SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Đo niệu động học là gì? Khi nào cần và những lưu ý phải biết

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Niệu động học là xét nghiệm kiểm tra khả năng giữ và giải phóng nước tiểu của bàng quang. Phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong việc phát hiện các vấn đề liên quan đến bàng quang như tiểu không tự chủ, hội chứng bàng quang tăng hoạt… Trong bài viết này, tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sẽ chia sẻ đầy đủ thông tin về xét nghiệm niệu động học, mời bạn đọc theo dõi.

niệu động học


Niệu động học là gì?


Niệu động học (urodynamic test) là phương pháp chẩn đoán tình trạng tiểu không tự chủ hoặc chẩn đoán các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu dưới. Niệu động học bao gồm các xét nghiệm khảo sát chức năng bàng quang. Xét nghiệm chính là đo áp lực đồ bàng quang dùng để đo khả năng của bàng quang chứa đựng và tống xuất nước tiểu. Xét nghiệm này cũng giúp kiểm tra tình trạng rò rỉ nước tiểu hay bàng quang không tống xuất được hết nước tiểu. (1)

Đo niệu động học nhằm chẩn đoán các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu
Đo niệu động học nhằm chẩn đoán các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu

Các xét nghiệm niệu động học cần thực hiện


Niệu động học là tập hợp nhiều xét nghiệm khác nhau nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng của người bệnh. Các xét nghiệm phổ biến được thực hiện trong buổi kiểm tra niệu động học bao gồm:

1. Đo áp lực bàng quang


Đo áp lực bàng quang (cystometry) là một xét nghiệm niệu động học nhằm đo lường áp suất trong bàng quang của người bệnh. Xét nghiệm này giúp bác sĩ biết sức chứa, độ đàn hồi, hoạt động co bóp của bàng quang như thế nào và bàng quang đầy đến mức độ nào thì người bệnh muốn đi tiểu.

Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng một ống thông rất nhỏ đưa vào bàng quang qua lỗ tiểu. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sử dụng thêm áp kế để đo áp suất tại điểm rò rỉ khi bàng quang căng phồng và co lại. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ho, hắt hơi khi bàng quang đang đầy nhằm phục vụ việc đó áp suất bàng quang.

2. Đo niệu dòng đồ


Đo niệu dòng đồ (uroflowmetry) hay đo tốc độ dòng nước tiểu, nhằm xác định lượng nước tiểu được giải phóng khỏi bàng quang và tốc độ dòng chảy của nước tiểu.

Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ yêu cầu người bệnh làm đầy bàng quang rồi đi tiểu lên một thiết bị chuyên dụng, có thể phân tích các thông số tự động. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn ống dẫn nước tiểu, phì đại tuyến tiền liệt (ở nam giới), yếu cơ bàng quang. Thông thường, bác sĩ yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm niệu dòng đồ khi có biểu hiện tiểu khó.

3. Đo điện cơ


Đo điện cơ (electromyography) sử dụng các miếng dán điện cực đặt gần niệu đạo và trực tràng để ghi nhận hoạt động điện của các cơ và dây thần kinh trong và xung quanh bàng quang. Phương pháp này nhằm kiểm tra hoạt động của cơ sàn chậu trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây tiểu không tự chủ có liên quan đến tổn thương thần kinh hoặc cơ.

4. Đo thể tích nước tiểu tồn lưu


Đo thể tích nước tiểu tồn lưu (postvoid residual measurement) là phương pháp đo lường lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu xong. Xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng hẹp, tắc nghẽn niệu đạo hoặc giảm chức năng cơ detrusor (cơ tham gia vào quá trình co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài của bàng quang).

Ở xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng thiết bị siêu âm để quan sát và ước lượng thể tích nước tiểu còn sót lại trong bàng quang. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng một ống thông nhỏ đưa vào bàng quang qua ống tiểu để lấy hết lượng nước tiểu dư thừa ra ngoài. Thể tích nước tiểu tồn lưu càng lớn, vấn đề khó tiểu, tắc nghẽn đường tiểu của người bệnh càng nghiêm trọng.

5. Video xét nghiệm niệu động học


Xét nghiệm niệu động học bằng video (video urodynamic tests) là phương pháp sử dụng tia X để trình chiếu hình ảnh bàng quang người bệnh ở thời điểm đầy khi giải phóng nước tiểu.

Xét nghiệm này là tổng hợp của 3 xét nghiệm đo áp lực bàng quang, niệu dòng đồ và chụp X-quang bàng quang nên cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ như: hình dạng và kích thước bàng quang, chức năng bàng quang trong quá trình đào thải nước tiểu…

Niệu động học là tập hợp nhiều xét nghiệm khác nhau
Niệu động học là tập hợp nhiều xét nghiệm khác nhau

Tại sao cần phải thực hiện xét nghiệm niệu động học?


Các vấn đề đi tiểu, đặc biệt là tiểu không kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến phụ nữ cũng như nam giới ở bất kỳ lứa tuổi nào. Vấn đề đường tiết niệu ở phụ nữ thường tăng theo tuổi, có thai, khi sinh và khi mãn kinh. Nam giới dễ mắc khi gặp các bệnh tuyến tiền liệt, bệnh lý thần kinh – cột sống…

Kết quả của xét nghiệm niệu động học có thể giúp bác sĩ hiểu được lý do bạn có các triệu chứng đường tiểu, từ đó có thể đưa ra những kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

Khi nào cần đo niệu động học?


Bác sĩ cho người bệnh thực hiện xét nghiệm niệu động học khi nghi ngờ đường tiết niệu dưới nói chung, bàng quang nói riêng gặp vấn đề.

Đường tiết niệu là “hệ thống thoát nước thải” quan trọng của cơ thể, có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã, chất độc, chất lỏng dư thừa, góp phần bảo vệ sức khỏe. Khi đường tiết niệu hoạt động không như bình thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh.

Mục đích thực hiện kiểm tra niệu động học để bác sĩ đánh giá khả năng giữ và đào thải nước tiểu, hoạt động co bóp bàng quang của người bệnh ổn định hay bất thường. Từ đó, đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào một số triệu chứng ở người bệnh để quyết định có cần thực hiện kiểm tra niệu động học hay không, bao gồm:

  • Rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi, cười hay tập thể dục.
  • Cảm giác mắc tiểu thường xuyên, đột ngột.
  • Thức dậy nhiều lần ban đêm để đi tiểu.
  • Khó tiểu hết nước tiểu trong bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát.
Kiểm tra niệu động học giúp bác sĩ đánh giá khả năng giữ và đào thải nước tiểu
Kiểm tra niệu động học giúp bác sĩ đánh giá khả năng giữ và đào thải nước tiểu

Xét nghiệm niệu động học có nguy hiểm không?


Có, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ. Dù xét nghiệm cẩn thận đến thế nào, nhiễm khuẩn tiết niệu đôi khi có thể xảy ra sau khi thực hiện. Bạn nên uống nhiều nước hơn bình thường trong 1 – 2 ngày để đẩy vi khuẩn ra hết. Ngoài ra, bạn nên chọn cơ sở y tế có khoa Tiết niệu uy tín, được trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc hiện đại, giúp nâng cao tính an toàn và độ chính xác khi làm xét nghiệm.

Quy trình xét nghiệm niệu động học thực hiện như thế nào?​


Xét nghiệm niệu động học được tiến thành theo các bước sau:

  • Bước 1: Bạn sẽ được yêu cầu đi tiểu trong một bồn cầu đặc biệt để đo lường tốc độ giải phóng nước tiểu của bàng quang. Sau đó, bạn được siêu âm nhằm đánh giá lượng nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu.
  • Bước 2: Một ống thông đặc biệt có cảm biến được đặt vào bàng quang qua lỗ tiểu để đo áp lực trong bàng quang khi được làm đầy bằng nước muối sinh lý. Một ống thông đặc biệt khác có cảm biến cũng sẽ được đặt trong trực tràng. Các ống thông có cảm biến này dùng để đo áp lực trong bàng quang và ổ bụng.
  • Bước 3: Trong suốt quá trình này, bác sĩ sẽ hỏi bạn về cảm giác bàng quang, được yêu cầu thực hiện một số hành động gây khởi phát các vấn đề bạn đang gặp như ho, rặn, nghe tiếng nước chảy… Bạn cũng cho nhân viên đo biết được khi nào bàng quang đầy.
  • Bước 4: Cuối cùng, bạn sẽ được yêu cầu đi tiểu khi vẫn đang mang thiết bị cảm biến trong bàng quang và trực tràng. Dù không gây đau, xét nghiệm này có thể gây một chút khó chịu. Sau xét nghiệm, bạn có thể đi xe về nhà.
quy trình xét nghiệm niệu động học
TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang đo niệu động học cho người bệnh

Đo niệu động học bao lâu có kết quả?


Tùy vào loại xét nghiệm mà thời gian nhận được kết quả sẽ khác nhau. Đối với xét nghiệm đo áp lực bàng quang và lưu lượng nước tiểu, bạn có thể nhận được kết quả sau vài phút. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm điện cơ đồ và xét nghiệm tiết niệu qua video, bạn có thể chờ vài ngày để nhận được kết quả.

Ưu và nhược điểm của xét nghiệm niệu động học


Phương pháp niệu động học tồn tại những ưu và nhược điểm nhất định, bao gồm: (2)

1. Ưu điểm

  • Cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho bác sĩ về chức năng bàng quang của người bệnh, giúp việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
  • Phát hiện nhiều bệnh liên quan đến đường tiết niệu, bao gồm: tiểu không kiểm soát, bàng quang tăng hoạt, bí tiểu do bế tắc, tiểu không kiểm soát khi gắng sức, bàng quang nhu tính, bàng quang không co, bàng quang thần kinh dạng giảm trương lực, bàng quang thần kinh dạng tăng trương lực, bất đồng vận bàng quang co thắt…
  • Giúp bác sĩ phân biệt tổn thương bàng quang do thần kinh và không do thần kinh.
ưu và nhược điểm của xét nghiệm niệu động học
Xét nghiệm niệu động học cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin quan trọng để chẩn đoán bệnh chính xác

2. Nhược điểm​

  • Người bệnh có thể cảm thấy xấu hổ khi thực hiện xét nghiệm này do phải đi tiểu khi có mặt người khác.
  • Đây là xét nghiệm xâm lấn, có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu cho người bệnh nếu không thực hiện đúng kỹ thuật.
  • Người bệnh có thể bị đau nhẹ sau khi làm xét nghiệm.
  • Có nguy cơ gây ra tăng phản xạ tự phát (autonomic dysreflexia) khi bàng quang căng lên trong quá trình làm xét nghiệm, gây tăng huyết áp và nhịp tim chậm phản xạ, nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Cần lưu ý gì trước và sau khi xét nghiệm niệu động học


Trước và sau khi thực hiện xét nghiệm niệu động học, bạn cần lưu ý một số điều sau:

1. Trước

  • Bạn thường được yêu cầu thực hiện xét nghiệm khi bàng quang căng. Do đó, nếu có thể, bạn không nên đi tiểu trong 1 giờ trước khi đi khám.
  • Xét nghiệm kéo dài 30 – 45 phút và không đòi hỏi phải nhịn ăn hay ăn kiêng trước khi thực hiện.
  • Không cần các biện pháp giảm đau khi thực hiện.
  • Vào ngày thực hiện xét nghiệm, nên mặc quần áo rời vì bạn sẽ phải cởi bỏ quần hoặc váy khi thực hiện xét nghiệm.

2. Sau

  • Sau khi hoàn thành xét nghiệm niệu động học, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau, khó chịu khi đi tiểu, thậm chí tiểu ra một ít màu. Tình trạng này chỉ kéo dài khoảng vài giờ, sẽ giảm nhanh hơn khi bạn đều đặn uống từ 200 – 500 ml nước mỗi giờ trong vòng 2 giờ.
  • Tắm nước ấm, chườm ấm lỗ tiểu.
  • Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
  • Gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường sau làm xét nghiệm niệu động học như: sốt, ớn lạnh, đau kéo dài…

Một số câu hỏi liên quan

1. Có phương pháp nào có thể thay thế cho xét nghiệm niệu động học?


Có. Không phải tất cả bệnh nhân có triệu chứng bàng quang đều cần thực hiện niệu động học. Nếu thất bại trong điều trị bảo tồn đơn giản như thay đổi thói quen uống nước, tập các bài tập sàn chậu và/hay sử dụng thuốc, thì niệu động học là cách tốt nhất để đánh giá chức năng bàng quang và điều trị thích hợp với các vấn đề của riêng bạn.

2. Xét nghiệm niệu động học ở đâu tốt?


Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm điều trị các bệnh liên quan đến đường tiết niệu như: sỏi tiết niệu, tiểu không tự chủ, bướu thận, phì đại tuyến tiền liệt…

Đội ngũ bác sĩ Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa không chỉ liên tục cập nhật và ứng dụng thành công những kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới như: tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ (MINI PCNL), tán sỏi nội soi, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận, cắt thận tận gốc, cắt tuyến tiền liệt tận gốc, cắt toàn bộ bàng quang và tạo hình bàng quang bằng ruột non, cắt tuyến thượng thận, tạo hình các dị tật đường tiết niệu…;

Bên cạnh đó các bác sĩ còn tự tin làm chủ các máy móc, thiết bị hiện đại: máy đo niệu động học, máy nội soi Olympus công nghệ Đức, hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K Karl Storz của Đức, máy chụp X-quang di động C-arm, máy tán sỏi laser… giúp gia tăng hiệu quả nhưng rút ngắn quá trình điều trị, phục hồi, giảm thiểu biến chứng. Nhờ đó, người bệnh an tâm khi điều trị tại bệnh viện.

Người bệnh có những gặp các vấn đề như bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ, bí tiểu, tiểu đêm… có thể đến Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để thực hiện các xét nghiệm niệu động học và điều trị phù hợp.

Niệu động học là xét nghiệm quan trọng giúp bác sĩ phát hiện ra nhiều bệnh liên quan đến đường tiết niệu như: tiểu không tự chủ, tiểu bí, tiểu đêm, bàng quang tăng hoạt… Để đảm bảo an toàn và đạt được kết quả tối ưu, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị đáp ứng tốt nhất cho xét nghiệm.

Xem tiếp...
 
Top Bottom