SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Hẹp niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị

Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới, xảy ra do viêm nhiễm hoặc chấn thương đường tiết niệu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể gây những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh. Vậy hẹp niệu đạo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị ra sao?

hẹp niệu đạo


Hẹp niệu đạo là gì?


Hẹp niệu đạo là tình trạng niệu đạo thu hẹp do xơ sẹo của niệu mạc niệu đạo và thể xốp. Hẹp có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của niệu đạo, thậm chí hẹp ở nhiều vị trí trên cùng 1 người bệnh. Hẹp niệu đạo có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đoạn hẹp dài hay ngắn tùy thuộc vào nguyên nhân gây hẹp.

Người bệnh có cảm giác muốn đi tiểu lại ngay khi vừa đi vệ sinh hoặc đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp. Theo thời gian, hẹp niệu đạo có thể gây tổn thương bàng quang, thận; nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI); tiểu ra máu; ứ đọng nước tiểu trong thận. Tình trạng này ảnh hưởng chủ yếu ở nam giới. (1)

Nguyên nhân gây bệnh hẹp niệu đạo


Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh do niệu đạo dài hơn. Tình trạng này hiếm gặp ở phụ nữ và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân phổ biến gây hẹp niệu đạo thường do tình trạng viêm mạn tính hoặc chấn thương. Ngoài ra, mô sẹo có thể hình thành từ:

  • Viêm nhiễm: nhiễm trùng là biến chứng khi người bệnh sử dụng ống thông trong thời gian dài để dẫn lưu bàng quang. Tình trạng này có thể gây viêm các mô bên trong và xung quanh niệu đạo.
  • Tuyến tiền liệt phì đại: đã phẫu thuật cắt bỏ hoặc thu nhỏ tuyến tiền liệt phì đại.
  • Ung thư: hiếm khi ung thư niệu đạo hoặc ung thư tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây hẹp niệu đạo.
  • Chấn thương, tổn thương niệu đạo là nguyên nhân phổ biến gây hẹp niệu đạo. Ví dụ: tổn thương niệu đạo do quá trình thực hiện thủ thuật y tế như đặt thông niệu đạo, xạ trị hoặc té kiểu “cưỡi ngựa”… đều có thể dẫn đến hẹp niệu đạo sau này.
  • Bẩm sinh: một số trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục hoặc cấu trúc đường tiết niệu không đều, hình dạng bất thường. Những bé trai có lỗ tiểu thấp, lún dương vật, có nhiều khả năng bị hẹp niệu đạo.
  • Bệnh STDs: bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, Chlamydia có thể gây sẹo và hẹp niệu đạo.
  • Lichen xơ cứng: một tình trạng viêm khiến da mỏng, loang lổ, đổi màu, ảnh hưởng chủ yếu ở bộ phận sinh dục và hậu môn.
  • Có khoảng 30% trường hợp hẹp niệu đạo nhưng không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng hẹp niệu đạo thường gặp


Mỗi người sẽ có các triệu chứng khác nhau, tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng theo thời gian và mức độ hẹp của niệu đạo. Các triệu chứng bao gồm:

  • Giảm lưu lượng nước tiểu và phải cố rặn tiểu.
  • Nước tiểu phun thành 2 tia.
  • Nước tiểu chảy nhỏ giọt sau khi dòng nước tiểu chính kết thúc.
  • Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu.
  • Nước tiểu có máu hoặc sẫm màu.
  • Cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
  • Đi tiểu đau hoặc khó tiểu.
  • Tăng tần suất đi tiểu: người bệnh đi tiểu hơn 8 lần/ngày và hay tiểu đêm.
  • Đau vùng bụng dưới và xương chậu.
  • Giảm lực xuất tinh và lượng tinh dịch.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

triệu chứng hẹp niệu đạo


Tình trạng mắc bệnh ở từng phân khúc


Ai cũng có thể bị hẹp niệu đạo, tuy nhiên, tình trạng này phổ biến ở nam giới, hiếm gặp ở phụ nữ và trẻ em. (2)

1. Ở trẻ em


Ở trẻ em, niệu đạo hẹp có thể do dị tật bẩm sinh, cấu trúc đường tiết niệu bất thường. Bên cạnh đó, hẹp niệu đạo ở đối tượng này có thể là kết quả của tình trạng viêm, chấn thương hoặc phẫu thuật trước đó.

2. Ở nữ giới


Dù hẹp niệu đạo hiếm gặp ở nữ nhưng tình trạng này cũng gây các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: bí tiểu, dòng nước tiểu yếu, tần suất tiểu nhiều, tiểu gấp, khó tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Do những biểu hiện hiếm gặp và không đặc hiệu nên tình trạng này thường bị bỏ qua.

3. Ở nam giới


Hẹp niệu đạo xảy ra chủ yếu ở nam giới do cấu trúc niệu đạo dài hơn, do đó dễ gặp tổn thương và viêm nhiễm. Tình trạng hẹp kéo dài có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, ảnh hưởng chức năng sinh lý, liệt dương, thậm chí vô sinh, suy thận.

Hẹp niệu đạo có nguy hiểm không?


Hẹp niệu đạo là một bệnh khá nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, về lâu dài dẫn đến những biến chứng như: nhiễm khuẩn bàng quang, tuyến tiền liệt, viêm thận, sỏi bàng quang, suy thận.

Biến chứng của tình trạng hẹp niệu đạo


Hẹp niệu đạo có thể ngăn không cho dòng nước tiểu đi qua, từ đó gây bí tiểu đột ngột, tình trạng này cần điều trị nhanh chóng. Ngoài ra, hẹp niệu đạo cũng gây một số biến chứng khác như:

  • Nhiễm khuẩn ngược dòng lên thận, niệu quản do nước tiểu ứ đọng tại bàng quang.
  • Nước tiểu ứ đọng lâu ngày có thể rò rỉ ở tầng sinh môn hoặc vùng da bìu, hình thành áp xe, túi thừa bàng quang, thậm chí suy thận.
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới: liệt dương, xuất tinh sớm, vô sinh.
  • Hẹp niệu đạo kéo dài nhưng không điều trị có thể gây tổn thương bàng quang hoặc thận vĩnh viễn.
  • Ung thư niệu đạo là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp của tình trạng hẹp niệu đạo lâu năm.
biến chứng của hẹp niệu đạo
Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh do niệu đạo dài

Khi nào cần gặp bác sĩ?


Người đang gặp tình trạng bí tiểu, tiểu khó, tiểu không hết, tiểu lắt nhắt, dòng nước tiểu yếu nhưng không rõ nguyên nhân, có tiền sử chấn thương vùng chậu hoặc tầng sinh môn, nên đến gặp bác sĩ để khám, tìm nguyên nhân điều trị sớm.

Tình trạng hẹp niệu đạo được chẩn đoán như thế nào?


Để chẩn đoán tình trạng hẹp niệu đạo, bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng người bệnh, sau đó chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Kiểm tra lâm sàng gồm khai thác tiền sử bệnh trước đó, triệu chứng gặp phải. Ví dụ, bác sĩ có thể sờ thấy khối phồng cứng vùng bụng dưới hoặc đoạn xơ sẹo nếu đoạn hẹp nằm ở niệu đạo dương vật.

Các xét nghiệm cận lâm sàng gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, máu hoặc ung thư trong nước tiểu.
  • Đo niệu dòng đồ: xét nghiệm giúp đánh giá lưu lượng nước tiểu. Thông thường lưu lượng nước tiểu tối đa khoảng 15ml/s, nếu nhỏ hơn cho thấy có dấu hiệu tắc nghẽn ở niệu đạo.
  • Chụp X-quang niệu đạo nhằm xác định độ dài đoạn hẹp. Hình ảnh từ phim chụp có thể cho thấy nhiều đoạn hẹp cùng lúc.
  • Soi niệu đạo bàng quang: sử dụng một ống nội soi sợi quang nhỏ, có thể uốn cong. Bôi trơn và đưa ống soi vào niệu đạo người bệnh sau khi họ được gây tê cục bộ để xem xét vị trí và hình dạng của chỗ hẹp. Với niệu đạo bình thường thiết bị soi có thể đưa vào bàng quang 1 cách dễ dàng, tuy nhiên, đoạn hẹp có thể làm cản trở máy soi.

Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo


Tùy vị trí và mức độ hẹp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Với hẹp niệu đạo, các phương pháp điều trị gồm: đặt ống thông, nong niệu đạo, phẫu thuật tạo hình, cắt bỏ đoạn hẹp bằng dao cắt nội soi hoặc laser, đặt stent.

1. Nong niệu đạo


Đây là phương pháp điều trị thích hợp với đoạn hẹp ngắn, mức độ không đáng kể. Bác sĩ sử dụng 1 bộ dụng cụ bằng kim loại làm giãn đoạn hẹp thông qua tiền mê hoặc tê cục bộ. Để đảm bảo hiệu quả, phương pháp này cần được thực hiện nhiều lần.

2. Xẻ lạnh niệu đạo


Phương pháp này chỉ thích hợp với đoạn hẹp ngắn ngay vị trí niệu đạo hành. Bác sĩ dùng bộ dụng cụ kèm theo máy soi, soi tới vị trí hẹp và xẻ vị trí 12 giờ để niệu đạo rộng ra. Tuy nhiên, xẻ lạnh niệu đạo có tỷ lệ tái phát cao, người bệnh phải mổ lại nếu chọn phương pháp này.

3. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo


Một phẫu thuật phức tạp, có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm chuyên sâu. Tùy vị trí, mức độ hẹp mà có các phẫu thuật sau:

3.1 Tạo hình niệu đạo kiểu tận – tận


Áp dụng cho trường hợp hẹp niệu đạo ngắn, nhỏ hơn 2cm. Đoạn hẹp sẽ được cắt bỏ và nối 2 đầu tận với nhau bằng 1 hoặc 2 lớp.

3.2 Tạo hình bằng niêm mạc miệng


Áp dụng cho những đoạn hẹp dài hơn 2cm. Đoạn hẹp được xẻ dọc và dùng niêm mạc miệng cố định vào thể hang cùng với niệu đạo nguyên thủy quấn thành ống niệu đạo mới lớn hơn

3.3 Tạo hình niệu đạo bằng vạt da có cuống


Áp dụng cho những đoạn hẹp dài hơn 2cm. Đoạn hẹp được xẻ dọc, tách vạt da quy đầu hoặc da bìu có cuống mạch máu nuôi, cùng với niệu đạo nguyên thủy cuốn thành niệu đạo mới

Mức độ hẹp phức tạp, độ dài đoạn hẹp lớn hơn 10cm, tùy từng trường hợp cụ thể có thể kết hợp nhiều phương pháp tạo hình một lúc, đôi khi phải chủ động tạo hình 2 thì.

4. Đặt stent


Đây là phương pháp điều trị xâm lấn có thể dùng cho người bị hẹp niệu đạo nghiêm trọng nhưng không muốn phẫu thuật. Thủ thuật này có nguy cơ gây kích ứng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu nên hiếm khi được sử dụng.

  • Chuyển hướng dòng nước tiểu: trường hợp hẹp niệu đạo nghiêm trọng, người bệnh có thể phải thực hiện thủ thuật chuyển hướng dòng nước tiểu. Phẫu thuật này giúp điều hướng vĩnh viễn dòng nước tiểu đến một lỗ ở bụng. Việc chuyển hướng dòng nước tiểu được chỉ định thực hiện khi bàng quang tổn thương nghiêm trọng hoặc cần phải cắt bỏ.
  • Mở niệu đạo ra tầng sinh môn: đây là phương pháp áp dụng cho trường hợp hẹp niệu đạo trước tái phát, đã được phẫu thuật nhiều lần và không còn nguồn vật liệu để phẫu thuật tiếp. Người bệnh đồng ý với phẫu thuật này sẽ phải đi tiểu ngồi giống phụ nữ.

Biện pháp ngăn ngừa tình trạng hẹp niệu đạo


Có thể ngừa tình trạng hẹp niệu đạo bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Những biện pháp gồm:

  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với 1 bạn tình để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Đảm bảo an toàn khi tham gia các môn thể thao nguy hiểm hoặc những bài tập với cường độ mạnh, nhằm tránh gây tổn thương vùng chậu.
  • Xây dựng và duy trì lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến đường tiết niệu.
  • Nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến đường tiểu như tiểu nhiều, dòng nước tiểu yếu, tiểu đau; đau vùng bụng dưới; máu trong tinh dịch… Điều trị hẹp niệu đạo sớm có thể ngăn các biến chứng nguy hiểm lên thận và bàng quang.
phòng ngừa hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo có thể ngăn không cho dòng nước tiểu đi qua, từ đó gây bí tiểu đột ngột

Câu hỏi liên quan

1. Hẹp niệu đạo có đau không?


Hẹp niệu đạo có thể gây đau khi người bệnh đi tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương bàng quang hoặc thận vĩnh viễn, tái nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), tiểu ra máu, ứ đọng nước tiểu trong thận.

2. Hẹp niệu đạo có chữa được không?


Điều trị hẹp niệu đạo tùy thuộc vào kích thước, mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng này có thể tái phát sau điều trị và không thể chữa khỏi hoàn toàn.

3. Chi phí chữa trị hẹp niệu đạo bao nhiêu tiền?


Chi phí chữa trị hẹp niệu đạo có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào cơ sở y tế – nơi người bệnh lựa chọn thực hiện, tình trạng sức khỏe, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp và chi phí phù hợp. Điều quan trọng, người bệnh nên chọn những cơ sở y tế uy tín, trang bị máy móc hiện đại, phòng mổ vô khuẩn, bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh về đường tiết niệu.

Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh về đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với những thông tin hữu ích về hẹp niệu đạo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị? Tình trạng này không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Do đó, ngay khi có các triệu chứng như: xuất hiện máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu, tiểu nhiều, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, đau vùng bụng dưới hoặc xương chậu… người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra, điều trị sớm, ngăn các biến chứng nguy hiểm.

Xem tiếp...
 
Top Bottom