Phương Nga
Tích Cực
Đám cưới Đỗ Mỹ Linh và con trai bầu Hiển đã qua được 10 ngày nhưng vẫn để lại dư âm. Trước đó, khi thông tin đám cưới lộ ra ngoài, phát ngôn của Hoa hậu Việt Nam 2016 về tiêu chí chọn bạn trai của cô được xới lại: “Tôi đã cố gắng rất nhiều để có được ngày hôm nay, lẽ nào lại dành tình yêu cho một chàng trai kém cỏi”.
Lời nói thật thà của Hoa hậu bị đưa ra mổ xẻ khắp các hội nhóm, diễn đàn. Người khen khôn ngoan, người chê thực dụng. Và nhiều hơn cả là những lời mai mỉa, rằng các cô gái đẹp đi thi hoa hậu chỉ để lấy được chồng giàu. Rằng tình yêu ngày càng mất giá, bị xếp xuống hàng thứ yếu sau tiền bạc, địa vị, danh vọng…
Tạm đặt sang một bên động cơ thực sự của những mối tình chân dài - đại gia. Vì tình hay vì tiền thì đó là lựa chọn riêng của họ. Nói về lựa chọn của bạn đi: Bạn có sẵn sàng yêu một chàng trai kém cỏi ngay cả khi bạn không hề xuất sắc?
Hẳn là sẽ rất rất ít các cô gái nói “sẵn sàng”, đúng không?
Vậy thì đâu chỉ riêng Hoa hậu mới thực dụng. Ai cũng phải thực dụng cả. Bởi vì đó là bản năng sinh tồn tự nhiên. Như muôn loài, chúng luôn tìm đến những điều tốt nhất. Con cái tìm một con đực khỏe mạnh để đảm bảo thức ăn. Con đực tìm một con cái đẹp đẽ để đảm bảo giống nòi. Trừ khi bạn tìm sai. Còn chẳng ai lại chủ đích đi tìm một thứ không tốt đẹp cho mình.
Đôi khi tình yêu có những lí lẽ riêng của nó. Bạn có thể rơi vào lưới tình của một chàng trai chẳng ra gì. Bạn biết thế và bạn vẫn yêu. Nhưng nói thật đi, bạn có ước ao rằng anh chàng đó sẽ vì bạn mà thay đổi, mà nỗ lực trở nên tốt đẹp hơn không? Hoặc là, bạn có mong muốn thoát ra khỏi mối quan hệ đó, sẽ dứt được anh ta ra mà yêu một người khác tốt hơn không?
Các cô gái ngay từ nhỏ đã được bố mẹ trực tiếp hay gián tiếp hướng dẫn cách chọn chồng trong tương lai. Mỗi gia đình một cách dạy, mỗi gia đình một tiêu chí. Nhưng quy lại vẫn là một chữ “tốt”. Kiếm được tấm chồng “tốt” là mong ước của mọi cô gái bước vào tuổi cập kê và bố mẹ của cô ta. Chữ “tốt” ấy không chỉ là tiền, mà còn là đạo đức, trí tuệ, tài năng, phẩm chất.
Cha mẹ dạy con cách chọn chồng, chứ không ai dạy con rằng yêu đại ai thì yêu, cưới đại ai thì cưới. Yêu hay cưới thì đều phải “chọn”, tức là phải dùng trí tuệ của mình, sự hiểu biết của mình để phân biệt phải trái đúng sai tốt xấu và sự phù hợp, tương thích. Đến bạn chơi còn phải chọn - chọn bạn mà chơi. Lẽ nào khi yêu và cưới lại nhắm mắt đưa chân làm liều?
Do vậy mà, thực dụng chính là hiểu biết, là yếu tố mà mọi cô gái cần được trang bị trước khi bước vào đời, để phân loại các mối quan hệ, để tìm kiếm người có thể kết giao và người để kết duyên. Không phải là cứ giàu thì mới chơi, mà là sự tương thích, phù hợp. Bạn bè hay người yêu đều cần sự đồng điệu. Sự đồng điệu đó khiến mình được chia sẻ, được dựa vào, được tự do là chính mình và giúp cho bản thân mình tốt lên mỗi ngày. Ngược lại, nếu không có sự đồng điệu, bạn khó có thể thân và người yêu khó có thể sâu sắc. Chưa nói đến lúc thành vợ thành chồng, hai con người không tương thích, đồng điệu sẽ không thể đi cùng nhau trên đường đời.
Đó là lý do mà một Hoa hậu không thể lấy anh công chức quèn. Cô ấy đẹp, cô ấy có học thức, cô ấy độc lập tài chính, cô ấy có danh tiếng địa vị. Tại sao lại muốn cô ấy dành tình yêu cho một người đàn ông kém cỏi? Đó không chỉ là một đòi hỏi vô lý mà còn đầy tính đố kị, tự ti của những người không bao giờ chịu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để trở nên tốt đẹp hơn.
Mà này các chàng trai, anh có sẵn sàng dành tình yêu cho một cô gái kém cỏi lại không hề xinh đẹp không, ngay cả khi anh không có gì xuất sắc?
Sẽ có người nói rằng, tình yêu sẽ đưa bạn đến với bất kỳ ai và đến bất kỳ đâu. Sự thực đúng thế. Có không ít người tôn thờ tình yêu, xem tình yêu là tất cả. Với họ, tình yêu không có sự tham gia của trí tuệ, của tính toán lợi - thiệt. Họ có thể yêu bất kỳ ai miễn là họ thấy yêu. Và nếu như tình yêu ấy sụp đổ, họ sẵn sàng giết chết người yêu và tự sát để được ở bên người mình yêu. Yêu như thế có “tốt” không?
Romeo và Juliet chỉ là hai đứa trẻ vị thành niên khi tự tử vì tình. Còn ngày nay, mạng xã hội chứng kiến không biết bao người đã trưởng thành vẫn tước đoạt mạng sống của người mình yêu và của chính mình chỉ vì đặt tình yêu lên đầu.
Những vụ đoạt mạng vì tình ái ngày càng nở rộ, cho thấy tình yêu đang vừa bị xem thường lại vừa bị coi trọng quá mức trong cuộc sống hiện đại. Đó là khi người ta nghĩ rằng tình yêu cứu rỗi tất cả, không thể sống được nếu thiếu tình yêu. Sự thực là chỉ có bác sĩ, thuốc thang và một lối sống lành mạnh mới cứu rỗi chúng ta. Cũng như thế, người ta chỉ không thể sống nếu thiếu thức ăn, nước uống. Và do đó, cái chúng ta cần là một công việc tốt để có tiền mua thức ăn, nước uống, thuốc thang, đi bác sĩ và sống lành mạnh. Sau tất cả mới đến yêu.
Sẽ chẳng thể yêu nhau trong cơ thể ốm yếu, trong tình trạng thất nghiệp, trong trí tuệ rỗng tuếch, trong tâm hồn u ám. Khi đó, người ta yêu chính mình còn không nổi.
Tình yêu - trong phạm vi hẹp của tình yêu đôi lứa - dù là điều vô cùng đẹp đẽ mà vũ trụ ban cho con người, thì nó vẫn chỉ một thứ đẹp đẽ trong muôn vàn thứ đẹp đẽ khác. Ngoài tình yêu đôi lứa ấy, chúng ta còn có tình yêu với cha mẹ người thân, tình yêu với bạn bè, tình yêu với thiên nhiên, tình yêu với tri thức, tình yêu với công việc, tình yêu với chính cơ thể mình.
Đừng bao giờ nghĩ rằng tình yêu đôi lứa là trên hết, là tất cả, bởi vì nó không thay thế được cho tất cả những điều còn lại của cuộc đời. Hãy xếp tình yêu ở thứ hạng “vừa vừa” thôi. Và nếu bạn xếp tình yêu sau tiền bạc thì hãy cứ tự tin rằng đó là lựa chọn tốt đẹp của riêng bạn. Không có gì phải xấu hổ cả. Vì tình yêu hay tiền bạc đều bình đẳng như nhau về cả ý nghĩa và giá trị của nó tới chất lượng cuộc sống của con người.
H.H
Xem tiếp...