc hơn, nhưng phần nào giúp thúc đẩy tâm trạng và tăng sự mạnh mẽ sau tổn thương.

 Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!


Không sao cả nếu bạn thấy yếu đuối hay đau khổ: Hãy cho bản thân được phép buồn bã, dù chỉ trong chốc lát


Một người đang say rượu và có ai đó nói với anh ta rằng: “Đừng say nữa, tỉnh táo ngay lập tức!”, chắc hẳn người đang say sẽ không thể làm được. Anh ta cần thời gian để đào thải chất cồn khỏi cơ thể, cần nghỉ ngơi để được phục hồi và lấy lại sự minh mẫn. Các cảm xúc tiêu cực cũng vậy, chúng không thể ngay lập tức biến mất khi bạn ra lệnh cho bản thân phải lạc quan bằng mọi giá.

Nếu vậy, chúng ta phải đối diện với cảm xúc tiêu cực như thế nào?

Điều đầu tiên cần làm đó là bạn hãy nhận biết cảm xúc của bản thân khi nó xuất hiện. Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ đơn giản là nhận biết mà không phán xét. Khi bạn buồn, bạn biết rằng mình đang buồn và chỉ vậy thôi. Bạn không cần phải tự trách mình vì đã buồn bã, căng thẳng hay yếu đuối, cũng như càng không cần phải né tránh hay chối bỏ. Đánh lạc hướng bản thân bằng các thú vui, bằng lao đầu vào công việc,… cũng không xử lý được tận gốc rễ vấn đề mà chỉ khiến sự đau khổ ngày càng bị dồn nén, sức khoẻ tinh thần trở nên trầm trọng thêm. Thay vì gắn mác cảm xúc, hãy coi chúng như tấm biển chỉ đường. Mọi cảm xúc xuất hiện đều mang đến một thông điệp. Né tránh những cảm xúc khó chịu sẽ chỉ khiến bạn đánh mất cơ hội để hiểu về chính mình. Ví dụ, khi bạn sợ hãi, cảm xúc sợ hãi đang nhắc bạn tìm hiểu lí do khiến mình sợ một điều gì đó. Chấp nhận những cảm xúc khó chịu giúp bạn vượt qua chúng nhanh hơn. Khi cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, thất vọng,… sẽ thật tốt khi bạn có thể nói ra tâm trạng của mình với người thân và bạn bè. Trút bỏ mọi thứ khỏi lồng ngực, bao gồm cả những cảm xúc khó chịu, sẽ giúp chúng ta nhẹ lòng và thoải mái hơn rất nhiều.

 Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!


Hay bạn cũng có thể trút ra cảm xúc của mình dưới hình hài câu chữ. Viết xuống tâm trạng của bản thân sẽ giúp bạn nhận ra được một vài thông tin hữu ích như: bạn có thường xuyên có cảm xúc này hay không, cảm xúc này bắt đầu từ khi nào, thời thơ ấu có sự kiện nào khiến bạn từng có cảm xúc tương tự,… Sau những dòng viết đầy bức xúc, giận dữ, bạn sẽ thấy sự yếu đuối và tổn thương bắt đầu xuất hiện… Chúng xuất hiện để bạn chạm gần hơn tới tiếng lòng bên trong mình, một cách thuần khiết và sáng rõ. Học cách đối diện với cảm xúc khó chịu là khi bạn thật sự dành thời gian cho tâm trí, cho mình khoảng lặng với sự bình tâm, để lắng nghe tiếng nói đang ẩn khuất sau mỗi cảm xúc của chính mình.

Hãy nhớ, không phải cứ ‘hoàn toàn ổn’ mới thật sự là ổn. Cho phép bản thân được buồn cũng là chìa khoá để bạn cảm thấy tốt hơn!

Cẩm Mịch



Xem tiếp...
 
Top Bottom