THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
90
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
396K

Hạ gò má cao

Phương Nga

Tích Cực
ảnh đầu


Phẫu thuật hạ gò má cao là gì?​


Người Châu Á thường đặc trưng bởi xương gò má cao và đường viền hàm dưới nhô ra khiến cho khuôn mặt trông góc cạnh, không mềm mại và nữ tính. Qua nhiều thập kỷ nhận thức về cái đẹp đã thay đổi đáng kể với họ. Hình dạng khuôn mặt là yếu tố then chốt để có được một khuôn mặt đẹp, hấp dẫn và trẻ trung, điển hình với đường cong mềm mại hình trái xoan, nét chuyển tiếp mượt mà từ trán qua thái dương, xuống hai bên má xuống đến góc hàm, đường viền hàm và qua đến cằm mà không có điểm nào bị nhô ra hay lõm vào. Chính vì vậy, những năm gần đây nhu cầu hạ gò má cao ở người Châu Á ngày càng trở nên phổ biến.

Hạ gò má cao là một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ nhằm giảm độ rộng của vùng mặt trên, khắc phục tình trạng gò má nhô cao do thân xương gò má nổi rõ và cung gò má rộng. Quy trình này có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với các quy trình tạo đường nét khuôn mặt khác như thu gọn góc hàm dưới, tạo hình cằm hoặc độn trán để tạo gương mặt thọn gọn và thanh tú hơn.

Ưu và nhược điểm của phẫu thuật hạ gò má cao​


Ưu điểm

  • Thay đổi hình dạng gương mặt thêm ưa nhìn hơn
  • Chỉ thu giảm chiều rộng từ phía bên của khuôn mặt nên kết quả đạt được rất tự nhiên
  • Nếu được thực hiện bởi bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn thì hiếm khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng

Nhược điểm:

  • Mức độ giảm xương gò má nói chung bị hạn chế (nhiều nhất là 0,5 – 0,8cm mỗi bên)
  • Không phù hợp với những bệnh nhân có khuôn mặt quá rộng do xương gò má quá cao hoặc quá nổi bật
  • Cung và thân xương gò má cần được kéo chỉnh lại với nhau, do đó kết quả phụ thuộc vào chuyên môn và khả năng thẩm mỹ của bác sĩ

Gò má cao có thể được phân loại thành 3 loại cụ thể:

  • Loại 1 - còn gọi là gò má cao thực sự, đặc trưng bởi thân xương gò má và cung gò má nổi bật
  • Loại 2 – còn gọi là gò má cao giả - nổi bật do hai bên thái dương và má hóp sâu
  • Loại 3 – kết hợp cả hai loại trên.

Đối tượng phù hợp với phẫu thuật hạ gò má​

  • Bệnh nhân có xương gò má hoặc chiều rộng khuôn mặt nổi bật
  • Mong có gương mặt thon thả hoặc hình bầu dục trái xoan
  • Có mục tiêu và kỳ vọng thực tế về kết quả cải thiện vẻ ngoài khuôn mặt
  • Có thể chất khỏe mạnh, không có bất kỳ tình trạng y tế hoặc bệnh tật nào khác

Chuẩn bị trước phẫu thuật​

  • Xét nghiệm máu hoặc kiểm tra tổng quát trước để xác định xem có phù hợp với phẫu thuật thẩm mỹ hay không
  • Đánh giá các tình trạng y tế, khả năng dị ứng hoặc các quy trình điều trị y tế và phẫu thuật trước đó.
  • Tránh một số loại thuốc hoặc điều chỉnh các loại thuốc hiện tại đang uống của bệnh nhân
  • Tránh dùng aspirin hoặc một số loại thuốc nhất định hoặc các chất bổ sung thảo dược có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong 6 giờ trước phẫu thuật
  • Dừng hút thuốc hoặc uống rượu 2 -3 tuần trước khi phẫu thuật

Đánh giá trước phẫu thuật​


Mỗi bệnh nhân mong muốn hạ gò má cao sẽ có hình dáng khuôn mặt và đặc điểm xương gò má cao khác nhau. Xương gò má ở đây được xác định gồm hai phần: phần thân xương gò má (phía trước, từ gò má đến trán) và phần cung gò má (cung Zygoma) phía sau, ở hai bên mặt, nằm giữa thái dương và má.

Nếu gò má nhô ra phía trước: nghĩa là nhô ở phần thân xương gò má phía trước, trong trường hợp này khi nhìn khuôn mặt theo chiều ngang sẽ thấy phần gò má nhô ra rất rõ, do đó cần hạ bớt xương để thu gọn xương gò má vào phía trong.

Nếu gò má nhô/bạnh ra theo chiều ngang: nghĩa là nhô ở phần cung gò má theo chiều ngang, trong trường hợp này khi nhìn khuôn mặt từ phía trước sẽ thấy phần xương này nhô ra rất rộng, do đó cắt bớt cung gò má hai bên để thu hẹp độ rộng.

Trong hầu hết các trường hợp, cả hai phần thân xương và cung gò má đều nhô cao. Do đó, việc phẫu thuật hạ gò má phải được thực hiện trên cả hai phần xương này để giảm kích thước xương sao cho hợp lý nhất.

thân cung gò má


Điểm MMP và cách xác định vị trí lý tưởng của điểm MMP​


Trước khi phẫu thuật bác sĩ cần xác định điểm MMP (Maximum Malar Projection), là điểm nhô ra cao nhất tại gò má. Bác sĩ sẽ đánh dấu vị trí điểm MMP và quyết định xem cần di chuyển điểm này đến vị trí nào cho phù hợp. Thông thường điểm này phải nằm trên gò má phía trước mới đem lại gương mặt trông thon gọn, thanh tú, mặc dù vậy, vị trí lí tưởng của điểm MMP ở mỗi nhóm chủng tộc cũng có sự khác biệt. Dưới đây là hai phương pháp đơn giản để xác định được vị trí này:

  1. Điểm nhô cao nhất của xương gò má được xác định nằm ở giao điểm của hai đường, thứ nhất là đường nối góc mắt ngoài đến khóe miệng, và thứ hai là đường nối nền cánh mũi đến gờ bình tai. Vị trí mới là điểm nằm ngay gần giao điểm này ở góc phần tư trên – ngoài.
  2. Kéo một đường dọc đứng nối từ góc mắt ngoài xuống bờ dưới của hàm dưới. Điểm nhô cao nhất của gò má nằm ở vị trí 1/3 đường nối này.

diểm M


Các yếu tố cần cân nhắc trong quá trình phẫu thuật​


Có nhiều yếu tố khác nhau cần cân nhắc trong quá trình phẫu thuật.

Về phần thân xương gò má phía trước cần cân nhắc các yếu tố sau: (1) mức độ cắt xương, (2) mức độ dời vào trong, (3) mức độ dời về sau và (4) mức độ dời từ trên xuống dưới.

Về phía cung gò má cần cân nhắc mức độ dời vào trong và lượng xương cần mài ở vùng đằng sau của củ khớp.

Mô mềm trên mặt cũng là một thành phần quan trọng trong phương pháp hạ gò má và cần được xem xét kỹ lưỡng trước và trong quá trình phẫu thuật. Ở những người có da mỏng, trắng và ít mỡ má thì những thay đổi sau ca phẫu thuật xương sẽ rõ rệt hơn trong khi nguy cơ chảy xệ mô mềm lại thấp. Đây là nhóm đối tượng phù hợp nhất với phương pháp hạ gò má. Nếu bệnh nhân có nhiều mô mềm vùng má hoặc da dày thì nguy cơ má chảy xệ sau phẫu thuật sẽ cao hơn. Bệnh nhân cần được thông báo về khả năng này cũng như cần bổ sung các phương pháp can thiệp khác như hút mỡ hay căng da. Nếu bệnh nhân có túi mỡ má dày thì nên sửa nhiều hơn bình thường một chút để tránh gò má vẫn cao sau phẫu thuật.

Ngoài ra, cần cân nhắc đến hình dạng tổng thể của mặt, bao gồm độ bạnh của hàm dưới và chiều dài của mặt. Nếu bệnh nhân có hàm dưới bạnh to mà chỉ thu gọn gò má thì sẽ không thể tạo được khuôn mặt cân đối, do đó có thể cần kết hợp phương pháp thu gọn hàm. Nếu bệnh nhân có mặt dài và gò má cao mà lại giảm khoảng cách giữa hai cung gò má thì sẽ càng làm cho mặt dài và hẹp hơn. Trong trường hợp này thay vì dời gò má về phía trong cho hẹp lại thì nên dời về phía sau để cân đối với độ dài khuôn mặt.

Quy trình phẫu thuật hạ xương gò má cao​


vị trí vết rạch


đường rạch dọc


Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành công đoạn gây mê, hầu hết các ca phẫu thuật hạ gò má cao đều được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân. Sau đó rạch một đường mổ khoảng 2cm phía trong miệng, dưới môi trên, rồi bóc tách và nâng mô mềm, màng xương lên về phía trên và ra đằng sau hàm. Tiếp đến là thao tác cắt xương. Có 2 vị trí cắt: cắt ở phần xương gò má phía trước và ở phần cung gò má phía sau.

Kỹ thuật cắt xương:

  1. Cắt xương phía trước (cắt ở phần thân xương gò má): Có hai kiểu cắt chính được áp dụng trong thao tác này bao gồm đường cắt hình chữ “I” hoặc đường cắt hình chữ “L”. Đường cắt hình chữ “I” có nhược điểm là không giảm được kích thước vùng nhô của gò má và phần xương được cắt có thể lệch xuống dưới do lực kéo của cơ cắn. Đường cắt hình chữ L – là kỹ thuật được cải tiến từ đường cắt chữ “I” – có ưu điểm lớn nhất là giảm được kích thước vùng nhô của gò má, giảm được chiều rộng của thân gò má và di chuyển được điểm nhô cao nhất của gò má. Kỹ thuật cắt hình chữ L – đánh dấu một đường hình chữ L trên thân xương gò má phía trước theo kế hoạch đã định trước. Sau đó từ đầu dưới của đường rạch tạo thêm một đường nhỏ vuông góc 90⁰ hướng về phía trục hàm trên – gò má, tạo thành hình chữ L. Tiếp đến, đánh dấu thêm đường thứ hai nằm song song bên ngoài đường thứ nhất để định hình phần xương cần cắt. Khoảng cách giữa đường thứ hai và đường thứ nhất phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng về chiều rộng của thân xương gò má. Sau đó loại bỏ phần xương giữa hai đường ra.
  2. Cắt xương phía sau (cắt ở phần cung xương gò má): Rạch một đường dọc dài khoảng 1 cm cách gờ bình tai 2 – 3 cm. Bóc tách màng xương và xác định cung xương gò má, dùng cưa xương tịnh tiến cắt 1 đường dọc nằm trước khớp thái dương – hàm. Sau khi cắt, khối xương có thể dịch chuyển tự do trong khi vẫn liên kết với cơ cắn. Có thể mài đi rìa xương ở vị trí cắt nếu cần.

Cố định xương: Thân xương gò má và cung gò má sau khi cắt được di chuyển về phía sau và vào bên trong. Tùy theo yêu cầu của khách hàng và kế hoạch trước phẫu thuật mà xác định vị trí mới cho khối xương trong khi vẫn duy trì sự tiếp xúc của bề mặt xương. Sau đó, dùng nẹp và vít để cố định phần trước của khối xương và phần cung phía sau. Cuối cùng khâu đóng hai vị trí vết rạch, rồi chuyển sang bên mặt còn lại, lặp lại các thao tác và băng ép vùng mặt.

kỹ thuật cắt xương chữ L


Quá trình hồi phục sau phẫu thuật hạ xương gò má​


Quy trình thực hiện thường kéo dài từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ. Sau phẫu thuật bệnh nhân cần ở lại ít nhất một đêm dưới sự giám sát của bác sĩ phẫu thuật. Băng ép trên mặt sẽ được giữ trong ít nhất 7 ngày, cả ngày và đêm, để hỗ trợ và bảo vệ vết mổ phẫu thuật cũng như giúp định hình má, tránh va chạm, lệch xương gò má.

Trong quá trình hồi phục những ngày đầu bệnh nhân sẽ bị đau đớn, sưng bầm và tê vùng hàm mặt khiến bạn khó có thể há miệng để ăn uống hay trò chuyện. Tuy nhiên tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian, lâu nhất là 3 – 4 tuần. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm và các loại dung dịch vệ sinh răng miệng. Cần đặc biệt lưu ý dùng nước súc miệng thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng, chườm lạnh để tránh sưng tấy và đau nhức. Cố gắng giữ đầu ở vị trí kê cao và thẳng cả trong khi ngủ trong 3 – 4 tuần. Bệnh nhân cần ăn đồ ăn mềm, lỏng trong vòng 2- 3 tuần đầu, tuyệt đối không hoạt động mạnh hay làm việc quá sức trong 1 tháng đầu. Thời gian này cũng không nên uống rượu hay hút thuốc (ít nhất trong 2 tuần sau phẫu thuật). Sau khoảng 7 ngày các mũi khâu vùng tai sẽ được cắt chỉ, trong khi đó mũi khâu trong miệng sẽ được dùng chỉ tự tiêu do đó không cần cắt. Sau khoảng 7 – 10 ngày bệnh nhân có thể đi làm trở lại mặc dù có thể vẫn còn sưng. Sau khoảng 4 tuần có thể từ từ tập thể dục trở lại.

Rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật hạ gò má cao​


Ngoài các tác dụng phụ như đau đớn và sưng bầm xảy ra ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số biến chứng không mong muốn bao gồm:

Xương không liền: nguyên nhân có thể do cắt đi quá nhiều xương, cố định không chắc, hoặc do xương di chuyển quá mức sau khi mới phẫu thuật (ví dụ do nhai), hay do lực kéo của cơ hoặc chấn thương trong thời gian đầu phẫu thuật.

Xệ cung mày: do tổn thương nhánh trán của dây thần kinh mặt

Tổn thương dây thần kinh dưới ổ mắt và tê rần (dị cảm): do kéo quá mạnh bằng banh phẫu thuật hoặc đặt nẹp, vít quá gần lỗ dưới ổ mắt.

Cứng hàm: do cơ thái dương bị chèn ép vì di chuyển cung gò má vào bên trong. Tình trạng này sẽ giảm sau 1 – 2 tháng. Trong thời gian này bệnh nhân có thể tập há miệng thường xuyên để giảm các triệu chứng nhanh hơn

Xương gò má bất đối xứng, gãy cung xương gò má: có thể cần phẫu thuật lại

Chảy xệ mô mềm: đây là tình trạng khá phổ biến. Hai nguyên nhân chính gây chảy xệ mô mềm là do phức hợp gò má bị di chuyển lệch xuống dưới hoặc phần xương được cắt không cố định. Cách để ngăn ngừa biến chứng này là cố định cứng xương sau khi di chuyển. Bóc tách rộng vùng mô mềm cũng là một trong những lí do gây chảy xệ. Cách ngăn ngừa là hạn chế phạm vi bóc tách và giữ nguyên vẹn gốc của cơ cắn ở thân xương gò má.

Cách khắc phục khi hai bên má bị chảy xệ sau phẫu thuật hạ gò má?​


Tính trạng hai bên má chảy xệ có thể khắc phục bằng 2 cách: (1) – cắt lại xương gò má phía trước và dịch chuyển nó lại ra phía ngoài; (2) nâng cao xương bằng miếng ghép, mỡ tự thân hoặc filler. Tốt nhất là nên bắt đầu thử với filler trước để xem bạn sẽ cần bao nhiêu thể tích và xem liệu nó có sửa được tình trạng hiện tại của bạn không. Sau đó mới xác định cân nhắc các phương pháp lâu dài khác như mỡ tự thân hay đặt miếng ghép.

Có bao nhiêu kiểu đường rạch trong phẫu thuật hạ gò má?​


Có 3 kiểu đường rạch:

1 – Rạch ở trong miệng, không để lại sẹo bên ngoài. Với kỹ thuật này thời gian phẫu thuật ngắn, mức độ đau sau mổ thấp hơn và thời gian phục hồi khá nhanh. Vì vết mổ chỉ được đặt trong miệng nên hạn chế đường mổ và không thể được áp dụng cho mọi trường hợp. Đường mổ ở trong miệng này cũng hạn chế tầm nhìn hơn trong quá trình phẫu thuật.

2- Rạch ở trong miệng và rạch phía trước tai. Với hai đường rạch, bác sĩ có thể bộc lộ xương gò má và thao tác dễ dàng ở cả phần thân xương gò má và cung gò má. Ưu điểm là có thể chỉnh sửa đầy đủ nhưng vẫn hạn chế sẹo, vì vết sẹo ở trước tai rất nhỏ, chỉ 1cm và có thể dễ dàng che giấu trong vùng tóc mai.

2- Rạch ở đỉnh đầu – một đường rạch rộng được đặt ở trên da đầu giữa tai bên này và tai bên kia. Kỹ thuật này được áp dụng nếu xương gò má nhô ra quá nhiều đến nỗi quy trình hạ gò má được thực hiện đồng thời với quy trình phẫu thuật chỉnh sửa hộp sọ. Vì vùng phẫu thuật rộng nên thời gian thực hiện cũng dài hơn, quá trình hồi phục lâu hơn và nguy cơ nhiều hơn.

Xem tiếp...
 
Top Bottom