MUA BÁN

Chuyên đề: Kinh nghiệm pháp lý, mua bán, sang nhượng nhà đất, Kinh nghiệm thiết kế thi công, trang trí, Kinh nghiệm chọn sản phẩm giá tốt, Kinh nghiệm về ô tô, xe máy, xe điện, Kinh nghiệm ăn uống, khu nghỉ dưỡng, Kinh nghiệm bảo quản, chế biến món ăn

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
KINH DOANH - MUA BÁN
Tổng thành viên
86
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
22K
Tổng lượt xem
693K

Hàng loạt đại học top đầu Mỹ tăng học phí


Thứ tư, 27/3/2024, 16:06 (GMT+7)


Học phí năm học tới với sinh viên quốc tế ở 17 đại học trong top 50 của Mỹ khoảng 60.900-69.900 USD, tăng 3-9,9% so với năm ngoái.

Trong đó, Đại học Nam California, top 28 theo bảng xếp hạng US News, có mức thu cao nhất, hơn 69.900 USD mỗi năm. Thấp hơn một chút, ở mức quanh 68.000 USD là Cornell (top 12), Brown (top 9) và Dartmouth (top 18). Các trường còn lại đều có học phí trên 60.000 USD một năm.

Về tỷ lệ tăng, Đại học Rice (top 17) tăng 9,9% học phí so với năm ngoái, từ 57.200 USD lên 62.800. Đây là mức tăng cao nhất. Theo sau là Đại học Stanford (top 3) và John Hopkins (top 9), đều tăng khoảng 5%, lên 62.900 và 65.900 USD một năm.

Mức tăng thấp nhất thuộc về Đại học Virginia (top 24) với học phí khoảng 60.700 USD, tăng 3% so với năm ngoái.

Các mức trên hầu hết chỉ gồm riêng học phí. Nếu tính cả lệ phí, nhà ở và ăn uống, mức chi thực tế của mỗi sinh viên cao hơn.

Chẳng hạn, Đại học Emory tính mỗi sinh viên năm nay tốn khoảng 83.700 USD, còn ở Dartmouth là 87.700 USD. Tại Đại học Stanford (top 3) và Duke (top 7), chi phí trọn gói cũng khoảng 87.000 USD.

Lý giải nguyên nhân tăng học phí, phần lớn trường cho biết do lạm phát, tăng lương giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất. Như Đại học Brown đã tăng 4,5% lương cho giảng viên và nhân viên, mức cao nhất kể từ năm 2009, nhằm duy trì sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Còn MIT chi tiền thành lập Trung tâm tư vấn đại học (UAC) để hỗ trợ sinh viên trong học tập, tài chính và phát triển nghề nghiệp.

"Việc tăng học phí và lệ phí do chi phí tăng hàng năm, như tuyển giảng viên top đầu thế giới, mở rộng chương trình, hỗ trợ tài chính...", trích một thông báo của Đại học Pennsylvania (top 6) hồi cuối tháng 2.

Song song tăng học phí, các trường cam kết tăng hỗ trợ tài chính để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Đại học Stanford cho biết đã miễn học phí, sinh hoạt phí cho những gia đình có thu nhập dưới 100.000 USD vào năm ngoái. Tại MIT, Rice và Pennsylvania, những sinh viên trong gia đình có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD hưởng chính sách tương tự. Ở Duke, điều kiện về thu nhập là dưới 65.000 USD.

Dữ liệu của tổ chức xếp hạng US News từ 324 đại học ở Mỹ cho thấy chi phí đại học, bao gồm học phí và sinh hoạt phí, đã tăng suốt 20 năm qua.

Từ năm 2004 đến năm 2024, học phí đại học công lập Mỹ tăng 127-158%, tùy theo sinh viên ở trong hay ngoài bang. Trong khi đó, các trường tư không phân biệt học phí giữa sinh viên quốc tế và nội địa, tăng 132%.

Học phí tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng nợ sinh viên. Theo CNN, tổng số dư nợ của sinh viên ở Mỹ hiện là 1,6 nghìn tỷ USD. 43 triệu người Mỹ nợ nần vì học đại học, nhiều người phải gánh nợ đến khi nghỉ hưu.

Với sinh viên quốc tế, học phí tăng khiến việc theo đuổi giấc mơ Mỹ thêm phần khó khăn. Hầu hết họ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ như sinh viên bản địa, trong khi chỉ được làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần.

Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) cho biết năm học 2022/23, Mỹ nhận hơn một triệu sinh viên đến từ 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 11,5% so với năm học trước. Hơn 50% du học sinh chọn theo đuổi bằng cấp về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Tất cả đóng góp khoảng 40,1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Số lượng sinh viên Việt tại Mỹ khoảng 21.900, đứng thứ năm, đóng góp 816 triệu USD.

Doãn Hùng

Xem tiếp...
 
Top Bottom