SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
331K

Cúm A H5 là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phòng ngừa

BS Bình Định

Fan Cứng
Bệnh cúm A H5N1 (nhiều người gọi tắt là cúm A H5) dễ đột biến, có độc lực cao, tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong. Bệnh lý này có thể lan truyền gây ra dịch bệnh ở người.

cúm a h5


Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Người nhiễm bệnh cúm A H5 hay cúm A H5N1 cần được theo dõi, can thiệp chữa trị kịp thời để hạn chế nguy cơ gặp biến chứng cho sức khỏe. Vậy bệnh cúm A H5 là gì? Triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ra sao?

Cúm A H5 là gì?


Cúm A H5 là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có diễn biến nguy hiểm ở người và động vật. Cúm A H5 có mức độ nguy hiểm cao hơn so với những chủng cúm mùa thông thường. Người bệnh cúm A H5 có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở những đối tượng nguy cơ cao.

Các chủng cúm A H5 được ghi nhận


Hiện có 9 phân nhóm virus cúm A H5 đã được biết đến, bao gồm: A(H5N1), A(H5N2), A(H5N3), A(H5N4), A(H5N5), A(H5N6), A(H5N7), A(H5N8), A(H5N9). Trên thế giới, hầu hết virus A(H5) được xác định ở các loài gia cầm/chim hoang dã đều là LPAI, đôi khi phát hiện ra virus HPAI A(H5). (1)

Những trường hợp nhiễm virus A H5 ở người đã xuất hiện, ví dụ như virus HPAI A(H5N1) liên quan đến dịch bệnh gia cầm tại nhiều quốc gia. Kể từ năm 1997, trường hợp nhiễm virus HPAI A(H5N1) ở người đã được báo cáo ở 23 quốc gia, dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng và tử vong trong khoảng 50% ca bệnh.

bệnh cúm a h5
A(H5N1) là một trong những phân nhóm virus cúm A H5 được biết đến

Triệu chứng nhận biết cúm A H5 ở người


Virus cúm A(H5N1) khi tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng và sau cùng là không còn khả năng chống đỡ. Người bệnh cúm A H5 thường có các triệu chứng tương tự với khi nhiễm cúm thông thường và kèm theo một vài dấu hiệu nguy hiểm hơn. Những triệu chứng nhận biết cúm A H5 ở người thường bắt đầu trong khoảng 2 – 5 ngày kể từ lúc bị virus cúm A(H5N1) xâm nhập, gồm có: (2)

  • Sốt cao trên 38℃ (diễn ra đột ngột).
  • Đau đầu, rét run.
  • Tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực.
  • Ho, đau họng, thường ho có đờm, ho khan.
  • Mệt mỏi rã rời, đau nhức cơ.
  • Các triệu chứng cúm A H5 diễn ra nặng hơn chỉ sau nửa ngày. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man.

Nguyên nhân nhiễm bệnh cúm A H5


Có nhiều nguyên nhân khiến một người nhiễm bệnh cúm A H5. Chủ yếu là do người bệnh nhiễm virus thông qua việc tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với động vật mắc bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân khiến bệnh cúm A H5 có thể bùng phát trong cộng đồng: (3)

  • Sống gần những trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm gia tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus lây nhiễm dễ hơn.
  • Các chợ trời, nơi bán trứng, gia cầm không đảm bảo kiểm dịch, điều kiện an toàn vệ sinh.
  • Ăn trứng và thịt gia cầm chưa được chế biến chín.

Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A (họ Orthomyxoviridae). Vỏ của virus cúm A có glycoprotein bao gồm 2 loại kháng nguyên: kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase) và kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin). Có 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận từ N1 đến N9 và 16 loại kháng nguyên H, từ H1 đến H16.

Tỷ lệ đột biến của virus cúm cao và kháng nguyên bề mặt rất dễ biến đổi. Trong đó, kháng nguyên N và H là thay đổi rõ ràng nhất. Chỉ cần đột biến nhỏ cũng dẫn đến sự biến đổi kháng nguyên, tạo thành biến chủng cúm mới. Cúm A(H5N1) là phân nhóm cúm gia cầm có thể xâm nhiễm, tự biến đổi/tái tổ hợp rất cao. Virus cúm ở người có thể kết hợp với virus A(H5N1) để tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của cả hai loại virus cũ. Loại virus mới này dễ tạo ra dịch cúm mới ở người, tiềm ẩn nguy cơ cao gây biến chứng nặng, khiến người bệnh tử vong.

bệnh cúm a h5 từ trang trại gia cầm
Cúm A H5 có thể xuất phát từ các trang trại gia cầm

Cúm A H5 lây qua đường nào?


Cúm A(H5N1) có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc với vật dụng chứa mầm bệnh, tiếp xúc/ăn gia cầm hay lợn ốm/chết do nhiễm virus cúm A(H5N1) hoặc ăn thịt gia cầm, chế phẩm từ gia cầm chưa chế biến chín kỹ. Virus cúm A(H5N1) phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua dịch mũi, nước bọt, phân và bên trong tế bào niêm mạc ruột của một vài loài chim di cư.

Bệnh cúm A H5 thường lây truyền ở động vật nhưng cũng có thể truyền nhiễm, ảnh hưởng đến con người. Thế nhưng, không giống như những loại bệnh cúm khác ở người, cúm A(H5N1) ít lây truyền từ người sang người. Con người bị nhiễm virus cúm A H5 chủ yếu thông qua việc tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với động vật mắc bệnh.

Nguy cơ nhiễm virus A(H5N1) cao hơn cả xảy ra khi một người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc những bề mặt bị ô nhiễm nước bọt, lông, phân gia cầm. Hiếm khi dịch cúm gia cầm lây truyền từ người sang người. Nguy cơ này chỉ có thể xảy ra trong những trường hợp tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh, ví dụ như mẹ chăm sóc trẻ nhiễm bệnh và bị lây. Sau khi bị nhiễm virus A(H5N1), người bệnh đào thải virus trong khoảng 1 – 2 ngày trước khi bệnh khởi phát và khoảng 3 – 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, có thể kéo dài hơn.

Bệnh cúm A H5 có nguy hiểm không?


Virus A(H5N1) có độc lực cao, nguy hiểm. Căn bệnh này có thể diễn tiến phức tạp, khó lường với tỷ lệ biến chứng, tử vong ở người (khoảng 50 – 60%) nếu không được phát hiện, can thiệp chữa trị kịp thời. Tại Việt Nam, ca nhiễm virus A(H5N1) đầu tiên xuất hiện vào năm 2003. Từ năm 2004 đến 2013, Việt Nam ghi nhận khoảng 35 ca bệnh và 29 ca tử vong do nhiễm virus cúm A(H5N1). Cúm A H5 đã biến đổi liên tục thành các tuýp cúm mới có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao (thậm chí có thời điểm lên đến 100%).

Những đợt dịch cúm A H5 trước đây lây truyền sang người đã khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nghiêm trọng như: suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong. Dịch cúm A H5 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này. (4)

bệnh cúm a h5 nguy hiểm
Người bệnh cúm A H5 có nguy cơ gặp biến chứng cao nếu không được chữa trị kịp thời

Cách chẩn đoán cúm A H5


Bệnh cúm A H5 ở người có diễn biến nghiêm trọng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với những phương pháp chữa trị thông thường, tỷ lệ tử vong ở mức cao. Vì thế, việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh cúm A H5 có vai trò quan trọng. Dưới đây là những phương pháp chẩn đoán bệnh cúm A H5 được khuyến cáo:

  • Tiền sử dịch tễ: Người đã tiếp xúc với người bệnh cúm A H5, người đã tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc đã ở khu vực đang có lưu hành dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
  • Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt được bệnh cúm A H5 với những căn bệnh cúm thông thường, bệnh hô hấp như viêm phổi do vi khuẩn, virus khác gây ra.
  • Xét nghiệm chẩn đoán: Những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virus A(H5N1) phổ biến gồm có:
    • Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR).
    • Kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotide (sequencing).
    • Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI).
    • Kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA).
    • Kỹ thuật phân lập virus.
    • Kỹ thuật trung hòa vi lượng: Kỹ thuật này rất nhạy và đặc hiệu nhất trong số các kỹ thuật chẩn đoán huyết thanh học. Kỹ thuật trung hòa vi lượng giúp xác định chính xác từng phân tuýp (H1N1, H3N2, H5N1…), có khả năng phát hiện sớm từ khi nồng độ kháng thể vẫn còn ở định mức thấp, chưa thể phát hiện được bằng những kỹ thuật khác. Thế nhưng, để thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi phải có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3.
chẩn đoán bệnh cúm a h5
Virus A(H5N1) có thể được phát hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm

Cách điều trị cúm A H5


Người bị cúm A H5 cần đến bệnh viện để được chữa trị. Vì nếu tự điều trị không đúng cách tại nhà có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân người bệnh cũng như người chăm sóc. Nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh cần tiến hành nhập viện để được bác sĩ theo dõi, chữa trị, chăm sóc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát. Trong quá trình điều trị cúm A H5, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp theo tư vấn của bác sĩ dưới đây để góp phần cải thiện sức khỏe:

  • Nghỉ ngơi cho đến khi hạ sốt, thư giãn bên trong môi trường thoáng khí, tránh những nơi có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, không nên nằm trong phòng điều hòa.
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, ưu tiên ăn món dễ tiêu, thực phẩm lỏng, nóng, uống nhiều nước. Người bệnh cần tránh ăn món lạnh vì có thể ảnh hưởng đến họng và khiến bệnh lâu khỏi.
  • Vệ sinh họng khoảng 2 – 3 lần/ngày bằng nước muối loãng có tính sát khuẩn tốt để làm giảm nhanh triệu chứng viêm và đau rát họng.
  • Dùng thuốc xịt vệ sinh mũi mỗi ngày để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.

Người bị cúm A(H5N1) có thể được chỉ định dùng các thuốc kháng virus như Oseltamivir (Tamiflu), Zanamivir (Relenza) để chữa trị, giảm triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nặng. Người bệnh cần được chữa trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Lưu ý, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp người bệnh sốt cao hơn 38℃, sốt kéo dài liên tục thì nên uống thuốc Paracetamol theo bác sĩ tư vấn. Người bệnh gặp triệu chứng đau cơ khớp, ho có đờm, ho khan… chỉ nên chữa trị bằng thuốc Codein khi cần thiết, đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người nhiễm cúm A(H5N1) nghiêm trọng, gặp dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn có thể được bác sĩ chỉ định cho sử dụng thuốc Corticosteroid. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc thuộc nhóm Salicylate như Aspirin để hạ sốt do cúm, việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ra hội chứng Reye nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em.

điều trị bệnh cúm a h5
Người bệnh cúm A H5 nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ

Cách phòng ngừa nhiễm cúm A H5


Ngoài việc chủ động thực hiện tiêm vắc xin ngăn ngừa bệnh cúm A nói chung, để đề phòng bệnh cúm A H5 lây nhiễm sang người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần áp dụng nghiêm túc những biện pháp dưới đây:

  • Không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm/chết chưa rõ nguyên nhân.
  • Không buôn bán, dùng trứng, thịt và sản phẩm gia cầm chưa rõ nguồn gốc.
  • Không ăn tiết canh, trứng, thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ lưỡng.
  • Khi phát hiện có gia cầm bị ốm/chết bất thường phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
  • Nếu xuất hiện những triệu chứng cúm có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Người bệnh cúm A H5 có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Do đó, mỗi người cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này thông qua việc tiêm chủng, áp dụng các biện pháp đẩy lùi dịch cúm gia cầm… Ngay khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A H5, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Xem tiếp...
 
Top Bottom