THẨM MỸ LÀM ĐẸP

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm nâng mũi, đặt túi nâng ngực, cắt mắt hai mí, hút mỡ, hút mỡ, làm đẹp vùng kín, nâng mông, căng da mặt, tiêm filler, botox, làm đẹp da, phun xăm, nha khoa, trang điểm, mỹ phẩm, đào tạo làm đẹp

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
LÀM ĐẸP
Tổng thành viên
90
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
7K
Tổng lượt xem
394K

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi "nổi tiếng nhất" Hà Nội

Ngày bà Đinh Thị Hường (72 tuổi) dán tờ cáo phó trước cửa căn nhà cấp 4 ở ngõ Quan Thổ (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều hàng xóm bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của ông Đinh Văn Diệp, em trai bà Hường.

Tuần trước, người dân trong ngõ vẫn thấy cụ ông 70 tuổi mặc đồ giản dị, đầu đội chiếc mũ tai bèo đi bán bút bi.

Cách đây hai năm, ông Diệp nổi tiếng trên mạng xã hội khi đứng bán bút tại khu vực dải phân cách cắm cột đèn giao thông giao giữa đường Khâm Thiên và Tôn Đức Thắng. Ông không lập gia đình, đi khắp đường phố mưu sinh mỗi ngày, nuôi chị gái mất sức lao động và cháu gái khuyết tật ngoài 40 tuổi.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 1

Ông Diệp bán bút bi ở ngã tư phố Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng, tháng 1/2022 (Ảnh: Minh Nhân).

Di nguyện cuối đời​


Một tháng trước, ông Diệp than mệt, không thể giặt quần áo. Bà Hường nhiều lần khuyên em trai nghỉ bán, nhưng ông không chịu, nói "gồng gánh nuôi chị và cháu gái". Biết tính cách em trai "một khi đã quyết tâm thì không ai cản được", bà Hường dặn em chú ý sức khỏe, không làm quá sức.

Một lần, ông Diệp nghỉ bán, dặn chị gái lấy giúp thẻ bảo hiểm y tế, rồi nhờ người xe ôm đầu ngõ chở đến bệnh viện dự định khám bệnh, nhưng lại ra về do quá đông bệnh nhân.

"Ông ấy nhất định không đi khám, sợ nếu phát hiện bệnh lại liên lụy gia đình, người thân", bà Đức, 77 tuổi, bán nước đầu ngõ Quan Thổ, nói.

Từ nhiều năm qua, bà Hường mắc nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp, đau lưng… dẫn đến mất sức lao động. Cô cháu gái ruột, con của em trai đã mất, không may bị nhiễm chất độc da cam, cũng được ông Diệp nhận nuôi.

Ba miệng ăn trong gia đình đều do cụ ông gánh vác. Ông bởi thế sống tiết kiệm, đều đặn dành 50.000 - 70.000 đồng tiền đi chợ, phí sinh hoạt mỗi ngày.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 2

Cụ ông được gọi là "người bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội" (Ảnh: Minh Nhân).


Ông Diệp gắn bó với công việc bán bút bi dạo không nghỉ ngày nào, dù trời nắng gắt hay rét buốt, cả những cơn mưa bất chợt làm ướt sũng quần áo.

Hiếm hoi trong gần 8 năm qua, hàng xóm không thấy ông ra khỏi con ngõ, kể từ ngày 15/3. Thời gian này, ông mệt hơn, ăn ít cơm. Bà Hường nhiều lần xúc cơm, nhưng ông Diệp đều gạt tay, không để chị làm hộ mà tự mình ăn cơm.

Linh tính chuyện chẳng lành, bà Hường thông báo với họ hàng chuyện ông Diệp bị ốm. Các cháu hai bên nội ngoại tranh thủ thời gian đến thăm ông. Nhưng không để mọi người lo lắng, ông chỉ nói: "Yên tâm, cậu vẫn khỏe".

Sau bữa cơm tối 16/3, ông Diệp gọi chị gái vào phòng nói chuyện, chỉ chỗ cất vài triệu tiền tích cóp nhiều năm qua. Như lời di nguyện cuối cùng, ông dặn dò chị và cháu gái chăm sóc lẫn nhau, ăn uống đầy đủ.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 3

Chiếc cổng căn nhà cấp 4 của ông Diệp (ở giữa) vừa được sửa sang (Ảnh: Minh Nhân).


Sáng hôm sau, ông cố gắng ăn nửa bát bún. Bà Hường dặn em vào giường nằm nghỉ. Ông Diệp nghe lời, không ai nghĩ là ông nằm hẳn, ra đi nhẹ nhàng sau ba tiếng thở hắt.

"Tôi biết em trai yếu lắm rồi, được ngày một ngày hai, nhưng không ngờ chiều hôm đó em bỏ tôi ra đi", nghĩ đến em trai cả đời cực khổ, người chị 72 tuổi bật khóc nức nở.

Tờ cáo phó lạnh lẽo trước cửa nhà khiến người thân và hàng xóm quặn thắt. Nhiều người đến viếng xót thương cụ ông không vợ không con, đến cuối đời vẫn chỉ nghĩ đến người thân.

"Mấy ngày trước, ông Diệp còn ra quán nước chơi. Đến chủ nhật, tôi nghe tin ông mất rồi", bà Đức kể.

Mỗi lần đi qua quán nước đầu ngõ, ông đều cười tươi, nói: "Chào bà, chúc bà bán hàng may mắn nhé", khuyên bà Đức muốn đắt hàng phải cười nhiều, vui vẻ cho khỏe mạnh.

Cụ bà bán nước nhận xét ông Diệp là người chăm chỉ và tốt bụng, không dám nghỉ làm để lo cho chị và cháu gái. Dù không có tiền, mỗi khi gặp hai đứa cháu ngoại của bà Đức, ông đều cho bánh kẹo hoặc 10.000 đồng mua bim bim.

Nhiều người từng là khách hàng của ông Diệp đã dành thời gian đến tiễn đưa ông đoạn đường cuối. Trên phong bì, họ ghi dòng chữ xúc động: "Những đứa cháu hay mua bút kính viếng ông".

Ông Lê Ngọc Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 (phường Hàng Bột, quận Đống Đa), cho biết khi nhận tin, chính quyền địa phương đã cùng người dân tổ chức tang lễ cho ông Diệp.

Sau khi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, tro cốt của ông Diệp được gửi lại Nghĩa trang Văn Điển. Người thân đưa di ảnh của ông về nhà.

Di ảnh được cắt ra từ bức ảnh duy nhất ông Diệp chụp cách đây một năm, tạo dáng đứng và tay kiểu nghệ sĩ, đúng như phong cách thích ca hát và làm thơ của ông. Bức ảnh này được in phóng to, đặt cạnh bàn thờ của người quá cố.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 4

Gia đình dùng bức ảnh duy nhất của ông Diệp để làm di ảnh (Ảnh: Minh Nhân).

Những chiếc bút bi cuối cùng​


Bố mẹ ông Diệp là người Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp rồi sinh 7 người con, ông là con thứ 4. Năm 1974, vừa học hết cấp 3, ông xung phong vào chiến trường miền Nam. Một năm sau đất nước giải phóng, ông xuất ngũ.

Năm 1978, ông Diệp ra Hà Nội, sống cùng vợ chồng anh chị ruột trên phố Tôn Đức Thắng. Bị di chứng chiến tranh nên ông không làm được việc nặng, mưu sinh bằng nghề bán vé số, truyện tranh, ve chai, rồi chuyển sang bán bút bi tại các cổng trường học ở quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ hoặc ngã tư phố.

Tổ trưởng tổ dân phố cho biết hoàn cảnh gia đình ông Diệp đặc biệt khó khăn khó khăn. Cháu gái được hưởng trợ cấp 600.000 đồng, hai ông bà mỗi người 2,5 triệu đồng tiền trợ cấp người cao tuổi.

"Do ảnh hưởng chiến tranh ông Diệp từng đi lạc mấy tháng không tìm được đường về nhà. Vài năm trước sức khỏe đỡ hơn, ông chuyên tâm đi bán bút bi dạo", ông Thanh nói.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 5

Cụ ông vừa hát vừa bán bút bi giữa ngã tư phố, tháng 1/2022 (Ảnh: Minh Nhân).


Hàng chục năm rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, tuy không giàu sang, nhưng ông Diệp luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng vì "không thiếu thốn thứ gì".

Ông bán bút bi dạo từ 7h đến 17h mỗi ngày. Trung bình cứ hai lượt dừng đèn đỏ 60 giây, lại có một khách ghé qua. Mỗi chiếc bút có giá 2.000 đồng, có khách mua vài chiếc, có người mua vài chục cái, đa phần là người trẻ vốn là khách quen hoặc được giới thiệu.

Có người khuyên tăng giá cho có lãi, nhưng ông tự nhận "giá như vậy không quá rẻ, chỉ là giảm chút ít so với mặt bằng chung, để học sinh và người khó khăn có thể mua".

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 6

Những chiếc bút bi nhiều màu sắc đã nuôi sống cả gia đình ông Diệp (Ảnh: Minh Nhân).


Mỗi ca, ông chỉ mang 175 chiếc bút, đựng trong chiếc túi nhỏ. Mua 10 tặng 1, trung bình, ông bán được 300-400 chiếc bút mỗi ngày.

Câu cửa miệng của ông là "cảm ơn" và "xin lỗi". Cảm ơn và cúi đầu khi khách mua hàng dù chỉ một chiếc. Xin lỗi chân thành vì đã hết hàng, hẹn lần sau.

Đôi khi ông vui tính, dùng tiếng hát để mời người đời mua bút hoặc làm thơ, truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Có những ngày, đứng cả buổi sáng không mở hàng được cái nào, ông vẫn đợi hết ca làm mới về nhà.

Ngày ông Diệp mất, trong nhà còn hai thùng bút bi. Những người cháu đã chia nhau mang bút đến lớp bán cho bạn bè với giá một nửa. Họ mong muốn thay ông đưa những chiếc bút cuối cùng đến tay khách hàng.

Chuyện đời của cụ ông bán bút bi nổi tiếng nhất Hà Nội - 7

Sự ra đi đột ngột của cụ ông khiến nhiều người xót thương (Ảnh: Minh Nhân).


Từ ngày ông Diệp chia tay con ngõ nhỏ, bà Đức nói "cảm thấy thiêu thiếu". Bà đã quen với hình ảnh mỗi chiều thấy cụ ông tươi cười sang đường về nhà sau giờ làm.

Còn bà Hường chưa thể hình dung cuộc sống vắng bóng người em trai. Trải qua những ngày đầu tiên của hành trình đơn độc này, bà nhớ nhung bao kỷ niệm.

"Em Diệp là người sống lạc quan, cố gắng vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Em không còn nữa, tôi cũng không còn chỗ dựa tinh thần", bà Hường nói, nhìn bức ảnh "rất nghệ sĩ" của ông Diệp, rồi lại ngước mắt ra ngoài, trong một buổi sáng âm u.

Xem tiếp...
 
Top Bottom