SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
334K

Em bé tự kỷ và “vị khách đặc biệt” trong phòng mổ tim

Ngọc Khuê

Tích Cực
Ca mổ hôm đó thật đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong phòng mổ tim khi bạn búp bê nhỏ được đặc cách vào cùng “chiến binh nhí” là em bé tự kỷ với lỗ thông liên nhĩ lớn.

Phẫu thuật tim mang lại cuộc sống mới cho em bé tự kỷ


Nhìn bé Anh Thư (7 tuổi, ngụ TP HCM) vui vẻ chơi đùa ở hành lang bệnh viện trong lúc chờ tới lượt tái khám sau ca mổ, chị Trang – mẹ bé cũng bất ngờ với sự hồi phục thần kỳ của con gái về cả thể chất và tinh thần.

Bé vốn không thích người lạ, sợ đám đông, và luôn bị kích động khi thấy bác sĩ. Ấy vậy mà con đã trải qua ca đại phẫu đầu đời suôn sẻ. Đây được xem là kỳ tích của “chiến binh nhí”, gia đình và đặc biệt là ekip bác sĩ phẫu thuật – gây mê – hồi sức – tim mạch nhi – tâm lý của Bệnh viện Tâm Anh TP HCM.

Ca mổ chưa từng có tiền lệ


Trước ca mổ, không chỉ gia đình bé mà toàn bộ ekip đều lo lắng, sợ phẫu thuật tim sẽ làm nặng thêm tình trạng tâm lý của Thư. Chị Trang chia sẻ, lúc gần 3 tuổi, thấy bé chậm nói, gia đình đưa đi khám thì phát hiện con bị rối loạn phổ tự kỷ. Thư sinh non, nhẹ cân và đến 7 tuổi vẫn chỉ nặng 18 kg.

Tháng 6/2023, mẹ Thư thấy lồng ngực bé hơi lõm nên đưa đi khám thì phát hiện bệnh thông liên nhĩ. Chị kể khi siêu âm tim, Thư được cho uống thuốc ngủ nhưng bé phản ứng quyết liệt, khóc suốt hai giờ, không chịu hợp tác với bác sĩ. Cuối cùng, bé được chẩn đoán sơ bộ là thông liên nhĩ, nhưng cần siêu âm tim kỹ hơn để quyết định hướng điều trị. Chị Trang được giới thiệu đến bệnh viện Tâm Anh với hy vọng các bác sĩ tìm ra hướng chẩn đoán, tiếp cận và điều trị hiệu quả cho bé.

BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, nhớ rất rõ hôm bé Thư đến khám. Bé vốn không thích bệnh viện nên vừa đến cửa phòng siêu âm đã khóc, hét to phản kháng, gây “chấn động” cả khu khám tim mạch.

BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, hết sức kiên nhẫn, dỗ dành và động viên bé, giúp bé ổn định tinh thần để hoàn tất quá trình siêu âm tim hoàn chỉnh. Nhận thấy lỗ thông liên nhĩ lớn đến 27 mm, gờ tĩnh mạch chủ dưới rất mỏng không phù hợp đóng bằng dụng cụ, trong khi buồng tim phải và động mạch phổi giãn, bác sĩ đề xuất phẫu thuật tim hở.

Gia đình Thư rất lo lắng vì trước đây, việc bé nhập viện điều trị các bệnh thông thường vốn dĩ đã khó khăn, nay phải phẫu thuật tim hở càng khiến cả nhà cân nhắc, sợ làm nặng thêm tình trạng tâm lý của Thư. Về phía chuyên môn, để chuẩn bị cho cuộc mổ đặc biệt này, bác sĩ Thủy chia sẻ: “Tìm hiểu về rối loạn phổ tự kỷ là một phần trong công việc của bác sĩ nhi khoa.

Chăm sóc trẻ tự kỷ, giúp bé vượt qua giai đoạn khó khăn từ tiền phẫu đến hồi sức hậu phẫu tim mạch là một vấn đề lớn, cần lưu tâm và có chế độ chăm sóc phù hợp. Các bác sĩ tim mạch nhi chúng tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, thấu cảm để yêu thương và hỗ trợ tốt nhất cho bé và gia đình. Mục tiêu là giúp cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ nhờ vào chăm sóc và đánh giá tiền phẫu tốt, hồi phục nhanh về thể chất và không làm nặng thêm về tinh thần ở trẻ tự kỷ như bé Thư”.

Sau ba tháng, gia đình quyết định đưa bé Thư đến bệnh viện phẫu thuật. Ngày Thư nhập viện, mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng. “Một phòng đơn dành riêng cho con nhằm hạn chế tiếng ồn, ánh sáng vừa phải, mùi phòng dễ chịu, vị trí phòng ở cuối hành lang yên tĩnh. Những hoạt động thăm khám nếu có thể đều thực hiện tại khoa, kể cả khám tiền mê, hạn chế những kích thích tâm lý tối đa cho con”, bác sĩ Thủy cho hay.

Trong quá trình chuẩn bị này, gia đình Thư được giới thiệu đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý. Không chỉ vậy, các bác sĩ còn dành nhiều thời gian nói chuyện với người thân của bé nhằm tìm hiểu thói quen, sở thích, từ đó tìm cách tiếp cận bé hiệu quả nhất. Qua những cuộc trao đổi, bác sĩ phát hiện bé Thư có một “người bạn thân” là con búp bê mà con luôn mang theo bên mình.

Chính ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê Hồi sức – người có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ tự kỷ khi làm việc tại Pháp, đã tư vấn ekip để bé Thư đem theo bạn búp bê trong suốt ca mổ, giúp con có cảm giác yên tâm khi không có người thân bên cạnh. Sau khi bàn bạc với gia đình, xin phép các bộ phận liên quan, bác sĩ quyết định để “vị khách” đặc biệt này theo Thư vào phòng mổ – một ngoại lệ chưa từng có trong các ca mổ tim trước đây.

Ngày phẫu thuật cũng đến. Trong khoa, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và hỗ trợ chăm sóc đã được hướng dẫn kỹ với trường hợp này. Ekip hạn chế những thăm khám không cần thiết, không lập đường truyền trước tại khoa vì sẽ gây hoảng loạn cho bé. “Hành trang đặc biệt” là bạn búp bê nhỏ được khử trùng để đồng hành với con.

Chị Trang kể: “Chứng kiến cảnh các bác sĩ tất bật lo toan để ca mổ diễn ra suôn sẻ, tôi mới hiểu đồng hành cùng bé Thư không chỉ có gia đình mà cả ekip bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên, bác sĩ tim mạch nhi, hồi sức… cũng luôn theo sát để động viên, ủng hộ bé. Tôi được đi cùng con đến tận phòng mổ, trao cho bé con búp bê đã được tiệt trùng kỹ lưỡng, dặn dò con yên tâm ngủ một giấc cùng bạn búp bê, khi tỉnh dậy sẽ thấy mẹ bên cạnh. Sau khi bé tỏ ý đồng tình và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ, tôi yên tâm rời bước”.

Ba giờ sau cuộc phẫu thuật, cả gia đình vỡ òa khi ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch thông báo “ca phẫu thuật thành công”. Bé được chuyển về phòng hồi sức sau mổ. Trong cuộc mổ này, Thư được gây mê vô cảm kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) để giảm đau và hạn chế việc sử dụng morphin sau mổ, tránh ảnh hưởng thần kinh của bé. Bác sĩ Trí Viên cùng ekip mở đường mổ trước ngực, dùng miếng vá từ chính màng ngoài tim của bé để bít lỗ thông lớn này.

Sau phẫu thuật, trước khi bé tỉnh lại, bạn búp bê được để sẵn bên cạnh. Bác sĩ Thủy nhớ lại: “Khi bàn giao búp bê cho ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, khoa Hồi sức Ngoại tim mạch, tôi nói sự xuất hiện của ‘vị khách’ này sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc chăm sóc Thư sau hồi tỉnh, tránh tình trạng bé kích động gây ‘vỡ trận’ cả khoa”. Nhờ vậy, hành trình hồi sức sau mổ của bé, dù không có mẹ cạnh bên, vẫn diễn ra suôn sẻ. Các dây dẫn lưu, điện cực được rút sớm, nhằm tránh nhiễm trùng cũng như những phản ứng bất lợi từ bé.

Bác sĩ Viên (trái) cùng ê kip phẫu thuật cho bệnh nhi
Bác sĩ Viên (trái) cùng ê kip phẫu thuật cho bệnh nhi

Một ngày sau ca mổ, Thư vận động như bình thường, liên tục đòi ăn. Chị Trang kể: “Sau một ngày ở hồi sức, Thư được về phòng thường. Việc đầu tiên bé làm là dọn giường riêng và kéo chăn đắp cho búp bê, để gọn từng chiếc giày của mình và ‘người bạn nhỏ’ rồi mới lên giường đắp chăn ngủ ngoan”.

Vài ngày sau mổ, tình trạng sức khỏe bé Thư hồi phục nhanh, siêu âm tim kiểm tra luồng thông đã được đóng kín, chức năng tim tốt, không bị tràn dịch màng tim, màng phổi. Thư được xuất viện sau đó. Việc sớm trở về góc phòng quen thuộc khi tình trạng sau phẫu thuật ổn định sẽ giúp các bé nhanh chóng phục hồi, theo ghi nhận của một số báo cáo ở trẻ em tự kỷ.

Trường hợp của Thư, vừa về đến nhà, con dường như trút bỏ mọi bất an. Bé ăn ngủ tốt, ngồi chơi, xem ti vi với búp bê ôm chặt trong tay. Một tháng sau, bé trở lại trường học, hoàn toàn khỏe mạnh như chưa hề trải qua ca mổ lớn trong đời.

Hiện tại, Thư cao hơn, lên được 23 kg, chịu chạy chơi với các bạn, tham gia hoạt động cùng các em và bắt đầu tập đọc. Ở tuổi lên 7, con như có một cuộc sống mới sau ca mổ tim, điều mà gia đình chưa bao giờ dám nghĩ.

Cuộc đời mới sau ca mổ​


Chị Trang xúc động: “Không chỉ hồi phục cả thể chất và tinh thần sau khi mổ tim, điều khiến gia đình tôi vui nhất là bé Thư không còn tâm lý e ngại bệnh viện. Những lần đưa con đi tái khám, tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi thấy con thoải mái chơi đùa ở hành lang bệnh viện, cửa phòng khám vừa mở là bé chạy vào và tự động leo lên giường chờ siêu âm.

Quả thật bé đã coi bệnh viện Tâm Anh như nhà mình và bác sĩ như người thân. Gia đình tôi rất biết ơn các bác sĩ đã đồng hành cùng chúng tôi, dành cho con tình yêu thương và sự đồng cảm tuyệt đối để giúp bé vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Bé Thư trong chuyến du lịch Nha Trang cùng gia đình, tháng 12/2023
Bé Thư trong chuyến du lịch Nha Trang cùng gia đình, tháng 12/2023

Bác sĩ Thủy cho hay, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh tự kỷ và tim bẩm sinh có mối liên hệ với nhau. Cụ thể trẻ sinh ra mắc tim bẩm sinh có nguy cơ bị tự kỷ tăng 33%. So với trẻ bình thường, việc điều trị bệnh tim cho trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn hơn do tâm lý sợ bệnh viện, e ngại người lạ, không hợp tác với bác sĩ trong quá trình thăm khám và siêu âm, dễ sang chấn tâm lý sau phẫu thuật…

Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho trẻ tự kỷ phẫu thuật, nhất là phẫu thuật tim chưa nhận được sự quan tâm đúng mực, chưa có hướng dẫn riêng về chăm sóc quanh phẫu thuật tim cho trẻ tự kỷ.

“Tại Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi đề cao ‘sự thấu cảm trong chăm sóc và điều trị bệnh nhi’, đặc biệt với các bé có bệnh tim bẩm sinh kèm rối loạn tâm lý. Hiện nay, sự phát triển đồng bộ các chuyên ngành, phối hợp liên chuyên khoa giúp hỗ trợ người bệnh tốt nhất cả về sức khỏe và tinh thần.

Nhờ đó, các bé sẽ nhận được sự đồng hành của bác sĩ, nhân viên y tế, người thân và cả cộng đồng. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn mở ra cơ hội giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, chữa lành trái tim để tự tin hòa nhập xã hội, phát triển như bạn bè”, bác sĩ Thủy đúc kết.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Xem tiếp...
 
Top Bottom