Phương Nga
Tích Cực
Khoảng 1 thập niên trở lại đây, phương Tây không còn mặn mà với những cuộc thi nhan sắc. Miss World bị “ghẻ lạnh” ngay ở quê nhà. Tỷ phú kiêm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ Miss Universe từ lâu. Và mới đây nhất thì Miss Universe đã được bán cho tỷ phú Thái Lan.
Cán cân sắc đẹp đang nghiêng hẳn về châu Á. Các người đẹp Á Châu liên tục lên ngôi tại những sàn đấu sắc đẹp lớn thuộc nhóm Big 5, chứ không chỉ dừng ở sân chơi “ao làng” kiểu “Mít Rèn” (một cách nói trại của cư dân mạng dành cho Miss Grand International). Nếu như 2 thập niên trước, việc Trương Tử Lâm của Trung Quốc, Honey Lee của Hàn Quốc hay Riyo Mori của Nhật Bản vào Top 5, đăng quang tại Miss World và Miss Universe được xem là hiện tượng, thì 12 năm trở lại đây, đại diện Thái Lan, Philippines, Indonesia lọt Top là chuyện gần như đương nhiên. Còn Việt Nam chưa bao giờ chịu thất bại trong đường đua Miss Vote!
Sự ưa chuộng các cuộc thi sắc đẹp của người dân châu Á, hay chính xác hơn là khu vực Đông Nam Á, là điều không phải bàn cãi. Nếu một khu vực nào khác có thể cạnh tranh được thì có lẽ chỉ còn duy nhất Venezuela, cường quốc sắc đẹp một thời hiện đã mất ngôi vương vào tay Thái Lan, Ấn Độ.
Những thông tin trên nói lên điều gì? Là trong khi phương Tây nỗ lực đập bỏ tư tưởng tôn sùng ngoại hình nữ giới thì phương Đông lại đang cố gắng làm điều ngược lại.
Chỉ riêng ở Việt Nam, sau khi Bộ Văn hóa “cởi trói”, nới lỏng quy định về thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, các cuộc thi hoa hậu nở rộ như đa cấp. Người ta không thể nhớ tên hết các cuộc thi, không thể phân biệt nổi cuộc thi này với cuộc thi kia và chẳng biết cô Hoa Á hậu này đăng quang ở sân chơi nào. Các cuộc thi chấp nhận thí sinh đã qua chỉnh sửa thẩm mỹ và chuyển giới. Thậm chí có cuộc thi còn dồn hết trứng vào một rổ, cho cả thí sinh 18 “thi đấu” cùng thí sinh 48, người thanh tân “thi đấu” cùng người đã có chồng có con.
Ngay cả Sen Vàng, đơn vị có uy tín và thâm niên trong làng tổ chức nhan sắc cũng bị cuốn vào cuộc đua. Trong vòng 6 tháng, Sen Vàng tổ chức liền 3 cuộc thi cấp quốc gia bao gồm Miss World Vietnam - Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam. Tổ chức nhiều nên thí sinh được gom từ cuộc thi này sang cuộc thi khác, nơi kia hụt giải thì nơi này có giải, so bó đũa chọn cột cờ.
Việc các đơn vị tổ chức nỗ lực tìm 1 cô gái đẹp vừa đủ, học vấn vừa đủ, ngoại ngữ tốt để trao vương miện khiến nhiều fan sắc đẹp bị “đánh lừa”, cứ nghĩ thi hoa hậu là thi cả sắc lẫn tài. Hoặc chính họ tự “đánh lừa” mình, rằng sắc đẹp không quan trọng bằng trí tuệ. Ồ, nếu vậy thì chỉ cần mở rộng những sân chơi kiểu Siêu trí tuệ, Nhanh như chớp, Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia chứ tổ chức thi Hoa hậu làm gì?
Mục tiêu cao nhất và duy nhất của những sân chơi sắc đẹp là đề cao sắp đẹp và dùng sắc đẹp để kiếm tiền. Các thí sinh phải trải qua nhiều phần thi phô diễn ngoại hình, phải bước vào phòng nhân trắc học với không mảnh vải che thân để các BGK đo đếm từng milimet trên cơ thể. Nên việc ông Chủ tịch “Mít Rèn” nhận xét ngoại hình Thiên Ân không đủ đẹp để vào Top 10 là điều rất đương nhiên và không có gì khiếm nhã xét trong khuôn khổ một cuộc thi về cái đẹp ngoại hình. Nếu ông ấy khiếm nhã, thì toàn bộ Ban giám khảo trong phòng nhân trắc học còn khiếm nhã bội phần. Vì họ không chỉ nhận xét, họ còn chấm điểm, và chấm điểm rất kỹ từng vòng trên cơ thể.
Các thí sinh khi tham gia những sân chơi sắc đẹp cũng phải nỗ lực khoe vẻ đẹp cơ thể mọi lúc mọi nơi thông qua những bộ trang phục hở nhiều da thịt, thông qua những bước đi đánh hông cường điệu, thông qua những điệu nhảy gợi cảm, thông qua những động tác phô diễn đường cong trước máy ghi hình. Nếu không phải vì mục đích thu hút sự chú ý của mọi người vào cơ thể của mình thì còn vì mục đích gì khác nữa? Và với mục đích ấy, lẽ nào họ lại không chấp nhận bị người khác nhận xét về cơ thể?
Hành động của ông Chủ tịch “Mít Rèn” có thể thiếu lịch thiệp, nhưng ông ấy chẳng nói gì sai trong phạm vi và quyền lực của ông ấy. Ông ấy là cha đẻ của cuộc thi, vừa tổ chức, vừa chấm giải vừa “bầu sô” cho người đoạt giải. Ông ấy được quyền nhận xét về từng thí sinh. Và ông ấy sẽ phải nói gì về thí sinh? Nhận xét cô ấy không giỏi môn Hóa học và Vật lý thay cho việc cô ấy có tỷ lệ cơ thể không hoàn hảo, lưng dài chân ngắn hông to?
Trước khi trách ông bầu sô Hoa hậu người Thái Lan kia, trước hết hãy hỏi vì sao công chúng lại ủng hộ những cuộc thi như thế để nó có cơ hội tồn tại, phát triển giòn giã nhiều năm qua. Hãy hỏi vì sao bầu sô Việt liên tục cử “gà” đi thi cuộc thi này. Và hãy hỏi vì sao người người kêu gọi nhau không miệt thị ngoại hình nhưng lại ủng hộ đến cuồng nhiệt những cuộc thi nhan sắc. Cũng chính họ chỉ trích không tiếc lời nếu BTC chọn 1 thí sinh không “vừa mắt”. Cũng chính họ kêu gào tước vương miện của Hoa hậu Hoàn vũ người Ấn Độ khi cô tăng cân mất kiểm soát, và bất bình mỗi khi người đẹp Việt nào buông lỏng bản thân để thân hình lệch ra ngoài số đo chuẩn Hoa hậu.
Có gì để nghi ngờ rằng, những bầu sô Hoa hậu kiểu Chủ tịch Miss Grand International được tạo ra nhờ vào chính những vị công chúng nói trên?
Mỗi sân chơi, dù là trí tuệ hay nhan sắc, thì đều có luật chơi. Người chơi tham gia vào sân chơi nào thì phải chấp nhận luật chơi của sân chơi đó. Luật do BTC đưa ra chứ không phải do người hâm mộ cảm tính đưa ra. Thi trí tuệ thì phải chấp nhận bị chê kém hiểu biết và thi nhan sắc phải chấp nhận bị chê chưa đẹp. Đó là cái giá mà hẳn ai cũng xác định từ trước khi “dấn thân”. Được ăn cả, ngã thì về… nước. Vui thôi, đừng căng.
H.H
Ảnh: Sưu tầm
Xem tiếp...