Phương Nga
Tích Cực
Đã thành thông lệ, cứ độ ngoài 20 Tết, những người đồng nghiệp của tôi lại chạy đôn chạy đáo nhờ người đổi các đồng tiền mới còn thơm nức để chuẩn bị lì xì cho lũ trẻ con.
Còn nhớ, thời chúng tôi còn bé, cách đây vài chục năm, nhận đươc tiền lì xì dù chỉ 1000 đồng, 2000 đồng cũng là một niềm hạnh phúc. Theo thời gian, giá trị trong phong bao lì xì tăng lên gấp nhiều lần thì quan niệm của mỗi bậc cha mẹ về nét đẹp này dường như ngày càng biến tướng đến méo mó, khó hiểu.
Thay vì mang ý nghĩa may mắn, tiền lì xì ngày càng bị "biến tướng", trở thành món lợi của người lớn (Ảnh: minh họa)
Trước khi nghỉ Tết, mỗi khi mở Facebook, đập vào mắt tôi những dòng status khoe con kèm dòng chữ "lao động chính trong nhà" mấy ngày Tết. Tôi nhớ không chỉ một mà có nhiều những status như thế. Họ muốn "nhắc nhẹ" các cháu sẽ là người kiếm lì xì về cho cha mẹ trong những ngày Tết.
Khi tôi thắc mắc, nhiều người biện minh đó là câu "bông đùa" cho vui. Thế nhưng, liệu bông đùa của người lớn có thể gieo vào đầu con cái những suy nghĩ lệch lạc về một nét đẹp từ bao đời này của mỗi gia đình Việt?
Lì xì vốn dĩ là một phong tục đẹp. Người ta không quan trọng hay câu nệ về giá trị trong phong bao màu đỏ, mà điều hướng đến là sự gửi gắm cầu mong sức khoẻ, may mắn, tài lộc, bình an cho người nhận.
Xuất phát từ lì xì là "lợi thị" trong tiếng Trung Quốc. Hàm ý của nó là được may mắn, được tiền và được lợi lộc. Cho nên, tiền lì xì mang trong nó giá trị may mắn, bình an, tốt đẹp.
Với những phụ huynh mang quan niệm con cái là "lao động chính trong nhà", dường như họ đang suy nghĩ lì xì theo chiều hướng một cuộc đổi trao tiền bạc có toan tính. Con cái được đem ra như một phương tiện để kiếm tiền, còn cha mẹ như "thủ kho" để giữ số tiền ấy. Phụ huynh xem đó là sự háo hức, niềm vui và mong chờ, còn trách nhiệm của con cái là phải làm việc để đáp lại sự kỳ vọng của cả nhà.
Trẻ con vốn dĩ như tờ giấy trắng, mọi suy nghĩ và hành động đều do tác động từ bên ngoài mà phần lớn là cha mẹ. Lối suy nghĩ trẻ con là lao động chính ngày Tết để kiếm lì xì xuất phát từ những nỗi lo tiền bạc của phụ huynh suốt 1 năm. Cha mẹ lao vào kiếm tiền, chi tiêu và rồi khi kết thúc một năm cũng xem lì xì như một công việc kiếm thêm cho túi tiền của mình.
Con trẻ không bao giờ biết lì xì là một nguồn kinh tế. Tất cả xuất phát từ chính quan niệm lệch lạc của phu huynh gieo vào đầu chúng. Vô tình những câu bông đùa làm cho trẻ hiểu lì xì như một khoản tiền được hưởng, được nhận mà không hề thấu hiểu giá trị tốt đẹp như cha ông ta đã gửi gắm từ bao đời.
Hãy cho con trẻ biết ý nghĩa chuẩn mực của tiền lì xì thay vì so đo hơn thiệt, tính toán "tận thu" từ nguồn lì xì của con trong ngày Tết (Ảnh: minh họa)
Những câu bông đùa được lặp đi lặp lại nhiều lần đôi khi lại khiến trẻ tin đó là sự thật. Trẻ con không phải là người lớn, chúng không thể phân biệt được lời nói đùa và sự thật. Nếu chúng ta cứ tiếp tục gieo vào đầu con cái "là lao động chính trong nhà mấy ngày Tết" để kiếm lì xì càng khiến cho phong tục mừng tuổi càng bị biến tướng. Thế hệ nối tiếp thế hệ, suy nghĩ lệch lạc đó làm cho lì xì bị bóp méo. Phong tục tốt đẹp trở thành cuộc chạy đua về kinh tế, thể hiện giàu sang, đo độ chịu chơi của nhau. Cái ý nghĩa vốn có thì biến mất, trao tiền mừng tuổi là một cuộc toan tính thiệt hơn, so bì, ganh đua và dè bỉu.
Là người làm cha làm mẹ, hãy gieo vào đầu óc còn hồn nhiên, trong sáng của con những mỹ từ tốt đẹp về lì xì. Hãy tâm tình với con về giá trị của nét đẹp và tấm lòng mà người tặng gửi gắm qua mỗi tờ tiền. Cứ như thế, qua mỗi dịp Tết, con cái sẽ thấu hiểu về ý nghĩa nhân văn, cốt cách văn hoá khi nhận phong bao lì xì của người lớn.
Muốn trẻ hiểu một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất phong tục lì xì, cha mẹ đừng xì xào về đồng tiền bên trong ít hay nhiều trước mặt trẻ. Vì giá trị của lì xì đâu phải ở con số mà cao hơn đó là sự mong mỏi mà người tặng mong muốn trong dịp đầu xuân.
Tết này, thay vì mệt mỏi vì những toan tính lì xì trong mỗi phong bao, phụ huynh có thể tặng cho trẻ những cuốn sách, những bộ đồ chơi giàu tính trí tuệ, các phần mềm học ngôn ngữ hay một món quà thật ý nghĩa mà không quá đề cao giá trị.
Thay đổi quan niệm lệch lạc để trở về với giá trị đẹp đẽ vốn có của phong tục lì xì phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Cha mẹ hiểu đúng và trọn vẹn phong tục truyền thống này, sẽ gieo cho trẻ và thế hệ mai sau suy nghĩ giản đơn, thiện lành về cách tặng và trao lì xì mỗi dịp Tết. Chỉ có vậy, lì xì mới có sức sống lâu bền trong tâm thức của người Việt như bao đời này.
Hà Trang
Xem tiếp...