SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

Khó thở ở người đái tháo đường là gì? Khi nào xuất hiện?

BS Hà Nội

Fan Cứng
Khó thở thường không phải là triệu chứng được đề cập trên người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, giữa triệu chứng khó thở ở người đái tháo đường có thể có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bác sĩ chuyên khoa II Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp vấn về này cho người bệnh qua bài viết sau.

Khó thở ở người đái tháo đường


Khó thở ở người đái tháo đường là gì?​


Người đái tháo đường có thể cảm giác khó thở khi lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Triệu chứng này có thể là dấu chỉ điểm cho biến chứng cấp tính nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, đó là tình trạng nhiễm toan Ceton. Đồng thời, triệu chứng khó thở mới xuất hiện hoặc nặng lên có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe khác đái tháo đường. Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng, ví dụ bệnh tim mạch, suy thận, nhiễm trùng huyết hoặc viêm phổi, nhiễm toan Lactic, viêm hô hấp trên, bệnh đường tiêu hóa hoặc chỉ đơn thuần rối loạn lo âu.

Khi nào người bệnh đái tháo đường xuất hiện triệu chứng khó thở?​


Triệu chứng khó thở có thể xuất hiện trên người bệnh đái tháo đường trong những trường hợp sau:

1. Nhiễm toan Ceton do đái tháo đường​


Đái tháo đường là tình trạng cơ thể thiếu hụt Insulin hoặc hoạt động của Insulin không hiệu quả. Insulin là loại Hormone được tuyến tụy sản xuất, có vai trò phân giải chất Carbohydrat của thức ăn và tạo năng lượng cho cơ thể.

Nhiễm toan Ceton do đái tháo đường xảy ra khi cơ thiếu hụt Insulin trầm trọng và không được điều trị bằng Insulin ngoại sinh, đặc biệt khi có các Stress cấp tính của cơ thể như nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật. Lúc đó, cơ thể sẽ sử dụng chất béo để tạo năng lượng, sản phẩm chuyển hóa gọi là thể Ceton. Ceton thường được thận đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi các thể Ceton hình thành quá nhanh vượt qua khả năng đào thải của thận thì lượng chất này sẽ tăng cao trong máu, gây nhiễm toan. Cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách cố gắng thải lượng Ceton này qua đường hô hấp, gây tình trạng thở nhanh và người bệnh có cảm giác khó thở. (1)

Nhiễm toan Ceton do đái tháo đường là biến chứng cấp tính nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể gây hôn mê, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, người bệnh đái tháo đường nghi nhiễm toan Ceton cần đến cơ sở gần nhất để được điều trị kịp thời.

2. Bệnh tim mạch​


Ở người bệnh đái tháo đường, triệu chứng khó thở còn có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên người bệnh đái tháo đường. Nếu kiểm soát đường huyết không tốt, lượng đường trong máu tăng cao lâu ngày sẽ gây xơ vữa toàn bộ hệ mạch máu và rối loạn chức năng thần kinh trong cơ thể, trong đó có các mạch máu và thần kinh chi phối hoạt động của tim. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc các biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim. Đái tháo đường cũng là yếu tố nguy cơ gây suy tim – tim không thực hiện tốt chức năng của mình là tống máu đi nuôi cơ thể. Các bệnh này đều có thể gây nên triệu chứng khó thở cho người bệnh. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp là đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi,… Khi có các triệu chứng trên, người bệnh đái tháo đường nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch nghiêm trọng. (2)

khó thở ở người bệnh đái tháo đường là dấu hiệu của bệnh tim mạch
Triệu chứng khó thở ở người bệnh đái tháo đường còn có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

3. Suy thận​


Suy thận mạn là biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, với tỷ lệ lên đến 40%. Theo thời gian, tình trạng đường huyết không ổn định sẽ làm thận giảm khả năng đào thải các chất cặn bã cũng như giảm thải nước gây ứ dịch trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của tim phổi và gây nên triệu chứng khó thở. Tình trạng này lâu dần có thể đưa đến suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận (chạy thận định kỳ, lọc màng bụng hoặc ghép thận) để duy trì sự sống. (3)

Ngoài ra, suy thận mạn còn có thể gây thiếu máu do thận là nơi tiết Hormone có vai trò kích thích tủy xương tạo máu. Thiếu máu là tình trạng cơ thể thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển Oxy. Vì vậy, tình trạng thiếu máu càng nặng, sự thiếu Oxy càng lớn gây nên triệu chứng khó thở.

4. Ngưng thở khi ngủ​


Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia của nước Anh (NHS), người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao gấp 3 lần người không mắc đái tháo đường. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ liên quan đến sự ngừng hoạt động thở thường xuyên trong khi ngủ. Tình trạng này khiến nồng độ Oxy trong máu thấp, gây ảnh hưởng đến chức năng của não và tim, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó khó thở là triệu chứng có thể gặp. Các triệu chứng khác ở người bệnh ngưng thở khi ngủ như: ngủ ngày nhiều, ngáy to và thường ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở, hay thức giấc về đêm, cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, giảm tập trung vào ban ngày.

5. Viêm phổi​


Biểu hiện thường gặp nhất của viêm phổi là khó thở, ngoài ra người bệnh có thể ho, khạc đờm, sốt cao, đau ngực… Do cơ địa người đái tháo đường vốn dĩ đã giảm khả năng đề kháng, viêm phổi ở người đái tháo đường thường dễ diễn biến nặng và khó điều trị. Vì vậy, người đái tháo đường kèm ho, sốt, khó thở nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (4)

Viêm phổi ở người đái tháo đường thường
Viêm phổi ở người đái tháo đường thường dễ diễn biến nặng và khó điều trị do giảm khả năng đề kháng.

6. Nhiễm trùng huyết​


Một trong các biểu hiện nặng của nhiễm trùng huyết ở người đái tháo đường là suy hô hấp. Do đó, người đái tháo đường nếu cảm thấy sốt, mệt mỏi, bỏ ăn, khó thở tăng dần nên kịp thời đến cơ sở y tế có điều kiện tốt, trang thiết bị hiện đại để được khám và cứu chữa kịp thời, vì bệnh nhiễm trùng huyết thường nặng và có tỉ lệ tử vong cao.

7. Nhiễm toan Lactic​


Nhiễm toan Lactic có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng. Với người đái tháo đường, nhiễm toan Lactic có thể đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống nếu người mắc đái tháo đường có mức lọc cầu thận thấp và dùng thuốc nhóm Biguanide liều không tương thích. Phenformin (loại thuốc cấm) được ẩn danh dưới nhiều hình thức như “thuốc tàu”, “thuốc 7 màu” đang bán tràn lan trên thị trường trôi nổi như “thần dược trị tiểu đường”. Người bệnh dùng nhóm Biguanide nếu nhiễm toan Lactic thường có tỉ lệ tử vong cao, cần được lọc máu mới hy vọng cứu được tính mạng.

8. Bệnh vùng đầu mặt cổ, hệ tiêu hóa​


Một số trường hợp người tiểu đường mắc các bệnh ở khu vực lân cận như viêm Amydales nặng, viêm giáp hoặc bướu giáp to gây chèn ép khó thở khi nằm hoặc viêm dạ dày, nhiễm Helicobacter trong dạ dày cũng cảm thấy khó thở. Vì vậy, người bệnh nếu cảm thấy khó thở, không tìm được các nguyên nhân khác nên đi khám bác sĩ để xem xét các nguyên nhân hiếm gặp này.

9. Tiểu đường khó thở do tâm lý​


Một số người có rối loạn lo âu, khó thở đôi khi chỉ do vấn đề tâm lý khi người bệnh trải qua sự cố sức khỏe như “đường huyết cao làm tôi khó thở”. Tuy nhiên, để loại trừ các vấn vấn đề nghiêm trọng đang thực sự diễn ra trong cơ thể, người tiểu đường cảm thấy khó thở nên đi khám để loại trừ các nguyên nhân bệnh trước khi khẳng định do tâm lý.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường hội tụ các bác sĩ nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời cho người bệnh.

Tóm lại, triệu chứng khó thở ở người đái tháo đường có thể biểu hiện của bệnh nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần cảnh giác và đi khám sớm khi có triệu chứng này. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm gây nên triệu chứng khó thở bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, duy trì cân nặng hợp lý cũng như thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh.

Xem tiếp...
 
Top Bottom