MUA BÁN

Chuyên đề: Kinh nghiệm pháp lý, mua bán, sang nhượng nhà đất, Kinh nghiệm thiết kế thi công, trang trí, Kinh nghiệm chọn sản phẩm giá tốt, Kinh nghiệm về ô tô, xe máy, xe điện, Kinh nghiệm ăn uống, khu nghỉ dưỡng, Kinh nghiệm bảo quản, chế biến món ăn

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
KINH DOANH - MUA BÁN
Tổng thành viên
86
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
22K
Tổng lượt xem
694K

Đi bộ qua đường : 'mạnh ai nấy đi'

Lê Hoài Thương

Tích Cực
Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người đi bộ sang đường một cách tùy tiện. Phần lớn người dân không nắm rõ các quy định pháp luật dành cho người đi bộ nên thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông như sang đường khi chưa có tín hiệu đèn, đi không đúng vạch kẻ đường, đi dưới lòng đường...

afpdibo-7434.jpg

Đi bộ cũng cần lắm sự hiểu biết về văn hóa giao thông

afp

Cơ quan tôi ở gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nên tôi từng trông thấy rất nhiều trường hợp các xe ô tô phải thắng gấp và hạ kính xuống gắt gỏng bởi hành động qua đường tùy tiện của người đi bộ. Đây là trường hợp diễn ra rất thường xuyên tại khu vực này. Mặc dù trước cổng bệnh viện có cầu bộ hành nhưng nhiều người vẫn không đi mà chọn cách băng ngang qua đường, lại có thêm những người đẩy hàng lạng lách qua các phương tiện, thậm chí chặn ngang đầu xe ô tô vào giờ cao điểm.

Bác T, một người bán hàng gần đó, cho biết: “Tâm lý mọi người đi bộ đa phần lười leo cầu thang nên không thích sử dụng cầu bộ hành. Thời tiết mấy ngày gần đầy vô cùng nắng nóng càng khiến nhiều người đi xe máy, ô tô bực bội vì phải thắng gấp khi người đi bộ bất ngờ băng qua. Thậm chí, có nhiều lần người điều khiển xe máy, ô tô và người đi bộ cãi nhau làm ùn tắc giao thông”.

dibongocthang-9936.jpg

Không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông dàn hàng ngang đi bộ giữa lòng đường

ngọc thắng

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) và nhiều tuyến đường khác, đặc biệt là khu vực gần trường học, bệnh viện, bến xe… Ngoài việc qua đường sai quy định, nhiều người đi bộ còn sẵn sàng băng qua dãy phân cách, dù chung quanh được trồng cây xanh và thảm cỏ rất đẹp.

Thiết nghĩ, nguyên nhân chính của hiện tượng băng qua đường tùy tiện này là do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều cá nhân tại các đô thị còn rất kém. Cũng bởi ai cũng cho rằng đi bộ qua đường là việc nhỏ, nên bất chấp hậu quả cứ tùy tiện qua đường.

Bên cạnh đó, vỉa hè dành cho người đi bộ cũng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán khiến họ không còn cách nào khác phải đi bộ tràn xuống lòng đường. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông tại một số nơi vẫn chưa thật sự hoàn thiện và đồng bộ như thiếu vạch kẻ đường, đèn tín hiệu cho người đi bộ khi sang đường… dẫn đến tình trạng người đi đường cứ tùy tiện “mạnh ai nấy đi”, gây nên tình trạng rối loạn, ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

nguoidiboanhuy-4712.jpg

Giao thông ở quanh vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, gần khu vực Bệnh viện Quân y 175, luôn quá tải phương tiện đi lại

AN HUY

Bản thân tôi đã có thời gian sống và học tập tại Thái Lan nên có dịp chứng kiến việc tuân thủ quy định khi lưu thông trên đường phố tại quốc gia này. Ở Thái Lan, quy định về an toàn giao thông rất nghiêm, đặc biệt dành cho người đi bộ. Thông thường, tại quốc gia này, các phương tiện luôn chạy với tốc độ rất cao, kể cả đó là ô tô, xe máy hay xe tuk tuk nên người đi bộ phải tuyệt đối tuân thủ quy định, không được sang đường khi chưa có tín hiệu, để hạn chế độ nguy hiểm và tai nạn cao. Ngược lại, tại những nơi được phép sang đường, có vạch trắng và đèn báo đầy đủ, chỉ cần người đi bộ bước xuống đường là tự các phương tiện sẽ giảm tốc độ và dừng hẳn để họ qua hết đường rồi mới tiếp tục cuộc hành trình. Điều tôi ấn tượng nhất với văn hóa giao thông của Thái Lan là luật pháp của đất nước này rất nghiêm, sẽ không có chuyện “xe lớn phải đền xe nhỏ” hoặc ưu tiên cho người đi bộ. Nếu người đi bộ vi phạm luật mà gặp phải tai nạn đôi khi phải đền tiền ngược lại. Do đó, mọi người khi đi bộ tại Thái Lan thông thường luôn chấp hành đúng luật, chỉ rẽ sang đường ở những nơi cho phép hoặc chịu khó đi xa tìm cầu vượt để băng qua đường.

Mặc dù việc băng qua đường tùy tiện theo kiểu “mạnh ai nấy đi” đã trở thành một thói quen của đại bộ phận người dân, đặc biệt là cư dân tại các đô thị, nhưng các chính sách răn đe và xử phạt vẫn nên được thiết lập, để giảm thiểu cũng như dần dần khắc phục tình trạng vô ý thức trên. Thiết nghĩ, muốn giảm thiểu triệt để tình trạng người đi bộ qua đường tùy tiện, cần tuyên truyền giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cũng như tăng cường kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm để người đi bộ nhận ra trách nhiệm của họ khi tham gia lưu thông. Cũng bởi, đi bộ cũng cần lắm sự hiểu biết về văn hóa giao thông.

dibohongkongafp-1678.jpg

Cần tuyên truyền giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cũng như tăng cường kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm

afp

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Xem tiếp...
 
Top Bottom