Võ Thị Yến Linh
Fan Cứng
Chủ nhật, 24/3/2024, 13:20 (GMT+7)
Hà NộiHọc sinh hóa thân thành Chí Phèo - Thị Nở và những nhân vật trong tác phẩm văn học, khiến nghệ sĩ Xuân Bắc và nhà văn Sương Nguyệt Minh bất ngờ.
Diễn viên đóng vai Thị Nở mặc váy đụp, tay xách hai chum nước vung vẩy, hai chân khệnh khạng bước đi. Trông thấy bóng mình dưới nước, Thị Nở bỗng hét lên: "Đứa nào ở dưới sông thế nhỉ? Thôi đúng rồi, đúng là Nở rồi! Sao hôm nay trông mình xinh thế nhỉ?", Thị Nở tự nói, rồi lăn kềnh ra ngủ dưới gốc cây chuối.
Lối diễn hài hước của nữ sinh đóng vai Thị Nở khiến khoảng 1.000 người dưới hội trường vỗ tay tán thưởng. Chí Phèo sau đó xuất hiện trong điệu bộ say rượu, dáng đi xiêu vẹo. Anh Chí bắt gặp Thị Nở đang hớ hênh ngủ, liền mon men đến thơm vào trán, rồi hai bên xảy ra cãi vã.
Tác phẩm do các học sinh lớp 11A2 chuyên Anh dàn dựng sau đó được thể hiện trọn vẹn trên sân khấu, với những chi tiết đắt giá như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại, Chí nhận bát cháo hành từ Thị Nở hay đâm Bá Kiến.
Chí Phèo (truyện ngắn Chí Phèo - Nam Cao) là một trong 14 tiết mục trong đêm chung kết Sân khấu hóa tác phẩm Văn học của trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tối 23/3.
Nếu tiết mục này mang đến những suy ngẫm sau tràng cười sảng khoái thì Cáo Bình Ngô (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) lại mang đến cảm xúc tự hào dân tộc. Áng thiên cổ hùng văn, được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam, được các học sinh lớp 11A1 chuyên Anh dàn dựng công phu, đầu tư về trang phục, đạo cụ và hiệu ứng ánh sáng.
Đóng vai vua Lê Lợi, Phạm Duy Hưng, lớp 11A1, cho biết vở diễn có sự tham gia của 43 thành viên trong lớp. Tất cả hào hứng nhập vai và nghiêm túc luyện tập đến 19h hàng ngày ở trường, trong suốt một tháng. Khó khăn nhất khi thể hiện tác phẩm là phải thả hồn vào nhân vật và giọng đọc sao cho hào hùng.
"Em xem phim tư liệu lịch sử, lên YouTube xem đọc thơ cáo rồi đọc lại bài cáo trong sách, kết hợp tự luyện phát âm ở nhà", Hưng nói. "Cách học thông qua sân khấu hóa tác phẩm giúp em và các bạn hiểu về lịch sử và thêm yêu thích môn Văn".
Phạm Duy Hưng (giữa) đóng vai vua Lê Lợi trong tiết mục Cáo Bình Ngô, tối 23/3. Ảnh: Bình Minh
Không khí của buổi công chiếu có lúc chùng xuống, như khi hai học sinh lớp 11 C1 thể hiện vở Người ở bến sông Châu (truyện ngắn Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh). Truyện kể về mối tình đẹp của dì Mây và chú San, nhưng hai người phải chia tay khi chú San đi học ở nước ngoài, còn dì Mây xung phong làm y tá ở Trường Sơn.
Ngày Mây trở về cũng là ngày người yêu lấy vợ. Tình huống truyện éo le làm nổi bật những mất mát của người phụ nữ trong và sau chiến tranh, đồng thời thể hiện phẩm chất thủy chung, nhân hậu, vị tha của họ, khiến người xem xúc động.
Chứng kiến học sinh tái hiện tác phẩm của mình trên sân khấu, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận xét các em chuyên nghiệp và "diễn hay hơn cả truyện ngắn tôi viết". Ông cho biết khác với cách học Văn thời xưa chỉ biết đọc và chép, ngày nay học sinh được thể hiện, nhập vai vào nhân vật, đưa lên sân khấu các tác phẩm văn học.
"Đấy là điều tôi rất mừng", ông chia sẻ.
Là giám khảo, nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi xem trình diễn.
"Các bạn quá tài năng, hồn nhiên và quá oách. Tôi ngưỡng mộ", nghệ sĩ nói. Ngoài đưa ra các nhận xét, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam còn thị phạm diễn xuất và góp ý để những buổi công diễn sau thành công hơn.
Sân khấu hóa tác phẩm Văn học không chỉ giúp nâng cao năng lực cảm thục tác phẩm, khơi dậy khả năng sáng tạo của học sinh, mà còn là dịp để gắn kết học sinh và giáo viên, theo các thầy cô ở Tổ Xã hội, trường THPT chuyên Ngoại ngữ.
Đây là lần thứ 5, chương trình được tổ chức trên sân khấu lớn, dành cho học sinh lớp 10, 11. Năm nay, có 29 tiết mục ở vòng sơ loại. Học sinh được tính điểm dự án học tập khi tham gia.
Kết quả được trường công bố vào sáng 25/3.
Phân cảnh dì Mây và chú San hẹn ước trước khi xa nhau do hai học sinh lớp 11C1 thể hiện. Ảnh: CNN
Bình Minh
Xem tiếp...