Phương Nga
Tích Cực
Facebook “sập” trên toàn cầu
10 giờ tối ngày 5/3 vừa qua, người dùng mạng xã hội Facebook bất ngờ nhận được thông báo bị “kick” ra khỏi mọi tài khoản của Meta. Bên cạnh Facebook, các nền tảng khác là Messenger, Instagram và Threads cũng không đăng nhập được. Sự cố này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên cả toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, sự cố đã được khắc phục, chúng ta lại có thể lướt Facebook và nhắn tin bình thường. Đây là một sự cố ngoài ý muốn, nhưng đồng thời là dịp để mỗi người nhìn lại cách sống của bản thân.
Bỗng trở nên cô đơn khi không còn được kết nối
Khi không còn Facebook, bạn dùng điện thoại vào việc gì? Có phải chỉ để truy cập vào một số nền tảng khác để xem liệu có phải mỗi tài khoản của mình gặp vấn đề hay không? Sau khi sự cố được khắc phục, chúng ta bắt gặp nhiều bài đăng hài hước như “Những lúc thế này thư viện trong điện thoại mới phát huy tác dụng”, “Zalo là thành trì cuối cùng”, hoặc “Bỗng dưng mất hết kết nối với thế giới”.
Có người so sánh việc “mạng xã hội sập” này giống như việc mất điện ngày xưa. “Phụt” một tiếng, tất cả chìm trong bóng tối. Nhưng nếu ngày xưa chúng ta có thể chạy ra ngoài để tụ họp vui chơi với bạn bè trong xóm, thì bây giờ chỉ biết ngồi một mình với chiếc điện thoại không kết nối được với mạng xã hội, không biết phải làm gì. Bạn muốn nói chuyện với bạn bè nhưng nhận ra mình không lưu số điện thoại của họ, đối với mối quan hệ trên mạng thì thậm chí đến cả mặt mũi, tên tuổi của đối phương là gì bạn cũng không biết. Người mà chúng ta cảm thấy nói chuyện rất hợp, tưởng như đó là tri kỷ, tâm giao, nhưng chỉ cần một sự cố không do bản thân kiểm soát, tất cả lại có thể dễ dàng bị cắt đứt đến vậy. Không còn mạng xã hội, chúng ta bỗng cảm thấy cô đơn một cách lạ lùng. Ta bắt đầu tự hỏi ngày xưa khi không có mạng xã hội, muốn làm gì cũng cần gặp mặt trực tiếp, hoặc dù có phương tiện trao đổi thông tin thì cũng chỉ gói gọn trong những lá thư đường dài; vậy nhưng tại sao chúng ta không hề cảm thấy cô đơn?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Chúng ta là gì của nhau nếu một ngày không còn mạng xã hội? Có thể là một người quen, hoặc là người đã từng quen. Dù thế nào thì khi không còn sự kết nối thông qua thế giới ảo nữa, ta bỗng cảm thấy mối liên kết giữa hai bên trở nên xa cách một cách kỳ lạ.
Mạng xã hội kết nối hay khiến con người dần trở nên xa nhau?
Trong thời đại ngày nay, có thể nói mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Không cần gặp mặt trực tiếp để trò chuyện, không cần cất công ra hiệu sách hoặc thư viện để mua sách vở, không cần đến công ty để nghe sếp giao việc, cũng chẳng còn cần đến ông mai bà mối khi ngày nay chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là ta đã có thể quen biết cả những người xa lạ ở bên kia bán cầu. Chúng ta kết bạn qua mạng xã hội, giao lưu qua mạng xã hội, học tập qua mạng xã hội, trao đổi công việc qua mạng xã hội, yêu đương qua mạng xã hội. Nếu như ngày xưa ông bà bố mẹ hay than phiền rằng “mạng xã hội độc hại” hay “chẳng để làm gì”, thì ngày nay chính thế hệ trước ấy cũng bắt đầu học dùng Facebook, Zalo. Quả thực, không ai có thể tách mình ra khỏi đà phát triển của xã hội.
Những tưởng điều đó sẽ khiến con người xích lại gần nhau hơn, thế nhưng thực tế lại không hề xảy ra theo như cách Facebook quảng bá: “Facebook giúp bạn kết nối và chia sẻ với mọi người trong cuộc sống của bạn”. Thay vì xây dựng những mối quan hệ thêm bền chắc, mạng xã hội lại khiến người với người ít trò chuyện hơn, chúng ta giao tiếp với nhau nhưng lại không hề nhìn vào mắt nhau, những icon mặc định nay trở thành phương tiện biểu lộ cảm xúc; ngồi cạnh nhau nhưng không ai nói lời nào, ai cũng chỉ cắm mặt vào chiếc điện thoại trong tay. Mỗi người chìm trong thế giới riêng, coi đó là cả cuộc sống của mình, vậy nên khi thế giới ảo ấy biến mất, ta mới cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong chính căn nhà của mình.
Tất nhiên, thế giới ảo vẫn là “thế giới”, không thể phủ nhận vai trò của nó trong xã hội hiện đại ngày nay, tuy nhiên, cần phải biết cân bằng giữa hai thế giới này. Sau tất cả, người luôn ở bên chúng ta, trực tiếp chia sẻ những lát cắt cuộc sống cùng ta là những người ở thế giới thực. Hãy để Facebook là một phần của cuộc sống, chứ đừng để nó chiếm trọn cả cả cuộc đời chúng ta.
Vivian
Ảnh: Sưu tầm
Xem tiếp...