SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

Đau vú bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

BS Hà Nội

Fan Cứng
Đau vú là tình trạng phổ biến, thường gặp ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Đau vú có thể xảy ra ở cả 2 bên. Tuy nhiên, nếu chỉ đau vú một bên, người bệnh sẽ đau vú trái nhiều hơn vú phải. Bởi vú trái thường to và có mô tuyến vú nhiều hơn. Khi mắc phải tình trạng này, nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ mắc ung thư vú. Vậy đau vú bên trái ở nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị ra sao?

đau vú bên trái


Đau vú bên trái là gì?


Đau vú bên trái là tình trạng vú bên trái đau một cách tự nhiên hoặc khi sờ vào. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như: viêm nhiễm tuyến vú, chấn thương do va đập, thay đổi hormone trong kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh, thậm chí biểu hiện của ung thư vú.

Đau 1 vú trái có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở bất kỳ thời điểm nào trong đời. Nhiều phụ nữ lo ngại vú bên trái có cảm giác đau là dấu hiệu sớm của ung thư vú, tuy nhiên, để có kết quả chính xác, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị sớm.

Đau vú bên trái ở nữ là dấu hiệu gì?


Đau vú bên trái có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm:

  • Nội tiết tố thay đổi: sự biến đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn tiền mãn kinh có thể gây đau vú ở phụ nữ. Cảm giác đau có thể xảy ra ở vú trái, vú phải hoặc cả 2 vú. Đau vú ở thời kỳ này khá phổ biến và thường không đáng lo ngại.
  • Viêm, nhiễm trùng: có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập gây đau, nóng hoặc sưng đỏ vú. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú nhưng cũng có thể gặp ở phụ nữ không cho con bú.
  • Ung thư vú: ung thư vú giai đoạn sớm thường không gây đau. Bệnh nhân thường đau khi ở giai đoạn trễ, u to, tế bào lan sang mô xung quanh, nhất là dây thần kinh cảm giác trong mô tuyến vú. Do đó, nếu đau vú đi kèm với những triệu chứng khác như: thay đổi da vùng vú, tiết dịch núm vú, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. [1]

9 nguyên nhân đau vú bên trái phổ biến và yếu tố rủi ro


Đau vú khá phổ biến và không khó điều trị, tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Dưới đây là 9 nguyên nhân gây đau vú bên trái [2]:

Ưu đãi tầm soát ung thư vú dịp 8-3

  • Thay đổi nội tiết tố: sự dao động nội tiết tố là nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ đau vú trái, thậm chí cả 2 vú. Vú thường đau từ 3 – 5 ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh do sự gia tăng estrogen và progesterone. Những hormone này khiến vú sưng và có thể gây đau. Với phụ nữ đang mang thai, vú trái có thể đau trong 3 tháng đầu do quá trình sản xuất hormone tăng lên.
  • Chấn thương vùng ngực: tương tự những bộ phận khác trên cơ thể, ngực cũng có thể bị thương. Tình trạng này có thể do tai nạn, chơi thể thao hoặc phẫu thuật vùng ngực. Cảm giác đau có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần sau khi xảy ra chấn thương. Nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau không cải thiện hoặc có những dấu hiệu khác đi kèm như: sưng hoặc có khối u ở vú, vú đỏ và ấm, xuất hiện vết bầm tím.
  • Mặc áo ngực không phù hợp: áo có kích cỡ quá nhỏ hoặc dây áo siết quá chật có thể làm đau vú.
  • Viêm, áp xe vú: phụ nữ đang cho con bú có khả năng bị viêm vú hoặc áp xe vú hơn người bình thường. Viêm vú có thể gây sốt, xuất hiện các triệu chứng như: đau, đỏ, sưng tấy ở vú trái hoặc bên vú còn lại.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây đau vú trái hoặc cả 2 vú, gồm: Oxymethone được sử dụng để điều trị một số dạng thiếu máu; Chlorpromazine dùng trong điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần khác; thuốc lợi tiểu; liệu pháp hormone (thuốc tránh thai, thay thế hormone hoặc điều trị vô sinh); Digitalis được kê toa cho bệnh suy tim; Methyldopa dùng trong điều trị huyết áp cao.
  • Đặt túi ngực: bị đau vú bên trái có thể là dấu hiệu cho thấy túi ngực ở vị trí này của bạn bị vỡ.
  • U nang vú: thay đổi sợi bọc là thuật ngữ được sử dụng để mô tả thay đổi lành tính ở vú. Tình trạng này có thể gây sưng, đau vú trái nếu thay đổi sợi bọc xảy ra ở vú này. Bác sĩ khi khám lâm sàng sẽ cảm nhận được mô vú có mảng hơi sượng, giới hạn không rõ, đôi khi có thể gây tiết dịch ở núm vú.
  • Dấu hiệu của ung thư vú: ung thư vú dạng viêm là dạng ung thư ít gặp và có thể gây đau. Loại ung thư này chỉ chiếm 1% – 5% các trường hợp ung thư vú ở Hoa Kỳ, với các triệu chứng như: da vú đỏ hoặc đổi màu, sưng, đau vú.
  • Những nguyên nhân khác như: căng tức ngực ở phụ nữ sau sinh, ngực chứa đầy sữa khiến da căng, ấn vào có cảm giác đau.
bị đau vú bên trái
Đau vú có thể xảy ra ở cả 2 vú nhưng chủ yếu gặp ở vú bên trái.

Triệu chứng đau nhức vú bên trái cần lưu ý


Đau vú bên trái được chia thành 2 dạng, với những triệu chứng khác nhau gồm:

1. Đau vú bên trái theo chu kỳ


Phụ nữ từ 20 – 30 tuổi có nhiều khả năng gặp các triệu chứng liên quan đến đau vú theo chu kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra ở vú trái hoặc cả 2 vú, với các triệu chứng sau.

  • Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt có thể gây đau vú trái. Thường xảy ra vài ngày trước khi bắt đầu chu kỳ kinh.
  • Vú trái căng đầy hoặc sưng.
  • Cơn đau lan xuống nách hoặc phần trên và phía ngoài của vú.
  • Vú trái hết đau sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc.

2. Đau vú bên trái không theo chu kỳ


Phụ nữ từ 40 – 50 tuổi đang trong giai đoạn chuyển tiếp hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh có thể gặp triệu chứng đau vú không theo chu kỳ. Đau vú không theo chu kỳ thường ảnh hưởng đến 1 bên vú, với các triệu chứng như: đau nhức ở vú, cơn đau kéo dài suốt tháng và không liên quan chu kỳ kinh nguyệt.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?


Khi gặp tình trạng vú bên trái bị đau đi kèm với những triệu chứng sau đây, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm nguyên nhân:

  • Cơn đau kéo dài vài tuần, thậm chí đã kết thúc kỳ kinh nguyệt nhưng triệu chứng không giảm mà còn trở nên nặng hơn.
  • Biến đổi về hình dạng hoặc kích thước vú như: thay đổi da vú, sưng to hoặc xuất hiện khối u.
  • Cảm giác đau nhức, nóng rát vú trái hoặc cả 2 vú nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư vú.
  • Các triệu chứng khác đi kèm như: xuất huyết vú, đỏ, nổi mụn, hoặc phát ban.

Phương pháp chẩn đoán đau bầu ngực bên trái ở phụ nữ


Để chẩn đoán đau vú bên trái ở phụ nữ, bác sĩ sẽ sử dụng một trong các phương pháp sau:

  • Khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng đang gặp phải, sau đó tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra cả 2 bên vú.
  • Siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh giúp khảo sát hình ảnh bên trong vú. Từ đó xác định có khối u, vết thương hoặc các vấn đề khác bên trong vú trái hay không.
  • Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để kiểm tra các chỉ số sinh hóa và hormone, nhất là khi nghi ngờ người bệnh gặp phải những vấn đề về hormon hoặc viêm nhiễm.
  • Sinh thiết vú được thực hiện trong trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ ung thư hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác. Một mẫu mô từ vùng vú bị nghi ngờ sẽ được chọc hút và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi.
vú bên trái bị đau
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn đang khám cho một trường hợp mắc bệnh tuyến vú

Điều trị đau nhức vú bên trái thế nào?


Đầu tiên, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ các triệu chứng mà bản thân gặp phải, những loại thuốc đang sử dụng. Bởi một số thuốc tránh thai, thuốc điều trị vô sinh, trầm cảm và liệu pháp thay thế hormone có thể gây đau vú. [3]

Đau vú trái là tình trạng phổ biến, dễ điều trị nếu không phải là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng như ung thư. Việc điều trị, gồm:

  • Chọn áo ngực phù hợp: mặc áo ngực vừa vặn, chất liệu mềm tạo sự thoải mái.
  • Thuốc giảm đau: sử dụng gel giảm đau tại chỗ (thuốc giảm đau không steroid) hoặc thuốc giảm đau đường uống (acetaminophen, ibuprofen) để giảm triệu chứng đau vú.
  • Chườm ấm hoặc massage có thể giúp giảm sưng, đau vú.
  • Nếu cơn đau liên quan đến việc cho con bú, hãy tập cho bé cách ngậm đúng cách.

Chăm sóc phòng ngừa giảm tình trạng vú bên trái bị đau


Bị đau vú bên trái có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mặc áo lót không phù hợp, viêm nhiễm, thay đổi nội tiết tố, thậm chí dấu hiệu của ung thư vú. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bạn có thể tham khảo:

  • Chọn áo lót đúng kích cỡ, có chất liệu mềm, không gây kích ứng và giảm áp lực lên vú.
  • Chế độ ăn uống, dinh dưỡng cân đối.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng vú và mặc quần áo thoáng khí để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
  • Tập thể dục đều đặn, duy trì 30 phút/ngày sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn tình trạng đau vú.
  • Kiểm tra, tầm soát vú định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
  • Giảm căng thẳng bằng cách tập yoga, ngồi thiền, đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Đến gặp bác sĩ khi đau vú trái kéo dài đi kèm với những triệu chứng như: thay thay đổi da vú, tiết dịch núm vú.

Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về đau vú bên trái ở nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị ra sao? Có thể thấy, đau vú bên trái không phải dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi tình trạng đau vú trái kéo dài đi kèm với những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị sớm.

Xem tiếp...
 
Top Bottom