MUA BÁN

Chuyên đề: Kinh nghiệm pháp lý, mua bán, sang nhượng nhà đất, Kinh nghiệm thiết kế thi công, trang trí, Kinh nghiệm chọn sản phẩm giá tốt, Kinh nghiệm về ô tô, xe máy, xe điện, Kinh nghiệm ăn uống, khu nghỉ dưỡng, Kinh nghiệm bảo quản, chế biến món ăn

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
KINH DOANH - MUA BÁN
Tổng thành viên
86
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
22K
Tổng lượt xem
698K

'Dư vị miền xưa' - ký ức vùng sông nước Nam bộ

Dấu ấn văn hóa Nam bộ và ký ức chèo xuồng, nấu rượu, nuôi heo, món ngon ngày lũ tràn đồng được tái hiện trong "Dư vị miền xưa".

Sáng 23/3, tác giả Trần Minh Thương (bút danh Thạch Ba Xuyên) có buổi giao lưu tại đường sách thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, xoay quanh chủ đề Vấn vương vị bánh, đậm tình quê hương. Trong chương trình, ông giới thiệu tác phẩm mới nhất - Dư vị miền xưa, gồm 22 tản văn tái hiện nét văn hóa, nếp sống, phong tục tập quán, kỷ niệm khó quên ở miệt sông nước cùng những giao đãi thâm tình của người miền Tây.

Vốn là giáo viên dạy văn và nghiên cứu văn hóa Nam bộ nói chung, miệt Nam sông Hậu nói riêng, Trần Minh Thương đưa những câu chuyện đã hằn sâu trong ký ức lên trang sách. Ông kỳ vọng ấn phẩm là "tấm vé trở về tuổi thơ", nhắn nhủ thế hệ sau lưu giữ không gian văn hóa đang dần mai một.

Mỗi tản văn được đặt tên cụ thể, thuật lại chuyện xưa và giải thích từng hoạt động, đặc trưng của dân miệt sông nước Hậu giang. Mở đầu với Trời đà rựng sáng, tác giả mô tả bức tranh quê buổi hừng đông vừa nhộn nhịp, khẩn trương, vừa bình yên, khoan thai. Độc giả theo chân người cày bừa lùa trâu ra đồng, lứa trung niên nhâm nhi tách trà, chơi cờ tướng hay trẻ con rủ nhau lượm trái bình bát chín dọc bờ kinh. Thú thưởng cà phê hay lê la quán cóc được tái hiện sinh động.

 Thiên Lam


Bìa sách "Dư vị miền xưa" dày 420 trang. Ấn phẩm được phát hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM. Ảnh: Thiên Lam


Với tản văn Màn đêm buông xuống miền quê, tác giả nhấn mạnh khi gà lên chuồng và mặt trời dần lặn, người dân gấp rút hoàn thành chuyện dang dở trong ngày. Sau bữa cơm, trẻ con được người lớn nhắc nhở vệ sinh sạch sẽ, phụ nữ rửa dọn chén bát, lau ống khói, châm dầu vào đèn, tiếp đó chuẩn bị mùng mền, giường chiếu. Cánh đàn ông, trai tráng lo việc ngoài vườn, ngoài sân.

Vì không có phương tiện giải trí, mỗi đêm, dân quê thích nghe bậc cao niên kể chuyện đời xưa, từ tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc, truyện thơ nôm khuyết danh Việt Nam, ma quỷ nửa hư nửa thực đến truyền miệng về cách ứng xử ở đời. Dần về sau, bà con rủ nhau đi nghe máy hát dĩa, ra đình coi hát, xem ké cải lương bằng vô tuyến trắng đen của nhà có điều kiện.

Miền xưa hiện lên chân phương, gần gũi qua các tản văn Những cơn mưa đầu mùa, Chái bếp nhà quê, Trước sân sau vườn, Mùa gió chướng thổi, Chèo xuồng đi chợ, Khi ngày Tết đến, Tản mạn chuyện đón trẻ chào đời, Đi đám cúng cơm hay Nấu rượu, nuôi heo. Độc giả có thể bắt gặp cảnh đèn dầu leo lét, mái nhà lợp lá đơn sơ, mẹ dỗ con ngủ, trai gái rủ nhau giã gạo, gánh nước, chẻ tre đan rổ, vót câu, cụ bà sàng gạo, vá may. Ngày lũ tràn đồng, dân quê có thêm nhiều món ngon như cua, ốc, cá, ếch, mắm chưng đủ loại cá, dưa bồn bồn.

Tác giả cũng hồi tưởng trò chơi ngày vụng dại hay thú vui đặc trưng vùng sông nước gồm cất nhà chòi, bán quán, đánh đũa, cướp cờ, đánh trận giả, tắm sông, mò tôm, bắt cá, bóc lịch, đặt vó, soi nhái, đào chuột. Ở quê, không ít cô dâu, chú rể trong đám cưới giả nên duyên chồng vợ. Những mối tình học trò ở trường làng, may mắn thì nắm tay đến cùng, nhưng không ít đôi dang dở vì hoàn cảnh.

Những chuyện không may hay mất lòng nhau cũng được thuật lại như người bị ăn cắp, kẻ khốn khổ phải đi ăn mày hay đau ốm, bệnh tật chỉ uống đọt cây, lá cỏ. Nếu khỏe lại coi như phước phần còn lớn, không qua khỏi xem như vắn số, bạc phần. Sui gia thuận hòa thì tình nồng nghĩa thắm, bất hòa sẽ mặt nặng mày chau.

Theo tác giả Minh Thương, đời sống cùng văn hóa dân gian Nam bộ vốn đa dạng nhờ quy tụ người Kinh, gốc Hoa lẫn Khmer. Ông gặp khó khăn khi tìm hiểu xuất xứ, lịch sử, câu chuyện sau mỗi loại bánh trái, vật dụng, ngôn ngữ vùng miền. Do đó để giải thích từng thuật ngữ lẫn tên gọi, tác giả phải tham khảo nhiều tư liệu, trong đó có Đại Nam quấc âm tự vị, Việt Nam tự điển, Tự vị tiếng nói miền Nam, Văn học Việt Nam (tập một), Từ điển Việt - Khmer. Loạt ảnh minh họa, câu ca dao phần nào khắc họa nét đặc trưng miền sông nước.

Tác giả Trần Minh Thương (phải) dự buổi ra mắt sách Dư vị miền xưa tại đường sách TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, sáng 23/3. Đồng hành ông là vợ - bà Bùi Thúy Phượng, giáo viên văn đã nghỉ hưu. Bà Túy Phượng là người đầu tiên đọc các bản thảo của chồng, hỗ trợ ông biên tập, chỉnh sửa. Ảnh: Thiên Lam


Tác giả Trần Minh Thương (phải) dự buổi ra mắt sách "Dư vị miền xưa" tại đường sách Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, sáng 23/3. Đồng hành ông là vợ - bà Bùi Túy Phượng, giáo viên văn đã nghỉ hưu. Bà Túy Phượng là người đầu tiên đọc các bản thảo của chồng, hỗ trợ ông biên tập, chỉnh sửa. Ảnh: Thiên Lam


Tác giả Trần Minh Thương, 53 tuổi, hiện giảng dạy tại trường THPT Ngã Năm, Sóc Trăng. Ông là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2009), Nhà giáo ưu tú (2020).

Trước Dư vị miền xưa, ông từng xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015), Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016), Hương sắc miền Tây (2018), Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020), Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020), Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang (2022), Vấn vương hương vị bánh quê (2023).

Thiên Lam

Xem tiếp...
 
Top Bottom