SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Khí quản là gì? Cấu tạo, vị trí ở đâu, chức năng và cách hoạt động

Ngọc Khuê

Tích Cực
Trong hệ thống hô hấp, khí quản là bộ phận quan trọng. Khí quản nối thanh quản với phế quản. Vậy khí quản nằm ở đâu? Khí quản có đặc điểm gì? Khí quản có chức năng gì?

Khí quản là gì


Khí quản là gì?​


Khí quản là một bộ phận của đường hô hấp dưới cùng với phế quản, tiểu phế quản, tiểu phế quản hô hấp và phổi. Nhiệm vụ chính của khí quản là đưa không khí đi vào và ra khỏi phổi. Ở người trưởng thành, khí quản có đường kính xung quanh khoảng 1,2cm, dài khoảng 16cm.

Cấu tạo khí quản​


Cấu tạo khí quản bao gồm 16 – 20 sụn khí quản ở phía trước và một thành sợi cơ ở phía sau. Sụn khí quản được cấu tạo bởi sụn Hyaline và được kết nối bằng mô sợi đàn hồi. Sụn khí quản hỗ trợ khí quản và giữ cho khí quản mở trong quá trình thay đổi áp suất đi kèm với thông khí. Thành sau của khí quản được kết tạo từ cơ khí quản, làm cho các sụn trông giống các vòng hình chữ C không hoàn chỉnh. Nhờ cấu trúc thành này, khí quản có đủ độ đàn hồi và linh hoạt để cho phép thực quản giãn nở tạm thời trong quá trình nuốt. (1)

Khí quản nối tiếp từ dưới thanh quản và chia thành 2 phần:

  • Phần cổ: Phần cổ của khí quản bắt đầu ở bờ dưới của sụn nhẫn (thanh quản) nằm ngang mức đốt sống C6, kết thúc ở mức ngang của xương ức.
  • Phần ngực: Phần ngực của khí quản nằm trong trung thất trên của ngực, bắt đầu từ lỗ ngực trên, kết thúc tại vị trí chia đôi khí quản. Nơi phân nhánh có thể nằm tại bất kỳ vị trí nào giữa đốt sống ngực thứ 7 và thứ 4. Thông thường, nơi phân nhánh nằm ở ngang mức góc xương ức và đốt sống T5.
Khí quản có độ đàn hồi và linh hoạt giúp thực quản giãn nở
Khí quản có độ đàn hồi và linh hoạt giúp thực quản giãn nở tạm thời trong quá trình nuốt.

Cấu tạo mô học của khí quản​


Cấu tạo mô học khí quản gồm có 4 lớp. Niêm mạc đại diện cho lớp trong cùng, được lót bằng biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển (biểu mô lót ở đường hô hấp). Lớp dưới niêm mạc là lớp mô học thứ hai, bao gồm các mô liên kết chứa các tuyến chất nhầy, mạch máu, cơ trơn, bạch huyết và dây thần kinh. Lớp thứ ba là lớp cơ sụn, đại diện bởi những vòng sụn và cơ trơn xen kẽ. Ngoài cùng là lớp màng sợi đàn hồi. (2)

Vị trí khí quản nằm ở đâu?​


Vị trí khí quản nằm bên dưới thanh quản, ở cổ dưới và ngực trên; phía sau rãnh tại cổ họng dưới, giữa mép trong của xương đòn; ở giữa các thùy trên của phổi, phía trước thực quản (phần ống dẫn thức ăn đi từ miệng đến dạ dày). (3)

Khí quản có chức năng gì?​


Khí quản có vai trò là đường dẫn không khí chính từ đường hô hấp đến phổi. Trong quá trình hít vào, hầu hết các hạt bụi xâm nhập vào đường thở bị giữ lại ở lớp chất nhầy mỏng phí trên thành khí quản. Tiếp đó, các hạt được lông mao di chuyển lên miệng – nơi chúng có thể bị nuốt hoặc ho đẩy ra ngoài.

Những phần sụn hình chữ U lót khí quản rất linh hoạt, có thể mở đóng đôi chút như khí quản. Cơ ở phía sau các vòng co lại, thư giãn. Các cơn co thắt nhỏ này xảy ra như một phần của quá trình hô hấp (thở) thông thường.

Nếu bất kỳ chất lỏng, vật thể, chất kích thích nào lọt vào khí quản, gây ho để đẩy chất đó ra ngoài khí quản. Các cơn co thắt này cũng có thể được thực hiện có mục đích như ho có kiểm soát để làm thông đường thở của người bị xơ nang hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). (4)

chức năng của khí quản
Dẫn không khí từ đường hô hấp đến phổi là chức năng của khí quản.

Khí quản hoạt động như thế nào?​


Khí quản hoạt động với phần còn lại của hệ hô hấp để giúp duy trì hoạt động thở. Khi một người hít vào, không khí chuyển động: từ mũi, miệng đi vào khí quản đến phế quản trái, phải; qua phế quản, tiến vào các tiểu phế quản trong phổi; vào những túi nhỏ trong phổi (phế nang) – nơi cơ thể trao đổi Oxy để lấy Carbon Dioxide (trao đổi khí). (5)

Tình trạng ảnh hưởng đến khí quản​


Khí quản là bộ phận dễ bị tổn thương bởi bất kỳ chất nào được hít vào. Các chất đó có thể làm hỏng các mô và tác động đến hệ hô hấp. Một vài bệnh nhiễm trùng và vấn đề sức khỏe khác cũng có thể tác động đến khí quản.

1. Các vấn đề phổ biến​


Một vài triệu chứng và dấu hiệu có thể chỉ ra vấn đề ở khí quản, bao gồm:

  • Khó thở.
  • Ho (có thể bao gồm triệu chứng ho ra máu).
  • Thở khò khè.
  • Khàn tiếng.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và/ hoặc hen suyễn điều trị không thuyên giảm.
  • Khó nuốt.
  • Khi thở có tiếng ồn the thé.

Tình trạng khó nuốt, khó thở cần được thăm khám sớm; ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp.

2. Nghẹt thở​


Ho là cách giúp cơ thể loại bỏ những chất lạ ra khỏi phổi, khí quản, cổ họng. Trường hợp một vật thể không thể thoát ra khỏi khí quản, người bệnh có thể bị nghẹn. Nghẹt thở nghiêm trọng khiến Oxy không vào phổi, gây ngất xỉu, ngưng thở, thậm chí tử vong.

Việc chăm sóc khẩn cấp như thực hiện thao tác Heimlich (tạo ra một áp lực mạnh tại đường dẫn khí nhằm đẩy dị vật đang gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên) hoặc phẫu thuật mở khí quản để làm sạch khí quản, khai thông đường thở. Mức độ tắc nghẽn không đe dọa tính mạng có thể được chữa trị bằng kỹ thuật nội soi phế quản. Kỹ thuật này dùng một ống soi mềm, có gắn Camera ở đầu ống, đưa xuống cổ họng, hầu, thanh quản, phế quản để tìm kiếm và loại bỏ dị vật.

thức ăn không thể thoát ra khỏi khí quản
Khi một vật thể như thức ăn không thể thoát ra khỏi khí quản, người bệnh có thể bị nghẹn.

3. Viêm khí quản​


Viêm khí quản là bệnh thường xảy ra ở trẻ em. Nguyên nhân gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền từ đường hô hấp trên. Vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu vàng), Streptococcus (phế cầu) là tác nhân phổ biến gây ra bệnh viêm khí quản. Bệnh viêm khí quản có thể khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp nguy hiểm, vì bất kỳ tình trạng viêm nào xuất hiện ở khí quản cũng đều có thể gây tắc nghẽn, thậm chí làm trẻ ngưng thở (trong một số trường hợp).

Khò khè the thé do tắc nghẽn/hạn chế đường thở (thở rít) là dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khí quản. Viêm thanh khí phế quản là một bệnh lý truyền nhiễm, viêm nhiễm có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường thở ở trẻ em. Viêm khí quản do vi khuẩn thường được chữa trị bằng thuốc kháng sinh. Các trường hợp nghiêm trọng cần sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, đặt nội khí quản, thở máy để hỗ trợ cho việc thở.

4. Rò khí quản thực quản​


Lỗ rò khí quản thực quản là một “lối đi” bất thường giữa thực quản và khí quản. Thông qua lỗ rò này, thức ăn có thể đi vào bên trong phổi qua khí quản. Lỗ rò có thể dẫn đến tình trạng nghẹt thở, khó thở, nôn. Viêm phổi hít có thể là biến chứng của bệnh rò khí quản thực quản.

Rò xuyên thực quản rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra do ung thư, chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh khiến thực quản hình thành không hoàn chỉnh (bị teo thực quản). Khoảng 1 trên 4.000 trẻ em ở Mỹ sinh ra với lỗ rò khí quản thực quản. Hầu hết các trường hợp này có thể được chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật.

5. Hẹp khí quản​


Khí quản bị tổn thương có thể hình thành sẹo, khiến đường thở thu hẹp (hẹp khí quản). Hẹp khí quản có thể khiến người bệnh bị khó thở, thở rít, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức. Nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp khí quản bao gồm: bướu cổ, hội chứng Amyloidosis (bệnh thận bột), bệnh Sarcoidosis (bệnh u hạt), ung thư hạch ngực, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, bệnh bạch cầu và những căn bệnh đường hô hấp nghiêm trọng khác.

Khoảng 1 – 2% số người đặt nội khí quản, thở máy gặp chứng hẹp khí quản. Những người bệnh cần thông khí kéo dài có nguy cơ bị hẹp khí quản cao hơn cả. Bệnh lý này có thể được điều trị bằng kỹ thuật đặt Stent và nong khí quản. Trường hợp nghiêm trọng có thể cần khắc phục bằng phương pháp phẫu thuật.

Bướu cổ có thể gây ra tình trạng hẹp khí quản
Bướu cổ có thể gây ra tình trạng hẹp khí quản.

6. Nhuyễn khí quản​


Nhuyễn khí quản là vấn đề hiếm gặp khi khí quản tự xẹp xuống lúc thở và ho. Nhuyễn khí quản thường xảy ra khi đặt nội khí quản kéo dài, hay do biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (vì sụn khí quản bị mòn dần do tình trạng ho, viêm mạn tính).

Bệnh nhuyễn khí quản cũng có thể tác động đến trẻ sơ sinh nếu trẻ bị yếu sụn khí quản bẩm sinh. Các triệu chứng bao gồm: có tiếng thở lạch cạch, thở rít… Người bị nhuyễn khí quản (do mắc phải) có thể cần tiến hành phẫu thuật để điều chỉnh, hỗ trợ đường thở đã suy yếu. Nhuyễn khí quản bẩm sinh hiếm khi cần thực hiện phẫu thuật, chứng bệnh này thường tự khỏi khi trẻ được 2 tuổi.

7. Ung thư khí quản​


Bệnh ung thư khí quản cực kỳ hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở khoảng 1/500.000 người. Đa phần là ung thư biểu mô tế bào vảy do hút thuốc lá. Ung thư bắt đầu ở những cấu trúc lân cận như thực quản, phổi, tuyến giáp, đôi khi có thể di căn đến khí quản.

Các khối u không phải là ung thư (dạng lành tính) như u nhú, u sụn cũng có thể hình thành bên trong khí quản. Mặc dù lành tính nhưng những khối u này có thể ngăn chặn đường thở, tác động đến hệ hô hấp, gây hẹp đường thở.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u khí quản (có hoặc không xạ trị) là phương pháp chữa trị được ưu tiên. Một số người bệnh ung thư khí quản có thể được chữa trị bằng phương pháp xạ trị. Hóa trị bằng tia xạ thường được áp dụng khi không thể cắt bỏ khối u.

Ung thư khí quản chỉ xuất hiện ở khoảng 1 trên 500.000 người
Ung thư khí quản chỉ xuất hiện ở khoảng 1 trên 500.000 người.

Điều trị chức năng khí quản​


Tình trạng nhiễm trùng, chấn thương hay những bệnh lý về khí quản có thể làm tổn thương đường thở và không phải lúc nào cũng có thể điều trị khỏi (ví dụ bệnh hẹp khí quản). Trong trường hợp này, các vết sẹo hình thành thường là vĩnh viễn. Sau khi tình trạng chấn thương khí quản được chữa trị, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp để sửa chữa hoặc hỗ trợ chức năng.

1. Vật lý trị liệu ngực​


Đa phần trẻ em bị nhuyễn khí quản sẽ khỏi bệnh khi được 3 tuổi, nên việc chữa trị thường chỉ mang tính chất hỗ trợ. Thực hiện vật lý trị liệu ở ngực (CPT) để giúp người bệnh thở, đảm bảo đường thở luôn thông thoáng có thể hữu ích. Dao động/rung, gõ ngực, thở sâu, ho có kiểm soát là các ví dụ về những kỹ thuật có thể được dùng. Máy tạo độ ẩm, thiết bị áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) cũng có thể được bác sĩ sử dụng.

Đôi khi vật lý trị liệu ở ngực được ứng dụng cho người lớn bị nhuyễn khí quản hoặc tắc nghẽn/hạn chế đường thở mạn tính. Thường xuyên luyện tập thể dục khoảng 20 – 30 phút/lần, 5 lần/tuần cũng có thể mang đến lợi ích.

2. Nong khí quản và đặt Stent​


Trong một vài trường hợp bị hẹp khí quản, Bougie (dụng cụ giống ống hình trụ mỏng bằng nhựa, cao su, kim loại hoặc vật liệu khác) được bác sĩ đưa vào khí quản khi nội soi phế quản và tiến hành mở rộng bằng bóng để làm giãn (mở) đường thở. Tiếp đó, bác sĩ đưa một ống bọc bằng Silicon hoặc kim loại cứng (Stent) vào để giữ cho khí quản mở. Thông thường, phương pháp nong khí quản và đặt Stent chỉ được dùng khi không thể làm phẫu thuật. Đa phần các thủ thuật có thể được thực hiện ở cơ sở y tế chuyên khoa và chỉ cần sử dụng thuốc gây mê tác dụng ngắn (như Propofol).

3. Liệu pháp cắt bỏ​


Thông thường, chứng hẹp đường thở có thể được chữa trị bằng cách tiến hành loại bỏ bất kỳ mô sẹo nào bị co rút gây hẹp đường thở. Kỹ thuật này có thể giúp giải phóng các mô bị rút lại, hỗ trợ người bệnh dễ dàng hơn. Những kỹ thuật xâm lấn bao gồm liệu pháp Laser (dùng chùm ánh sáng hẹp), liệu pháp áp lạnh (chườm lạnh), đốt điện (dùng điện), Plasma Argon (dùng khí Argon), xạ trị áp sát (dùng bức xạ). Liệu pháp cắt bỏ thường có thể được thực hiện ở cơ sở ngoại trú với thuốc an thần tác dụng ngắn. Mặc dù việc áp dụng liệu pháp cắt bỏ có thể thành công nhưng các tác dụng phụ như ho, đau, nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra.

4. Sửa chữa lỗ rò​


Hầu hết các trường hợp bị rò khí quản thực quản được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Kỹ thuật đặt Stent khí quản cũng được áp dụng nhưng Stent có thể trượt và cần được đặt lại đúng vị trí hoặc thay thế.

Do đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị cho hiệu quả lâu dài. Sau khi khâu lỗ rò lại, bác sĩ có thể ghép thêm da/cơ có đủ độ dày để giúp ngăn lỗ rò mở ra lần nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra biến chứng sau phẫu thuật sửa chữa lỗ rò lại rất cao, chiếm khoảng 32 – 56%. Những biến chứng thường gặp bao gồm nhiễm trùng vết thương, tắc nghẽn đường thở, viêm phổi, mở lại lỗ rò.

phẫu thuật rò khí quản thực quản
Hầu hết trường hợp rò khí quản thực quản cần được sửa chữa bằng phương pháp phẫu thuật.

5. Cắt bỏ khí quản​


Cắt bỏ và tái tạo khí quản (TRR) là kỹ thuật phẫu thuật mở được dùng để loại bỏ các khối u khí quản, chữa trị chứng hẹp/rò nghiêm trọng sau khi đặt nội khí quản. Kỹ thuật này liên quan đến việc loại bỏ một phần đường thở. Các đầu đã bị cắt được bác sĩ khâu nối lại bằng chỉ khâu. Để tái tạo, bác sĩ đặt một mảnh sụn nhỏ (lấy từ phần khác của cơ thể) để tạo lại khí quản. Cắt bỏ và tái tạo khí quản là cuộc phẫu thuật lớn, người bệnh cần khoảng 2 – 3 tuần để hồi phục. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm rò/hẹp sau phẫu thuật hay rối loạn chức năng dây thanh âm.

6. Tái tạo khí quản​


Một số thủ thuật được dùng để chữa trị chứng hẹp phần trên của khí quản gần với thanh quản. Những thủ thuật này bao gồm việc loại bỏ phần mô đang bị bệnh và cấy ghép da dày toàn bộ từ đùi. Người bệnh cần làm các thủ thuật này ở cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng giỏi chuyên môn (nếu được khuyến nghị thực hiện).

7. Mở khí quản​


Mở khí quản hay phẫu thuật mở khí quản là thủ thuật đưa ống thở vào khí quản thông qua vết mổ tại cổ họng:

  • Mở khí quản: Đây là phương pháp tạo lỗ mở vĩnh viễn bên trong khí quản. Thủ thuật có thể được ứng dụng cho người bệnh chấn thương thanh quản, hẹp thanh quản, cắt thanh quản; chấn thương tủy sống nghiêm trọng, khó khăn khi tự thở hoặc mắc bệnh phổi ở giai đoạn cuối.
  • Phẫu thuật mở khí quản: Phương pháp này tạo ra lỗ mở tạm thời ở khí quản. Áp dụng cho những trường hợp khẩn cấp như người bệnh viêm nắp thanh quản hoặc chấn thương thành ngực…; người bệnh ung thư cổ, đầu được làm phẫu thuật cắt bỏ, tái tạo triệt để.

Hai phương pháp này cũng có thể được áp dụng trong trường hợp người bệnh không đặt nội khí quản qua miệng/mũi hoặc khi cần dùng máy thở dài hạn.

Cách giữ cho khí quản khỏe mạnh​


Để giữ cho khí quản, phổi cũng như toàn bộ hệ hô hấp được mạnh khỏe, mỗi người có thể áp dụng một số cách dưới đây:

  • Duy trì mức cân nặng cân đối, hợp lý, khỏe mạnh.
  • Tránh hút thuốc.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc và thay bộ lọc không khí.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Dùng thiết bị bảo hộ như khẩu trang nếu thường xuyên tiếp xúc với khói, hóa chất, bụi, chất gây dị ứng.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Khí quản có chức năng chính là đưa không khí vào phổi. Một số vấn đề, bao gồm tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của khí quản. Ngay khi gặp triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ở khí quản như khó thở, khó nuốt… người bệnh cần nhanh chóng đến khám tại các chuyên khoa Hô hấp hoặc các cơ sở y tế đa khoa uy tín.

Xem tiếp...
 
Top Bottom