SỨC KHỎE - GIA ĐÌNH

Chuyên đề: Chia sẽ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh, Kinh nghiệm vàng khám phụ khoa, Kinh nghiệm vàng khi quan hệ tình dục, Review kinh nghiệm khám nam khoa nhanh chóng, Hướng dẫn theo dõi chăm sóc sức khỏe trẻ em, Chia sẽ kinh nghiệm bà bầu

Chia sẻ nhóm

Tổng Quan

Loại
SỨC KHỎE
Tổng thành viên
59
Tổng sự kiện
0
Tổng số thảo luận
10K
Tổng lượt xem
332K

Chảy máu tai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

BS Cần Thơ

Fan Cứng
Chảy máu tai là hiện tượng thường gặp ở người mắc các vấn đề liên quan đến tai mũi họng. Vậy chảy máu tai là bệnh gì? Nguyên nhân chảy máu tai đến từ đâu? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan về chảy máu tai, cách phòng ngừa và xử trí khi gặp tình trạng này.

chảy máu tai


Chảy máu tai là gì?


Chảy máu tai là tình trạng xuất huyết ở bên trong hoặc bên ngoài tai, xuất phát từ nguyên nhân chấn thương hoặc bệnh lý. Từ vết xước nhỏ cho đến những tổn thương liên quan đến não bộ đều có thể gây chảy máu tai, vì vậy mà mức độ nghiêm trọng của chảy máu tai cũng được đánh giá khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Do đó, hiểu biết rõ chảy máu tai là bị gì sẽ giúp người bệnh có thể sớm tìm đến các giải pháp sơ cứu và can thiệp kịp thời, tránh hoang mang hoặc điều trị sai cách gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn.

Phân loại chảy máu tai


Trên phương diện giải phẫu, tai có cấu trúc khá tinh vi, gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Mỗi bộ phận của tai giữ một nhiệm vụ khác nhau và có mối liên quan phức tạp đến các cơ quan khác, do đó phân loại chảy máu tai cũng được xem xét trên các phần tương ứng.

1. Chảy máu tai ngoài


Tai ngoài được cấu tạo gồm: vành tai, ống tai ngoài. Với cấu tạo này, tai ngoài có nhiệm vụ thu nhận và dẫn truyền âm thanh. Thông thường, ở tai ngoài, những tổn thương xảy ra ở vành tai sẽ ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên nếu yếu tố gây chảy máu tai đến từ ống tai, người bệnh cần đến bệnh viện để được xử lý cầm máu, tránh ảnh hưởng đến vấn đề mất máu và sẹo hẹp ống tai.

2. Chảy máu tai giữa


Tai giữa gồm các bộ phận: màng nhĩ, hòm nhĩ, xương con dẫn truyền âm thanh, cơ xương con. Tai giữa có chức năng khuếch đại sóng âm thu được từ tai ngoài và truyền đến tai trong. Chảy máu tai giữa thường đến từ nguyên nhân nhiễm trùng, đặc biệt là liên quan đến bệnh lý viêm tai giữa. Nhiễm trùng tai giữa hay viêm tai giữa là tình trạng tai giữa sưng, đau, chảy dịch, kèm theo sốt, nặng hơn có thể gây ứ mủ dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ, viêm màng não, áp xe nội sọ… Viêm tai giữa không phân biệt độ tuổi, nhưng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu không được điều trị sớm có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng.

Chảy máu tai giữa còn được biết đến với tình trạng chảy máu hòm nhĩ (Hemotympanum), đây là hiện tượng xuất huyết, tụ máu trong khoang tai giữa và bầm máu của màng nhĩ. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chảy máu tai sau màng nhĩ là vỡ xương thái dương do chấn thương đầu, chảy máu mũi, rối loạn đông máu, điều trị bằng thuốc chống đông máu, chấn thương khí áp và viêm tai giữa.(1)

3. Chảy máu tai trong


Tai trong có cấu trúc gồm: mê đạo xương và mê đạo màng của các cấu trúc tiền đình tai trong như soan nang, cầu nang, ống bán khuyên và cấu trúc ốc tai. Các bộ phận của tai trong giúp đảm bảo chức năng thính giác và giữ cảm giác thăng bằng cho cơ thể. Tương tự như tai giữa, chảy máu tai trong có thể xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, tuy nhiên so với viêm tai giữa, viêm tai trong thường hiếm gặp hơn. Chảy máu tai trong cũng có thể là cảnh báo liên quan đến những tổn thương ở cấu trúc sọ não và có nguy cơ đe doạ tính mạng người bệnh.

Chảy máu tai là bệnh gì?


Chảy máu tai không phải là một bệnh lý cụ thể mà là triệu chứng của nhiều tổn thương khác nhau liên quan đến tai hoặc sọ não. Trong đó, ngoài nhiễm trùng, viêm tai giữa, viêm tai trong, chảy máu tai còn có thể bị gây ra bởi ung thư. Những loại ung thư dẫn đến chảy máu tai có thể kể đến gồm: ung thư ống tai, ung thư tai giữa hoặc ung thư nền sọ. Hầu hết ung thư tai thường không phổ biến, nhưng người bệnh cần hết sức lưu ý để tầm soát, sàng lọc sớm khi có triệu chứng ở tai.

Nguyên nhân chảy máu tai


Chảy máu tai do nguyên nhân gì? Đây là câu hỏi của rất nhiều người khi bất ngờ phát hiện tai bị chảy máu mà không rõ nguyên nhân. Kỳ thực, với cấu trúc phức tạp của tai, có rất nhiều yếu tố có thể khiến tai chảy máu. Dưới đây là một số nguyên nhân chảy máu tai mà mọi người có thể tham khảo.

Tổn thương bề mặt da:

Tổn thương da là nguyên nhân phổ biến và ít nguy hiểm nhất liên quan đến chảy máu tai. Các tổn thương da tai thường gặp gồm:

  • Vết cắt, vết xước: Trong sinh hoạt hằng ngày, một số hoạt động như cắt tóc, cạo râu, đeo khuyên tai, lấy ráy tai, mang gọng kính chật gây ma sát… đều có thể khiến vùng da vành tai bị tổn thương và gây chảy máu.
  • Mụn, viêm da: Mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc, đều có thể dẫn tới chảy máu tai nếu không được xử lý đúng cách.

Dị vật trong tai:

Tăm bông, đồ chơi, vật có kích thước nhỏ khi rơi vào tai có khả năng khiến tai bị thương và gây chảy máu, trẻ em là đối tượng thường vô ý cho các vật nhỏ vào tai nhất do đó cha mẹ cần đặc biệt lưu ý biểu hiện của con và tránh cho con chơi các vật nhỏ, nhọn nguy hiểm.

Thủng màng nhĩ:

Màng nhĩ là lớp màng ngăn cách tai ngoài với phần tai giữa, có chức năng tiếp nhận sóng âm, tạo rung động và dẫn truyền qua chuỗi xương con đến các tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong.

nguyên nhân chảy máu tai
Lấy ráy tai không đúng cách có thể gây chảy máu tai

Có nhiều nguyên nhân khiến màng nhĩ bị thủng như: lấy ráy tai quá sâu, viêm tai giữa, dị vật, va đập vùng đầu và tai, chấn thương do âm thanh lớn… Màng nhĩ bị thủng gây giảm thính lực, điếc tai, nếu không xử lý đúng cách có thể làm nặng hơn tình trạng viêm nhiễm.

Viêm tai, nhiễm trùng tai:

Nguyên nhân phổ biến khiến tai bị viêm, nhiễm trùng thường là do vi khuẩn, virus hoặc nấm, trong đó tác nhân chủ yếu là các loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và virus cúm. Viêm tai tiến triển có thể gây thủng màng nhĩ, chảy máu tai, chảy dịch mủ tai.

Thay đổi áp suất đột ngột:

Thính giác rất nhạy cảm với áp suất không khí, trong một số trường hợp, chảy máu tai có thể do việc thay đổi áp suất không khí đột ngột gây ra. Hiện tượng này thường gặp với những người đi máy bay hoặc lặn biển sâu. Tai giữa vốn là một khoang kín, trong điều kiện bình thường, áp suất bên trong tai giữa được giữ cân bằng với bên ngoài nhờ một ống nối liền tai giữa và khoang mũi họng. Khi độ cao thay đổi đột ngột (lặn biển, máy bay lấy đà cất cánh, tăng độ cao, hạ cánh…), áp suất môi trường thay đổi bất ngờ gây áp lực lên màng nhĩ và tai giữa, sự chênh lệch của áp suất có thể làm ù tai, rách màng nhĩ, chảy máu tai giữa.(2)

Ung thư tai:

Thông thường ung thư tai sẽ khởi phát từ ống tai hoặc da tai ngoài, phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy, ngoài ra còn có một số loại ung thư khác như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô nang tuyến… Vị trí ung thư tai có thể ở ống tai hoặc liên quan đến các cấu trúc khác như màng nhĩ, xương con, xương chũm, thần kinh tiền đình ốc tai… Ung thư tai khiến người bệnh đau, chảy máu, chảy dịch, yếu cơ mặt, giảm thích lực.

Chấn thương sọ não:

Chấn thương sọ não là tình trạng phần đầu bị tác động hoặc va đập với vật thể cứng (té ngã, tai nạn giao thông, vật cứng rơi vào đầu, vật thể xuyên qua sọ…) dẫn đến tổn thương nặng. Nguyên nhân chảy máu tai từ chấn thương sọ não có thể liên quan hoặc không liên quan đến cấu trúc của tai. Chấn thương sọ não có thể dẫn đến bầm tím, rách mô, chảy máu và các tổn thương thực thể khác của não, mà chảy máu tai chính là biểu hiện ra bên ngoài của những tổn thương kể trên, cho thấy tính mạng của nạn nhân gặp nguy hiểm. Chấn thương sọ não với máu chảy ra từ tai có thể khiến nạn nhân mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu chảy máu tai


Không phải mọi trường hợp chảy máu tai đều sẽ lập tức nhìn thấy được, tuỳ vào nguyên nhân chảy máu tai, người bệnh có thể cảm nhận được các dấu hiệu khác nhau như:

  • Xuất huyết tai: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của chảy máu tai. Hiện tượng chảy máu có thể xuất hiện bên ngoài tai (xước, rách da, nặn mụn…) hoặc chảy máu từ bên trong ra. Với trường hợp tai chảy máu bên trong, người bệnh cần xem xét thêm các yếu tố liên quan và các dấu hiệu khác để xác định nguyên nhân.
  • Đau nhức: Có nhiều nguyên nhân cũng như các dạng đau tai khác nhau, người bệnh có thể cảm thấy đau đột ngột hoặc đau dai dẳng nhiều ngày. Nguyên nhân gây đau tai có thể là triệu chứng của viêm tai, nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, thay đổi áp suất, áp xe trong tai, ung thư tai, dị vật hoặc côn trùng chui vào tai…
  • Ù tai, mất thính lực: Chảy máu tai do thủng màng nhĩ có thể ảnh hưởng đến thính giác người bệnh, gây đau tai, giảm khả năng nghe hoặc điếc hoàn toàn.
  • Tai chảy dịch: Với những trường hợp bị viêm tai giữa, viêm tai trong, ngoài tình trạng chảy máu tai, còn có thể kèm theo hiện tượng chảy dịch mủ, có mùi hôi.
  • Chóng mặt: Cấu trúc tai ngoài chức năng thính giác còn có chức năng giữ thăng bằng, do đó khi có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn có thể là dấu hiệu tổn thương hệ thống tiền đình tai trong.

Biến chứng chảy máu tai


Do không phải là một bệnh lý cụ thể, nên chảy máu tai không có biến chứng trực tiếp, những biến chứng liên quan đến chảy máu tai phụ thuộc vào nguồn gốc gây nên hiện tượng chảy máu. Nếu không được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có thể chịu hậu quả lâu dài về thính giác, trường hợp nghiêm trọng có thế nguy hiểm tính mạng.

  • Ảnh hưởng chức năng thính giác, mất thính lực một phần hoặc vĩnh viễn, thường xuyên bị ù tai, nghe kém.
  • Mất máu, nhiễm trùng da, lở loét, nhiễm nấm.
dấu hiệu chảy máu tai
Viêm tai gây chảy máu tai ở trẻ nhỏ nếu không điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến thính giác và phát triển ngôn ngữ

Người bệnh viêm tai giữa thủng màng nhĩ, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được điều trị sớm có thể gặp biến chứng ù tai, điếc, ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ. Nghiêm trọng hơn có thể gây viêm não – màng não, nguy hiểm tính mạng.

Các bệnh lý viêm mê đạo tai, viêm dây thần kinh tiền đình không những khiến người bệnh nghe kém mà còn làm mất khả năng kiểm soát thăng bằng, thường xuyên có cảm giác chóng mặt, choáng váng. Theo thời gian nếu không được can thiệp, các tổn thương có thể tiến triển vào khoang sọ, gây viêm não thất, viêm màng não, viêm não.

Làm sao để điều trị chảy máu tai?


Việc điều trị chảy máu tai cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu tai. Với các tổn thương ngoài da, người bệnh có thể tự sơ cứu tại chỗ, cầm máu và xử lý vết thương để tránh nhiễm trùng. Trong trường hợp phát hiện máu chảy ra từ trong tai, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng cho người chảy máu tai gồm:(3)

  • Dùng thuốc: Thuốc kháng sinh được sẽ được sử dụng trong trường hợp phát hiện chảy máu tai ở người bệnh có yếu tố liên quan đến nhiễm trùng. Một số loại thuốc khám viêm, giảm đau cũng được bác sĩ kê khi người bệnh có cảm giác đau khó chịu.
  • Giám sát tích cực: Nhiều trường hợp chảy máu tai có thể tự cầm mà không cần can thiệp, bác sĩ sẽ theo dõi và có kế hoạch điều trị hiệu quả.
  • Điều trị bệnh lý: căn cứ vào bệnh lý gây chảy máu tai như viêm tai trong, viêm tai giữa, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh.
  • Loại bỏ dị vật: Nếu tai chảy máu do dị vật rơi vào, bác sĩ sẽ loại bỏ dị vật và xử lý cấp cứu, điều trị theo mức độ nghiêm trọng.
  • Phẫu thuật: Các bệnh nhân chảy máu tai do thủng màng nhĩ đơn thuần có thể được chỉ định mổ nội soi vá màng nhĩ, giúp màng nhĩ lành kín và giúp cải thiện chức năng thính lực của người bệnh.

Phòng ngừa chảy máu tai như thế nào?


Các yếu tố nguy cơ gây chảy máu tai là hết sức đa dạng, do đó rất khó để phòng ngừa hoàn toàn, tuy nhiên bạn có thể hạn chế tối thiểu khả năng dẫn đến chảy máu tai và giảm rủi ro gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Giảm nguy cơ nhiễm trùng tai:

  • Rửa tay thường xuyên;
  • Tránh khói thuốc lá;
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa, chẳng hạn vắc xin phế cầu có khả năng giúp cơ thể chống lại một số bệnh như: viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa…

Giảm nguy cơ thủng màng nhĩ:

  • Thăm khám và điều trị kịp thời bệnh lý nhiễm trùng tai;
  • Khi tiếp xúc với môi trường có tiếng ồn lớn cần đeo chụp bảo vệ tai;
  • Đeo nút tai khi đi máy bay để giảm tác động của áp suất không khí;
  • Không lấy ráy tai quá sâu, tránh nhét tăm bông hoặc các dị vật vào tai.

Các thắc mắc thường gặp khi tai bị chảy máu

1. Chảy máu tai có nguy hiểm không?


Trừ những tổn thương tai có thể nhìn thấy được, thông thường khi bị chảy máu tai, nhiều người cảm thấy lo lắng vì không rõ chảy máu tai do nguyên nhân bị gì và có nguy hiểm không? Như đã nói, chảy máu ngoài tai thường ít nguy hiểm hơn so với chảy máu bên trong tai. Đánh giá mức độ nguy hiểm của chảy máu tai được căn cứ trên nguyên nhân gây chảy máu, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị đúng cách.

khám bác sĩ khi bị chảy máu tai
Khách hàng nội soi kiểm tra nguyên nhân chảy máu tai tại Bệnh viện Tâm Anh.

2. Tai bị chảy máu có sao không?


Chảy máu tai sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn khi bạn chỉ bị rách da, trầy xước bên ngoài, tuy nhiên khi tai chảy máu kèm một số triệu chứng như chảy dịch, đau tai, ù tai, nghe kém,… thì nhiều khả năng tai đang bị nhiễm trùng hoặc thủng màng nhĩ. Người gặp tai nạn, sự cố gây tổn thương vùng đầu kèm theo chảy máu tai, chảy máu mũi cần được cấp cứu ngay vì đó có thể là dấu hiệu của chấn thương sọ não.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị chảy máu tai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:

Chảy máu tai là hiện tượng phổ biến, có thể xảy ra do tai bị tổn thương bề mặt da, nhiễm trùng tai, chấn thương và ung thư tai. Chảy máu tai có thể được điều trị thông qua dùng thuốc, theo dõi tích cực hoặc phẫu thuật, phương điều trị được chỉ định dựa trên kết quả thăm khám, xác định nguyên nhân. Để phòng ngừa, bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có thể gây chảy máu tai, người bệnh cần thăm khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ và bệnh lý tiềm ẩn.

Xem tiếp...
 
Top Bottom